Việt Nam họp loạt ông lớn bất động sản giữa biến động trái phiếu, cạn nguồn tiền

Loạt ông lớn bất động sản hàng đầu của Việt Nam như Vingroup, Novaland, Sungroup, Hưng Thịnh, Phú Mỹ Hưng, Becamex, Hoàng Quân, Khang Điền, DIC, Him Lam, TNG… vừa tiến hành họp với đại diện lãnh đạo Chính phủ trước các biến động trên thị trường bất động sản.
Sputnik
HoREA đề nghị Bộ Xây dựng trình Chính phủ xem xét lựa chọn khoảng 10 tập đoàn, doanh nghiệp bất động sản lớn có nhiều dự án bị “vướng mắc” pháp lý để tập trung tháo gỡ, tạo niềm tin và “cú huých” cho thị trường bất động sản Việt Nam.

Các ông lớn bất động sản Việt Nam họp với Chính phủ

Sáng nay 8/11, tại Văn phòng Chính phủ phía nam, số 7 Lê Duẩn, quận 1, TP.HCM, hàng loạt tập đoàn, doanh nghiệp bất động sản lớn của Việt Nam cùng họp bàn với Chính phủ và các bộ ngành liên quan.
Được biết, hôm qua, trong ngày 7/11, thực hiện ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái, Văn phòng Chính phủ đã có công văn số 1492 mời lãnh đạo Bộ Xây dựng và lãnh đạo các doanh nghiệp đến dự cuộc họp về tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho thị trường bất động sản.
Văn phòng Chính phủ đề nghị Bộ Xây dựng chuẩn bị 40 bộ tài liệu và báo cáo.
Có ít nhất 11 doanh nghiệp bất động sản khu vực phía Nam được Văn Phòng Chính phủ mời họp bao gồm: Tập đoàn Novaland, Tập đoàn Phú Mỹ Hưng, Tổng Công ty đầu tư và phát triển công nghiệp Becamex, Tập đoàn Hưng Thịnh, CTCP Đầu tư IMG, Công ty Địa ốc Hoàng Quân, Tập đoàn Himlam, CTCP Đại An, Tập đoàn Phú Cường, Tập đoàn Sơn Kim Land, Tổng CTCP Đầu tư phát triển xây dựng (DIC), Tập đoàn Khang Điền và Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA).
Đáng chú ý, ngoài các doanh nghiệp phía Nam, còn có 12 doanh nghiệp bất động sản lớn tại khu vực phía Bắc cũng được mời dự họp trực tuyến gồm Tập đoàn Vingroup, Tập đoàn Sungroup, Tập đoàn Ecopark, Tập đoàn Tuần Châu, Tập đoàn TNG, Tập đoàn Flamingo.
Dự cuộc họp quan trọng này sáng nay, nhiều Chủ tịch, Tổng giám đốc của các doanh nghiệp bất động sản top đầu của Việt Nam đã có mặt. Mỗi doanh nghiệp có 1 lãnh đạo và 1 cán bộ đi cùng để tham gia cuộc họp cùng đại diện Chính phủ dưới sự chủ trì của Phó Thủ tướng Lê Minh Khái.
Bộ Xây dựng yêu cầu rà soát thị trường bất động sản và các sàn giao dịch

Cạn vốn, biến động trái phiếu, cắt giảm nhân sự 50%

Cuộc họp với phía Chính phủ diễn ra trong bối cảnh thị trường bất động sản Việt Nam đang gặp nhiều khó khăn.
Đề cập trong văn bản bổ sung gửi Thủ tướng Chính phủ chiều ngày 7/11 về việc Kiến nghị một số giải pháp cấp bách để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, người mua nhà, nhà đầu tư để thị trường bất động sản phát triển an toàn, lành mạnh, bền vững, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM đã đề cập nhiều vấn đề.
Theo ông Lê Hoàng Châu, thị trường có khả năng rơi vào suy thoái nếu Nhà nước không sớm ban hành các giải pháp điều chỉnh, hỗ trợ kịp thời và hiệu quả.
“Một số tập đoàn, doanh nghiệp bất động sản đang thu hẹp quy mô đầu tư sản xuất kinh doanh như dừng, trì hoãn hoạt động đầu tư, thi công xây dựng một số dự án; dừng triển khai các dự án mới; dừng phát hành cổ phiếu tăng vốn; dừng IPO”, lãnh đạo HoREA dẫn chứng.
Chưa kể, một số đơn vị cũng đang tinh giản tối đa bộ máy, giảm lực lượng lao động hoặc giảm lương của lao động, thậm chí có tập đoàn giảm đến 50% nhân sự.
Ông Lê Hoàng Châu đánh giá những động thái này không chỉ trực tiếp làm giảm nguồn thu ngân sách Nhà nước, mà còn tác động đến vấn đề an sinh xã hội, ảnh hưởng đến sự phục hồi và tăng trưởng kinh tế.
Cùng với đó, do “tắc” nguồn vốn tín dụng, trái phiếu và cả nguồn vốn huy động từ khách hàng, một số tập đoàn, doanh nghiệp bất động sản “đói" vốn nên phải vay vốn ngoài xã hội với lãi suất rất cao, đầy rủi ro.

Kiến nghị tăng nguồn cung dự án và sản phẩm nhà ở tại Việt Nam

Đồng thời, HoREA nêu lên kiến nghị 5 giải pháp tăng nguồn cung dự án và sản phẩm nhà ở tại Việt Nam.
Thứ nhất, Hiệp hội kiến nghị Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ do Phó Thủ tướng Lê Minh Khái chủ trì và Tổ công tác do Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ chủ trì phối hợp chặt chẽ với nhau và với các cơ quan có thẩm quyền của Trung ương và các địa phương sớm xem xét “có kết luận dứt điểm” các dự án sử dụng quỹ đất có nguồn gốc “đất công”, hoặc do cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước, hoặc do di dời cơ sở sản xuất ô nhiễm đã bị dừng triển khai từ năm 2017 đến nay, hoặc do thực hiện công tác rà soát pháp lý.
Trong đó TP.HCM có 64 dự án, để tăng nguồn cung nhà ở và tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp chủ đầu tư dự án.
Trong quá trình xử lý các dự án thuộc diện rà soát pháp lý, Hiệp hội đề nghị thực hiện chủ trương “thu hồi triệt để tài sản nhà nước bị thất thoát do tham nhũng, tiêu cực” và các doanh nghiệp có liên quan phải nộp nghĩa vụ tài chính, bao gồm cả nghĩa vụ tài chính bổ sung vào ngân sách nhà nước theo quyết định của cơ quan có thẩm quyền, để cho dự án được tiếp tục triển khai thực hiện góp phần phát triển kinh tế và tăng nguồn cung dự án nhà ở thương mại và sản phẩm nhà ở cho thị trường bất động sản.
Bên cạnh đó, Hiệp hội cũng đề nghị UBND TP.HCM tiếp tục chỉ đạo các Sở, ngành tập trung xem xét, tháo gỡ vướng mắc của hơn 116 dự án bất động sản trên địa bàn thành phố, để tăng nguồn cung nhà ở cho thị trường, nhất là nhà ở thương mại giá vừa túi tiền, nhà ở xã hội.
HoREA đề nghị Bộ Xây dựng trình Chính phủ xem xét lựa chọn khoảng 10 Tập đoàn, doanh nghiệp bất động sản lớn có nhiều dự án bị vướng mắc pháp lý phải dừng thực hiện các thủ tục đầu tư xây dựng, dừng thực hiện thi công, dừng các thủ tục cấp Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà cho khách hàng để tập trung tháo gỡ, tạo niềm tin và cú huých cho thị trường bất động sản.
Thứ hai, Hiệp hội đề nghị Chính phủ và Bộ Xây dựng xem xét tháo gỡ vướng mắc thủ tục đầu tư dự án nhà ở xã hội do doanh nghiệp nhận chuyển nhượng quỹ đất để tăng nguồn cung nhà ở xã hội.
Cụ thể, đề nghị chỉ đạo Sở Kế hoạch Đầu tư cấp tỉnh thực hiện nhanh, thông thoáng thủ tục chấp thuận chủ trương đầu tư đồng thời với chấp thuận nhà đầu tư dự án nhà ở xã hội do doanh nghiệp nhận chuyển nhượng quỹ đất, không yêu cầu phải phù hợp 100% quy hoạch 1/2000, bởi lẽ Nghị định 100/2015/NĐ-CP đã cho phép ưu đãi dự án nhà ở xã hội được tăng 1,5 lần hệ số sử dụng đất và mật độ xây dựng.
Việc điều chỉnh cục bộ quy hoạch 1/2000 sẽ được Sở Xây dựng (Sở Quy hoạch Kiến trúc) xem xét giải quyết ở bước thủ tục tiếp theo, do hiện nay đang tắc ngay thủ tục đầu tiên tại Sở Kế hoạch Đầu tư.
Sau khi được chấp thuận chủ trương đầu tư, đề nghị các Sở, ngành thực hiện song song các thủ tục như chủ đầu tư trình duyệt 1/500, còn quận, huyện cập nhật điều chỉnh cục bộ quy hoạch 1/2000, bởi lẽ Luật Nhà ở 2014 quy định chỉ người dân trong tỉnh mới được mua, thuê nhà ở xã hội nên không làm tăng dân số cơ học. Đồng thời, HoREA cũng đề nghị bỏ thủ tục đánh giá tác động giao thông đối với dự án nhà ở xã hội, trừ trường hợp dự án nhà ở xã hội quy mô lớn.
Đối với đất nông nghiệp mà doanh nghiệp đã có quyền sử dụng đất phù hợp với quy hoạch để làm dự án nhà ở xã hội, do doanh nghiệp nhận góp vốn bằng quyền sử dụng đất, hoặc đã nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất thì cho phép doanh nghiệp nhận chuyển nhượng chứng minh đã có quyền sử dụng đất mà không cần thiết phải trình UBND cấp tỉnh cho phép chuyển nhượng đất nông nghiệp vì thủ tục này có tính hình thức.
Hiệp hội đề nghị Bộ Xây dựng trình Chính phủ xem xét xử lý chuyển tiếp các dự án nhà ở thương mại đã được phê duyệt quy hoạch 1/500 quy định nghĩa vụ dành 20% quỹ đất ở để xây dựng nhà ở xã hội trước ngày 01/04/2021 (ngày Nghị định số 49/2021/NĐ-CP có hiệu lực) được tiếp tục thực hiện dự án mà không phải phê duyệt lại.
Thứ ba, Hiệp hội đề nghị Chính phủ và Bộ Xây dựng xem xét chỉ đạo các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương xây dựng quy trình chuẩn về thủ tục đầu tư dự án đô thị, nhà ở thương mại theo Chỉ thị 13 ngày 29/08/2022 của Thủ tướng Chính phủ.
Lãi suất ngân hàng tăng: Bán tháo bất động sản, người vay tiền mua nhà ‘như ngồi trên lửa’
Thứ tư, Hiệp hội đề nghị Chính phủ và Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho phép thí điểm áp dụng tương tự Nghị quyết 42/2017/NQ-QH14 của Quốc hội khoá XIV đã cho phép doanh nghiệp chủ đầu tư được chuyển nhượng toàn bộ hoặc một phần dự án khi đã có Giấy chứng nhận hoặc có quyết định giao đất, cho thuê đất.
Cuối cùng, Hiệp hội đề nghị Bộ Xây dựng và Bộ Kế hoạch Đầu tư trình Chính phủ xem xét chỉ đạo cho phép chủ đầu tư dự án nhà ở thương mại, khu đô thị được quyền đầu tư xây dựng, kinh doanh trên phần đất thương mại, dịch vụ của dự án như công trình y tế, giáo dục, công viên vui chơi giải trí, công viên chuyên đề.
Trình lên Chính phủ, Hiệp hội Bất động sản TP.HCM cũng nhấn mạnh rằng, giá nhà hiện cao hơn nhiều so với thu nhập của người dân. Do đó, cần có giải pháp cấp bách giúp người có thu nhập thấp, thu nhập trung bình được tiếp cận nguồn cung nhà ở xã hội, nhà cho công nhân.
Thảo luận