Phiên khai mạc kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV sẽ được truyền hình trực tiếp

HÀ NỘI (Sputnik) - Sáng 20/10, kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV khai mạc tại Nhà Quốc hội, Thủ đô Hà Nội, bắt đầu công tác lập pháp cuối năm và quyết định một số vấn đề quan trọng của đất nước. Phiên khai mạc được phát thanh và truyền hình trực tiếp để cử tri và Nhân dân cả nước theo dõi.
Sputnik
Theo lịch trình, sau khi vào Lăng viếng Chủ tịch Hồ Chí Minh, đại biểu Quốc hội sẽ có một giờ họp trù bị trước khi khai mạc kỳ họp lúc 9h, tại nhà Quốc hội.
Trong buổi sáng, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính trình bày Báo cáo kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022; dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023.
Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh trình bày Báo cáo thẩm tra kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022; dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023.
Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Đỗ Văn Chiến trình bày Báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và Nhân dân gửi đến kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV.
"Một bộ phận cán bộ còn thiếu gương mẫu, ảnh hưởng xấu đến uy tín của Đảng"
Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Trưởng Ban Dân nguyện thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội Dương Thanh Bình trình bày Báo cáo kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri gửi đến Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV.
Buổi chiều, đại diện của Chính phủ sẽ báo cáo Quốc hội tình hình thực hiện ngân sách Nhà nước năm 2022, kế hoạch năm 2023; dự án Luật Phòng, chống rửa tiền (sửa đổi); dự thảo Nghị quyết về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Buôn Ma Thuột, tỉnh Đăk Lăk.
Quốc hội sẽ họp riêng vào cuối ngày để bắt đầu quy trình miễn nhiệm Tổng kiểm toán Nhà nước nhiệm kỳ 2021-2026 với ông Trần Sỹ Thanh do đã nhận nhiệm vụ mới; phê chuẩn việc miễn nhiệm Bộ trưởng Giao thông Vận tải nhiệm kỳ 2021-2026 với ông Nguyễn Văn Thể theo nguyện vọng cá nhân.
Quốc hội bắt đầu Phiên họp chuyên đề pháp luật tháng 9/2022
Quá trình miễn nhiệm cũng như bầu mới nhân sự giữ chức Tổng kiểm toán, phê chuẩn bổ nhiệm Bộ trưởng Giao thông Vận tải và Y tế sẽ hoàn tất vào ngày hôm sau.
Nội dung thảo luận kinh tế, xã hội tại hội trường được bố trí hai ngày 27-28/10. Đây là thời gian để đại biểu đưa các vấn đề lớn về kinh tế, xã hội của đất nước ra mổ xẻ, góp ý, kiến nghị...
Nội dung được quan tâm nhất kỳ họp là chương trình chất vấn và trả lời chất vấn, sẽ diễn ra trong 2,5 ngày, từ chiều 3/11 đến hết 5/11. Tổng thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường đã đề xuất 6 nhóm vấn đề chất vấn gồm lĩnh vực nội vụ, xây dựng, thông tin truyền thông, khoa học công nghệ, thanh tra, tư pháp. Từ 6 đề xuất này, Ủy ban thường vụ Quốc hội sẽ cho ý kiến để chọn 5, sau đó, đại biểu Quốc hội sẽ cho ý kiến để quyết định 4 nhóm vấn đề chất vấn và thành viên Chính phủ trả lời chất vấn tương ứng.
Các Nghị quyết thông qua gồm: Ban hành Nội quy kỳ họp Quốc hội (sửa đổi); thí điểm cấp quyền lựa chọn sử dụng biển số ô tô thông qua đấu giá; thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk.
Vì sao Việt Nam cần xây dựng Luật đạo đức?
Quốc hội sẽ xem xét, cho ý kiến 07 dự án Luật, gồm: Luật Đất đai (sửa đổi); Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi); Luật Đấu thầu (sửa đổi); Luật Giá (sửa đổi); Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi); Luật Hợp tác xã (sửa đổi); Luật Phòng thủ dân sự.
Kỳ họp thứ tư, Quốc hội khóa XV dự kiến khai mạc ngày 20/10, bế mạc ngày 15/11, với 21 ngày làm việc.
Theo đó, một trong những điểm đổi mới của Kỳ họp này là kỳ cuối năm song chương trình làm việc chỉ diễn ra trong 21 ngày, ít hơn các kỳ cuối năm khác (thông thường 30 ngày) nhưng lại giải quyết khối lượng công việc lớn.
Thảo luận