Việt Nam luôn là Đối tác chiến lược tin cậy của Nga trong lĩnh vực giáo dục
Thực hiện Biên bản khoá họp lần thứ 22 của Uỷ ban Liên chính phủ Việt – Nga về hợp tác kinh tế - thương mại và khoa học – kỹ thuật và Thỏa thuận giữa hai Bộ Giáo dục Việt Nam và Nga, từ tháng 01/2020 Bộ Giáo dục Liên bang Nga đã cử các chuyên gia và giáo viên Nga sang làm việc tại Phân viện Puskin và trực tiếp giảng dạy tiếng Nga tại các trường THPT ở Việt Nam theo Dự án nhân văn “Giáo viên Nga ở nước ngoài”.
Mới đây, ngày 13/10 Phân viện Puskin trực thuộc Cục Hợp tác quốc tế, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã tổ chức buổi tiếp đón các chuyên gia Nga sang Việt Nam làm việc và giảng dạy.
Đáng chú ý, đây là lần đầu tiên sau gần 30 năm (kể từ năm 1991) phía Nga chính thức cử chuyên gia Nga sang hỗ trợ giảng dạy tiếng Nga tại các trường Trung học Phổ thông ở Việt Nam Việt Nam. Đây là minh chứng cho sự phát triển vững mạnh của mối quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện Nga – Việt đã được thiết lập vào năm 2012.
Tại buổi lễ trao đổi với Sputnik, Phó Đại sứ - Tham tán công sứ Liên bang Nga tại Việt Nam, bà Ekaterina Bakeeva đánh giá cao ý nghĩa của lần hợp tác này. Bà E. Bakeeva cho rằng, việc cử giáo viên đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy phát triển tình hữu nghị và mối quan hệ tốt đẹp giữa hai nước Việt – Nga.
Dự án nhân văn “Giáo viên Nga ở nước ngoài”
© Sputnik / Ha Linh
“Một mặt, đây là hợp tác giáo dục, một trong những yếu tố quan trọng để phát triển mối quan hệ Đối tác chiến lược giữa Nga và Việt Nam. Mặt khác, tôi cũng hy vọng đây sẽ là cầu nối thắt chặt tình hữu nghị giữa hai nước, vốn đã có lịch sử gắn bó lâu đời”.
Phía Đại sứ quán Nga (ĐSQ) cũng hết mình hỗ trợ các thủ tục liên quan cho các chuyên gia, giáo viên Nga. Các giáo viên Nga được đại diện Phân viện Puskin và ĐSQ Nga tại Việt Nam đón từ sân bay Nội Bài, về ĐSQ Nga để làm thủ tục lãnh sự, sau đó về Phân viện Puskin.
“Những giáo viên Nga sẽ thực sự là những người đóng góp trong việc quảng bá tiếng Nga trong quá trình giảng dạy tiếng Nga tại Việt Nam. Chúc cho phong trào Tiếng Nga tại Việt Nam phát triển. Và tôi tin rằng, với tình hữu nghị bền chặt giữa hai nước, các giáo viên Nga tại Việt Nam sẽ có trải nghiệm tuyệt vời và hoàn thành tốt công việc của mình tại Việt Nam”, Tham tán công sứ Liên bang Nga bày tỏ.
6 giáo viên Nga được cử sang Việt Nam trong năm học 2022-2023
Đơn vị trực tiếp thực hiện thực hiện Dự án này là Cơ sở giáo dục Liên bang ngân sách nhà nước “Trung tâm Giáo dục quốc tế “Interdom” mang tên E.D. Stasova. Về phía Việt Nam, Bộ Giáo dục và Đào tạo Việt Nam đã giao cho Phân viện Puskin quản lý, điều phối và hỗ trợ các chuyên gia Nga trong nhiệm kỳ công tác tại các trường phổ thông của Việt Nam.
Trước đó, tháng 02/2020 Bộ Giáo dục Liên bang Nga cử 5 chuyên gia và giáo viên Nga sang Việt Nam làm việc: 01 chuyên gia về phương pháp giảng dạy làm việc tại Phân viện Puskin và 4 giáo viên làm việc tại các trường THPT Chuyên ở các tỉnh thành khác nhau.
Do tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp và ảnh hưởng trên toàn cầu, từ tháng 2/2020 hết tháng 8/2022 các chuyên gia và giáo viên Nga chưa thể sang được Việt Nam. Với quyết tâm hiện thực hóa dự án cũng như thích ứng linh hoạt với hoàn cảnh, trong suốt 2 năm học này, các chuyên gia và giáo viên Nga đã thực hiện công việc của mình bằng hình thức trực tuyến.
“Trong chuyến công tác tại Matxcơva vào tháng 7 vừa rồi, chúng tôi đã họp với Ban lãnh đạo của Trung tâm Giáo dục quốc tế “Interdom” mang tên E.D. Stasova, thảo luận và đi đến quyết định mở rộng phạm vi Dự án trong năm học 2022 – 2023. Theo đó, phía Nga sẽ cử thêm 01 chuyên gia sang làm việc tại Trường THPT Chuyên Nguyễn Trãi – tỉnh Hải Dương. Như vậy, trong năm học 2022-2023 có 6 giáo viên Nga được cử sang sang Việt Nam”, Giám đốc Phân viện Puskin – Tiến sĩ Nguyễn Thị Thu Đạt chia sẻ với Sputnik.
Nhận được sự ủng hộ và hỗ trợ tối đa của Bộ Giáo dục và Đào tạo Việt Nam và Bộ Giáo dục Liên bang Nga, Dự án đã được 2 bên triển khai rất tốt và nhận được những phản hồi tích cực từ phía các nhà trường, giáo viên và học sinh Việt Nam. Để đạt được kết quả đó, 2 đơn vị được giao nhiệm vụ thực hiện Dự án đã thường xuyên liên hệ bằng nhiều hình thức để lên kế hoạch, bàn bạc, trao đổi công việc; tổ chức nhiều cuộc họp trực tuyến với các giáo viên Nga và giáo viên Việt Nam dạy tiếng Nga của các trường.