Việt Nam có thể ‘lật đổ’ Trung Quốc khi giới đầu tư nước ngoài mệt mỏi vì Zero Covid?

Được đánh giá là miền đất hứa để đầu tư, Việt Nam có thể nhắm soán ngôi vương trung tâm sản xuất điện tử công nghệ của Trung Quốc.
Sputnik
Trong bối cảnh Trung Quốc áp dụng nghiêm ngặt chính sách “Zero Covid”, các nhà sản xuất đang tìm kiếm những giải pháp thay thế cho nền kinh tế lớn nhất thế giới, cũng là trung tâm sản xuất số 1 của thế giới.
Việt Nam, với nguồn nhân công rẻ, vị trí địa lý gần Trung Quốc và môi trường chính trị ổn định, là đất nước được hưởng lợi chính.

Khó khăn của Trung Quốc và lợi thế của Việt Nam

Tại các khu công nghiệp nằm giữa những ngọn đồi và cánh đồng chè trập trùng ở miền Bắc Việt Nam, hàng trăm ngàn công nhân nhà máy đang bận rộn làm ra các sản phẩm cho những công ty công nghệ khổng lồ hàng đầu như Apple, Samsung, LG Electronics và Microsoft.

“Nhiều công ty đã phải vật lộn với chiến tranh thương mại, chống chọi với tình trạng chi phí lao động tăng cao ở Trung Quốc, và sau đó là sự đổ vỡ của chuỗi cung ứng trong Covid-19 do hính sách zero Covid của Trung Quốc. Tôi nghĩ đây đã là giới hạn cuối cùng”, - Greg Poling, giám đốc Chương trình Đông Nam Á tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS), nói với Al Jazeera.

Theo ông Poling, Việt Nam không phải là điểm đến duy nhất mà các công ty đa quốc gia đang tìm cách đa dạng hóa ra khỏi Trung Quốc, nhưng Việt Nam “có lẽ là nơi thành công nhất”.
Apple, Google và Samsung đều đang thúc đẩy những hoạt động đầu tiên tại quốc gia Đông Nam Á này.
Foxconn và Luxshare Precision Industry, hai trong số các nhà cung cấp quan trọng nhất của Apple, hiện đang đàm phán để sản xuất Apple Watch và Macbook tại Việt Nam. Để hỗ trợ cho việc mở rộng sản xuất tại Việt Nam, Foxconn đã công bố kế hoạch đầu tư 300 triệu USD vào một nhà máy mới rộng 50,5 ha ở Bắc Giang, một tỉnh phía bắc cách Hà Nội khoảng 50 km.
Theo phân tích của JP Morgan đưa ra hồi tháng trước, sản lượng các sản phẩm khác của Apple tại Việt Nam cũng sẽ tăng lên: 65% tai nghe không dây AirPods sẽ được sản xuất tại Việt Nam vào năm 2025.
Google dự kiến ​​bắt đầu sản xuất điện thoại thông minh Pixel tại Việt Nam từ năm 2023, trong khi Samsung dự kiến ​​sản xuất linh kiện bán dẫn vào mùa hè năm sau tại nhà máy ở Thái Nguyên.

“Hiện tại ở Trung Quốc quá đắt đỏ. Vấn đề là các vụ phong toả diễn ra bất ngờ và quá thường xuyên… Nhiều nhà máy đang chuyển đến Việt Nam”, - Albert Tan, phó giáo sư tại Học viện Quản lý Châu Á ở Manila (Philippines), nói với Al Jazeera.

Đại dịch COVID-19
Việt Nam là nước chiến thắng trong chính sách Zero Covid của Trung Quốc

“Cường quốc tiếp theo”

Ông Tan cho rằng, với những chính sách đúng đắn, Việt Nam có thể trở thành “cường quốc tiếp theo” ở châu Á về sản xuất.
Dù vậy, theo ông Tan, vấn đề đặt ra là Việt Nam có thể tiếp nhận tất cả các loại hình sản xuất này từ Trung Quốc và xây dựng năng lực của mình nhanh như thế nào.
Việt Nam là một trong những quốc gia nghèo nhất thế giới trước khi nổi lên như một trung tâm sản xuất công nghệ sau khi thực hiện các cải cách kinh tế tự do (còn gọi là Đổi mới) vào cuối những năm 1980.
Sau một năm nhiều khó khăn do làn sóng dịch Covid-19 lần thứ 4 năm ngoái, Việt Nam đã chính thức chuyển từ “Zero Covid” sang chiến lược sống chung với dịch bệnh sau khi triển khai hàng loạt đợt tiêm chủng vaccine. Ngân hàng Thế giới (WB) dự báo nền kinh tế Đông Nam Á này sẽ tăng trưởng 7,2% trong năm nay - tăng từ mức tăng 2,6% của năm ngoái - so với mức tăng trưởng 2,8% của Trung Quốc.
Phần lớn sự tăng trưởng đó đến từ xuất khẩu, khi mà trong 6 tháng đầu năm 2022 đã đạt 186 tỷ USD - tăng hơn 17% so với cùng kỳ năm ngoái.
Trong khi các chính sách ứng phó Covid-19 của Trung Quốc đã làm mất lòng tin của các nhà đầu tư, các nhà phân tích vẫn theo dõi sự trỗi dậy của Việt Nam từ rất lâu trước khi có đại dịch.

“Việt Nam đã nhận được một lượng lớn đầu tư trực tiếp nước ngoài kể từ khi căng thẳng thương mại với Trung Quốc bùng phát và chi phí lao động tại nhà máy của Trung Quốc bắt đầu tăng nhanh chóng”, - David Dapice, chuyên gia kinh tế về Chương trình Việt Nam tại Trường Harvard’s Kennedy, nói với Al Jazeera.

Chính sách khuyến khích đầu tư và thương mại

Việt Nam đã đạt được những bước tiến trong việc mở cửa thương mại và khuyến khích đầu tư trong những năm gần đây, tham gia 15 hiệp định thương mại tự do, trong đó có 6 hiệp định với các đối tác khu vực thuộc Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN).

“Việt Nam đã ký rất nhiều FTA với nhiều quốc gia nên việc thông quan rất thuận lợi. Việc đưa linh kiện từ Trung Quốc đại lục về Việt Nam rất dễ dàng”, - Eddie Han, nhà phân tích cấp cao của Isaiah Research tại Đài Loan, nói với Al Jazeera.

Poling, nhà phân tích của CSIS, cho rằng Việt Nam chiếm ưu thế so với các đối thủ cạnh tranh như Indonesia và Philippines thông qua các chính sách thân thiện với doanh nghiệp và sự ổn định chính trị.

“Những gì Việt Nam đã làm được để vượt lên trên hai đối thủ cạnh tranh đó là họ đã tạo thuận lợi cho hoạt động kinh doanh một cách có mục đích. Nếu bạn là nhà đầu tư nước ngoài và bạn ký hợp đồng 30 năm với Việt Nam, bạn có thể khá chắc chắn rằng hợp đồng đó sẽ vẫn còn nguyên giá trị sau 30 năm kể từ bây giờ. Thành thật mà nói, bạn không thể làm điều đó ở Indonesia hay Philippines”, - ông Poling nhận định.

Ngoài các thiết bị công nghệ như iPhone, Việt Nam cũng ngày càng trở nên quan trọng trong chuỗi cung ứng chất bán dẫn, vốn liên quan đến quá trình sản xuất phức tạp hơn ở các loại hàng hóa khác.
Năm ngoái, Intel đã đầu tư 475 triệu USD vào địa điểm lắp ráp và thử nghiệm chip lớn nhất của mình tại Thành phố Hồ Chí Minh.
Vào tháng 8, Roh Tae-Moon, người đứng đầu mảng điện thoại di động của Samsung Electronics, thông báo rằng công ty Hàn Quốc sẽ đầu tư 3,3 tỷ USD vào sản xuất linh kiện bán dẫn tại nhà máy ở Thái Nguyên vào tháng 7 năm 2023.
Synopsys, một công ty phần mềm thiết kế chip của Mỹ, cũng đã công bố về việc chuyển đầu tư và đào tạo kỹ sư sang Việt Nam.

“Điều làm tôi thu hút là sự gia tăng giá trị và khía cạnh công nghệ của những gì Việt Nam xuất khẩu”, - Craig Martin, Chủ tịch công ty quản lý tài sản Dynam Capital có trụ sở tại Thành phố Hồ Chí Minh, nói với Al Jazeera.

Nói về động thái sản xuất linh kiện bán dẫn của Samsung tại Việt Nam, Martin cho rằng doanh thu trong quá trình lắp ráp càng phức tạp và khó khăn thì vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài cũng sẽ trở nên khó khăn hơn.

“Sự tiến triển trong việc nâng cao chuỗi giá trị hàng xuất khẩu là một tin tốt”, - ông nói.

Tuy nhiên, một số nhà quan sát vẫn nghi ngờ về việc Việt Nam có thể tiến xa như thế nào với tư cách là một trung tâm sản xuất công nghệ cao. Lực lượng lao động của Việt Nam chỉ bằng một phần nhỏ so với quy mô của Trung Quốc. Tay nghề kỹ năng của họ cũng thấp hơn so với các nước châu Á khác như Hàn Quốc và Nhật Bản. Tình trạng tham nhũng, bất chấp các biện pháp trấn áp của chính quyền và nâng cao nhận thức, vẫn còn phổ biến và nghiêm trọng.
Đại dịch COVID-19
Những con mắt đổ về Việt Nam vì chính sách Zero Covid của Trung Quốc
Theo Dapice, lao động giá rẻ – một trong những lợi thế chính của Việt Nam – khó có thể kéo dài. Khi nền kinh tế phát triển, tiền lương chắc chắn cũng sẽ tăng lên.

“Tôi kỳ vọng những xu hướng dài hạn này sẽ tiếp tục cho đến khi Việt Nam tìm được chính sách duy trì lợi thế nguồn lao động”, - Dapice nói về sự bùng nổ sản xuất của quốc gia Đông Nam Á này.

Thảo luận