VND mất giá gần 7%, dự trữ ngoại hối của Việt Nam giảm và ‘tam giác bất khả thi’

Giá USD tăng lên mức cao kỷ lục 24.500 đồng, tỷ giá USD/VND tiếp tục nhảy vọt kéo đà giảm của đồng nội tệ Việt Nam (VND) mất giá gần 7% so với thời điểm cuối năm 2021.
Sputnik
Ngày 18/10, Ngân hàng Nhà nước đã điều chỉnh tỷ giá trung tâm ở mức 23.637 đồng/USD, tăng 51 đồng so với phiên hôm trước. Đây là phiên thứ 3 liên tiếp cơ quan này điều chỉnh mạnh tỷ giá, tăng đến hơn 40 đồng.
Tổng cộng tuần vừa qua, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã điều chỉnh tỷ giá tăng thêm hơn 200 đồng.

Động thái can thiệp từ Ngân hàng Nhà nước

Như Sputnik đã thông tin, với biên độ +/-5% được Ngân hàng Nhà nước nới rộng thay cho biên độ +/-3% từ 17/10, tỷ giá sàn hôm nay đạt 22.455 VND/USD, tỷ giá trần 24.818 VND/USD.
Đây là động thái điều chỉnh biên độ lần đầu tiên của Ngân hàng Nhà nước sau 7 năm, điều chỉnh giá bán tại Sở Giao dịch Ngân hàng Nhà nước lần thứ 3 liên tiếp trong tháng qua, nhằm thích nghi với biến động mạnh và liên tục gia tăng của tỷ giá USD/VND trong thời gian gần đây.
Theo các chuyên gia, trong ngắn hạn, việc điều chỉnh này là cần thiết khi tỷ giá sẽ còn chịu nhiều áp lực từ bên ngoài trong lúc Cục Dự trữ Liên Bang Mỹ (Fed) tăng lãi suất trong tháng 11 và tháng 12. Bên cạnh đó, nguồn cung ngoại tệ của Việt Nam được dự báo sẽ gặp nhiều khó khăn trong quý IV do xuất khẩu yếu đi, kiều hối chậm lại.
Nhìn nhận trong tình thế hiện nay, Ngân hàng Nhà nước không có quá nhiều lựa chọn. Các chuyên gia cũng đồng quan điểm rằng, biện pháp can thiệp từ Ngân hàng Nhà nước sẽ khá hạn chế, khi dự trữ ngoại hối không còn quá nhiều. Nếu tăng lãi suất quá mạnh, điều này sẽ tác động lớn đến trạng thái ổn định của nền kinh tế, vốn đang khá khó khăn.
Tuần qua, tỷ giá USD/VND đã chịu nhiều áp lực khi Ngân hàng Nhà nước tiến hành bơm thanh khoản tiền đồng. Tỷ giá trung tâm được Ngân hàng Nhà nước điều chỉnh tăng mạnh ở tất cả các phiên, và chốt tuần tăng tới 119 đồng so với phiên cuối tuần trước đó, ở mức VND 23.531.
Tỷ giá niêm yết tại các ngân hàng thương mại gần như đã ở mức kịch trần 3% so với tý giá trung tâm, quanh mốc VND 24.230.
Tỷ giá liên ngân hàng tăng đến hơn 24.000, cao hơn nhiều so với mức tỷ giá bán tại Sở Giao dịch Ngân hàng Nhà nước. Cơ quan này đã phải can thiệp bằng cách bán ngoại tệ từ dữ trự ngoại hối, dù ở mức tương đối hạn chế.
Biên độ tỷ giá giao ngay USD/VND tăng lên 5%

Giá USD tăng lịch sử, VND đã mất giá gần 7%

Tại Sở Giao dịch Ngân hàng Nhà nước, tỷ giá tham khảo đã tăng từ hôm qua, từ 23.925 đồng lên 24.380 đồng/USD (bán ra), trong khi giá mua vào tạm để trống (niêm yết là 22.550 đồng/USD trước đó).
Tại các ngân hàng thương mại, tỷ giá USD/VND vẫn tăng mạnh, lên đến 300 - 400 đồng. Ngân hàng bán USD với mức cao nhất là 24.660 đồng/USD.
Cụ thể, chiều 18/10, tỷ giá USD được Vietcombank mua vào - bán ra USD ở mức 24.200 - 24.510 VND/USD, tăng 280 đồng ở cả chiều mua vào và bán ra so với phiên giao dịch sáng ngày 17/10.
Tỷ giá USD/VND vào chiều 18/10 tại Vietinbank được giao dịch ở mức 24.268 đồng mua vào và 24.568 đồng bán ra, tăng 303 đồng ở cả 2 chiều so với phiên ngày 17/10.
Tại ACB, tỷ giá USD/VND ở mức 24.200 - 24.550 đồng (mua vào - bán ra), tăng 250 đồng ở chiều mua vào và tăng 310 đồng ở chiều bán ra so với ngày 17/10.
Đặc biệt, TPBank niêm yết giá mua - bán USD ở mức 24.160 - 24.660 đồng USD, tăng 240 đồng ở chiều mua và tăng tới 420 đồng ở chiều bán so với mức niêm yết trước.
Ngày 18/10, tỷ giá trên thị trường tự do cũng tăng mạnh. Giá USD "chợ đen" hiện vào khoảng 24.500 - 24.800 đồng (mua vào - bán ra), tăng 80 đồng ở cả hai chiều so với 17/10.
Theo đánh giá của Công ty Chứng khoán SSI (SSI Research), khi tỷ giá USD được giao dịch quanh vùng VND 24.500, tương đương với việc tiền đồng đã mất giá gần 7% so với cuối năm 2021.
Trên thị trường quốc tế, đồng USD hôm nay đã tăng nhẹ. Chỉ số US Dollar Index (DXY), đo lường biến động đồng USD với 6 đồng tiền chủ chốt (gồm: EUR, JPY, GBP, CAD, SEK, CHF) lúc 16h ngày 18/10 (theo giờ Việt Nam) ở mức 112,11 điểm, tăng 0,06%.

Tình hình dự trữ ngoại hối của Việt Nam và bộ ba bất khả thi

Theo các chuyên gia, sau nhiều năm tích lũy được hơn 100 tỷ USD, thì trước các diễn biến vừa qua, Ngân hàng Nhà nước đã phải bán ra liên tục hơn 20 tỷ USD dự trữ ngoại hối, nhằm hãm đà tăng của tỷ giá VND/USD tính từ đầu năm 2022 đến nay.
Báo cáo từ Công ty CP Chứng khoán Agribank - Agriseco Research cho biết, dư địa nguồn dự trữ ngoại hối hiện không còn nhiều và hiện chỉ tương đương khoảng 13 tuần nhập khẩu.
Trước áp lực đó, Ngân hàng Nhà nước đã phải tăng lãi suất điều hành thêm 1 điểm phần trăm hôm 22/9, nhằm giảm bớt căng thẳng cho dự trữ ngoại hối. Tình thế này đồng nghĩa Việt Nam đang rơi vào “tam giác bất khả thi” khi phải đồng thời ổn định được cả tỷ giá và lãi suất.
“Bộ ba bất khả thi” là gì? Đó là học thuyết kinh tế vĩ mô cho rằng một quốc gia không thể thực hiện đồng thời 3 chính sách gồm cả tỷ giá hối đoái cố định, tự do lưu chuyển vốn và độc lập trong chính sách tiền tệ. Cũng theo lý thuyết này, các nhà hoạch định chỉ có thể thực hiện đồng thời 2 trong 3 chính sách trên và phải từ bỏ mục tiêu còn lại.
Trong kinh tế học, Impossible trinity - bộ ba bất khả thi giống như một ‘chướng ngại vật’ khó có nền kinh tế nào phá được. Theo đó, các nước, các Ngân hàng Trung ương gần như không thể thực hiện đồng thời ba chính sách gồm chế độ tỷ giá hối đoái cố định, chính sách tiền tệ độc lập để ổn định giá cả và tự do lưu chuyển vốn. Điều bức bối ở chỗ, tất cả chỉ có thể thực hiện đồng thời hai trong ba chính sách này mà thôi.
Một khi ngân hàng trung ương thực hiện chính sách tiền tệ nới lỏng thì tỷ giá hối đoái sẽ tăng lên, khi thực hiện chính sách tiền tệ thắt chặt thì tỷ giá giảm đi. Nếu thực hiện một chế độ tỷ giá cố định, thì chính sách tiền tệ không thể thay đổi linh hoạt được.
Ở các quốc gia khác nhau, bộ ba bất khả thi sẽ được thể hiện dưới dạng thức cụ thể khác nhau nhưng về bản chất gồm các yếu tố cố định. Trong đó, tỷ giá thể hiện ở: dự trữ ngoại tệ, cán cân thanh toán...Tự do lưu chuyển vốn được thể hiện ở: tăng trưởng GDP, đầu tư nước ngoài, nhập siêu, tài khóa ngân sách công, nợ nước ngoài...Chính sách tiền tệ độc lập thể hiện ở: lạm phát, lãi suất,...
Nhịp cầu Đầu tư dẫn quan điểm của TS. Vũ Đình Ánh, chuyên gia kinh tế, cho rằng, để đảm bảo dòng vốn vào Việt Nam không bị ảnh hưởng, kể cả vốn đầu tư trực tiếp lẫn gián tiếp, chỉ 1 trong 2 lựa chọn: hoặc ổn định lãi suất, hoặc ổn định tỷ giá.
“Ngân hàng Nhà nước không thể cùng một lúc thực hiện cả 2 nhiệm vụ. Đây đang là lựa chọn khó khăn nhất của chính sách tiền tệ”, ông Ánh cho biết.
Thực tế này, chấp nhận phá giá nội tệ để duy trì lãi suất thấp sẽ hỗ trợ đà tăng trưởng cho nền kinh tế, nhưng cũng đồng thời gây ra xu hướng rút vốn nước ngoài, đặc biệt là với dòng vốn FDI.
Thống kê từ Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), cứ mỗi lần tiền đồng phá giá mạnh thì giải ngân FDI lại bị tác động tiêu cực. Điển hình như trong giai đoạn 2009-2011, với tốc độ phá giá VND lên tới 8%/năm, tốc độ giải ngân vốn FDI ngay lập tức suy giảm 10%/năm.
Trước đó, giai đoạn 1997-1999 tốc độ phá giá VND cũng đạt trên 8%/năm, khiến tốc độ giải ngân FDI sụt giảm tới gần 16%/năm. Không chỉ dòng vốn ngoại, việc hy sinh tỷ giá còn làm tăng nguy cơ nhập khẩu lạm phát của Việt Nam.
Ngoài ra, với đặc tính kinh tế có độ mở cao, phá giá đồng nội tệ sẽ làm tăng chi phí nhập khẩu của các doanh nghiệp, từ đó gây áp lực lên lạm phát của nền kinh tế.
Bên cạnh đó, lựa chọn hy sinh tỷ giá còn có thể gây ra tác động khác là khiến các khoản vay ngoại tệ trở nên đắt đỏ. Nợ công bằng ngoại tệ của Chính phủ sẽ cần được trả bằng nhiều tiền hơn, nhưng phần lớn mối lo ngại lại nằm ở khối doanh nghiệp vay ngoại tệ.
Còn theo dữ liệu của WiChart, dù từng ở mức tương đương nhau vào năm 2016, nhưng tính đến năm 2021, dư nợ vay ngoại tệ của doanh nghiệp đã cao gần gấp đôi so với nợ nước ngoài của Chính phủ.

Lựa chọn của Ngân hàng Nhà nước

Trong trường hợp các nhà làm chính sách lựa chọn hy sinh lãi suất để giữ tỷ giá sẽ gia tăng tính ổn định của kinh tế vĩ mô, thêm bộ đệm để đối phó với các cú sốc toàn cầu.
Ngân hàng Nhà nước Việt Nam bán USD kiểm soát tỷ giá sẽ làm tăng áp lực thanh khoản VND
Theo ông Phạm Chí Quang, Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ, Ngân hàng Nhà nước phân tích, định hướng là ổn định không có nghĩa là cố định đồng tiền. Nếu để mặt bằng lãi suất ổn định quá lâu sẽ gây áp lực lên tỷ giá và gây bất ổn vĩ mô.
“Do đó, Ngân hàng Nhà nước thấy cần phải điều chỉnh lãi suất để đối phó với cú sốc của thị trường toàn cầu và neo giữ tâm lý kỳ vọng của thị trường”, ông Quang nói.
Tuy nhiên, tăng lãi suất lại đe dọa tăng trưởng vào năm sau, nhất là trong bối cảnh Việt Nam đã có một nền tăng trưởng GDP rất cao vào năm 2022 và nhiều dự báo cho rằng suy thoái toàn cầu có khả năng xảy ra vào năm 2023. Tuy nhiên, đây là thực trạng mà các quốc gia phát triển đang đối mặt.
Để đối phó với lạm phát, ngân hàng trung ương của các nước phát triển đã liên tục tăng lãi suất, khiến đà tăng trưởng GDP của các quốc gia này giảm tốc nhanh, thậm chí ghi nhận mức tăng trưởng âm và đang có nguy cơ suy thoái cao.
Riêng với Việt Nam, rủi ro của tăng lãi suất còn nằm ở khu vực bất động sản. Nhận định về vấn đề này, Tiến sĩ Lê Xuân Nghĩa, thành viên Hội đồng Tư vấn Chính sách Tài chính, Tiền tệ Quốc gia cho biết, sắp tới đáo hạn hàng trăm ngàn tỷ đồng trái phiếu doanh nghiệp, nếu các doanh nghiệp không phát hành được trái phiếu để đảo nợ cũ này, thì tình trạng vỡ nợ trái phiếu có thể sẽ xảy ra.
Thị trường chứng khoán, cũng là lớp tài sản rủi ro như bất động sản và được dự báo cũng sẽ chịu áp lực lớn nếu lãi suất tăng cao. Tác động sẽ đồng thời đến từ giảm định giá do tăng tỉ lệ chiết khấu, suy giảm tăng trưởng tương lai của doanh nghiệp, dòng vốn tháo chạy sang kênh đầu tư an toàn.
Đặc biệt là trong tình cảnh thị trường chứng khoán Việt Nam đã giảm hơn 30% từ đầu năm nay, gây nhiều thiệt hại cho nhà đầu tư và giá trị vốn hóa của doanh nghiệp.
Vậy Ngân hàng Nhà nước nên lựa chọn gì khi đối mặt với “bộ 3 bất khả thi”? Điều này, theo các chuyên gia, luôn khó khăn và cần nhiều cân nhắc.
Thực tế, động thái tăng lãi suất điều hành gần đây của Ngân hàng Nhà nước cũng đã phát tín hiệu nhà điều hành đang “nghiêng” về phía tỷ giá hơn lãi suất, ưu tiên ổn định vĩ mô hơn tăng trưởng đang là một lựa chọn an toàn, trong bối cảnh nhiều bất ổn vẫn đang xảy ra trên toàn cầu.
Tuần qua, tuần qua, Ngân hàng Nhà nước cũng đã bơm ròng tổng cộng hơn 93.000 tỷ đồng thông qua kênh thị trường mở và kết tuần, lãi suất liên ngân hàng kỳ hạn qua đêm đã hạ nhiệt về 4,92%, giảm 1,7 điểm %.
Các ngân hàng thương mại của Việt Nam cũng tiếp tục tăng mạnh lãi suất huy động điển hình như trường hợp của Techcombank, tăng 0,5- 0,9 điểm % ở các kỳ hạn. Nhiều nhà băng khác cũng điều chỉnh tăng thêm 0,2-0,3 điểm % ở các kỳ hạn dài trên 12 tháng nhằm thu hút dòng vốn tiền gửi dài hạn từ người dân, doanh nghiệp.
Thảo luận