Trung Quốc đang "học hỏi" từ các cường quốc phương Tây
“Trung Quốc đã “học hỏi” từ các cường quốc phương Tây cách sử dụng các biện pháp trừng phạt để gây áp lực nếu cần thiết, để bảo vệ lợi ích của mình. Rõ ràng là Trung Quốc sẽ không chủ động sử dụng chiến lược này và sẽ không lạm dụng nó. Trong khi đó, Bắc Kinh đã áp dụng một số biến thể của các biện pháp đối phó này. Ví dụ, đáp trả Mỹ, Trung Quốc áp thuế quan bổ sung, áp hàng rào thuế quan, đưa ra các biện pháp trừng phạt nhằm vào các chính trị gia và quan chức phương Tây sau khi các nước phương Tây áp dụng các biện pháp tương tự đối với công dân Trung Quốc."
"Tuy nhiên, chính sách trừng phạt của phương Tây dựa trên niềm tin vào sự vượt trội của phương Tây trong lĩnh vực công nghệ, cơ sở hạ tầng kinh tế, tài chính và ngân hàng. Phương Tây cho rằng, không ai có thể đáp trả áp lực của họ một cách đối xứng. Một triết lý như vậy là xa lạ với Trung Quốc, vì vậy đối với Bắc Kinh chiến lược phản ứng bất cân xứng được đặt lên hàng đầu. Các chính trị gia và nhà kinh tế Trung Quốc sẽ phát triển các chiến lược như vậy sau Đại hội Đảng lần thứ 20. Chiến lược này sẽ dựa trên sự hiểu biết về nhu cầu của mỗi quốc gia cụ thể tham gia vào các lệnh trừng phạt chống Trung Quốc để tìm cách đáp trả sức ép từ các quốc gia này bằng các bước đi không đối xứng. Mục tiêu của chiến lược này là thuyết phục các quốc gia đó về việc áp lực lên Trung Quốc có thể gây ra những thiệt hại nghiêm trọng đối với các quốc gia tham gia vào các lệnh trừng phạt”.
Điều kiện quốc tế
“Chúng ta cũng nhận thấy sự trỗi dậy tập thể của các nước đang phát triển, sự chuyển đổi của hệ thống quản trị toàn cầu và những thay đổi đột ngột trong bối cảnh quốc tế. Trong điều kiện này, chúng ta có thể gặp nhiều thách thức, nhưng cũng có nhiều cơ hội trong những thách thức này. Hiện nay trên thế giới tồn tại hai loại chủ nghĩa đơn phương (unilateralism) - học thuyết cho rằng các quốc gia nên tiến hành các hoạt động đối ngoại của mình một cách cá nhân mà không cần sự tư vấn hoặc can dự của các quốc gia khác. Một là chủ nghĩa đơn phương thời Trump bỏ qua lợi ích của các đồng minh. Và loại thứ hai là chủ nghĩa đa phương giả dưới thời Biden, nhằm thu hút các đồng minh thành lập các nhóm khác nhau."
"Không giống như Hoa Kỳ, Trung Quốc luôn tôn trọng chủ nghĩa đa phương thực sự, chủ trương hợp tác để giải quyết các vấn đề toàn cầu và đạt được mục tiêu phát triển kinh tế và xã hội dựa trên cơ sở cùng có lợi và tư duy cùng thắng. Trung Quốc là một quốc gia sản xuất lớn, chiếm một vị trí vô cùng quan trọng trong ngành công nghiệp toàn cầu. Ngoài ra, Trung Quốc đứng đầu thế giới về tổng kim ngạch thương mại trong 10 năm liền, trở thành động lực hàng đầu trong tăng trưởng của nền kinh tế toàn cầu, đồng thời là thị trường lớn nhất thế giới. Mới đây, Thủ tướng Đức và Cao ủy Thương mại EU thừa nhận rằng, việc tách khỏi Trung Quốc không phục vụ lợi ích của hầu hết các nước”, - chuyên gia Wang Zhimin nhận xét.