Theo các chuyên gia, Việt Nam đang sở hữu nhiều cơ hội phát triển công nghệ 5G biết cách “đi tắt, đón đầu”.
100% dân số Việt Nam sẽ có kết nối 5G vào năm 2030
Chia sẻ với báo CAND, Phó Cục trưởng Cục Viễn thông (Bộ Thông tin và Truyền thông) Nguyễn Phong Nhã cho biết, Việt Nam đang triển khai thí điểm 5G tại 55 tỉnh, thành phố, đồng thời thúc đẩy các công ty nghiên cứu, sản xuất thiết bị đầu cuối kết nối 5G.
Thời gian đầu, Việt Nam sẽ thí điểm 5G cho các khu công nghiệp, viện nghiên cứu, trường học, cơ quan nhà nước. Mục tiêu đặt ra là vào năm 2030, 100% dân số Việt Nam có kết nối 5G.
Về phần mình, Phó Cục trưởng Cục Tần số Vô tuyến điện Lê Thái Hòa cũng cho biết, 4G và 5G sẽ là dòng chủ lưu về công nghệ trong những năm tới.
Trong đó, tỷ lệ sử dụng 4G sẽ giảm và 5G ngày một tăng. Xu thế chung trong khu vực là loại bỏ 2G và 3G, nhường dải tần số cho 4G và 5G.
Tại Hội nghị ASEAN về 5G thuộc khuôn khổ Tuần lễ số Quốc gia Việt Nam năm 2022 do Bộ Thông tin và Truyền thông tổ chức tại Hà Nội từ ngày 11 - 14/10, các chuyên gia quốc tế đều cho rằng, việc phát triển 5G nhằm mục tiêu xây dựng quốc gia với nhiều thành phố được số hóa, thu hẹp khoảng cách giữa thành thị và nông thôn, kết nối với các nước khác.
Việt Nam đang sở hữu nhiều cơ hội nếu biết cách “đi tắt, đón đầu”
Cũng tại hội nghị, đại diện Viện Công nghệ Truyền thông Hàn Quốc cho biết, từ năm 2017, Hàn Quốc đã có chính sách phát triển 5G và đến năm 2019 đã thương mại hóa 5G, thí điểm tại nhiều thành phố khác nhau.
Năm 2022, Hàn Quốc có 22 triệu thuê bao 5G. Nội dung 5G và thiết bị đầu cuối 5G có chi phí hợp lý, phù hợp khả năng chi trả của nhiều người dân đã giúp thúc đẩy 5G phát triển nhanh tại Hàn Quốc.
Về phần mình, đại diện Bộ Nội vụ và Truyền thông Nhật Bản cho biết, Chính phủ Nhật Bản đặt mục tiêu đến năm 2023 sẽ phủ sóng 5G đến 95% dân số, năm 2025 đạt 97% dân số và đến năm 2030 đạt 99% vùng phủ 5G.
Để làm được điều đó, từ năm 2019, Chính phủ Nhật đã bỏ tần số cho các nhà mạng để phát triển công nghệ 5G, giúp các nhà mạng phát triển 5G mạnh mẽ. Nhật Bản cũng có các chính sách miễn giảm thuế để thúc đẩy các phát triển 5G, coi trọng chia sẻ hạ tầng giữa các công ty thông qua chia sẻ trạm phát sóng giữa các nhà mạng.
Ông Yew Liang Cheng, Giám đốc RedHat khu vực ASEAN cho biết, tính đến tháng 6 năm nay, đã có 70 quốc gia trên thế giới triển khai công nghệ này với tổng cộng 1 tỷ người dùng 5G, nhanh hơn rất nhiều so với 3G và 4G. Việt Nam đang sở hữu nhiều cơ hội nếu biết cách “đi tắt, đón đầu”.
Trong khi đó, ông Yishen Chan, Giám đốc phụ trách phổ tần khu vực châu Á Thái Bình Dương của GSMA cũng cho biết, 5G được thiết kế để phục vụ cho nhiều kịch bản sử dụng khác nhau, đòi hỏi yêu cầu về băng thông, tần số lớn hơn nhiều so với 3G và 4G.
Ưu tiên dùng thiết bị 5G ‘made in Vietnam’
Tại Việt Nam, quốc gia đã tuyên bố làm chủ công nghệ 5G từ rất sớm, dù việc triển khai mạng 5G thương mại còn chậm nhưng cũng đã có những tiến bộ đáng kể.
Hiểu được tầm quan trọng của mạng 5G, Bộ Thông tin và Truyền thông đã nhiều lần nhấn mạnh kế hoạch triển khai thương mại 5G là một trong những mục tiêu của ngành năm 2022.
Cùng với đó, Việt Nam cũng đặt mục tiêu sử dụng các thiết bị 5G sản xuất bởi doanh nghiệp trong nước (made in Vietnam).
Tính đến hết tháng 6/2022, các nhà mạng đã được cấp phép thử nghiệm (chưa triển khai thương mại) mạng 5G tại 40 tỉnh, thành phố thuộc Trung ương.
Về kế hoạch ngắn hạn, Việt Nam dự kiến phủ sóng 5G đến 25% dân số vào năm 2025.
Theo Thanh niên dẫn lời ông Eric Guo, Giám đốc Giải pháp không dây của Huawei Việt Nam cho biết, tầm quan trọng của 5G là không thể bàn cãi trong thế giới hiện nay.
Chuyên gia lưu ý, 5G là cốt lõi của cạnh tranh kỹ thuật số, nền tảng của chuyển đổi số, chìa khóa để mở cánh cửa tăng trưởng số cho các quốc gia. 5G cho phép các ứng dụng mới có thể chuyển đổi mọi ngành công nghiệp và nền kinh tế, song chúng lại phụ thuộc chặt chẽ vào băng tần truy cập.
Để kết nối công nghệ này, sẽ cần băng tần trung dưới 6 GHz dịch vụ chất lượng cao và dưới 1 GHz cho kết nối khắp mọi nơi vào năm 2030 để truy cập băng thông di động nâng cao, truy cập không dây cố định, internet vạn vật, công nghiệp 4.0.