Nợ xấu nhiều ngân hàng Việt Nam tăng vọt

Tại Việt Nam, nợ xấu loạt ngân hàng tăng vọt, lợi nhuận lại giảm sâu, gây quan ngại trong bối cảnh nhiều sự kiện biến động như hiện nay.
Sputnik
Tình hình nợ xấu, kinh doanh kém khả quan được báo cáo tại các ngân hàng như Ngân hàng TMCP Việt Nam Thương Tín (VietBank - mã VBB), Ngân hàng TMCP Quốc dân (NCB, mã NVB), Ngân hàng TMCP An Bình (ABBank, mã ABB), TMCP Sài Gòn Công Thương (Saigonbank, mã SGB)…

Nợ xấu tăng ở Ngân hàng Việt Nam Thương Tín

Sau khi nhiều ngân hàng tại Việt Nam công bố báo cáo tài chính, có không ít nhà băng gây lo ngại khi nợ xấu tăng vọt, lợi nhuận lại giảm sâu, tình hình kinh doanh phát sinh nhiều khoản lỗ.
Cụ thể, tuần vừa qua, hàng loạt ngân hàng công bố báo cáo tài chính quý 3/2022, cho thấy bức tranh kinh doanh tổng thể và “sức khoẻ” hiện thời của hàng loạt nhà băng trong hệ thống các tổ chức tín dụng ở Việt Nam.
Thực tế, bên cạnh những ngân hàng duy trì được lợi nhuận, thậm chí gần như hoàn thành kế hoạch năm như Techcombank, VPBank, ACB, SHB, VIB, TPBank, SeABank, LienVietPostbank…thì vẫn còn một số ngân hàng ghi nhận số liệu không mấy khả quan, điển hình như trường hợp của Ngân hàng TMCP Việt Nam Thương Tín (VietBank, mã VBB).
Báo cáo cho thấy, nợ xấu trên dư nợ vay cuối quý III tại Ngân hàng TMCP Việt Nam Thương Tín) đang tăng cao.
Cụ thể, tổng nợ xấu tính chốt tại thời điểm ngày 30/9 tại VBB tăng 35% so với đầu năm, chiếm 2.486 tỷ đồng trong tổng dư nợ. Trong đó, nợ có khả năng mất vốn tăng gấp đôi ghi nhận 1.841 tỷ đồng, qua đó đẩy tỷ lệ nợ xấu trên dư nợ vay tăng từ 3,65% đầu năm lên 4,33%.
Điểm sáng kết quả kinh doanh VietBank nằm ở lãi trước thuế 9 tháng gần 536 tỷ đồng, tăng 36% so với cùng kỳ năm trước dù chi phí dự phòng rủi ro tín dụng gấp 2,7 lần. Cụ thể, theo báo cáo tài chính hợp nhất quý 3 vừa công bố, Ngân hàng TMCP Việt Nam Thương Tín có tổng thu nhập hoạt động trong 9 tháng đầu năm 2022 đạt 1.740 tỷ đồng, tăng 26% so với cùng kỳ năm trước, trong đó thu nhập lãi thuần đạt 1.335 tỷ đồng, tăng 70% so với cùng kỳ.
Lãi từ hoạt động dịch vụ tăng 32%, lên gần 82 tỷ đồng nhờ tăng thu từ hoạt động dịch vụ và ngân quỹ. Lãi từ hoạt động kinh doanh ngoại hối tăng 84%, lên 63 tỷ đồng nhờ tăng thu từ kinh doanh ngoại hối và ngoại tệ giao ngay.
Trong khi đó, lãi thuần từ hoạt động khác tăng 71%, thu được gần 198 tỷ đồng nhờ thu nhập từ đặt cọc chuyển nhượng bất động sản và thu hồi các khoản nợ đã được xử lý rủi ro.
Tuy nhiên, ngược lại, lãi từ mua bán chứng khoán đầu tư lại sụt giảm 84%, chỉ còn hơn 62 tỷ đồng. VietBank cho biết, nhà băng này đã trích lập gần 209 tỷ đồng để dự phòng rủi ro tín dụng, gấp 2,7 lần cùng kỳ năm ngoái.
Tính đến cuối quý 3, tổng tài sản nhà băng này đã tăng 6% so với đầu năm, lên hơn 109.207 tỷ đồng. Trong đó, tiền gửi tại Ngân hàng Nhà nước giảm mạnh 53% xuống còn 2.188 tỷ đồng, cho vay khách hàng tăng 14% lên 57.415 tỷ đồng... Tiền gửi khách hàng tăng 5% lên hơn 70.137 tỷ đồng.
Đáng lưu ý, chất lượng tín dụng của VietBank lại đi xuống rõ rệt.

“Tại ngày 30/9, tổng nợ xấu của nhà băng này đã tăng 35% so với đầu năm lên 2.486 tỷ đồng trong đó, nợ có khả năng mất vốn tăng gấp đôi, chiếm đến 1.841 tỷ đồng. Tỷ lệ nợ xấu trên dư nợ vay cũng theo đó tăng từ 3,65% đầu năm lên 4,33%”, báo cáo tài chính cho thấy.

Vietbank là được thành lập vào tháng 12/2006 với vốn điều lệ ban đầu là 200 tỷ đồng. Nhà băng này có các cổ đông sáng lập ban đầu đều có liên quan đến Tập đoàn Hoa Lâm, Ngân hàng Á Châu (ACB) và Công ty Diệu Hiền. Hiện Chủ tịch Vietbank là ông Dương Nhất Nguyên.
Ngân hàng Nhà nước Việt Nam liên tục hút tiền và tăng lãi suất

Nợ xấu ngân hàng tăng, có nhà băng báo lỗ

Kết quả báo cáo tài chính quý III/2022 mới công bố của Ngân hàng TMCP Quốc dân (NCB, mã NVB) cho thấy tình hình kinh doanh kém khả quan.
Theo đó, Ngân hàng Quốc dân dù đã giảm dự phòng rủi ro đến 64% nhưng hoạt động kinh doanh của NCB vẫn ghi nhận lỗ thuần hơn 151 tỷ đồng, khiến mức lỗ trước thuế ghi nhận là gần 199 tỷ đồng.
Lũy kế 9 tháng đầu năm, NCB lỗ trước thuế gần 180 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ năm ngoái nhà băng này lãi hơn 164 tỷ đồng.
Đáng chú ý, trong số ngân hàng niêm yết của Việt Nam đã công bố báo cáo tài chính đến thời điểm này, NCB là ngân hàng đầu tiên trong hệ thống báo lỗ.
Tổng dư nợ xấu của NCB tăng gấp 5,3 lần đầu năm, lên 6.648 tỷ đồng. Tất cả các nhóm nợ xấu đều tăng mạnh, tỷ lệ nợ xấu của NCB tăng vọt lên trên mức 14,7% vào cuối quý III, tương đương cứ 100 đồng thì có 14,7 đồng nợ xấu, theo báo cáo mới nhất.
Trong khi đó, trên thị trường, giá cổ phiếu NVB của Ngân hàng Quốc dân liên tục giảm, hiện đứng mức 14.100 đồng/cổ phiếu, giảm 44,75%, tương đương mỗi cổ phiếu mất 11.420 đồng, khiến ‘bốc hơi’ hơn 6.300 tỷ đồng vốn hóa từ đầu năm 2022.
Trường hợp tiếp theo là Ngân hàng TMCP An Bình (ABBank, mã ABB). Trong công bố báo cáo tài chính hợp nhất với lãi ròng sau thuế của nhà băng này chỉ đạt 69 tỷ đồng, giảm 79% so với cùng kỳ năm trước.
Tính đến 30/9, ABBank ghi nhận gần 1.896 tỷ đồng nợ xấu, tăng 17% so với đầu năm. Trong đó, nợ có khả năng mất vốn hơn 1.207 tỷ đồng, tăng 40%). Do dư nợ cho vay khách hàng và tổng nợ xấu có tốc độ tăng trưởng ngang nhau nên tỷ lệ nợ xấu của ngân hàng xấp xỉ mức đầu năm là 2,35%.
Báo cáo tài chính quý III của Ngân hàng TMCP Sài Gòn Công Thương (Saigonbank, mã SGB) cũng cho thấy nhiều điểm đáng lưu ý.
Theo Saigonbank, lãi trước thuế của ngân hàng này chỉ đạt hơn 48 tỷ đồng, giảm 8% so với cùng kỳ sau khi tăng mạnh chi phí dự phòng rủi ro.
Tính đến cuối tháng 9/2022, tổng nợ xấu của SGB tăng đến 20% so với đầu năm lên mức hơn 391 tỷ đồng. Trong đó, có sự dịch chuyển từ nợ dưới tiêu chuẩn sang nợ nghi ngờ và nợ có khả năng mất vốn. Tỷ lệ nợ xấu trên dư nợ vay tăng từ mức 1,97% đầu năm lên 2,13%.
Tình hình kinh doanh thiếu khả quan khiến cổ phiếu SGB giảm 35% từ đầu năm, hiện giao dịch mức 12.000 đồng/cổ phiếu, thổi bay hàng nghìn tỷ đồng vốn hóa của Ngân hàng TMCP Sài Gòn Công Thương.

Nợ xấu và nguy cơ ngân hàng bị phá sản

Đánh giá về tình hình nợ xấu của ngân hàng, nhiều chuyên gia tài chính cho rằng, các khoản nợ xấu tăng cao có thể đẩy ngân hàng đang hoạt động không tích cực ở Việt Nam rơi vào tình trạng mất vốn, mất thanh khoản và đáng lo nhất là suy giamr lòng tin của khách hàng.
Lý giải điều này, nhiều chuyên gia trong ngành cho rằng, khi nợ xấu gia tăng cũng có nghĩa nguồn vốn đầu tư sẽ bị đóng băng, hoặc không có khả năng thu hồi, kéo theo đó là khả năng thanh toán chắc chắn sẽ giảm, nguồn tiền giảm xuống.
Cùng với đó, khủng hoảng trong thanh toán chính là một trong những nguyên nhân dễ dẫn đến tình huống phá sản của các ngân hàng. Đặc biệt là với nợ xấu tăng cao còn làm suy giảm năng lực tài chính của ngân hàng, ảnh hưởng đến sự ổn định của khu vực tài chính, hoạt động của cả hệ thống ngân hàng nói chung.
Mặt khác, trong trường hợp nợ xấu gia tăng ở các ngân hàng khiến lợi nhuận của họ suy giảm, mất nguồn tiền xoay vòng đầu tư.
Hàng loạt ngân hàng Việt niêm yết giá bán USD ở mức kịch trần
Đồng thời, khi ngân hàng không đạt được kế hoạch lợi nhuận với những khoản nợ xấu - nợ khó đòi trong nhiều quý thì chính ngân hàng đó cũng có nguy cơ trở thành những ‘con nợ’ với những khoản nợ khổng lồ và dễ bị đặt vào diện kiểm soát đặc biệt, có thể bị sáp nhập, mua lại hay trong kịch bản xấu nhất là tuyên bố phá sản nếu không được sự hỗ trợ kịp thời của Ngân hàng Nhà nước.
Thảo luận