Nikkei Asia cho rằng, các công xưởng bận rộn nay chỉ còn là quá khứ ở Việt Nam khi nhiều nhà máy phải cắt giảm hoạt động do đơn đặt hàng từ phương Tây chậm lại vì suy thoái kinh tế, lạm phát đang bao trùm Mỹ và các nước đồng minh thân cận. Tuy nhiên, sự thật là, phương Tây đang phải trả giá cho những quyết định thiếu suy nghĩ của chính mình.
Theo Nikkei, việc các đối tác lớn hàng đầu của Việt Nam là Mỹ, EU chịu ảnh hưởng nặng nề vì suy thoái, khủng hoảng năng lượng, lạm phát, nhu cầu tiêu dùng giảm, sẽ có tác động đáng kể đến xuất khẩu và giao thương của đất nước do độ mở nền kinh tế quá lớn.
Trừng phạt Nga khiến suy thoái ở phương Tây trầm trọng hơn
Nga vốn là nguồn cung năng lượng lớn nhất của châu Âu, tuy nhiên, kể từ khi Mỹ và đồng minh phương Tây liên tục tung các gói trừng phạt chống Moskva, cuộc khủng hoảng năng lượng ở EU trầm trọng hơn bao giờ hết, có nhiều đánh giá cho rằng, tình hình còn tồi tệ hơn cả cú sốc dầu mỏ năm 1973.
Cũng kể từ khi phương Tây áp đặt nhiều biện pháp trừng phạt chống Nga, nguy cơ suy thoái nghiêm trọng bao trùm toàn khối EU cũng như ở Mỹ, tỷ lệ lạm phát liên tục tăng cao, giá năng lượng leo thang, khan hiếm nguồn cung khí đốt, hàng loạt nhà máy sản xuất công nghiệp, dịch vụ phụ trợ phải đóng cử dừng hoạt động vì không có nhiên liệu, thất nghiệp nhiều hơn, nhu cầu tiêu dùng giảm mạnh, tăng trưởng chững lại.
Trong khi giá điện, giá khí đốt nhập khẩu, giá xăng dầu tăng gấp nhiều lần năm ngoái, các nhà hoạch định chính sách của EU và Mỹ chỉ biết lên tiếng kêu gọi người dân tiết kiệm, tiết kiệm và tiết kiệm. Thắt lưng buộc bụng là thực tế không thể phủ nhận hiện nay ở các nước phương Tây nhất là trong bối cảnh mùa đông khắc nghiệt đang đến gần.
Trước Tết Dương lịch, kỳ nghỉ lễ quan trọng nhất của năm kinh doanh, nhu cầu đối với hàng xuất khẩu của châu Á, từ điện thoại thông minh đến áo len, đều có xu hướng giảm.
Tất nhiên, khủng hoảng và suy thoái kinh tế ở phương Tây còn xuất phát từ những chính sách sai lầm của lãnh đạo EU, Mỹ, nhất là trong bối cảnh biến động phức tạp như hiện nay.
Những nhà máy đìu hiu vì suy giảm đơn hàng từ phương Tây
Trở lại với Việt Nam, mọi năm, đây thường là khoảng thời gian Phan Ngọc Anh được hưởng kỳ nghỉ sớm khi lĩnh vực của cô, ngành công nghiệp may mặc Việt Nam, đang vận chuyển các đơn đặt hàng của Mỹ và châu Âu để kịp trước Giáng sinh.
Tuy nhiên, theo Nikkei, đó là câu chuyện của các năm trước. Năm nay không như vậy.
Nhu cầu trước mùa mua sắm cuối năm - tưởng như lúc nào cũng rần rận bận rộn nhộn nhịp và bất biến, nhưng trong bối cảnh sự suy thoái ở các nền kinh tế phương Tây đã lan tràn khắp Thái Bình Dương, đến tận các nước như Việt Nam, nơi là nguồn cung cấp hàng đầu với thị trường Mỹ, EU về quần áo, đồ điện tử và các món quà tặng dịp lễ phổ biến khác.
Nikkei đưa ra nhận định dựa trên thống kê về kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam. Theo đó, lượng hàng hoá xuất khẩu đã giảm 14,3% từ tháng 8 đến tháng 9, làm dấy lên lo ngại về việc giảm tiêu thụ ở các thị trường nước ngoài, vốn đang đối mặt với lạm phát, thiếu hụt nhiên liệu và suy thoái kinh tế như tại các quốc gia phương Tây.
Anh, giám đốc bán hàng tại Po Lai Kam, nơi chuyên in nhãn "Made in Vietnam" trên các sản phẩm của Nike, Puma, Yonex và Levi's cho biết:
"Nếu Mỹ và châu Âu không thể khắc phục được tình hình (suy thoái kinh tế), chúng tôi có thể lâm vào tình cảnh khó khăn".
Sản xuất giày dép, điện thoại và đồ nội thất đang chậm lại, trong khi một số công nhân nghỉ việc đã bắt đầu trở về quê dịp cuối năm, như đã thấy vào năm 2021 - nhưng vì một lý do khác.
Một năm trước, cũng khoảng thời gian này, các nhân viên đang “ăn ngủ” tại các nhà máy thay vì về quê khi Việt Nam dỡ bỏ lệnh phong toả vì Covid-19 nhằm giữ công nhân ở yên tại chỗ.
Nhu cầu toàn cầu sụt giảm rõ rệt
Hiện nền kinh tế đã tăng trưởng 13,7% trong quý thứ ba, chủ yếu do cùng kỳ năm ngoái tăng trưởng thấp vì giãn cách xã hội. Tuy nhiên, hầu hết chuyên gia đều dự đoán quý IV Việt Nam sẽ tăng trưởng chậm hơn.
“Năm nay, thị trường không chỉ chậm lại mà còn là đóng băng”, Megha Khemka, Giám đốc công ty cung cấp bông S.P. Yarns, người đã có mặt tại TP.HCM trong một hội chợ thương mại gần đây, cho hay.
Goldman Sachs cho biết xuất khẩu của Việt Nam giảm "mạnh" hơn dự kiến, đạt 29,9 tỷ USD vào tháng trước, mức thấp thứ hai trong năm nay.
Maybank của Malaysia cho biết, các mặt hàng máy tính, thiết bị di động và các sản phẩm liên quan "là những mặt hàng chính chịu ảnh hưởng, giảm mạnh xuất khẩu trong bối cảnh nhu cầu toàn cầu sụt giảm".
Ngân hàng Thế giới (WB) cũng cho biết, hàng tồn kho cao và tiêu thụ giảm ở các nước nhập khẩu sẽ làm giảm nhu cầu đối với hàng xuất khẩu của châu Á. Dự báo các nền kinh tế khu vực sẽ tăng trưởng 3,2% trong năm nay, thay vì con số 5% được dự báo vào tháng Tư.
S.P. Yarns, công ty có trụ sở tại Ấn Độ của Khemka có khách hàng ở Indonesia, Bangladesh và Việt Nam, chuyên sản xuất hàng may mặc cho các nhà bán lẻ như H&M và Primark của châu Âu.
Trong một cuộc phỏng vấn, Megha Khemka cho biết sự sụt giảm trong chi tiêu là dễ dàng cảm nhận được.
“Đó không chỉ là tin tức mà chúng ta đọc mỗi ngày, nó là thực tế đang diễn ra ngay lúc này”, Megha Khemka nói với Nikkei Asia.
Trong một báo cáo nghiên cứu, Maybank dự đoán tăng trưởng quý IV của Việt Nam sẽ giảm tốc xuống còn 5,7%.
“Những cơn gió ngược bên ngoài sẽ gia tăng trong năm tới và làm giảm tốc độ tăng trưởng trong nước, do rủi ro suy thoái gia tăng ở Hoa Kỳ và EU trong bối cảnh Fed mạnh tay thắt chặt và gián đoạn nguồn cung do xung đột Nga-Ukraina”, báo cáo viết.
Vì sao Việt Nam chịu áp lực lớn?
Mặc dù sóng gió đang thổi qua phần lớn châu Á, nhưng Việt Nam đặc biệt bị ảnh hưởng.
Cần nhắc lại rằng, châu Âu và Hoa Kỳ là những khách hàng lớn nhất của Việt Nam hiện nay.
Theo Nikkei, quy mô xuất nhập khẩu, thương mại nước ngoài của Việt Nam tương đương 208% tổng sản phẩm quốc nội vào năm 2020 - mức cao nhất của khu vực bên ngoài các trung tâm vận chuyển như Singapore và Hồng Kông, theo Our World in Data.
“Những biến động ở bên ngoài đang "gây áp lực lớn lên nền kinh tế Việt Nam”, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê Nguyễn Thị Hương cho biết tại cuộc họp báo công bố số liệu GDP.
Bà Hương cho biết các doanh nghiệp vẫn cần được giúp đỡ để phục hồi sau đại dịch, chẳng hạn như thông qua một chương trình cho vay lãi suất thấp đã giải ngân dưới 1% mục tiêu năm 2022.
Vào mùa thu năm 2021, các nhân viên nhà máy như Anh phải sống tại nơi làm việc để ngăn chặn sự lây lan của Covid-19, nhưng ít nhất họ cũng có rất nhiều công việc đế làm như sản xuất nhãn mác quần áo.
"Năm ngoái vào thời điểm này, ngay cả khi chúng tôi bị phong toả, chúng tôi vẫn có đơn đặt hàng", công nhân này cho biết.
Năm nay, COVID-19 không còn cản trở nhiều việc kinh doanh sản xuất nhưng lại không có việc làm, không có đơn hàng để gia công.
Tuy vậy, Anh vẫn lạc quan rằng nhu cầu tiêu dùng rồi cuối cùng sẽ phục hồi trở lại bình thường - nhưng có lẽ sẽ phải cần đến ít nhất hai 2 mùa mua sắm lễ nữa trôi qua khi ám ảnh lạm phát, cắt giảm chi tiêu, suy thoái kinh tế và khủng hoảng toàn cầu lắng xuống.