"Các cuộc chiến tranh về bản chất là không thể đoán trước ... Tôi sẽ không đoán cuộc chiến này sẽ kéo dài bao lâu. Nhưng chúng tôi sẵn sàng hỗ trợ Ukraina chừng nào nó còn tiếp tục", ông nói trong cuộc họp báo ở Brussels.
Tổng thư ký nhắc lại lập trường của mình “hầu hết các cuộc chiến tranh đều kết thúc tại bàn đàm phán”.
“Nhưng đồng thời, chúng tôi hiểu rằng thành tựu của Ukraina trong các cuộc đàm phán sẽ phụ thuộc hoàn toàn vào khả năng của họ trên chiến trường”, ông Stoltenberg nói.
Theo ông, hỗ trợ quân sự của NATO cho Ukraina được thực hiện để cung cấp cho nước này "các điều kiện hòa bình có thể chấp nhận được đối với Kiev, cũng như đẩy nhanh cách tiếp cận các cuộc đàm phán".
"Ukraina càng mạnh trên chiến trường, thì cơ hội cho một dàn xếp chính trị đảm bảo duy trì Ukraina là một quốc gia có chủ quyền và độc lập ở châu Âu càng lớn", Stoltenberg nói.
Bơm vũ khí cho Ukraina
Trong cuộc điện đàm với Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken, Bộ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Lavrov trước đó đã nói rằng việc phương Tây cung cấp vũ khí cho Ukraina chỉ kéo dài xung đột, kéo dài sự thống khổ của chế độ Kiev và làm gia tăng số lượng nạn nhân. Liên bang Nga trước đó đã gửi công hàm tới tất cả các nước, trong đó có Mỹ, về việc cung cấp vũ khí cho Ukraina. Ngoại trưởng Lavrov lưu ý rằng bất kỳ chuyến hàng nào chở vũ khí cho Ukraina sẽ trở thành mục tiêu hợp pháp của Nga.