Biển Đông

Thế giới đang đổ dồn vào Nga – Ukraina, Việt Nam nhắc về ‘sóng ngầm’ ở Biển Đông

Tại Liên Hợp Quốc, Việt Nam bày tỏ lo lắng về các diễn biến phức tạp ở Biển Đông thời gian gần đây.
Sputnik
Trưởng Phái đoàn thường trực Việt Nam tại Liên Hợp Quốc Đặng Hoàng Giang đã thẳng thắn nói về ‘sóng ngầm’ ở Biển Đông, vấn đề suy giảm lòng tin ở phiên họp của Ủy ban Các vấn đề pháp lý quốc tế, Đại hội đồng LHQ.
Theo Đại sứ Đặng Hoàng Giang, Việt Nam tiếp tục quan ngại trước các diễn biến phức tạp gần đây ở Biển Đông, cho rằng các hành động này làm suy giảm lòng tin giữa các nước, làm gia tăng căng thẳng và ảnh hưởng đến hòa bình, an ninh, ổn định trong khu vực.

Thế giới đang thiếu hoà bình

Ngày 7/10, Ủy ban các vấn đề pháp lý quốc tế (Ủy ban 6) của Đại hội đồng Liên hợp quốc (ĐHĐ LHQ) khóa 77 đã tổ chức phiên thảo luận toàn thể về chủ đề thúc đẩy pháp quyền ở cấp độ quốc gia và quốc tế.
Phiên thảo luận có sự tham dự của gần 100 nước thành viên và các quan sát viên quốc tế.
Tại phiên thảo luận, hầu hết các nước đều cho rằng pháp quyền và sự phát triển có mối liên hệ mật thiết với nhau đồng thời đóng vai trò thiết yếu trong việc hiện thực hóa các mục tiêu phát triển bền vững, bảo đảm quyền con người và duy trì hòa bình, an ninh quốc tế, góp phần vào việc thực hiện chương trình nghị sự chung dựa trên nguyên tắc tôn trọng chủ quyền quốc gia.
Ủy ban Pháp lý là một trong 6 ủy ban chính của Đại hội đồng LHQ, gồm đại diện của tất cả 193 quốc gia thành viên LHQ, có chức năng xem xét, thảo luận và góp phần thúc đẩy phát triển tiến bộ luật pháp quốc tế.
Việt Nam nói gì về việc Nga sáp nhập 4 tỉnh của Ukraina?

Việt Nam quan ngại về căng thẳng ở Biển Đông tại Liên Hợp Quốc

Đóng góp quan điểm tại đây, Việt Nam đã khẳng định cam kết sẽ thúc đẩy pháp quyền ở cả cấp độ quốc gia và quốc tế.
Trong bối cảnh sự chú ý của toàn thế giới đang đổ dồn về các biến động chính trị lớn, xung đột Nga – Ukraina, quan hệ Nga - Mỹ - phương Tây, Việt Nam lại nhắc nhở cộng đồng quốc tế về “sóng ngầm” ở Biển Đông, về những diễn biến phức tạp tại vùng biển vốn tiềm ẩn nhiều nguy cơ xung đột và suy giảm lòng tin này.
Cụ thể, theo TTXVN, phát biểu tại cuộc họp, Đại sứ Đặng Hoàng Giang, Trưởng Phái đoàn Việt Nam tại LHQ, nhấn mạnh rằng, trong bối cảnh còn nhiều xung đột phức tạp đang diễn ra trên thế giới, luật pháp quốc tế và các nguyên tắc cơ bản của Hiến chương LHQ luôn là nền tảng cơ bản của hệ thống quốc tế.
Đại sứ Việt Nam kêu gọi các nước tôn trọng nguyên tắc giải quyết hòa bình các tranh chấp quốc tế và đề cao vai trò của các cơ quan tài phán quốc tế trong giải quyết hòa bình các tranh chấp cũng như thúc đẩy bảo đảm pháp quyền ở cấp độ quốc tế.
Đáng chú ý, theo Đại sứ Đặng Hoàng Giang, cần thúc đẩy pháp quyền tại các khu vực khác nhau và Việt Nam đang nỗ lực cùng các nước ASEAN xây dựng một khu vực Đông Nam Á hòa bình, ổn định và thịnh vượng.

“Việt Nam tiếp tục quan ngại trước các diễn biến phức tạp gần đây ở Biển Đông”, - Đại sứ Đặng Hoàng Giang thẳng thắn.

Thực tế, theo giới quan sát, không chỉ những hành động gây hấn của Trung Quốc ở Biển Đông, việc Bắc Kinh đơn phương thay đổi hiện trạng nhiều thực thể, các đảo ở khu vực tranh chấp, mà sự hiện diện của Hoa Kỳ cùng đồng minh phương Tây trong khu vực cũng gây nên thế đối đầu, cạnh tranh và nguy cơ xung đột vũ trang ở Biển Đông cũng như quanh eo biển Đài Loan.

Suy giảm lòng tin

Trưởng Phái đoàn Việt Nam tại LHQ cho rằng các hành động đơn phương ở Biển Đông sẽ ‘làm suy giảm lòng tin giữa các nước, làm gia tăng căng thẳng và ảnh hưởng đến hòa bình, an ninh, ổn định trong khu vực’.
Đại sứ Việt Nam kêu gọi tất cả các bên liên quan tuân thủ luật pháp quốc tế, đặc biệt là Công ước LHQ về luật biển (UNCLOS) năm 1982, tôn trọng đầy đủ các tiến trình ngoại giao và pháp lý.
Cũng nhân dịp kỷ niệm 40 năm Công ước LHQ về luật biển UNCLOS 1988 được thông qua, Đại sứ Đặng Hoàng Giang nhắc lại rằng, với tư cách thành viên sáng lập Nhóm bạn bè của UNCLOS, Việt Nam và gần 120 nước thành viên khác đang hoạt động tích cực để nâng cao sự hiểu biết và việc tuân thủ công ước.
Hội đồng Quốc phòng và An ninh Việt Nam thảo luận về xung đột Nga - Ukraina
Nhà ngoại giao Việt Nam đánh giá đây là một văn kiện quốc tế quan trọng được coi là “Hiến pháp của đại dương” và khuôn khổ pháp lý cho mọi hoạt động trên biển.

“Việt Nam đang tiếp tục thực hiện cải cách tư pháp, củng cố hệ thống pháp luật nhằm xây dựng nhà nước pháp quyền, đồng thời sẽ hợp tác chặt chẽ với LHQ và các đối tác khác để thúc đẩy và đảm bảo tuân thủ mạnh mẽ hơn nữa các nguyên tắc pháp quyền ở cấp độ quốc gia và quốc tế”, - Đại sứ Đặng Hoàng Giang khẳng định.

Thảo luận