“Gạo ngon nhất Việt Nam” năm 2022 gây nhiều tranh cãi

Kỹ sư Hồ Quang Cua, cha đẻ gạo ST25, đề nghị điều tra lại kết quả cuộc thi 'Gạo ngon Việt Nam' năm 2022.
Sputnik
Cụ thể, ông Cua thừa nhận gạo TBR39, giống gạo đoạt giải nhất của ThaiBinh Seed, là gạo “ngon”, nhưng bày tỏ nghi ngờ đó là ruột gạo ST24 do ông lai tạo.

Đề nghị điều tra lại

Ngày 5/11, ông Hồ Quang Cua, cha đẻ gạo ST25, cho biết sẽ có văn bản chính thức gửi đến các ban ngành chức năng, đề nghị điều tra lại kết quả cuộc thi “Gạo ngon Việt Nam” năm 2022.
"Tôi đã trao đổi với Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) và ban tổ chức cuộc thi. Tôi đề nghị đình chỉ việc công bố kết quả cuộc thi. Thứ hai là tôi sẽ không giới thiệu tham gia cuộc thi gạo ngon quốc tế đối với giống lúa đang tranh chấp bản quyền. Vì tác giả nghi là có sự đánh tráo giống của tôi", ông Cua nói với báo Tuổi trẻ.
Ông Cua cho biết, việc này đã được ông trao đổi miệng với ban tổ chức cuộc thi và lãnh đạo VFA. Đầu tuần tới đây, ông sẽ gửi văn bản chính thức đến các ngành chức năng, đề nghị điều tra lại kết quả cuộc thi.
"Gạo thì ngon nhưng tôi nghi ngờ đó là ruột gạo ST24 do tôi lai tạo. Chúng tôi nghi ngờ nên đề nghị điều tra lại chứ mình chưa có chứng cứ gì nên không thể khẳng định được. Tôi nghĩ nếu điều tra lại sẽ có kết quả nhanh thôi", ông Cua nói thêm.
Trước đó, trưa ngày 4/11, khi sản phẩm cơm được nấu chín từ những mẫu gạo (cả cơm và gạo đều được mã hóa để đảm bảo công bằng) dự thi mang ra giới thiệu với tất cả mọi người, ông Cua và các thành viên gia đình đã nán lại đến cuối cùng và thử đi thử lại nhiều lần các loại cơm đó.
Ở phần trao giải, đại diện DNTN Hồ Quang Trí cũng đã lên nhận giải nhì cho sản phẩm gạo ST24.

Nhiều khiếu nại

Ngoài ông Cua, một đại diện trong số 6 đơn vị tham dự cuộc thi lần này cũng cho rằng, sản phẩm gạo đoạt giải nhất lần này không thuyết phục.
"Bởi lẽ hai điểm, ban giám khảo đã biết trước được gạo nào của đơn vị nào, mặc dù tên gạo đã được che lại khi chấm cảm quan, cũng như trước khi nấu. Thứ hai, các tiêu chuẩn như độ thơm, độ dẻo, độ thuần, độ nguyên hạt… chấm cho gạo đạt giải nhất chưa công bằng. Tiêu chuẩn nào điểm cao thì gạo đạt giải nhất lần này đều đạt, dù rằng các đơn vị dự thi thấy không thuyết phục. Hôm đó tôi cũng chỉ… bằng mặt", vị này nói.
Trước việc sản phẩm của mình vừa đoạt giải nhất chỉ 1 ngày đã vướng lùm xùm, ông Phạm Văn Hoàn – Phó Tổng Giám đốc phụ trách kinh doanh Công ty CP Tập đoàn ThaiBinh Seed – thẳng thắn: "ThaiBinh Seed làm thật nên không sợ!".

"Tại thị trường miền Nam chúng tôi còn mới nhưng ThaiBinh Seed rất mạnh tại thị trường miền Trung và miền Bắc. Ngày 2-11, chúng tôi vừa có 2 sản phẩm đạt danh hiệu "Thương hiệu Quốc gia" nên không làm ăn gian dối. Hiện mẫu gạo lưu vẫn còn để chuẩn bị thi gạo ngon thế giới, chúng ta hoàn toàn có thể kiểm tra gien để xác định giống", ông Hoàn quả quyết.

Ấn Độ cấm xuất khẩu, Trung Quốc tăng mua, gạo Việt Nam dư sức vượt kế hoạch xuất khẩu

“Ban tổ chức đã làm việc nghiêm túc”

Trong khi đó, Chủ tịch Hội Đầu bếp Việt Nam (VICA) Nguyễn Thường Quân, thành viên ban giám khảo cuộc thi, cũng cho biết chưa thể so sánh và bình luận gì thêm về gạo TBR39 và ST25 vì "đang có kiến nghị".
Về phần mình, Phó Chủ tịch Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) Đỗ Hà Nam thì cho rằng, ban tổ chức giải năm nay đã làm việc nghiêm túc để chọn ra loại gạo ngon xứng đáng nhất.

"Khi nấu xong, bất ngờ với cơm của loại gạo thơm lần này, rất ngon, ngon đúng nghĩa mà các đơn vị tham gia dự thi cũng bị thuyết phục. Gạo thơm TBR39 đạt mức 85,86 điểm cho các tiêu chuẩn như độ trắng của cơm, mùi thơm, độ dẻo, độ ngọt, độ thuần, độ nguyên hạt sau khi nấu", ông Nam nói.

Về vấn đề có ý kiến rằng cơm gạo thơm này bị ướt, ông Nam nhận định, việc thích cơm ướt hay khô là sở thích của mỗi người. Bản thân ông đánh giá, gạo TBR39 là “chuẩn gạo ngon”.
Về vấn đề này, Phó Chủ tịch VFA Trần Ngọc Trung, Trưởng Ban giám khảo cuộc thi "Gạo ngon Việt Nam" 2022, cũng đã xác nhận chưa nhận được khiếu nại nào bằng văn bản của các đơn vị dự thi.
"Nếu có khiếu nại thì chúng tôi sẽ xem xét nội dung và trả lời", ông Trung khẳng định.
Theo ông, quá trình chấm thi năm nay lâu hơn những lần trước do 2 mẫu số 03 (gạo ST24) và mẫu 08 (TBR39) có điểm số xấp xỉ nhau. Vì vậy, ban giám khảo đã phải thử đi thử lại nhiều lần, từ lúc cơm còn nóng cho đến khi cơm đã nguội để đưa ra kết quả cuối cùng.

Cuộc thi "Gạo ngon Việt Nam"

Cuộc thi "Gạo ngon Việt Nam" lần 3 năm 2022 được tổ chức vào ngày 4/11. Tham dự cuộc thi lần này có 6 đơn vị là Công ty cổ phần Tập đoàn THAIBINH SEED, Công ty cổ phần Tập đoàn Lộc Trời, Công ty TNHH thương mại HK, DNTN Hồ Quang Trí, Công ty TNHH Lúa gạo Việt Nam, Viện lúa Đồng bằng sông Cửu Long.
Các đơn vị nói trên đã mang đến tổng cộng 8 mẫu gạo thơm, bốn mẫu gạo nếp để tham gia tranh tài.
Ban giám khảo gồm các thành viên đến từ Hiệp hội Lương thực Việt Nam, Hội Đầu bếp Việt Nam, Trung tâm Khảo nghiệm giống, sản phẩm cây trồng Nam Bộ và Công ty cổ phần giám định và khử trùng FCC.
Việc chấm điểm được thực hiệ trên các tiêu chí: mẫu gạo, nếp trước và sau khi nấu; sau đó là phần thuyết minh đặc tính của các mẫu.
Kết quả, gạo thơm của Công ty cổ phần Tập đoàn THAIBINH SEED được trao giải nhất; gạo ST24 của DNTN Hồ Quang Trí nhận giải nhì; gạo của Công ty cổ phần Tập đoàn Lộc Trời về đích thứ ba.
Riêng hạng mục gạo nếp, giải nhất và giải ba thuộc về Công ty cổ phần Tập đoàn THAIBINH SEED, giải nhì thuộc về Viện lúa Đồng bằng sông Cửu Long.
Đặc biệt, gạo TBR39 vừa về nhất cuộc thi “Gạo ngon Việt Nam” năm 2022 lại chưa có mặt trên thị trường.
ThaiBinh Seed cho biết, đơn vị này mua giống từ năm 2019 và đã tiến hành khảo nghiệm trong suốt 3 năm vừa qua tại vùng canh tác lúa tôm ở các tỉnh: Kiên Giang, Cà Mau, Sóc Trăng, Bạc Liêu…
Thủ tướng Phạm Minh Chính: Nhân dân "cần gạo thì có gạo - cần tiền thì cấp tiền"
Hiện doanh nghiệp đang làm thủ tục đề nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cấp phép lưu hành.
Thảo luận