Nếu Fed tiếp tục tăng lãi suất, bài toán điều hành chính sách tiền tệ của Việt Nam (và cũng không riêng gì Việt Nam) được dự báo sẽ ngày càng khó khăn, vì vừa phải ổn định kinh tế vĩ mô, ngăn lạm phát, vừa phải hỗ trợ tăng trưởng kinh tế ổn định.
Đồng Việt Nam tiếp đà mất giá, tỷ giá USD/VN liên tục lập đỉnh
Chốt tuần giao dịch hôm thứ Sáu, tỷ giá trung tâm giữa đồng Việt Nam (VND) và đô la Mỹ (USD) được Ngân hàng Nhà nước công bố hôm 14/10 ở mức 23.541 VND/USD, tăng 44 đồng so với hôm 13/10.
Với biên độ +/- 3% đang được áp dụng, tỷ giá trần mà các ngân hàng áp dụng phiên cuối tuần giao dịch là 24.244 VND/USD và tỷ giá sàn là 22.838 VND/USD.
Hôm nay 16/10, tỷ giá trung tâm được Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) đưa ra ở mức 23.421 VND/USD, giảm 10 đồng so với hôm thứ Hai nhưng vẫn tăng 119 đồng mỗi USD so với cuối tuần trước.
Khảo sát tỷ giá USD tuần qua, giá mua - bán tiếp tục tăng mạnh tại 7 ngân hàng được khảo sát. Mức chênh lệch giá dao động trong khoảng 75 đồng - 260 đồng. Trong đó, Eximbank đang có giá mua vào USD cao nhất ở mức 23.980 VND/USD, tăng mạnh 240 đồng so với đầu tuần. Vietcombank và BIDV cùng có giá bán ra USD thấp nhất ở mức 24.230 VND/USD, đồng thời tăng 210 so với hôm thứ Hai.
Trên thị trường tự do - chợ đen giá USD tăng mạnh so với đầu tuần ở cả hai chiều mua - bán. Theo đó giá mua vào là 24.250 VND/USD và giá bán ra là 24.330 VND/USD, tăng lần lượt 170 đồng và 200 đồng so với hôm thứ Hai. Thậm chí, tại một số điểm giao dịch, thu đổi ngoại tệ giao dịch quanh 24.370 đồng/USD mua vào, 24.490 đồng/USD bán ra, tăng khoảng 10 đồng mỗi USD so với ngày hôm trước. Tính chung, so với hồi đầu tháng 10/2022, giá USD tự do đã tăng khoảng 260 đồng/USD.
Có thể thấy, từ tỷ giá trung tâm, giá USD trong ngân hàng thương mại và trên thị trường tự do đều tiếp tục đà tăng trong bối cảnh đồng USD trên thị trường quốc tế liên tục lên mức cao kỷ lục trong 20 năm qua khi các nước ngày càng thắt chặt chính sách tiền tệ trong cuộc chiến chống lạm phát cũng như suy thoái kinh tế.
Fed tăng lãi suất và bài toán chính sách tiền tệ cho Việt Nam
Mọi sự chú ý vẫn đang đổ dồn vào các quyết định của Cục Dự trữ Liên bang Hoa Kỳ (Fed).
Chỉ số giá tiêu dùng CPI tháng 9 của Mỹ tăng 0,4% so với tháng trước, cao hơn dự báo tăng 0,3% của các chuyên gia tham gia cuộc thăm dò của Dow Jones. Tính chung giai đoạn 12 tháng, lạm phát tổng thể tăng 8,2% trong tháng 9, thấp hơn nhiều so với đỉnh 9% hồi tháng 6, tuy nhiên, thực tế mức này vẫn dao động gần mức đỉnh 40 năm qua.
Sau khi loại trừ giá thực phẩm và năng lượng, CPI lõi tăng 0,6% so với tháng trước, cao hơn ước tính tăng 0,4% của Dow Jones. So với cùng kỳ, lạm phát lõi tăng 6,6%, đây lại là mức cao nhất trong 40 năm. Điều này, theo các chuyên gia, dẫn đến khả năng Fed tiếp tục nâng lãi suất trong tháng 11 tới.
Nếu Fed tiếp tục làm điều đó, bài toán điều hành chính sách tiền tệ của Việt Nam (và cũng không riêng gì Việt Nam) được dự báo sẽ ngày càng khó khăn, vì vừa phải ổn định kinh tế vĩ mô, ngăn lạm phát, vừa phải hỗ trợ tăng trưởng kinh tế ổn định.
Theo nguyên Phó viện trưởng Viện Chiến lược ngân hàng (Ngân hàng Nhà nước) Phạm Xuân Hoè cùng một số chuyên gia nêu ý kiến trên Nhịp sống doanh nghiệp cho rằng, để kiểm soát lạm phát, đến nay Fed đã nâng tổng cộng 3 điểm phần trăm kể từ tháng 3/2022, hiện đang ở khoảng 3-3,25%. Dù vậy, lạm phát tháng 9 vẫn ở mức cao bất chấp nỗ lực nâng lãi suất quyết liệt của Fed. Do đó, theo ông Hoè, kế hoạch tăng lãi suất của Fed sẽ diễn ra ngay trong tháng 11 và thậm chí là với mức lãi suất mạnh hơn.
Dẫn tỷ lệ thất nghiệp bất ngờ giảm về 3,5% và tiền lương tiếp tục tăng ở Mỹ, theo TS. Nguyễn Quốc Việt, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và chính sách (VEPR), điều này phát đi tín hiệu rõ ràng rằng Fed cần tiếp tục nâng mạnh lãi suất thời gian tới - khả năng khoảng 4,25-4,50% vào cuối năm nay và kết thúc năm 2023 ở mức 4,50-4,75% để kiểm soát lạm phát.
PGS.TS Đinh Trọng Thịnh, Giảng viên Học viện Tài chính, khi Fed tăng lãi suất, USD tăng giá và làm cho đồng tiền các nước suy yếu. Cho nên, hầu hết ngân hàng trung ương các nước trên thế giới cũng đã tăng lãi suất để rút ngắn khoảng cách với USD. Theo ông Thịnh, đến cuối tháng 9, ngân hàng trung ương của 90 nước trên thế giới đã có 278 lần tăng lãi suất.
“Điều này tạo ra một làn sóng tăng lãi suất mạnh mẽ trên thế giới làm cho các dòng vốn xáo động rất lớn đến hoạt động các quốc giá trên thế giới”, - PGS.TS Đinh Trọng Thịnh lưu ý.
Trong khi đó, tại Việt Nam, mỗi lần Fed tăng lãi suất đều tạo áp lực lên tỷ giá USD/VND. Kể từ lần Fed tăng lãi suất lần đầu tiền (16/3), tỷ giá USD/VND đã tăng liên tục. Tại Vietcombank, giá bán USD ngày 16/3 chỉ ở mức 23.030 VND/USD, đến nay đã tăng lên mức 24.200 VND/USD vào ngày 14/10, tăng 1.170 VND/USD, tương đương mức tăng 5,1%.
Cùng với đó, để giảm áp lực tỷ giá, bên cạnh việc bán một phần dự trữ ngoại, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) đồng loạt tăng mạnh các lãi suất điều hành thêm 1%.
Theo ông Thịnh, dù đây là bước đi phù hợp nhưng việc này cũng khiến mặt bằng lãi suất cho vay chắc chắn tăng lên làm ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.
PGS.TS Đinh Trọng Thịnh cho biết, để giữ mức “ghìm cương” tỷ giá ở mức vừa phải, thời gian qua, ngành ngân hàng đã phải tăng lãi suất huy động VND.
“Mức lãi trên 8%/năm xuất hiện ngày càng nhiều, thậm chí có mức lãi suất gần 9%. Trong khi doanh nghiệp vừa phục hồi sau dịch COVID-19 lại gặp phải rào cản chi phí tài chính tăng do lãi suất cho vay tăng”, - chuyên gia lưu ý.
Theo TS. Nguyễn Quốc Việt, việc tỷ giá vẫn tiếp tục chịu áp lực trong những tháng cuối năm 2022 do đồng USD neo cao khi Fed duy trì lộ trình tăng lãi suất. Xét về tính nguyên tắc, khi tỷ giá tăng, các doanh nghiệp xuất khẩu sẽ được hưởng lợi vì doanh thu đổi ra VND được tăng lên. Tuy nhiên, thực tế khi USD tăng giá, người tiêu dùng các nước thắt chặt ‘hầu bao’ khiến đơn hàng sụt giảm. Nhiều doanh nghiệp xuất khẩu ngành dệt may, da giày, đồ gỗ cũng đã ghi nhận mức giảm kể từ tháng 7 đến nay như chúng ta đã thấy.
Đại diện của VERP cho rằng, nếu VND tiếp tục giảm giá so với USD không hẳn có lợi cho xuất khẩu, mà còn có nguy cơ tạo ra nhập khẩu lạm phát.
“Vì phần lớn hàng xuất khẩu của Việt Nam có hàm lượng giá trị nhập khẩu lớn. Chưa kể, nhiều mặt hàng sản xuất để tiêu thụ trong nước cũng phải nhập khẩu nguyên vật liệu từ nước ngoài”, - ông Việt nhấn mạnh.
Cùng với việc sẽ đẩy lạm phát của Việt Nam đi lên vì giá hàng hóa nhập khẩu cũng lên theo, tỷ giá USD/VND tăng thì nghĩa vụ trả nợ của Chính phủ cũng gia tăng khi quy đổi theo VND. Đồng thời, nhà đầu tư nước ngoài (FDI) sẽ thấy gia tăng rủi ro vào Việt Nam dù đầu tư trực tiếp hay gián tiếp. Từ đó có thể khiến họ lo ngại và làm giảm dòng vốn FDI vào Việt Nam.
Dẫn chứng việc dòng vốn FDI đăng ký mới vào Việt Nam giảm mạnh so với cùng kỳ, theo TS. Việt, điều này là do tâm lý thận trọng của các nhà đầu tư khi nhìn vào tốc độ phục hồi kinh tế thế giới còn tương đối rủi ro, do đó, họ cân nhắc kỹ lưỡng về việc đầu tư ở đâu, thời điểm nào.
NHNN sẽ ổn định ‘theo chiều gió’?
Theo báo cáo thị trường tiền tệ của Chứng khoán SSI, dự trữ ngoại hối hiện đã giảm xuống dưới mức khuyến nghị của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF). Do đó, khả năng tiếp tục sử dụng dự trữ ngoại hối để hỗ trợ thanh khoản cho thị trường ngoại hối là khá hạn chế. Cũng theo SSI, về cuối năm, sức ép lên tỷ giá vẫn còn khá cao.
“Không loại trừ trường hợp NHNN sẽ tiếp tục tăng lãi suất điều hành nhằm giảm áp lực lên tỷ giá”, - SSI dự báo.
Đánh giá việc điều hành tỷ giá và lãi suất của NHNN trong giai đoạn hiện nay cực kỳ “nhạy cảm” và cần phải “linh hoạt”, theo PGS.TS. Đinh Trọng Thịnh, các chính sách này phải làm sao phải giữ vững được ổn định kinh tế vĩ mô, trong đó “ổn định” tỷ giá là mục tiêu hàng đầu để từ đó giữ lạm phát thấp, thúc đẩy sự tăng trưởng và phát triển.
Chuyên gia lưu ý, “ổn định” ở đây không phải là nghĩa cố định, mà phải theo “chiều gió” để có chính sách hợp lý. Ông phân tích, khi lãi suất các nước tăng lên thì lãi suất điều hành của Việt Nam cũng có thể tăng lên, sau khi ổn định thì có thể giảm đi.
Tương tự, khi chỉ số USD ở mức cao, thì Việt Nam cũng không thể giữ tỷ giá quá thấp, không các nhà đầu cơ sẽ lao vào để ôm USD. Vì vậy, nên để tự thị trường tự điều tiết để đồng USD thể hiện được sức mạnh của nó. Sau đó, USD sẽ chững lại và giảm xuống thì chúng ta cũng điều chỉnh giảm tỷ giá trung tâm.
“Tôi hy vọng tỷ giá USD/VND chỉ tăng quanh mức 3%, và lãi suất điều hành tăng ở mức 1-1,5% trong năm nay”, - ông Đinh Trọng Thịnh nêu ý kiến.
TS. Nguyễn Quốc Việt cho rằng, từ nay đến cuối năm, mức lãi suất huy động vẫn có thể tăng là để thu hút được lượng lớn tiền gửi từ người dân và các tổ chức để đáp ứng vốn cho nền kinh tế.
Tuy vậy, để hạn chế việc tăng lãi suất cho vay, NHNN nên tiếp tục can thiệp bằng cách thông qua thị trường mở, cũng như thông qua lãi suất chiết khấu giúp các NHTM có nguồn vốn giá rẻ để lãi suất cho vay ổn định hoặc có tăng thì không đáng kể.
“Với nhiều chính sách hỗ trợ của NHNN, lãi suất cho vay sẽ ổn định, từ đó hỗ trợ doanh nghiệp đẩy mạnh sản xuất kinh doanh trong thời gian tới”, - ông Việt tin tưởng.
Ông Phạm Xuân Hòe cho rằng, vẫn có những yếu tố hỗ trợ tỷ giá bao gồm dòng vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam với vốn FDI thực hiện vẫn ở mức cao, thặng dư thương mại cải thiện (dự báo đạt khoảng 8,9 tỷ USD trong năm 2022), thặng dư cán cân thanh toán, dự trữ ngoại hối đạt ngưỡng an toàn (tương đương 3,3 tháng nhập khẩu).
“Chính phủ cần tiếp tục những chính sách để đẩy mạnh xuất khẩu hay tăng cường thu hút đầu ư nước ngoài vào Việt Nam nhiều hơn để có nguồn thu ngoại tệ dồi dào, từ đó giảm áp cho tỷ giá”, - chuyên gia khuyến nghị.