Việt Nam đang được công đồng quốc tế tín nhiệm thế nào?
Ngày 11-10-2022, Việt Nam đã trúng cử trở thành thành viên của Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2023-2025, tại phiên họp của Đại hội đồng Liên hợp quốc khóa 77 tại New York (Mỹ).
Với 145 phiếu ủng hộ, Việt Nam trúng cử Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc. 14 thành viên mới đắc cử của Hội đồng Nhân quyền, trong đó có Việt Nam sẽ đảm nhiệm trọng trách trong nhiệm kỳ ba năm, bắt đầu vào tháng 1-2023.
Các nước tham gia ứng cử được chia thành 5 khu vực địa lý, trong đó nhóm châu Á - Thái Bình Dương là khu vực có sự cạnh tranh cao nhất cho vị trí thành viên Hội đồng Nhân quyền nhiệm kỳ này với 7 nước giới thiệu ứng cử từ giữa năm 2020 (một nước rút ứng cử vào phút chót).
Việt Nam được các thành viên ASEAN nhất trí ủng hộ là ứng cử viên duy nhất của khối cho vị trí này; đồng thời cũng là ứng cử viên châu Á duy nhất của Cộng đồng Pháp ngữ. Đây là lần thứ hai Việt Nam trúng cử Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc (LHQ). Năm 2013, Việt Nam lần đầu tiên trúng cử vào Hội đồng Nhân quyền LHQ nhiệm kỳ 2014 - 2016.
Là nhà ngoại giao có nhiều gắn bó với ngoại giao đa phương, cũng là Trưởng Phái đoàn Việt Nam tại Liên Hiệp Quốc (LHQ) trong nhiệm kỳ đầu Việt Nam là thành viên Hội đồng Nhân quyền (2014-2016), Đại sứ Nguyễn Phương Nga đã chia sẻ niềm tự hào và xúc động với Sputnik ngay sau khi Việt Nam được tuyên bố trúng cử.
“Thực sự tôi rất vui mừng và tự hào. Đây là một thành công mới, một kết quả rất đỗi tự hào của ngành ngoại giao Việt Nam nói riêng và Việt Nam nói chung, góp phần nâng cao vị thế, uy tín của đất nước”, Đại sứ bày tỏ niềm xúc động.
Đại sứ chia sẻ thêm rằng, bầu thành viên Hội đồng nhân quyền (HĐNQ) là một trong những cuộc bầu cử khó khăn nhất, cạnh tranh gay gắt nhất tại LHQ. Đặc biệt, lần này được bầu vào HĐNQ của LHQ là trong bối cảnh tình hình quốc tế rất phức tạp hiện nay. Đây là vinh dự lớn đối với Việt Nam.
“Đây là sự khẳng định của quốc tế đối với những nỗ lực và thành tựu to lớn mà Việt Nam đạt được trong bảo vệ và thúc đẩy quyền con người, thể hiện sự tin tưởng của cộng đồng quốc tế đối với Việt Nam, đối với chính sách nhất quán của Việt Nam “lấy con người làm trung tâm, mục tiêu và động lực phát triển quan trọng nhất của đất nước”, “bảo đảm người dân được chia sẻ những thành quả của quá trình phát triển”, Đại sứ Nguyễn Phương Nga nhấn mạnh ý nghĩa việc Việt Nam trúng cử HĐNQ LHQ nhiệm kỳ 2023-2025.
Việc trúng cử HĐNQ không chỉ minh chứng cho nỗ lực bền bỉ của Việt Nam trong việc thực hiện nghiêm túc các cam kết quốc tế về quyền con người, mà còn khẳng định sự ủng hộ, tín nhiệm cũng như kỳ vọng của cộng đồng quốc tế đối với những đóng góp quan trọng và có trách nhiệm của Việt Nam vào thúc đẩy quyền con người trên thế giới.
Sự kiện này càng có ý nghĩa hơn khi năm 2022 kỷ niệm 45 năm Việt Nam gia nhập LHQ. Đây sẽ là cơ hội lớn để Việt Nam tiếp tục đóng góp tích cực vào nỗ lực chung của Liên hợp quốc và cộng đồng quốc tế trong bảo vệ và thúc đẩy những giá trị phổ quát về quyền con người, cùng phấn đấu vì hoà bình, độc lập dân tộc, dân chủ, hợp tác phát triển và tiến bộ xã hội.
Không thể phủ nhận vị thế ngày một cao của Việt Nam tại Liên Hiệp Quốc
Việt Nam được nhìn nhận rộng rãi như một tấm gương về đấu tranh giành độc lập tự do, thống nhất đất nước; một câu chuyện thành công về khắc phục hậu quả chiến tranh, xóa đói giảm nghèo, xây dựng, phát triển đất nước, và hội nhập quốc tế; một đất nước hòa bình, ổn định, phát triển năng động, có đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, hòa bình, hợp tác và phát triển, đa dạng hóa, đa phương hóa quan hệ đối ngoại; là bạn, đối tác tin cậy và là thành viên tích cực, có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế.
Nhìn lại lịch sử, năm 1975, Việt Nam còn là một quốc gia bị tàn phá nặng nề, thuộc nhóm các nước nghèo bị bao vây cấm vận. Năm 2010, Việt Nam đã rời nhóm các nước nghèo nhất để gia nhập nhóm các nước có thu nhập trung bình. Đây thực sự là nỗ lực đáng nể.
Việt Nam đã trải qua một quá trình chuyển đổi thành công ngành nông nghiệp, từ đó vượt lên trên cả mục tiêu tự cung tự cấp lương thực. Đây thực sự là nỗ lực đáng nể khi chỉ sau 35 năm, một khoảng thời gian không phải là dài so với bề dày lịch sử của đất nước.
Nhìn lại ba năm là thành viên HĐNQ ở giai đoạn trước (2014-2016), Việt Nam đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, đóng góp thúc đẩy đối thoại và hợp tác; tăng cường tính hiệu quả, minh bạch và cân bằng trong công việc của Hội đồng.
Năm 2013, Việt Nam lần đầu tiên trúng cử vào HĐNQ LHQ nhiệm kỳ 2014-2016. Việt Nam đã tích luỹ được nhiều kinh nghiệm quý trong việc đảm nhiệm thành công vai trò thành viên HĐNQ, để lại dấu ấn thông qua thúc đẩy các sáng kiến được cộng đồng quốc tế đánh giá cao như tham gia Nhóm Nòng cốt tại HĐNQ về Biến đổi khí hậu và quyền con người, trực tiếp là tác giả một số nghị quyết được HĐNQ thông qua bằng đồng thuận về ảnh hưởng của biến đổi khí hậu đối với các nhóm dễ bị tổn thương như phụ nữ, trẻ em…
Trong những năm qua, Việt Nam đã tích cực tham gia các hoạt động nhân đạo trong khuôn khổ Phái bộ gìn giữ hòa bình của LHQ tại Nam Sudan, được LHQ và cộng đồng quốc tế ghi nhận.
Việt Nam cũng tích cực thúc đẩy hợp tác và đối thoại giữa các nước, các nhóm nước trong khuôn khổ HĐNQ, cũng như giữa các nước liên quan, các tổ chức khu vực và các cơ chế của LHQ về quyền con người nhằm giải quyết những quan tâm cụ thể về các vấn đề liên quan đến nhân quyền, nhân đạo.
Việt Nam không can thiệp vào công việc nội bộ của các nước
Thông điệp của Việt Nam trong nhiệm kỳ làm thành viên HĐNQ sắp tới là “Tôn trọng và hiểu biết. Đối thoại và hợp tác. Tất cả các quyền con người - cho tất cả mọi người”.
Đặc biệt, trong bối cảnh quốc tế hiện nay đặt ra nhiều thách thức đối với việc bảo đảm quyền con người. Đối đầu, các biện pháp bao vây, cấm vận, bạo lực và xung đột vũ trang diễn biến phức tạp, ảnh hưởng tiêu cực đến hòa bình, an ninh, phát triển và cuộc sống của người dân ở nhiều nơi trên thế giới.
Tác động của đại dịch Covid-19, kinh tế suy thoái, giá năng lượng, lương thực, lạm phát tăng cao ở nhiều nước, biến đổi khí hậu, môi trường suy thoái cũng như các thách thức an ninh phi truyền thống khác, Đại sứ tin tưởng, chắc chắn Việt Nam sẽ đảm đương tốt trách nhiệm của mình tại LHQ, xứng đáng với sự tin tưởng và kỳ vọng của cộng đồng quốc tế, đặc biệt là các nước thành viên LHQ đã tín nhiệm dành lá phiếu của mình cho Việt Nam hôm nay.
“Với tôn chỉ hành động này, tôi tin tưởng rằng Việt Nam sẽ có nhiều đóng góp tích cực vào hoạt động của Hội đồng, tích cực hợp tác với các nước để thúc đẩy các nguyên tắc của Hiến chương LHQ và luật pháp quốc tế, tăng cường hiệu quả hoạt động của HĐNQ thông qua đối thoại, hợp tác và tôn trọng lẫn nhau nhằm bảo vệ và thúc đẩy quyền con người trên thế giới một cách toàn diện trên cơ sở tôn trọng chủ quyền, không can thiệp vào công việc nội bộ của các nước”, Đại sứ bày tỏ với Sputnik.
Những diễn biến phức tạp của tình hình làm sâu sắc thêm sự khác biệt về quan điểm, cách tiếp cận giữa các nước và các nhóm nước, đòi hỏi các thành viên HĐNQ nỗ lực tăng cường đối thoại và hợp tác, trong khi thúc đẩy các giá trị phổ quát cần tôn trọng sự khác biệt, tránh áp đặt, tiêu chuẩn kép và chính trị hóa, không can thiệp vào công việc nội bộ, phấn đấu vì mục tiêu chung là xây dựng một thế giới hoà bình, nơi mọi người dân có cuộc sống phồn vinh và hạnh phúc.