Năm 2022, Samsung dự kiến vẫn đảm bảo vị thế cứ điểm sản xuất toàn cầu của Việt Nam với trên 50% sản lượng smartphones xuất ra thế giới là hàng “made in Vietnam”, nhưng tỷ lệ này thực tế đã giảm 10% so với mức 60% hồi năm 2021.
Theo báo chí Hàn Quốc, nếu kế hoạch cắt giảm và tái định vị lại cứ điểm sản xuất được thực hiện, tỷ trọng sản phẩm smartphones của các nhà máy Samsung Việt Nam sẽ tiếp tục giảm từ mốc 50% năm nay xuống còn khoảng 40-46% vào năm sau (2023).
Samsung sắp cắt giảm sản lượng smartphone sản xuất tại Việt Nam
Theo truyền thông Hàn Quốc, Samsung mới đây đã thông báo sẽ giảm tỷ trọng sản xuất điện thoại thông minh (smartphones) tại Việt Nam xuống mức 40% dù vẫn tuyên bố quốc gia Đông Nam Á này là cứ điểm sản xuất toàn cầu của mình.
Cụ thể, theo ETNews cũng như Digitimes Asia, nỗ lực đa dạng hóa và tái phân bổ lại cứ điểm sản xuất trở thành cách tiếp cận tất yếu cho các nhà sản xuất khổng lồ Hàn Quốc nhằm giảm thiểu rủi ro địa chính trị hoặc gián đoạn chuỗi cung ứng.
Samsung cũng tích cực đa dạng hóa sản xuất điện thoại thông minh của mình ở nhiều quốc gia, chẳng hạn như Việt Nam, Ấn Độ, Brazil, Indonesia và Thổ Nhĩ Kỳ. Việt Nam hiện là cơ sở sản xuất điện thoại lớn nhất của Samsung.
Thực tế, tập đoàn Hàn Quốc không gây ngạc nhiên khi thông báo kế hoạch cắt giảm sản xuất của Samsung tại Việt Nam.
Theo truyền thông, gã khổng lồ Hàn Quốc được cho là đang phải đối phó với nhiều rủi ro về môi trường kinh doanh nhiều biến động trên thế giới hiện nay, quyết định phải đa dạng hóa cơ sở sản xuất và tái cấu trúc lại chuỗi cung ứng toàn cầu của mình.
Hiện Việt Nam đang chiếm ít nhất một nửa trong tổng số lượng điện thoại thông minh xuất xưởng của Samsung, tỏa đi khắp thế giới.
Cùng với đó, ông lớn điện tử Hàn này tiếp tục duy trì sản xuất điện thoại gập dòng Galaxy Z và flagship Galaxy S tại quê hương Hàn Quốc, còn đối với cứ điểm quan trọng như Việt Nam, công ty buộc phải hạ công suất xuống 46% đối với nhà máy Bắc Ninh và Thái Nguyên. Trong đó, Bắc Ninh chỉ chiếm 14% còn lại 32% sẽ giao cho cơ sở ở Thái Nguyên. Đây là tình thế bắt buộc và có thể thấu hiểu trong chiến lược kinh doanh của các tập đoàn điện tử đa quốc gia.
Đằng sau quyết định cắt giảm sản xuất ở Việt Nam của Samsung
Theo truyền thông Hàn Quốc, Samsung chắc chắn sẽ phải tiếp tục đa dạng hóa các cơ sở sản xuất toàn cầu của mình.
Trong một số thông báo, Samsung cho hay nguyên nhân của việc điều chỉnh này là để ứng phó kịp thời với tình hình dịch bệnh, đề phòng trường hợp có nhà máy đóng cửa, kịp xoay sở khi tăng công suất ở nơi khác bù vào hay chuẩn bị kịch bản cho các diễn biến suy thoái của nền kinh tế toàn cầu.
Các báo cáo được công bố cho thấy, Samsung sẽ giảm tỷ trọng sản xuất điện thoại thông minh tại nhà máy Việt Nam từ 50% trong năm nay xuống 40% vào năm sau 2023. Thực tế, doanh nghiệp này đã liên tục phải cắt giảm công suất tại các dây chuyền sản xuất ở Việt Nam.
Trong khi hồi năm ngoái, Samsung Việt Nam thậm chí đảm trách tới 60% tổng sản lượng điện thoại thông minh được cung ứng ra thị trường toàn thế giới của gã khổng lồ công nghệ xứ Hàn.
Báo giới xứ sở kim chi cũng nhấn mạnh rằng, các sản phẩm điện thoại thông minh cũng như khối lượng sản xuất của Samsung tại Việt Nam thường cung cấp cho thị trường Bắc Mỹ và châu Âu, vốn có đòi hỏi rất khắt khe.
“Chi phí lao động của Việt Nam tăng cao hơn cùng với đà tăng trưởng chững lại của thị trường tiêu dùng toàn cầu được coi là những nguyên nhân chính đằng sau động thái gần đây của Samsung”, Digitimes Asia nhấn mạnh.
Bên cạnh đó, người tiêu dùng thế giới hiện nay ngày càng ưu tiên cho các nhu cầu cấp thiết hàng ngày như ăn uống, đi lại, sinh hoạt thay vì đầu tư nâng cấp điện thoại mới, do đó, buộc Samsung cũng như nhiều nhà sản xuất điện thoại khác phải hạ thấp mục tiêu doanh số cũng như lượng sản phẩm xuất xưởng bị cắt giảm, kết hợp với kế hoạch tối ưu hóa sản xuất.
Chia lại thị phần sản xuất
Như đã biết, Samsung Việt Nam hiện có 6 nhà máy tại Bắc Ninh, Thái Nguyên và Thành phố Hồ Chí Minh, một trung tâm Nghiên cứu và Phát triển (R&D) tại Hà Nội và một đơn vị bán hàng, theo Viettonkin Consulting, có trụ sở tại Việt Nam.
Cùng với đó, Samsung cũng là một trong những nhà đầu tư nước ngoài lớn nhất tại Việt Nam, đưa quốc gia Đông Nam Á này trở thành trung tâm sản xuất điện thoại toàn cầu của mình.
Trong tương lai, dự kiến, các cơ sở sản xuất của Samsung tại Ấn Độ sẽ chiếm 21% hoặc 68 triệu sản phẩm smarphones trong tổng sản lượng điện thoại thông minh toàn cầu của Samsung.
Riêng Brazil sẽ đảm nhận khối lượng sản xuất khoảng 23 triệu chiếc, tương đương 7%. Hàn Quốc dù được coi là “tháp điều khiển” nhưng cũng chỉ đảm trách khoảng 3% tổng lượng điện thoại bán ra toàn cầu của Samsung như nhà máy ở Indonesia.
Thổ Nhĩ Kỳ và Ai Cập sẽ chiếm 1%, theo dữ liệu được một phương tiện truyền thông Hàn Quốc khác là The Elec đăng tải.
Trước đó, Samsung đã đóng cửa nhà máy sản xuất điện thoại thông minh của mình ở Trung Quốc vào năm 2019.
Dù vậy, nhà sản xuất và phát triển (JDM) của Samsung tại Trung Quốc đặt mục tiêu tăng sản lượng sản xuất lên chiếm 18% tổng sản lượng với 60 triệu sản phẩm, theo The Elec.
Như Sputnik đưa tin trước đó, năm 2021, Samsung Việt Nam ghi nhận sự tăng trưởng về doanh thu và xuất khẩu so với năm 2020. Cụ thể, doanh thu của Samsung Việt Nam đạt 74,2 tỷ USD tăng 14% so với với năm 2020, kim ngạch xuất khẩu đạt 65,5 tỷ USD tăng 16% so với năm 2020.
Tại các cuộc gặp với lãnh đạo Chính phủ Việt Nam, phía Samsung đều khẳng định cam kết mở rộng đầu tư, làm ăn lâu dài tại Việt Nam.
Cùng với đó, Samsung nhấn mạnh, trong kế hoạch phát triển của mình, Việt Nam đang vượt qua vai trò là cứ điểm sản xuất trọng điểm toàn cầu và sẽ trở thành trung tâm chiến lược về R&D của ông lớn điện tử Hàn Quốc này.