Việt Nam muốn các nhà máy lọc dầu tăng công suất, Dung Quất có thể vượt 110%

Theo thông tin từ Công ty cổ phần Lọc hóa dầu Bình Sơn (BSR), nhà máy lọc dầu (NMLD) Dung Quất đã tăng công suất lên 109%, dự kiến có thể vượt mức 110% nhằm đáp ứng nhu cầu thị trường xăng dầu tại Việt Nam đang thiếu hụt trong thời gian qua.
Sputnik
Như vậy, công suất vận hành hiện nay của nhà máy lọc dầu lớn thứ hai Việt Nam đã vượt 6% so với kế hoạch cả năm 2022 khi đơn vị vận hành trung bình ở 103% công suất, theo đúng tinh thần chỉ đạo của Bộ Công Thương yêu cầu 2 nhà máy lọc dầu trong nước tăng tối đa năng lực sản xuất.
Trong khi đó, ở Thanh Hoá, Lọc dầu Nghi Sơn - vốn từng đứng bên bờ vực có nguy cơ phải đóng cửa - hiện đã hồi sinh và dần ổn định trở lại. Nhà máy lọc dầu lớn nhất Việt Nam này đang hoạt động đạt 100% công suất.

Nhà máy Lọc Dầu Dung Quất tăng công suất

Ngày 20/10, thông tin từ Công ty cổ phần Lọc hóa dầu Bình Sơn (BSR) cho hay, nhà máy Lọc dầu Dung Quất đã tăng công suất đến 109% thay vì 103% như trước đó, thậm chí, có thể phải tăng lên mốc 110% thời gian tới.
"Sắp tới, theo nhu cầu của thị trường và nguồn dầu thô ổn định, Nhà máy lọc dầu Dung Quất có thể hoạt động ở mức trên 110% công suất, góp phần ổn định thị trường", ông Cao Tuấn Sĩ, Phó Giám đốc nhà máy cho biết.
Cũng theo ông Cao Tuấn Sĩ sau khi tăng công suất từ 105% lến 107%, nhận thấy nhu cầu thị trường tăng cao và nguồn nguyên liệu dầu thô đầu vào đảm bảo, công ty quyết định tăng công suất nhà máy lên 109% nhằm giải quyết phần nào tình trạng thiếu hụt nguồn cung trên thị trường xăng dầu hiện nay.
Lãnh đạo nhà máy lọc dầu Dung Quất nhấn mạnh, trong thời gian qua, BSR đã chủ động bám sát diễn biến thị trường, duy trì công suất vận hành ở mức cao, đẩy nhanh công tác bán hàng và xuất bán tối đa sản phẩm nhằm đáp ứng nhu cầu xăng dầu nội địa cũng như gia tăng giá trị cho công ty.
Tập đoàn Dầu khí Việt Nam và BSR đẩy mạnh nâng cấp Nhà máy Lọc dầu Dung Quất
Báo cáo của doanh nghiệp cho biết, trong 9 tháng đầu năm 2022, BSR đã xuất bán hơn 5,8 triệu m3 xăng dầu. Đặc biệt, lượng tồn kho của Nhà máy lọc dầu Dung Quất thường xuyên duy trì ở mức thấp.
Ngoài ra, Lọc hoá dầu Bình Sơn cũng đã đẩy nhanh công tác bán hàng, xuất hàng bằng việc cấp tối đa theo hợp đồng, cấp cộng, giao sớm hàng để hỗ trợ các đầu mối kinh doanh xăng dầu.
Bên cạnh đó, nhà chức trách Việt Nam cũng luôn chủ động lập kế hoạch từ trước về công tác mua dầu thô cho nhà máy nhằm đảm bảo nguồn cung nguyên liệu đầu vào để Lọc dầu Dung Quất có thể liên tục hoạt động duy trì công suất cao.
Nhà máy lọc dầu Dung Quất với nhiệm vụ tối quan trọng là đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia, hiện cung cấp khoảng 35% nhu cầu xăng dầu cho thị trường nội địa Việt Nam.
Đồng thời, kể từ khi chính thức cho ra dòng sản phẩm đầu tiên vào năm 2009, Nhà máy lọc dầu Dung Quất luôn hoàn thành tốt vai trò, nhiệm vụ của mình đối với an ninh năng lượng, góp phần ổn định thị trường xăng dầu trong nước.

Sự trở lại của nhà máy lọc dầu Nghi Sơn

Như đã biết, Việt Nam mới có 2 nhà máy lọc dầu. Trong đó, NMLD Dung Quất hoạt động từ 2009, công suất 6,5 triệu tấn/năm.
Mỗi năm, Dung Quất cung cấp gần 7 triệu tấn, chiếm khoảng 35% thị phần. Tiếp đó là tổ hợp Lọc hoá dầu Nghi Sơn, đưa vào vận hành từ năm 2018, công suất 10 triệu tấn, nhưng hiện mỗi năm cung cấp chỉ khoảng 6,5 - 7 triệu tấn.
Do vậy, nguồn cung trong nước của Việt Nam hiện còn gặp nhiều khó khăn nếu một trong hai nhà máy gặp trục trặc, hạn chế công suất vận hành hay biến động từ thị trường nhập khẩu.
Hôm 12/10, tại họp báo thường kỳ Bộ Công thương chiều 12/10, ông Trần Duy Đông, Vụ trưởng Vụ thị trường trong nước cho biết: vừa qua, hai nhà máy lọc dầu Nghi Sơn và Dung Quất, cung ứng 70% sản lượng trong nước đã giảm sản lượng xăng, tăng sản xuất dầu diesel.
Trước đó, tại cuộc họp khẩn giữa Liên Bộ Công Thương - Tài chính với 31 doanh nghiệp đầu mối và 2 nhà máy lọc dầu, ông Bùi Ngọc Dương, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Lọc hóa dầu Bình Sơn cũng thông tin, trung bình 9 tháng đầu năm 2022, nhà máy lọc dầu Dung Quất đã sản xuất vượt kế hoạch 106% mặc dù những tháng đầu năm còn thấp do nhu cầu sản phẩm trong nước rất cao.
Ông Dương cũng cho biết thêm, hiện tại, nhà máy đã sản xuất 5,4 triệu, đáp ứng 83% kế hoạch. Lọc dầu Dung Quất cũng cam kết đảm bảo cung cấp tối đa nguồn cung trong nước.
Lãnh đạo Lọc hoá dầu Bình Sơn cũng nêu rõ, BSR đã chủ động nhập dầu thô để đảm bảo có nguyên liệu duy trì nhà máy ở công suất cao đồng thời đẩy nhanh công tác bán hàng, xuất hàng bằng việc cấp tối đa theo hợp đồng, giao sớm hàng để hỗ trợ các đầu mối xăng dầu
Trong khi đó, Lọc hoá dầu Nghi Sơn, nhà máy lọc dầu lớn nhất của Việt Nam, sau thời điểm phải giảm công suất hồi đầu năm, từ tháng 4 đã vận hành ổn định, đạt 100% công suất.
Tại cuộc họp khẩn với Liên Bộ Công Thương – Tài chính vừa qua, ông Huỳnh Nguyễn Bạch Tuyên, Phó giám đốc Chi nhánh phân phối sản phẩm Lọc dầu Nghi Sơn thông tin, ngoài quý I có 1 số diễn biến bất thường, sản lượng bị hụt so với phần cam kết với các đầu mối. Sang quý II, quý III nhà máy lọc dầu Nghi Sơn đã sản xuất tương đối tốt, đảm bảo các yêu cầu của khách hàng đã cam kết, thậm chí quý III lượng xăng đã vượt so với ký kết.
“Quý IV sản lượng của nhà máy cam kết sản xuất đều vượt mức so với thời gian trước đây. Với sản lượng này đảm bảo cung cấp sản lượng đã cam kết với hợp đồng thương nhân đầu mối”, ông Huỳnh Nguyễn Bạch Tuyên khẳng định.

Cả Lọc Dầu Nghi Sơn và Dung Quất “đều phải tăng công suất”

Hôm 13/10 vừa qua, Bộ Công Thương đã yêu cầu hai nhà máy lọc dầu của Việt Nam duy trì hoạt động sản xuất ổn định, tăng công suất tối đa để có thể cung ứng xăng dầu cho thị trường trong nước trong bối cảnh cung ứng xăng dầu căng thẳng như hiện nay.
Ngoài Nghi Sơn, Dung Quất, Việt Nam sẽ có nhà máy lọc dầu mới ở Vũng Tàu
Bộ Công Thương lưu ý 2 nhà máy lọc dầu Nghi Sơn và Dung Quất cần có biện pháp hỗ trợ việc giao hàng nhanh cho doanh nghiệp đã đặt mua hàng theo các hợp đồng đã ký, sử dụng nguồn hàng dự trữ để hỗ trợ cung ứng cho các đầu mối (không có hợp đồng dài hạn với nhà máy) bán hàng tại các khu vực bị thiếu cục bộ để kịp thời bổ sung nguồn hàng cho các cửa hàng bán lẻ trên khắp cả nước.
“Hai nhà máy điều chỉnh cơ cấu sản xuất cho phù hợp với nhu cầu của thị trường, tăng lượng sản xuất mặt hàng xăng để cung ứng cho thị trường trong nước”, văn bản của Bộ Công Thương nhấn mạnh.
Theo Thứ trưởng Công Thương Đỗ Thắng Hải, hiện nguồn trong nước đang chiếm 70-80%, tức là vẫn phải nhập khẩu 20-30%, nhưng nguồn cung từ nước ngoài về Việt Nam lại gặp rất nhiều khó khăn. Trong khi đó, các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu đã thua lỗ trong thời gian dài nên ảnh hưởng lớn đến hoạt động nhập khẩu. Vậy nên, cần tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp.
“Cần tạo điều kiện cho các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu về hạn mức tín dụng, tăng nguồn lực để nhập khẩu, mua xăng dầu từ nguồn sản xuất trong nước, bảo đảm cung ứng xăng dầu cho thị trường”, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải nhấn mạnh.
Xét chung, theo Bộ Công Thương, trong bối cảnh biến động hiện nay của cả thế giới cũng như khu vực, Việt Nam vẫn là một trong những nước có kết quả đáng ghi nhận trong việc đảm bảo cân đối lớn về năng lượng, trong đó có lĩnh vực xăng dầu và đảm bảo đủ điện cho sản xuất, sinh hoạt.
Thảo luận