Nghịch lý ở đâu?
Kinh tế Việt Nam đang phát triển mạnh mẽ. Việt Nam hội nhập quốc tế sâu rộng nhiều hiệp định thương mại tự do, là thành viên tích cực của nhiều tổ chức quốc tế như Tổ chức Hàng hải Quốc tế (IMO), Tổ chức Lao động quốc tế (ILO)... Những điều này thúc đẩy hàng hóa Việt Nam xuất khẩu ra thị trường quốc tế, tạo ra một xung lực mới cho phát triển kinh tế, xuất nhập khẩu tăng trưởng vào các thị trường lớn.
Theo số liệu của Bộ Công thương, trong 9 tháng đầu năm 2022, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa vượt mốc 500 tỷ USD, ước đạt 558,52 tỷ USD, tăng 15,1% so với cùng kỳ năm trước. Đặc biệt, năm nay dự báo thị trường xuất nhập khẩu có thể đạt tới 800 tỷ USD.
Trong khi đó, thống kê của Cục Hàng hải Việt Nam cho thấy, thị trường vận tải hàng xuất nhập khẩu do đội tàu biển Việt Nam đảm nhận nhiều năm qua luôn có xu hướng giảm.
Theo đó, thị phần hàng hóa xuất nhập khẩu bằng tàu biển Việt Nam đã giảm từ mức 11% năm 2015 xuống còn 5% vào năm 2019 và 2020. Đến năm 2021, thị phần tăng nhẹ và có dấu hiệu hồi phục khi đạt 7%.
Đáng nói, hơn 90% hàng hóa Việt Nam chuyên chở bằng đường biển. Đồng nghĩa, phương thức vận tải này chính là mắt xích quan trọng trong chuỗi dịch vụ logistics.
Có thể thấy, những con số trên cho thấy nghịch lý ở chỗ, kim ngạch xuất nhập khẩu tăng trưởng bao nhiêu, thì số liệu thị phần vận tải hàng hóa xuất nhập khẩu của đội tàu vận tải biển Việt Nam lại đáng buồn bấy nhiêu.
Theo số liệu của Cục Hàng hải, đội tàu mang cờ quốc tịch Việt Nam hiện có 1.563 tàu. Đáng nói là phần lớn, đến 77% tương ứng gần 800 tàu chở hàng tổng hợp, hàng rời là cỡ tàu nhỏ và cỡ tàu trung bình. Số tàu trên 30.000 GT chỉ có 13 tàu với tuổi trung bình khoảng 16,8 tuổi. Trong khi, thế giới đang xu hướng phát triển cỡ tàu lớn hơn để tối ưu hóa chi phí.
Mặt khác, nhóm tàu container chỉ có 4% trên tổng trọng tải của đội tàu vận tải với 38 tàu và gần như không tăng trưởng trong giai đoạn 2016 - 2020 và vẫn lạc hậu so với nhu cầu cũng như xu hướng phát triển của thế giới.
Hai năm qua, tác động của dịch bệnh COVID-19 đã đẩy giá cước vận tải biển lên cao, tăng 4-6 lần và đến nay chưa có dấu hiệu “hạ nhiệt”. Trong đợt khủng hoảng logistics, giá cước đã tăng gấp 5 - 7 lần, lợi nhuận rơi vào túi các hãng lớn của nước ngoài, trong khi Việt Nam không được hưởng lợi gì nhiều.
Theo tính toán của Hiệp hội Doanh nghiệp Dịch vụ Logistics Việt Nam (VLA), năm 2021, chi phí logistics tại Việt Nam chiếm khoảng 16,8% giá trị hàng hóa trong khi mức chi phí này trên thế giới hiện chỉ khoảng 10,6%.
Trong bối cảnh việc đứt gãy chuỗi cung ứng trên toàn cầu chưa thể khôi phục trong một sớm một chiều, nhiều chuyên gia cho rằng giá cước vận chuyển sẽ chưa hạ nhiệt ngay lập tức. Có thể thấy, chi phí logistics đã và đang là “gánh nặng” trên vai các doanh nghiệp xuất khẩu và tình trạng này còn có thể nặng nề hơn trong năm nay.
Trao đổi với Sputnik, ông Nguyễn Tương, Cố vấn cấp cao Hiệp hội doanh nghiệp dịch vụ logistics Việt Nam (VLA) phân tích:
“Tại Việt Nam, hơn 90% tàu container chuyên chở bằng các tàu nước ngoài. Riêng hàng đi châu Âu, châu Mỹ đều do tàu nước ngoài vận chuyển. Trong thời gian vừa rồi, do đứt gãy chuỗi cung ứng nên tình hình khó khăn do giá cước vận tải tăng cao, khiến chi phí logistics tăng tới từ 4-5.000 USD lên 20.000USD đi bờ Tây Mỹ cho mỗi container. Điều nàylàm ảnh hưởng đến các nhà xuất nhập khẩu, làm giảm khả năng cạnh tranh của các nhà xuất nhập khẩu”.
Với lực lượng đội tàu biển còn yếu và mỏng, Việt Nam phù hợp với thị trường vận chuyển hàng hóa ven biển nội địa hoặc quốc tế ngắn trong khu vực như Trung Quốc, Đông Nam Á hay châu Á.
Rõ ràng, năng lực tàu còn hạn chế như hiện nay đã khiến các hãng tàu Việt để vuột mất nguồn lợi khổng lồ từ thị trường vận tải hàng hóa quốc tế mà còn khiến doanh nghiệp xuất nhập khẩu Việt Nam khốn đốn vì sự thao túng của các hãng tàu ngoại.
Mất hầu hết thị phần, vận tải biển Việt Nam cần giúp sức
Là một trong những cường quốc về hoạt động xuất nhập khẩu, lại có thế mạnh về cảng biển nhờ bờ biển dài và có nhiều cảng nước sâu, vị trí địa lý rất thuận lợi trong giao thương quốc tế, Việt Nam cần thiết phải có đội tàu vận tải biển tương xứng với tiềm năng, lợi thế. Nếu không, một phần rất lớn lợi nhuận sản xuất trong nước sẽ rơi vào doanh nghiệp vận tải nước ngoài.
Trước thực tế này, mới đây, Bộ trưởng Bộ GTVT vừa ký Quyết định về việc phê duyệt Đề án phát triển đội tàu vận tải biển của Việt Nam với kỳ vọng tăng gấp đôi thị phần vận tải hàng hóa xuất nhập khẩu qua cảng biển Việt Nam bằng đội tàu biển Việt Nam lên 10% vào năm 2026 và đạt 20% vào năm 2030.
Đề án phát triển đội tàu vận tải biển của Việt Nam đã được các cơ quan liên quan thảo luận, trong đó VLA là đơn vị đầu tiên đề xuất ra phát triển đội tàu container chở hàng xuất nhập khẩu.
Nêu quan điểm với Sputnik, ông Nguyễn Tương, Cố vấn cấp cao VLA cho hay, Hiệp hội này đã đề nghị với Nhà nước phát triển đội tàu biển, trong đó có tàu container. Theo đó, sẽ phát triển làm nhiều giai đoạn. Giai đoạn 1, tàu chạy nội vùng châu Á, sau đó phát triển đi châu Âu. Như vậy, sẽ tiết kiệm được chi phí logistics, chủ động trong công tác xuất nhập khẩu. Nếu đề án này thực thi sẽ tạo thuận lợi cho doanh nghiệp sản xuất, xuất nhập khẩu và logistics rất lớn. Các doanh nghiệp Logistics đều rất ủng hộ dự án này.
Vị chuyên gia này cũng nhấn mạnh thêm, khi Việt Nam có đội tàu chủ động trong việc chuyên chở hàng hóa xuất nhập khẩu, logistics nội địa Việt Nam sẽ tăng trưởng và phát triển, không những về vận tải, kiểm dịch hàng hóa, khai báo hải quan, các dịch vụ kho bãi,... được thuận lợi đi kèm với chi phí logistics giảm, qua đó phát triển logistics nội địa và phát triển logistics quốc tế, trước hết là thị trường gần như thị trường nội Á.
“Đặc biệt, Việt Nam sẽ tiết kiệm được một khoản ngoại tệ rất lớn chi cho các tàu nước ngoài. Thay vì trả cước ngoại tệ cho chủ tàu nước ngoài, khoản tiền đó sẽ chi trả cho tàu nội địa Việt Nam”, ông Tương nêu rõ.
Thị trường vận tải luôn luôn biến động và tính cạnh tranh rất cao. Các hãng tàu nước ngoài hợp doanh với nhau để kinh doanh các hàng hóa vào Việt Nam, tạo sức cạnh tranh cực kỳ lớn với đội tàu trong nước.
Vấn đề chính hiện nay là năng lực cạnh tranh tàu Việt với tàu ngoại. Bên cạnh đó, vấn đề quản lý tàu, thuyền viên hiện đang gặp khó khăn, bởi hiện rất ít thuyền viên muốn đi biển, nên hầu hết phải thuê thuyền viên nước ngoài. Chi phí cao, chính sách thuyền viên, chính sách mua tầu, phụ tùng, dầu,... nhập về Việt Nam cần cải thiện.
“Hiện Việt Nam đang có chính sách mua tàu không quá 15 tuổi, mà thực tế vốn các doanh nghiệp nội địa không nhiều. Trong khi trên thế giới họ chọn tàu trên 15 tuổi nhưng đủ năng lực đi biển. Tôi nghĩ hạn chế về vốn là 1 phần, nhưng hạn chế về chính sách phát triển đội tàu Việt Nam mới là quan trọng”.
Theo Cố vấn cấp cao VLA, đề án này muốn phát triển được cần có bước đột phá về mặt tư tưởng và chuyển biến từ doanh nghiệp đến cơ quan nhà nước. Từ quyết tâm chính trị đến chính sách cởi mở, nhằm tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp.
“Nhà nước cần có chính sách phát triển đội tàu như vấn đề vay vốn, vấn đề bảo lãnh vay vốn, điều kiện mua bán tàu, vấn đề hỗ trợ thuyền viên phát triển,...Những chính sách này liên quan đến nhau và tất cả đều nhằm phát triển đội tàu”, ông Tương nói với Sputnik.
Xu thế phát triển trong tương lai là container, nên đội tàu này cần được chú trọng để có chiến lược phát triển tương xứng. Cơ chế, chính sách cần thiết để xây dựng và phát triển đội tàu này nhằm bảo đảm thị phần vận tải nội địa và nâng cao năng lực vận tải quốc tế. Từ đó, góp phần giảm chi phí logistics và bảo đảm duy trì tính chủ động, ổn định cho hoạt động xuất, nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam khi có những yếu tố biến động bất lợi của thị trường.