Theo Tổng cục Hải quan, tính đến cuối tháng 9/2022, Việt Nam chi tới 91,16 tỷ USD nhập khẩu hàng hóa từ Trung Quốc, tăng 12,6% so với cùng kỳ năm ngoái và chiếm 33,1% tổng kim ngạch nhập khẩu của cả nước. Ở chiều ngược lại, Việt Nam xuất khẩu sang Trung Quốc 41,22 tỷ USD, tăng 6,4% so với cùng kỳ.
Như vậy, kết quả nhập siêu từ Trung Quốc trong 9 tháng đầu năm xấp xỉ 50 tỷ USD (cả năm 2021 nhập siêu 54 tỷ USD) và bình quân mỗi tháng, Việt Nam chi hơn 10 tỷ USD nhập khẩu hàng hóa từ thị trường này. Điều này khẳng định vị trí số 1 của kim ngạch nhập khẩu hàng hóa từ Trung Quốc.
Cụ thể, các nhóm hàng Việt Nam chi ngoại tệ lớn để nhập từ Trung Quốc bao gồm: máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện đạt 18,74 tỷ USD, tăng 20,4% so với cùng kỳ 2021; điện thoại và linh kiện đạt 6,15 tỷ USD, giảm 5,2% so với cùng kỳ năm trước.máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng 18,73 tỷ USD, giảm nhẹ 0,3%; nguyên phụ liệu dệt may, da giày chiếm tỷ trọng 53% của nhóm hàng này với 11,07 tỷ USD, tăng 9,3%...
Mặt hàng nhập khẩu từ Trung Quốc có mức tăng mạnh nhất trong 9 tháng 2022 là hóa chất và sản phẩm hóa chất, với kim ngạch đạt 5,4 tỷ USD, tăng 43% tương ứng tăng 1,63 tỷ USD so với cùng kỳ.
Dự báo, nhập khẩu hàng hóa từ thị trường này trong năm 2022 có thể lên trên 130 tỷ USD, tiếp tục kéo dài khoảng cách nhập siêu vượt xa mức 54 tỷ USD của năm 2021.
Trước đó, theo Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên, việc Việt Nam đã sớm kiểm soát được đại dịch COVID-19 cùng với đó là việc xác định đúng thời điểm để mở cửa nền kinh tế chính là 2 nguyên nhân cơ bản giúp Việt Nam đạt kỷ lục xuất nhập khẩu 620 tỷ USD.
Tính đến ngày 21/10, kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam đã đạt 620 tỷ USD, đặc biệt, xuất siêu gần 8 tỷ USD, đây là một kỷ lục với 32 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD, cao hơn so 2 mặt hàng so với cùng kỳ năm trước, tăng trưởng tập trung ở mặt hàng Việt Nam có thế mạnh và khai thác tốt các FTA như: Hàng dệt may (tăng 24%) và da giày (tăng 36%).