Cầu Crưm bị đánh bom? Bước leo thang nguy hiểm của Kiev

Từ vụ cầu Crưm bị đánh bom: Nước Nga hiện nay như một chiếc lò xo đang bị nén mạnh, bị dồn ép đến cùng cực nhưng vẫn không thiếu sức sống và ý chí. Và điều chắc chắn là một khi thời cơ đến, cái lò xo ấy bật mạnh trở lại.
Sputnik
Sáng 8/10, một chiếc xe tải đã phát nổ trên cầu Crưm (Crimea) dẫn đến cháy các thùng chở nhiên liệu của đoàn tàu hỏa. Đánh giá ban đầu về cơ sở hạ tầng đường sắt trên cầu Crưm đã được thực hiện, đường sắt sẽ được khôi phục và trở lại hoạt động bình thường vào 20:00h Matxcova, Bộ Giao thông Vận tải Liên bang Nga đưa tin.
Theo thông tin của các cơ quan chức năng, hai máy bay trực thăng của Bộ Tình trạng khẩn cấp, cũng như 380 người và 93 thiết bị, đã tham gia vào việc xử lý hậu quả của vụ việc trên.
Chuyện gì đã xảy ra? Ai là thủ phạm? Hậu quả và những diễn biến tiếp theo sẽ như thế nào?
Sputnik đã đề cập tới những vấn đề trên trong cuộc phỏng vấn nhanh Đại tá Nguyễn Minh Tâm, nguyên giám đốc Trung tâm thông tin và tư liệu, Bộ công an, nhà phân tích các vấn đề chính trị và quân sự có uy tín ở Việt Nam.

Hiện tại, mọi phán đoán chỉ là phán đoán

Sputnik: Thưa ông Nguyễn Minh Tâm, vụ nổ trên cầu Crưm sáng nay thật bất ngờ. Tại thời điểm hiện tại đã có nhiều bình luận được đưa ra dựa trên những hình ảnh được đăng tải trên không gian mạng. Theo đánh giá của ông, thì khả năng chuyện gì đã xảy ra?
Đại tá Nguyễn Minh Tâm, nguyên giám đốc Trung tâm thông tin và tư liệu, Bộ công an, nhà phân tích các vấn đề chính trị và quân sự:
Thông tin về vụ nổ trên cầu Crưm sáng nay được dẫn ra từ các nguồn khác nhau và điều đáng chú ý là ngoài những hình ảnh và video tại hiện trường, tôi không thấy một hãng truyền thông nào dẫn ra được nguồn tin có thể xác minh được về các thông tin của họ. Tuy nhiên, từ những nội dung thông tin và các bức ảnh, các đoạn video được cho là quay tại hiện trường, chúng ta hãy thử phân tích các giả thiết.
Nhìn vào hai bức ảnh chụp hiện trường được cho là của Twitter đăng tải, chúng ta có thể thấy nhánh đường bộ của cầu Crưm có khoảng cách đáng kể so với nhánh đường sắt. Thêm vào đó nhánh đường bộ xuống dốc ở bên trái cho thấy đây là điểm gần hết thúc của cây cầu do đường bộ có thể có độ dốc lớn, nhưng đường sắt thì cần có độ dốc nhỏ hơn. Với khoảng cách đó thì một xe ô tô có thể chở tới cả trăm kg thuốc nổ cũng khó có thể phá hủy các nhịp cầu trên nhánh đường sắt.
Ngược lại, nếu vụ nổ phát sinh từ tàu chở dầu thì nó sẽ không chỉ làm cho toa xe này bốc cháy mà phải phá hủy cả một nhịp cầu đường sắt. Tuy nhiên, theo nguồn tin tôi đọc được thì giới chức địa phương nói: “Vòm cầu không bị hư hại”, điều này không thật chính xác. Vì cầu Crưm không phải là cầu vòm toàn bộ. Ngoài một nhịp vòm sắt ở nhất ở khoảng giữa eo biển Kerch, toàn bộ phần còn lại của cầu Crưm là nhịp bê tông đạt gối lên các trụ mố cầu cũng bằng bê tông.
Hơn nữa, toa xe chở dầu bị bốc cháy là toa xe cuối cùng của đoàn tàu. Nếu có kẻ nào đó muốn phá hủy cả cây cầu lẫn đoàn tàu thì phải đặt chất nổ ở đầu tàu hoặc ở toa giữa. Khi nhịp cầu đường sắt bị phá hủy và đường ray bị đứt, cả đoàn tàu sẽ bị kéo xuống biển. Nhưng như chúng ta đã quan sát thấy qua hình ảnh và video, ngoài toa cuối cùng bị cháy, đoàn tàu vẫn được kéo về ga Kerch. Vì vậy, chỉ còn khả năng duy nhất là những mảnh vỡ bắn ra từ vụ nổ trên chiếc xe chở bom (nếu có) đã văng vào toa xe chở dầu và gây ra vụ cháy thứ cấp.
Điểm thứ hai đáng chú là mặt cầu nhánh đường bộ chỉ bị sập một nhịp dài khoảng vài chục mét ở rất cần bờ. Nó cho thấy đây là một vụ phá hoại không lớn. Với những tổn thất này, việc khắc phục có thể hoàn thành chỉ trong một vài ngày. Còn đối với nhánh đường sắt thì vụ cháy toa chở dầu không thể ảnh hưởng tới đường ray vốn làm bằng thép và ván thanh tà vẹt làm bằng bê tông. Thêm vào đó, nếu muốn phá hủy một nhịp cầu, người ta phải đặt chất nổ vào các gối đỡ các đầu nhịp ở trụ mố cầu chứ không thể cho phát nổ một xe bom trên mặt cầu. Thực tế trận pháo kích bằng tên lửa HIMARS của Ukraina vào cây cầu chiến lược bắc qua qua sông Dniepr gần Kherson cho thấy mặt cầu có thể bị hư hại nhưng cả nhịp cầu và trụ cầu vẫn không hề hấn gì.
Chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraina
Văn phòng của Zelensky nói về vụ nổ trên cầu Crưm: «Bất hợp pháp» phải bị phá hủy
Do đó, chỉ sau khi khám nghiệm hiện trường và công bố các kết luận của Cơ quan phòng chống khủng bố Nga cũng như Cơ quan khoa học hình sự Nga và Cơ quan an ninh Nga thì diễn biến thực tế của vụ việc mới được làm rõ. Còn lại, mọi phán đoán chỉ là phán đoán. Và hơn nữa, phán đoán của nhiều phóng viên, biên tập viên thiếu kinh nghiệm và hiểu biết còn không đáng tin cậy vì nó mang chất cảm tính hơn là logic.

Ai là thủ phạm?

Trả lời câu hỏi của phóng viên Sputnik, ai là thủ phạm, nhà phân tích Nguyễn Minh Tâm lưu ý:
Đây không phải là vụ nổ đầu tiên trên các vùng lãnh thổ mà Liên bang Nga mới có được. Trước đó đã có một vụ nổ nghiêm trọng lại căn cứ không quân Saky của Nga tại bán đảo Crưm. Sau đó là một vụ nổ bom xe tại Moskva, làm bà Darya Dugina, con gái học giả Aleksandr Dugin thiệt mạng. Trước đây một ngày, một vụ nổ cũng được ghi nhận tại một đoàn tàu hàng gần ga Ilovaisk thuộc Cộng hòa Nhân dân Donetsk. Đó là chưa kể đến vụ việc cả hai tuyến đường ống Dòng chảy phương Bắc (North Stream) 1 và 2 cùng bị phá hoại bởi các vụ nổ ngầm. Từ chuỗi sự kiện này, có thể nhận định rằng, chúng liên quan đến nhau và do một chủ thể duy nhất thực hiện.
Ở Mỹ nêu tên thủ phạm tấn công "Dòng chảy phương Bắc"
Ngay sau vụ việc, ông Mikhail Podolyak, cố vấn của tổng thống Zelensky đã viết rằng:

“Crưm. Cây cầu. Sự khởi đầu. Mọi thứ bất hợp pháp đều phải bị phá hủy, những thứ bị đánh cắp cần được trả lại cho Ukraina”.

Mặc dù ông Mikhail Podolyak không nói rằng Ukraina đứng sau vụ việc phá hoại trên cầu Crưm nhưng lời phát biểu của ông ta trên Twitter cho thấy ước muốn phá hủy cây cầu này của chính quyền Kiev mãnh liệt đến mức độ nào. Thêm vào đó, lời phát biểu này khá tương tự với lời phát biểu của tổng thống Mỹ Joe Biden cách đây gần 1 năm khi khi ông ta đe dọa sẽ chặt đứt đường ống North Stream 2 bằng mọi cách.
Việc hệ thống truyền thông Mỹ và phương Tây tuyên truyền rầm rộ mà nghiêm trọng hóa vấn đề đã gián tiếp cho thấy những ai đứng sau vụ việc này. Và cả các vị nổ ở sân bay quân sự Saky, ở Moskva, ở Ilovaisk và ở hai tuyến đường ống Dòng chảy phương Bắc 1 và 2 cũng vậy. Cùng với những tuyên bố của chính nhà cầm quyền Kiev, thủ phạm của vụ đánh bom cầu Crưm đã lộ mặt giống như vụ phá hoại các tuyền đường ống Dòng chảy phương Bắc 1 và 2 ở biển Baltic.

“Già néo đứt dây”

Sputnik: Nếu thực sự đây là trò phá hoại của Kiev thì Kiev đã quá liều lĩnh. Ông có nhận định gì về hậu quả và những diễn biến tiếp? “Gấu Nga” sẽ có phản ứng như thế nào ngoài những tuyên bố về bản chất khủng bố của Kiev trong ngày hôm nay?
Đại tá Nguyễn Minh Tâm, nguyên giám đốc Trung tâm thông tin và tư liệu, Bộ công an, nhà phân tích các vấn đề chính trị và quân sự:
Trong các cuộc chiến tranh, các bên khó mà tránh khỏi những đòn tấn công trả đũa của đối phương. Đối với các trường hợp nói trên ở Nga (bao gồm cả Donbass, Crimea, Kherson và Zaporozhye), có thể thấy, chính quyền Kiev đã sử dụng chiến thuật chiến tranh biệt kích để tấn công vào sâu lãnh thổ Nga bằng lực lượng đặc nhiệm Ukraina được đặc nhiệm Anh huấn luyện khá bài bản. Bởi vậy, nhiệm vụ bảo vệ hậu phương của Vệ binh quốc gia Nga, tương tự như cơ quan SHMERS thời Chiến tranh vệ quốc vĩ đại và các cơ quan an ninh, tình báo, cảnh sát Nga cần được đặc biệt quan tâm.
Ngoại trừ vụ phá hoại đường ống Dòng chảy phương Bắc 1 và 2 thì những vụ khủng bố phá hoại kiểu này tuy ít gây thiệt vật chất nhưng lại có tác động rất lớn đến tâm lý và gây hoang mang trong dân chúng Nga, nhất là trong bối cảnh quân đội Nga đang phải rút lui trên một số tuyến mặt trận do không đủ binh lực. Cộng hưởng với các hậu quả đó là những bình luận thù địch từ Mỹ và phương Tây sẽ khuếch đại những thông tin đó, làm cho chúng phát huy tác dụng tối đa của một chiến lược chiến tranh tâm lý chống Nga, phá hoại Nga một cách điên cuồng nhất, đẩy cuộc xung đột có thể đột ngột chuyển sang một trạng thái nguy hiểm hơn nhiều.
Người Việt Nam có câu: “Già néo đứt dây”. Lãnh thổ Nga đã bị xâm phạm, tính mạng của người dân Nga đã bị xâm hại, tài sản của Nhà nước Nga đã bị phá hoại. Nhưng “Gấu Nga” vẫn đang nhẫn nhịn và tính toán các nước cờ tiếp theo. Nước Nga hiện nay như một chiếc lò xo đang bị nén mạnh, bị dồn ép đến cùng cực nhưng vẫn không thiếu sức sống và ý chí. Và điều chắc chắn là một khi thời cơ đến, cái lò xo ấy bật mạnh trở lại. Người Nga sẽ “tính sổ” với Washington, Brussels và Kiev về tất cả những gì mà họ đã gây ra cho nước Nga. Đến lúc đó thì khó mà dự báo được “sự giận giữ của Gấu Nga” có thể tới mức nào! Còn về phía Brussels và Kiev thì họ đang tự mình lao vào một ván cờ tự sát do Washington bày đặt ra để rồi gánh chịu những hậu quả nghiêm trọng trong khi những kẻ chủ mưu ở bên kia bờ Đại Tây Dương vẫn bình an vô sự.
Sputnik: Cảm ơn ông đã dành thời gian cho Sputnik.
Thảo luận