Hợp tác Nga-Việt đang phát triển như thế nào dưới các lệnh trừng phạt?

Tại Mátxcơva, Viện Kinh tế thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Nga phối hợp với Viện Nghiên cứu Châu Âu thuộc Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam đã tổ chức Hội thảo quốc tế về hợp tác Nga - Việt.
Sputnik
Trong cuộc phỏng vấn của Sputnik, chuyên gia Irina Korgun, nhà nghiên cứu hàng đầu tại Viện Kinh tế thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Nga, lưu ý rằng, hàng chục nhà kinh tế hàng đầu của Nga và Việt Nam, đại diện Đại sứ quán Việt Nam tại Mátxcơva, các chuyên gia Nga có thẩm quyền về Việt Nam và quan hệ đối tác Nga-Việt đã tham gia hội thảo trực tuyến. Tất cả họ đều khẳng định rằng, Việt Nam là đối tác truyền thống lâu đời của Nga.
Trong bối cảnh các sự kiện địa chính trị hiện nay, Việt Nam ủng hộ Nga và bỏ phiếu trắng về một số nghị quyết chống Nga tại LHQ. Ở Nga, năm 2022 dành riêng cho chủ đề hợp tác khoa học kỹ thuật giữa Nga và ASEAN, và chính Việt Nam là nước tích cực thúc đẩy sự hiện diện của Nga ở Đông Nam Á.

Những khía cạnh tích cực của quan hệ đối tác

Các chuyên gia và nhà khoa học tham gia Hội thảo đánh giá cao một số dự án do Nga phối hợp với Việt Nam thực hiện trong lĩnh vực năng lượng: Vietsovpetro và Rusvietpetro, Vietgazprom và Gazpromviet. Họ cũng nhắc tới các dự án chung đang được thực hiện trong lĩnh vực khám phá không gian, phát triển năng lượng hạt nhân và công nghệ mới. Các chuyên gia lưu ý đến thực tế rằng, trong mấy tháng đầu tiên của chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraina, mối quan hệ kinh tế và thương mại giữa hai nước đột ngột suy giảm, nhưng, bắt đầu từ tháng 8, họ đã ghi nhận quá trình phục hồi và những động thái tích cực.
“Điều đó cho thấy rằng, mặc dù chưa đến mức đầy đủ, nhưng, hai bên đang khắc phục những hạn chế mà phương Tây đã tạo ra đối với hợp tác kinh tế Nga-Việt. Các chuyên gia tham gia Hội thảo ghi nhận việc giảm trữ lượng dầu ở Việt Nam và việc chính phủ Việt Nam cam kết từ bỏ điện than."
Dầu khí Nga – Việt: PVN tiếp tục hợp tác chặt chẽ với Zarubezhneft

"Về vấn đề này, các nhà kinh tế Nga đặc biệt chú ý đến tiềm năng hợp tác trong lĩnh vực khí đốt và năng lượng tái tạo, cụ thể là những dự án của các công ty năng lượng Nga Gazprom và Novatek nhằm xây dựng cơ sở hạ tầng năng lượng và cơ sở chế biến tại Việt Nam. Ví dụ, liên doanh sản xuất nhiên liệu động cơ khí”, - chuyên gia Irina Korgun cho biết.

Những khía cạnh tiêu cực của quan hệ đối tác

Những khía cạnh tiêu cực của sự hợp tác kinh tế giữa hai nước đã được xem xét chi tiết hơn nhiều so với những khía cạnh tích cực.
Các chuyên gia Nga tham gia Hội thảo đã bày tỏ sự hoài nghi nhất định về quan điểm của Việt Nam trong sự hợp tác với Nga. Họ lưu ý rằng, Việt Nam sợ bị ảnh hưởng bởi các lệnh trừng phạt thứ cấp và do đó không thực hiện những bước tích cực nhằm thiết lập quan hệ hợp tác kinh tế với Nga.
Triển vọng hợp tác Nga-Việt và những vấn đề tồn đọng

“Các quốc gia dẫn đầu về tồng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào Việt Nam là Hàn Quốc, Singapore, Nhật Bản, Trung Hoa Dân Quốc (Đài Loan) và Hồng Kông. Đồng thời, các chuyên gia ghi nhận vị trí khiêm tốn của Liên bang Nga trong bảng xếp hạng này – Nga đứng ở vị trí thứ 26. Có ý kiến ​​cho rằng, nếu muốn, các hạn chế đặt ra đối với Nga trong việc thanh toán có thể được lách qua, nhưng, rõ ràng là phía Việt Nam không thể hiện mong muốn như vậy. Điều này cũng có thể nói về việc nối lại các đường bay thường lệ đến Nga, sự vắng mặt của các đường bay này gây ra thiệt hại không thể khắc phục được cho quan hệ đối tác. Rốt cuộc, bây giờ hàng trăm nghìn người Nga, những người từng đến Việt Nam nghỉ phép hàng năm, đang bị tước đi cơ hội như vậy. Việc thiếu giao thông đường hàng không tác động tiêu cực đến các cuộc tiếp xúc giữa Nga và Việt Nam ở cấp nhà nước và khu vực. Cần phải lưu ý rằng, trong quá trình hội nhập vào hệ thống kinh tế thế giới, Việt Nam đang thể hiện sự thận trọng nhất định đối với quan hệ với Nga”, - chuyên gia Irina Korgun nói.

Rõ ràng, thái đội thận trọng này đã ảnh hưởng đến nội dung báo cáo của các chuyên gia Việt Nam tham gia hội thảo.

Các chuyên gia Việt Nam đã đề cập đến những nội dung nào?

“Nội dung về mối quan hệ song phương dưới các lệnh trừng phạt không được đề cập đến trong các báo cáo của họ, mặc dù chính nội dung này đã được công bố là chủ đề của hội thảo. Các đồng nghiệp Việt Nam chủ yếu ghi nhận những thành tựu của quan hệ đối tác cho đến năm 2022. Phần lớn, họ nói về sự tăng trưởng thương mại khi đó, về tầm quan trọng của quan hệ đối tác chiến lược toàn diện, về tầm quan trọng của Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - Liên minh Kinh tế Á - Âu, về các dự án năng lượng chung. Các đồng nghiệp Việt Nam của chúng tôi lấy làm tiếc rằng, một số dự án chung ở Nga, đặc biệt là dự án thành lập khu liên hợp chăn nuôi bò sữa, vẫn chưa được thực hiện đầy đủ”, - Irina Korgun nói thêm.

Việt Nam ủng hộ chính sách của Nga về mở rộng hợp tác với các nước Châu Á - Thái Bình Dương
Tuy nhiên, các chuyên gia tham dự hội thảo đều bày tỏ hy vọng vào việc khôi phục và phát triển hơn nữa mối quan hệ đối tác kinh tế giữa hai nước.

Thủy thủ Nga là một tấm gương tốt

Công ty Vận Tải Biển Viễn Đông LB Nga bắt đầu vận chuyển hàng hóa đường biển từ Việt Nam đến Nga để sau đó tiếp tục chuyển tải bằng đường sắt Nga.
Phát biểu tại Hội thảo, đại diện Đại sứ quán Việt Nam lưu ý rằng, tuyến liên vận đường biển và đường sắt giảm đáng kể ít nhất 10 ngày thời gian vận chuyển hàng hóa so với tuyến đường vòng quanh châu Âu.
Việt Nam và Viễn Đông Nga phát triển các mối quan hệ văn hóa và kinh doanh
“Một vấn đề thậm chí còn nan giải hơn là việc tìm kiếm kênh thanh toán song phương Việt – Nga. Cho đến nay, vẫn chưa có câu trả lời rõ ràng về cách thức thực hiện các giao dịch thanh toán. Chỉ có thể ghi nhận nhu cầu chuyển sang thanh toán bằng đồng tiền quốc gia của Nga và Việt Nam. Cũng cần mở rộng hợp tác ở cấp ngành. Ví dụ, mở rộng giao hàng gỗ của Nga sang Việt Nam. Việt Nam ngày nay là một trong những nhà sản xuất đồ gỗ lớn nhất thế giới, nhưng, tỷ trọng nguyên liệu thô của Nga trong nhập khẩu gỗ của Việt Nam không vượt quá vài phần trăm”, - Irina Korgun kết luận.
Các đại biểu tham dự hội thảo nhất trí nhấn mạnh tầm quan trọng của việc phát triển quan hệ kinh tế giữa Nga và Việt Nam, đồng thời chỉ ra nhu cầu mở rộng tiếp xúc khoa học giữa các nhà nghiên cứu Nga và Việt Nam.
Thảo luận