‘Cứ chờ, sẽ còn, xem có trốn nổi không’

Thế giới rất quan tâm đến cách Việt Nam chống tham nhũng. Công cuộc ‘đả hổ diệt ruồi’ được Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng lãnh đạo những năm qua làm hao tốn giấy mực của không ít quan sát viên quốc tế.
Sputnik
Trong nước, cuộc chiến chống tham nhũng, bảo toàn sự trong sạch của Đảng, sự liêm chính của các thành viên trong Đảng Cộng sản Việt Nam vẫn tiếp tục, chống ‘giặc nội xâm’ cam go không thua kém gì chống những kẻ ngoại bang xâm lược đất nước.
Tại buổi tiếp xúc cử tri Hà Nội hôm nay, ông Nguyễn Phú Trọng đã nêu nhiều trăn trở - vì dân vì nước, vì sự tồn vong của chế độ Cộng sản ở Việt Nam cả, trong đó, nhà lãnh đạo này nhấn mạnh rằng, cuộc chiến tham nhũng còn tiếp tục, chưa hết, kể cả những vụ còn tàn tích, có nghi can định bỏ trốn, nhưng ‘muốn trốn cũng không được’ - cứ chờ, sẽ còn nữa.

Gặp gỡ cử tri

Thực hiện Chương trình tiếp xúc cử tri trước Kỳ họp thứ 4 Quốc hội khoá XV, sáng nay 15/10, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cùng các đại biểu Quốc hội Đơn vị bầu cử số 1 thuộc Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội có buổi tiếp xúc cử tri trên địa bàn 3 quận Đống Đa, Ba Đình, Hai Bà Trưng.
Cuộc tiếp xúc cử tri là nhằm thông báo dự kiến Chương trình kỳ họp thứ 4 và trả lời các ý kiến kiến nghị của cử tri gửi tới Quốc hội.
Đại điện đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội đã báo cáo dự kiến nội dung Kỳ họp thứ 4, Quốc hội Khóa XV, một số hoạt động của Đoàn đại biểu Quốc hội từ sau Kỳ họp thứ 3 đến nay và Báo cáo tóm tắt trả lời kiến nghị của cử tri trước và sau Kỳ họp thứ 3, Quốc hội Khóa XV.
Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng chủ trì khai mạc Hội nghị Trung ương 6
Cử tri tại 3 quận phát biểu đánh giá cao hoạt động của Ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực do Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng làm Trưởng Ban chỉ đạo, trong thời gian qua đã chỉ đạo quyết liệt các cơ quan tư pháp điều tra, khởi tố, truy tố, xử lý các vụ án tham nhũng, tiêu cực. Đồng thời, các cơ quan Quốc hội, chính phủ cũng đã xử lý kỷ luật hành chính kịp thời, đồng bộ.
Cử tri tại Hà Nội vui mừng khi Quốc hội đã có rất nhiều nỗ lực trong việc nghiên cứu đổi mới, nâng cao chất lượng hoạt động, mong muốn Quốc hội sớm thể chế các đường lối, nghị quyết của Đảng thành các văn bản luật, nghị quyết với vai trò là cơ quan xây dựng luật và giám sát thực hiện pháp luật để chất lượng các dự án luật ngày càng cao.
Tuy nhiên cử tri băn khoăn, lo lắng trước các hiện tượng tiêu cực trong các cơ quan, cán bộ tư pháp như chạy án, cán bộ thực thi pháp luật không nghiêm, không công tâm.Đặc biệt, cử tri cũng đề nghị cần có cải cách tiền lương cho công chức, viên chức, nhất là cán bộ công chức cấp xã, phường.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cùng các đại biểu Quốc hội Đơn vị bầu cử số 1 tiếp xúc cử tri quận Hai Bà Trưng,quận Ba Đình và quận Đống Đa
Các cử tri trong cuộc gặp với Tổng Bí thư cũng quan tâm đến vấn đề giá cả xăng dầu và thuốc điều trị bệnh thời gian gần đây, đề nghị Quốc hội, Chính phủ tiếp tục xem xét, cho ý kiến và chỉ đạo, điều hành giải quyết vấn đề một số bệnh viện nêu khó khăn thiếu thuốc và sắp hết thuốc điều trị một số bệnh và vấn đề khan hiếm, hết xăng tại một số cửa hàng bán lẻ xăng dầu trên địa bàn để nhanh chóng phục hồi sản xuất, kinh doanh, tiếp tục đóng góp cho sự phát triển của đất nước, một số ý kiến cử tri kiến nghị, Quốc hội, Chính phủ cần tiếp tục có những chính sách hỗ trợ các doanh nghiệp hiệu quả hơn nữa, nhất là các doanh nghiệp vừa và nhỏ.

Đau xót

Cử tri Vương Hữu Phú, quận Ba Đình cho biết, thời gian qua, nhiều vụ tham nhũng, tiêu cực kéo dài ở các địa phương nhưng đoàn đại biểu Quốc hội các địa phương lại chưa bám sát, chưa quan tâm giải quyết đến nơi đến chốn. Do vậy, ông Phú đề nghị cần nâng cao vai trò giám sát của các đại biểu Quốc hội.
Đánh giá rất cao Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực thời gian qua đã xử lý kịp thời các trường hợp vi phạm pháp luật, ông Phú đánh giá cao việc các cấp đã thực hiện tốt chủ trương của Đảng - có vào, có ra, có lên, có xuống và những trường hợp ủy viên Ban Chấp hành Trung ương trước kia có thành tích, có công lao cống hiến nhưng nay không còn trong sáng, vì lợi ích cá nhân đã được kịp thời cho ra.
Theo cử tri này,việc 7 ủy viên Trung ương Đảng bị xử lý khai trừ, cách chức, cho thôi nhiệm vụ kể từ đầu nhiệm kỳ đến nay được dư luận đánh giá rất cao.
“Trong thời gian vừa qua việc Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng tiêu cực của Trung ương đã xử lý đồng bộ kịp thời, chính vì vậy mang lại niềm tin rất cao của nhân dân, vi phạm pháp luật đến đâu kịp thời xử lý đến đó”, - cử tri phường Vĩnh Phúc, quận Ba Đình nói.
Bí thư Nên được kỳ vọng quyết liệt như Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng
Bà Vũ Thị Thành, quận Đống Đa bày tỏ ‘rất đáng tiếc’ khi vừa qua các cán bộ cấp Trung ương và nhiều cán bộ công chức đã bị bắt để điều tra những vi phạm pháp luật ở một số lĩnh vực, ngành nghề.Điển hình như đại án Việt Á đã có hàng chục người bị khởi tố, bắt giam.
“Đây là con số rất đau xót. Các vụ án đã, đang, sẽ đưa ra xét xử cho thấy người vi phạm pháp luật là những người có trình độ, được đào tạo bài bản, có kinh nghiệm và kinh qua nhiều chức vụ lãnh đạo”, - bà Thành nói và nhấn mạnh, người dân thấy đau lòng và tiếc cho những cán bộ này.
Họ đã đánh mất chính mình vì lòng tham, sự suy thoái của đạo đức, lối sống, suy thoái tư tưởng chính trị.Nữ cử tri nhấn mạnh, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nói ‘suy thoái tư tưởng chính trị là gốc của tham nhũng’, và kiến nghị cần nghiên cứu để có cơ chế chính sách kiểm soát quyền lực ở việt Nam thời gian tới.
Cũng chia sẻ quan điểm này, cử tri Hoàng Minh Bần, quận Hai Bà Trưng đề nghị Quốc hội, Chính phủ cần tăng cường các giải pháp kiểm soát quyền lực để các cơ quan, cán bộ công chức thực hiện đúng thẩm quyền, chỉ được làm những điều pháp luật quy định, cho phép.

Vụ Hải Dương, móc ngoặc nhau lên cả Trung ương

Lắng nghe, tiếp thu ý kiến, kiến nghị của các cử tri, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cho biết, các vấn đề được cử tri nêu rất chắc, sâu sắc và sát thực tiễn, tổ đại biểu Quốc hội sẽ tiếp thu đầy đủ báo cáo Quốc hội.
Đối với chủ đề kiểm soát quyền lực, Tổng bí thư nhấn mạnh, cần phải quan tâm nhiều hơn vì có quyền trong tay nhưng không ai giám sát dẫn đến ‘tự tung, tự tác, muốn làm gì thì làm’.

“Thậm chí bè cánh với nhau, móc ngoặc với nhau trở thành lợi ích nhóm là vô cùng nguy hiểm”, - Tổng Bí thư nhắc.

Người đứng đầu Đảng dẫn ví dụ xử lý lãnh đạo Hải Dương liên quan tới vụ án Việt Á vừa quavà cho cho biết, sai phạm không chỉ một người mà có sự móc ngoặc với nhau.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tiếp xúc cử tri quận Hai Bà Trưng,quận Ba Đình và quận Đống Đa
“Từ Bí thư cho đến Chủ tịch tỉnh, cán bộ các cấp, thậm chí còn móc với cán bộ trên Trung ương”, - ông Trọng nói và cho biết, ban đầu các cán bộ này không nhận nhưng sau khi đưa ra các bằng chứng, xuống làm việc tổ chức đảng tại đó nên cuối cùng phải nhận.
Kết quả, tại Hội nghị Trung ương vừa quađã quyết định khai trừ ra khỏi Đảng đối với Bí thư Tỉnh ủy Hải Dương - ông Phạm Xuân Thăng.
Tổng Bí thư cũng cho hay, tại Hội nghị trung ương 6 vừa qua, có quyết định rất mới – đây là tiến lên một bước mới, theo ông Trọng - tức không chỉ có kỷ luật mà nếu cán bộ thấy mình có khuyết điểm, tự nhân và xin thôi, từ chức thì Trung ương và cơ quan có thẩm quyền đồng ý quyết định cho thôi.
Ông Trọng nhắc lại việc cựu Chủ tịch UBND TP.Hà Nội Chu Ngọc Anh cũng bị kỷ luật khai trừ khỏi Đảng cùng cựu Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long hồi tháng 6 vừa qua và nhấn mạnh, việc xử lý kỷ luật đã được các cơ quan phối hợp nhịp nhàng - tinh thần quyết liệt nhưng phải có cách làm, không cãi đi đâu được.
“Việc này nhẹ nhàng hơn nhưng vẫn mất hết các chức. Còn ai có điều kiện, sức khỏe, khả năng có thể tham gia vào công việc khác phù hợp hơn chứ không phải cốt xử thật nặng, không còn tình nghĩa gì mới là nghiêm”, - Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nói.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chủ trì hội nghị Quân ủy Trung ương
Tổng Bí thư cũng nhắc lại, hiện nay, công tác phòng chống tham nhũng, tiêu cực tiến thêm một bước, "không cần xử mà cho anh tự xử".
“Trung ương vừa rồi đã có mấy đồng chí xin tự thôi. Trung ương đồng ý. Tinh thần không làm được việc ấy thì thôi, xin cho thôi, có thể chuyển sang làm việc khác thích hợp hơn”, - lãnh đạo Đảng cho hay.

Cuộc chiến cam go còn tiếp tục

Tổng Bí thư cũng cho biết, Trung ương vừa qua thống nhất rất cao về công tác phòng, chống tham nhũng.
“Sắp tới các đồng chí chờ, sẽ còn. Làm từng bước, từng bước và rõ đến đâu làm đến đấy làm từng bước vững chắc, không thể cản được”, - Tổng bí thư nhấn mạnh.
Người đứng đầu Đảng nhấn mạnh, cuộc chiến đấu vẫn đang tiếp tục, chưa phải hết và một số các vụ trọng tâm, trọng điểm đang làm và sẽ làm.
“Xin báo cáo các đồng chí, xung quanh công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng tiêu cực, lãng phí vẫn đang còn tiếp diễn chứ chưa phải đã hết đâu”, - theo ông Trọng.
Tổng Bí thư còn cho biết, có những vụ cách đây nhiều năm, chi phối rất lớn, ghê gớm, nổi tiếng. Thậm trí, nghi can chạy trốn đi rồi nhưng trốn cũng không được và đặt câu hỏi ‘móc ngoặc như thế thì chế độ có còn XHCN không, Đảng có còn là Đảng Cộng sản Việt Nam không’.
Ông nhắc lại,tinh thần của việc xử lý là giáo dục cảnh tính, cảnh báo, răn đe là chính chứ không thích thú gì kỷ luật đồng chí, đồng đội của mình. Cùng với đó, theo Tổng Bí thư, việc xử lý vừa qua làm rất công tâm, khách quan, bài bản, đúng kỷ luật của Đảng, pháp luật của Nhà nước, nghiêm minh nhưng nhân đạo, nhân ái, nhân tình, mở đường cho người ta tiến.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tiếp xúc cử tri quận Hai Bà Trưng, quận Ba Đình và quận Đống Đa
Do đó, ông Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh việc một số thế lực xuyên tạc cho rằng chống tham nhũng là do nội bộ đánh nhau hoàn toàn không đúng, nhằm chia rẽ nên phải hết sức cảnh giác.
“Các bác chờ mấy vụ sắp tới sẽ làm. Có vụ tồn tích lâu rồi, nổi tiếng rồi, thậm chí chạy trốn đi rồi nhưng tôi bảo trốn cũng không thể trốn được. Ngồi đấy chờ mà xem trốn có được không. Ai bao che cũng không được, ai bao che xử lý người bao che”, - theo ông Trọng.
Là thủ đô của cả nước, Tổng Bí thư mong muốn, Hà Nội tiếp tục gương mẫu, đi đầu trong công tác phòng chống tham nhũng.

“Làm quyết tâm, quyết liệt. Cuộc đấu tranh phòng chống tham nhũng của ta được nhân dân rất hoan nghênh, thế giới nể phục”, - Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng kết luận.

Thảo luận