Bộ Xây dựng yêu cầu rà soát thị trường bất động sản và các sàn giao dịch
© Depositphotos.com / David_Bokuchava Bất động sản
© Depositphotos.com / David_Bokuchava
Đăng ký
Tại Việt Nam, một số cá nhân, doanh nghiệp bất động sản có sai phạm trong hoạt động huy động vốn, trái phiếu, cổ phiếu đã bị xử lý gây ảnh hưởng đến thị trường và niềm tin của nhà đầu tư.
Do đó, Bộ Xây dựng kiến nghị các cơ quan bộ, ngành liên quan thanh tra, kiểm tra việc thực hiện pháp luật về kinh doanh bất động sản, hoạt động sàn giao dịch bất động sản, hoạt động môi giới bất động sản.
Đặc biệt, Bộ Xây dựng cũng đề nghị kiểm soát hoạt động huy động vốn của doanh nghiệp kinh doanh bất động sản trên thị trường chứng khoán tránh hiện tượng thổi giá, đầu cơ, thao túng thị trường, không để xảy ra tình trạng sốt, nhiễu loạn, bong bóng bất động sản.
Bất động sản bớt tăng nóng, phân lô, bán nền giảm
Trình bày trong báo cáo thị trường bất động sản quý 3/2022 vừa công bố, Bộ Xây dựng cho biết, tình hình kinh tế - xã hội trong quý này tiếp tục giữ được sự ổn định khi tăng trưởng GDP vẫn đạt được kết quả tốt, chỉ số lạm phát cơ bản vẫn được kiểm soát, các ngành kinh tế nhìn chung có sự phục hồi và tăng trưởng tốt.
Đáng chú ý, trong quý 3/2022, dưới sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ thông qua việc ban hành nhiều các cơ chế chính sách đã giúp thị trường bất động sản điều chỉnh.
“Tại các địa phương không còn tình trạng tăng "nóng", sốt cục bộ như những tháng đầu năm”, Bộ Xây dựng nhận định.
Nhiều địa phương đã có các giải pháp kịp thời để kiểm tra, ngăn chặn việc chia tách, "phân lô, bán nền" tại các khu vực chưa được phép đầu tư, thiếu hệ thống hạ tầng.
Cùng với đó, hoạt động của các sàn giao dịch bất động sản, các tổ chức, cá nhân hành nghề môi giới bất động sản được tăng cường kiểm soát.
“Các địa phương đã kịp thời chấn chỉnh hành vi mua bán trao tay, "thổi giá" gây nhiễu loạn thông tin thị trường bất động sản”, Bộ nói.
Bộ Xây dựng khẳng định, các tồn tại, bất cập của thị trường bất động sản đã từng bước được khắc phục.
Giá nhà đất vẫn cao
Tuy nhiên, Bộ Xây dựng cũng thừa nhận, thị trường bất động sản vẫn còn có nhiều khó khăn, bất cập và chưa thực sự lành mạnh, bền vững.
Bộ dẫn chứng, nguồn cung về bất động sản chưa có sự cải thiện nhiều. Điển hình như nguồn cung về nhà ở thương mại từ các dự án mới được bổ sung không nhiều.
Trong khi đó, nguồn cung nhà ở trong quý chủ yếu vẫn từ những dự án đã được triển khai và đang được mở bán.
Số liệu tổng hợp từ các địa phương có báo cáo cho thấy, số lượng nhà ở đủ điều kiện bán trong quý 3/2022 là 57 dự án với 18.885 căn. Số lượng dự án bằng khoảng 71,3% so với quý trước. Riêng tại TP.HCM có 4 dự án với 2.144 căn.
“Nguồn cung nhà ở xã hội rất hạn chế, căn hộ giá rẻ hầu như không ghi nhận nguồn cung mở bán mới trong quý”, Bộ thẳng thắn.
Báo cáo của Bộ Xây dựng cũng nêu, nguồn cung bất động sản, nhà ở sẽ còn hạn chế do lượng dự án được mở mới giảm so với các năm trước, trong khi nhiều dự án đã được chấp thuận gặp vướng mắc trong thủ tục đầu tư, pháp lý.
Cụ thể là việc giao đất, tính tiền sử dụng đất, điều chỉnh quy hoạch và cấp phép xây dựng.
“Giá nhà ở riêng lẻ, đất nền, căn hộ chung cư vẫn giữ ở mức cao đã được thiết lập tại thời điểm cuối quý II năm nay, ảnh hưởng đến tính thanh khoản và lượng giao dịch của thị trường đặc biệt là thị trường thứ cấp”, Bộ Xây dựng nhấn mạnh.
Cụ thể, các dự án nhà ở thương mại tại khu vực trung tâm của các đô thị hầu như không có căn hộ với mức giá dưới 25 triệu đồng/m2; căn hộ có mức giá này chỉ có tại một số ít các dự án tại khu vực xa trung tâm như các quận/huyện.
Chỉ tính riêng TP.HCM có một số dự án như: Diyas Sky (quận Tân Bình) có giá khoảng 30 triệu đồng/m2, dự án HQC Hóc Môn (huyện Hóc Môn) có giá khoảng 21 triệu đồng/m2.
Trong quý 3/2022, các nguồn vốn bao gồm nguồn vốn tín dụng, trái phiếu, cổ phiếu dành cho lĩnh vực bất động sản đều gặp khó khăn, giảm so với các quý trước.
“Một số cá nhân, doanh nghiệp trong lĩnh vực kinh doanh bất động sản có sai phạm trong hoạt động huy động vốn, trái phiếu, cổ phiếu đã bị xử lý gây ảnh hưởng đến thị trường và niềm tin của nhà đầu tư”, Bộ Xây dựng thừa nhận.
Rà soát thị trường bất động sản, các sàn giao dịch
Nhằm thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển an toàn, lành mạnh, bền vững, Bộ Xây dựng đề nghị các Bộ, ngành liên quan theo chức năng, nhiệm vụ được giao thực hiện một số giải pháp cấp thiết.
Điển hình như, bên cạnh việc điều chỉnh, hoàn thiện quy định pháp luật để khắc phục những tồn tại của thị trường bất động sản, Bộ Xây dựng kiến nghị các cơ quan bộ, ngành liên quan thanh tra, kiểm tra việc thực hiện pháp luật về kinh doanh bất động sản, hoạt động sàn giao dịch bất động sản, hoạt động môi giới bất động sản.
“Các đơn vị kiểm soát hoạt động huy động vốn của các doanh nghiệp kinh doanh bất động sản trên thị trường chứng khoán tránh hiện tượng đầu cơ, thao túng, thổi giá”, Bộ Xây dựng chỉ đạo.
Đáng chú ý, Bộ Xây dựng chỉ đạo các tổ chức tín dụng kiểm soát chặt chẽ chất lượng tín dụng, cho vay đối với lĩnh vực bất động sản bảo đảm đúng quy định của pháp luật. Trong đó, cần khẩn trương xem xét ưu tiên cho vay các dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, nhà ở thương mại giá rẻ có hiệu quả cao, có khả năng trả nợ.
Đối với các địa phương, Bộ Xây dựng yêu cầu tập trung chỉ đạo, tổ chức thực hiện giao đất, lựa chọn chủ đầu tư thông qua hình thức đấu giá quyền sử dụng đất, đấu thầu dự án có sử dụng đất đối với các dự án bất động sản, dự án nhà ở mới để tăng nguồn cung cho thị trường.
“Kiểm soát, phát hiện, ngăn chặn và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm trong hoạt động đấu giá quyền sử dụng đất đảm bảo đúng pháp luật”, Bộ Xây dựng nêu rõ.
Lãnh đạo Bộ Xây dựng cũng lưu ý, các địa phương cần có biện pháp quản lý, tiếp tục ngăn chặn việc chia tách, "phân lô, bán nền" tại các khu vực chưa được phép đầu tư, thiếu hệ thống hạ tầng.
“Tăng cường kiểm soát hoạt động của các sàn giao dịch bất động sản, các tổ chức, cá nhân hành nghề môi giới bất động sản, chấn chỉnh hành vi mua bán trao tay, "thổi giá" gây nhiễu loạn thông tin thị trường bất động sản”, Bộ chỉ đạo.
Bộ Xây dựng yêu cầu theo dõi chặt chẽ, kịp thời, nắm bắt thông tin, tình hình diễn biến của thị trường và thực hiện các biện pháp xử lý kịp thời để bình ổn thị trường.
“Không để xảy ra tình trạng sốt giá và "bong bóng" bất động sản trên địa bàn”, chỉ đạo của Bộ Xây dựng nêu rõ.
Đặc biệt, theoquan điểm của Bộ Xây dựng, Việt Nam sẽ tiếp tục tăng cường kiểm tra, thanh tra đồng thời xử lý nghiêm với các trường hợp vi phạm về pháp luật về kinh doanh bất động sản, pháp luật về đất đai, pháp luật về xây dựng và pháp luật có liên quan.