NATO bắt đầu cuộc tập trận răn đe hạt nhân

MOSKVA (Sputnik) - Cuộc tập trận răn đe hạt nhân Steadfast Noon theo kế hoạch của NATO với sự tham gia của 14 quốc gia và đến 60 máy bay quân sự bắt đầu hôm thứ Hai và sẽ kéo dài đến ngày 30/10.
Sputnik
Theo tuyên bố của liên minh, cuộc tập trận sẽ diễn ra ở "phía tây bắc châu Âu" - trong không phận của Bỉ và Anh, cũng như trên Biển Bắc. Các loại vũ khí chiến đấu không được huy động trong cuộc tập trận này.
Các phương tiện truyền thông của Bỉ nêu rõ trung tâm của cuộc tập trận sẽ là căn cứ không quân Kleine Brogel của Bỉ ở tỉnh Limburg. Theo số liệu của Liên minh Chống vũ khí hạt nhân của Bỉ, ở nước này có các đầu đạn hạt nhân của Mỹ. Cơ quan chức năng chính thức không xác nhận thông tin trên.
Theo Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg giải thích, "đây là các cuộc tập trận thường niên theo lịch trình được tiến hành để duy trì khả năng hạt nhân của NATO luôn trong trạng thái an toàn và hiệu quả". Ông nhấn mạnh rằng cuộc tập trận này không liên quan đến cuộc khủng hoảng hiện nay xung quanh Ukraina.
NATO sẽ không sử dụng vũ khí chiến đấu trong tập trận răn đe hạt nhân
Như kênh truyền hình RTBF của Bỉ nêu rõ, không một máy bay nào của lực lượng không quân các nước NATO tham gia tập trận đến gần lãnh thổ Nga ở khoảng cách dưới 1.000 km.
Tuy nhiên, Liên minh chống vũ khí hạt nhân của Bỉ đã yêu cầu nhà chức trách hủy bỏ cuộc tập trận do bối cảnh tình hình quốc tế căng thẳng.
"Vào thời điểm căng thẳng hạt nhân cao độ với Nga, việc tiến hành cuộc tập trận như vậy là vô trách nhiệm", - tổ chức này cho biết trong một tuyên bố.
Liên minh chống hạt nhân cho rằng các cuộc tập trận như vậy trên đất Bỉ khiến nước này trở thành mục tiêu tiềm năng trong trường hợp xảy ra xung đột hạt nhân, đặc biệt là khi trụ sở NATO và các cơ quan chính của EU đều được đặt ở Brussels.
Trong Khái niệm chiến lược của NATO mới được cập nhật tại hội nghị thượng đỉnh Madrid vào tháng 6 năm nay, các nhà lãnh đạo của liên minh tái khẳng định rằng "chừng nào còn tồn tại vũ khí hạt nhân, NATO vẫn sẽ là một liên minh hạt nhân".
Thảo luận