Dù tỷ giá đang gây áp lực, tuy nhiên, theo các chuyên gia, sự can thiệp của Ngân hàng Nhà nước cần được hiểu là nhằm ổn định áp lực tỷ giá trong ngắn hạn hơn là để chứng minh một chính sách tiền tệ thắt chặt của Việt Nam.
Tỷ giá hôm nay: VND tiếp tục đà suy giảm so với USD
Sáng 10/10, tỷ giá trung tâm giữa đồng Việt Nam (VND) và đô la Mỹ (USD) được Ngân hàng Nhà nước công bố ở mức 23.432 VND/USD, tăng 10 đồng so với cuối tuần qua.
Với biên độ +/- 3% đang được áp dụng, tỷ giá trần mà các ngân hàng áp dụng hôm nay là 24.135 VND/USD và tỷ giá sàn là 22.729 VND/USD.
Giá USD tại các ngân hàng thương mại cũng tăng. Giá USD tại Vietcombank được niêm yết ở mức 23.710 - 24.030 VND/USD (mua vào - bán ra), tăng 10 đồng ở cả chiều mua vào và bán ra so với cuối tuần qua.
Trong sáng nay, ở BIDV, USD cũng được niêm yết ở mức 23.740 - 24.020 VND/USD (mua vào - bán ra), tăng 5 đồng ở cả chiều mua vào và bán ra so với cuối tuần qua.
Chỉ số US Dollar Index (DXY) đo lường biến động đồng bạc xanh với 6 đồng tiền chủ chốt (EUR, JPY, GBP, CAD, SEK, CHF) hiện ở mức 112,743.
VND có thể mất giá 5%
Mới đây, Công ty chứng khoán Maybank Kim Eng vừa có báo cáo chiến lược với nhiều nhận định về bối cảnh vĩ mô hiện nay của Việt Nam.
Theo Maybank Kim Eng, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) từ ngày 23/09 đã tăng lãi suất điều hành thêm 100 điểm cơ bản (tương đương lãi suất tái cấp vốn từ 4,0% lên 5,0%, lãi suất tái chiết khấu từ 2,5% lên 3,5% và trần lãi suất tiền gửi ngân hàng kỳ hạn dưới 6 tháng từ 4,0% lên 5,0%/năm), để đối phó với áp lực tỷ giá hối đoái leo thang.
Động thái này diễn ra một ngày sau khi Cục dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) tăng lãi suất thêm 75 điểm cơ bản và biểu đồ Dot plot của Fed cho thấy lập trường ‘diều hâu’ hơn.
Maybank Kim Eng đánh giá, các đợt tăng lãi suất mạnh mẽ gần đây của Fed cũng như các dòng tiền trú ẩn an toàn đã khiến USD tăng giá đáng kể so với hầu hết các loại tiền tệ toàn cầu.
“VND đã giảm khoảng 4% từ đầu năm so với USD”, báo cáo nêu.
Bên cạnh những biện pháp can thiệp trực tiếp bao gồm bán USD (25 tỷ USD trong quỹ dự trữ ngoại hối 110 tỷ USD đã được bán ra từ đâu năm đến nay) và nâng tỷ giá trung tâm USD/VND (lên mức cao kỷ lục mới 23.346 VND/USD vào ngày 28/9), việc tăng lãi suất điều hành có thể được coi là công cụ cuối cùng.
“Khi biểu đồ Dot plot của Fed dự báo mức tăng thêm 125 điểm cơ bản trong tháng 11 và tháng 12/2022, chúng tôi cho rằng VND sẽ giảm giá thêm 1% so với USD nâng mức giảm lên thành 5% trong năm nay và Ngân hàng Nhà nước (NHNN) sẽ điều chỉnh tăng lãi suất điều hành thêm 50 điểm cơ bản vào đầu năm 2023”, Maybank Kim Eng nhận định.
Hiểu đúng về sự can thiệp của Ngân hàng Nhà nước
Tuy nhiên, theocác chuyên gia, điều này (sự can thiệp của Ngân hàng Trung ương) sẽ nhằm ổn định áp lực tỷ giá trong ngắn hạn hơn là để chứng minh một chính sách tiền tệ thắt chặt.
Nhóm phân tích tiếp tục tin tưởng vào sức mạnh của VND trong dài hạn với tình hình ngoại hối lành mạnh của Việt Nam.
Hiện NHNN vẫn đặt mục tiêu tăng trưởng tín dụng 14% cho cả năm 2022 do lạm phát vẫn được kiểm soát.
Maybank Kim Eng nhận định rằng tác động của hai đợt tăng lãi suất đối với nền kinh tế là không đáng kể vì lãi suất điều hành chỉ bằng mức trước đại dịch.
Do đó, nhóm phân tích dự báo tăng trưởng GDP đạt 6,0%, lạm phát trung bình 3,6% và VND tăng khoảng 1% so với USD vào năm 2023.
Đánh giá vềtác động của tỷ giá, mỗi 1% giảm của VND so với USD làm giảm lợi nhuận doanh nghiệp phi ngân hàng khoảng 1% và ngược lại.
Do dự báo VND sẽ giảm 5% so với USD trong năm tài chính 2022 trước khi tăng giá 1% trong năm 2023, nên dự báo tăng trưởng lợi nhuận phi ngân hàng của nhóm phân tích sẽ giảm 5% xuống 16% cho năm 2022 và tăng 1% lên 19% cho năm 2023.
“Trong khi đó, tác động đến lợi nhuận của ngân hàng có thể sẽ không đáng kể”, chuyên gia của Maybank Kim Eng khẳng định.
Thời gian qua, dù VND chịu áp lực rất lớn do đồng bạc xanh tăng giá nhưng hầu hết các chuyên gia đều đánh giá, chính sách điều hành tiền tệ của Ngân hàng Nhà nước là phù hợp, theo sát diễn biến tình hình.
Chẳng hạn như theo Kinh tế trưởng VinaCapital, ông Michael Kokalari, năm 2022, VND mất giá gần 5% so với đầu năm, nhưng các chuyên gia kỳ vọng sẽ ổn định quanh mức hiện tại trong năm nay.
Động lực để các nhà đầu tư tiếp tục tin tưởng vào đồng tiền Việt Nam chính là dòng vốn USD tiếp tục chảy vào Việt Nam thông qua dòng vốn FDI (khoảng 5% GDP), thông qua kiều hối (4%/GDP), và thặng dư thương mại của Việt Nam (~2%/GDP) và do các biện pháp can thiệp khéo léo của Ngân hàng Nhà nước vào thị trường tiền tệ.