Tam giác quan hệ Canada – Việt Nam – Trung Quốc trong biến động địa chính trị toàn cầu

Việt Nam có tên trong chiến lược Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương sắp công bố của Canada.
Sputnik
Tam giác quan hệ Canada – Việt Nam – Trung Quốc trong chính sách xoay trục về châu Á của Chính phủ ông Justin Trudeau sẽ được cân bằng ra sao trong biến động địa chính trị toàn cầu hiện nay?

Việt Nam có tên trong chiến lược Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương của Canada

Đây là điều được Đại sứ Canada tại Việt Nam Shawn Perry Steil xác nhận bên lề Lễ kỷ niệm 5 năm quan hệ Đối tác toàn diện Việt Nam – Canada hôm 8/11.
Nhà ngoại giao Shawn Steil cũng nêu rõ việc Ottawa xem trọng vai trò của Việt Nam không chỉ trong khối 10 nước Đông Nam Á, mà còn cả khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương.
Lễ kỷ niệm 5 năm quan hệ Đối tác toàn diện Việt Nam – Canada hôm 8/11
Đại sứ Canada đã nêu ra chỉ dấu cho thấy sự quan tâm của chính quyền Thủ tướng Justin Trudeau đến Việt Nam, tính cả chuyến thăm Hà Nội hồi tháng 4 của Ngoại trưởng Canada Melanie Joly.

“Canada xem Việt Nam là một quốc gia có vai trò nổi bật không chỉ trong ASEAN, mà còn ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương”, - Đại sứ Shawn Steil khẳng định khi trả lời câu hỏi của Tuổi trẻ liên quan đến việc Ottawa kỳ vọng Hà Nội đóng vai trò gì trong chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương của mình.

Trên thực tế, theo Bộ Ngoại giao Canada, ngoài đường bờ biển Thái Bình Dương và sự gần gũi về địa lý, Canada và khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương còn có chung lịch sử, văn hóa và quan hệ nhân dân sâu sắc.
Hiện tại và trong những năm tới, sự thịnh vượng, an ninh và phúc lợi của người dân Canada sẽ ngày càng gắn kết với những biến động kinh tế-xã hội và chính trị của khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.

“Canada cam kết làm sâu sắc hơn nữa quan hệ hợp tác ngoại giao, thương mại an ninh và kinh tế của Canada trong khu vực nhằm nắm chắc những cơ hội cho người dân Canada và thúc đẩy các ưu tiên chung”, - Bộ Ngoại giao Canada nhấn mạnh.

Chuyến thăm hồi tháng 4 của Ngoại trưởng Joly đến Việt Nam là nhằm mở rộng quan hệ đối tác và tái khẳng định cam kết của Canada hợp tác với các quốc gia trong toàn khu vực trong khuôn khổ Chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương sắp tới của Canada.
Thông tin với báo giới Việt Nam, Đại sứ Steil nêu ra nhiều lập luận quan trọng. Theo nhà ngoại giao, tăng trưởng kinh tế “rất nổi bật” của Việt Nam, chiến lược đổi mới toàn diện mà Việt Nam đang theo đuổi chính là những nhân tố quyết định khiến Canada đặc biệt chú ý và đánh giá cao vai trò của Hà Nội trong khu vực ASEAN cũng châu Á – Thái Bình Dương.

“Chúng tôi tin rằng một đất nước Việt Nam thịnh vượng, hùng cường, cởi mở và bao trùm sẽ là nhân tố then chốt cho một Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương ổn định và hòa bình”, - Đại sứ Steil tái khẳng định.

Đằng sau chuyến công du Việt Nam của Ngoại trưởng Canada

Tam giác quan hệ với Trung Quốc

Hôm 5/11, Đài CBC của Canada cho biết, chiến lược Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương của Ottawa sẽ được công bố trước khi Thủ tướng Justin Trudeau có chuyến công du đến châu Á vào giữa tháng này.
Theo kế hoạch được công bố, ông Trudeau sẽ thăm Campuchia, Indonesia, Thái Lan và dự Hội nghị ASEAN, G20, APEC từ ngày 12 tới đây.
Trong khi giới quan sát cho rằng, việc Canada trì hoãn công bố chiến lược Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương của mình có nhiều khả năng là vì không muốn tạo thêm căng thẳng quá mức với Trung Quốc vốn xuống mức đáy kể từ sau vụ bắt Giám đốc Tài chính Huawei Mạnh Vãn Chu hồi năm 2018 theo yêu cầu của Mỹ, cũng như hàng loạt sự kiện làm xấu đi trầm trọng quan hệ Bắc Kinh – Ottawa những năm qua.
Trung Quốc sau đó trả đũa bằng việc bắt giữ hai người Canada với cáo buộc họ hoạt động gián điệp tại nước này. Dù vậy, chính quyền ông Tập Cận Bình không hoan nghênh sự can thiệp của Canada, Mỹ, hay bất kỳ nước phương Tây nào vào khu vực.
Bắc Kinh cho rằng, “bên thứ ba” không nên can thiệp vào công việc nội bộ của châu Á – Thái Bình Dương hay chuyển sự chú ý của phương Tây đối với APAC sẽ kiềm chế Trung Quốc.
Ngày 7/11, Thủ tướng Justin Trudeau cáo buộc Trung Quốc “chơi các trò gây hấn” với nền dân chủ và thể chế Canada, điều này được cho là liên quan đến tin mà Global News đưa trước đó chưa được xác thực rằng, tình báo Canada đã báo cáo với Thủ tướng Trudeau về việc có ít nhất 11 ứng viên trong cuộc bầu cử năm 2019 được Trung Quốc hậu thuẫn.
Chưa hết, Trung Quốc còn bị nghi cài người vào văn phòng một số nghị sĩ Canada nhằm tìm cách tác động đến chính sách của Ottawa.
Đáp lại, phía Bắc Kinh bác bỏ cáo buộc can thiệp vào công việc nội bộ của Canada đồng thời kêu gọi Thủ tướng Trudeau dừng bình luận “gây tổn hại” quan hệ giữa hai nước.
Theo phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên, quan hệ giữa các nước với nhau chỉ có thể được xây dựng trên nền tảng tôn trọng, bình đẳng và vì lợi ích chung.

“Canada nên dừng có bình luận gây tổn hại đến quan hệ song phương”, - phát ngôn viên Triệu Lập Kiên nhắc lại.

Với các chính sách “bốn không” của Việt Nam, gần như Canada sẽ không thể lợi dụng Hà Nội để kiềm chế Trung Quốc. Tuy nhiên, Bắc Kinh cũng không có quyền phản đối bất cứ sự hỗ trợ hay thái độ tự do cởi mở nào mà Ottawa dành cho Hà Nội với tư cách đối tác toàn diện của nhau.
Trả lời về việc vì sao Canada chậm trễ trong công bố chiến lược Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương của mình, Đại sứ Shawn Steil cho rằng, chính quyền của Thủ tướng Trudeau đang tính đến các phương án tiếp cận toàn diện hơn.

“Sở dĩ Canada phải mất nhiều thời gian trước khi công bố chiến lược này, theo tôi nghĩ, là vì Chính phủ Canada muốn có một cách tiếp cận toàn diện nhất”, - Đại sứ nói.

Canada ưu tiên thúc đẩy hợp tác quốc phòng với Việt Nam

Ngày 8/11, theo Bộ Ngoại giao, Đại sứ quán Canada tại Việt Nam tổ chức Lễ kỷ niệm 5 năm quan hệ Đối tác toàn diện Việt Nam-Canada.
Phát biểu tại đây, nhà ngoại giao Shawn Perry Steil cho biết, cách đây đúng 5 năm, Canada và Việt Nam cam kết tăng cường hợp tác thông qua quan hệ Đối tác toàn diện trên cơ sở tôn trọng Hiến chương Liên hợp quốc và các nguyên tắc của luật pháp quốc tế.
Hiện, Canada thuộc top 10 thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam và là một trong những nhà tài trợ song phương lớn nhất của Hà Nội.
Lễ kỷ niệm 5 năm quan hệ Đối tác toàn diện Việt Nam – Canada hôm 8/11
Cũng theo Đại sứ, hỗ trợ phát triển chính thức của Canada nhằm giúp giảm nghèo, nâng cao năng lực cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa lớn mạnh, đặc biệt là những doanh nghiệp hợp tác xã và do phụ nữ lãnh đạo, ủng hộ những nỗ lực của Việt Nam bảo đảm tăng trưởng bao trùm và bền vững hơn.

“Canada cam kết sẽ và tiếp tục thúc đẩy hợp tác nhiều hơn trong quốc phòng và an ninh với việc ưu tiên đào tạo cho lực lượng vũ trang Việt Nam, đặc biệt trong gìn giữ hòa bình - là lĩnh vực Việt Nam bắt đầu đóng vai trò quan trọng trên thế giới”, - ông Steil nêu rõ.

Đồng thời, Canada cũng tăng cường hơn nữa các chuyến thăm của tàu quân sự, hoạt động trao đổi lẫn nhau về học thuật, khoa học, văn hóa, kỹ thuật, công nghệ, đổi mới sáng tạo, quan hệ nhân dân, nhằm tăng cường hơn nữa quan hệ đối tác toàn diện, lâu dài và bền bỉ giữa Hà Nội với Ottawa.

Việt Nam đã thành đối tác thương mại lớn nhất của Canada ở ASEAN

Theo Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc Hội Vũ Hải Hà, những năm qua, quan hệ Đối tác toàn diện Việt Nam - Canada đã mở ra nhiều cơ hội hợp tác, giúp quan hệ song phương đạt được nhiều bước tiến quan trọng, ngay cả trong bối cảnh đại dịch Covid-19 diễn biến phức tạp.
Theo ông Hà, trong vai trò là Đối tác toàn diện, Việt Nam-Canada đã chủ động và linh hoạt tìm các biện pháp duy trì tiếp xúc thông qua việc tăng cường điện đàm, gặp gỡ, tiếp xúc song phương bên lề các hội nghị đa phương ở các cấp, đơn cử là cuộc điện đàm giữa hai Thủ tướng tháng 5/2020, cuộc gặp giữa hai Thủ tướng bên lề Hội nghị COP26, cũng như các cuộc họp và tham vấn trực tuyến.
Sau khi dịch bệnh được kiểm soát, hai bên đã sớm nối lại việc trao đổi đoàn trực tiếp, quan hệ ở các kênh Đảng, Quốc hội, Chính phủ cơ quan, ban ngành cũng được thúc đẩy.

“Việt Nam rất vui mừng chứng kiến thương mại song phương liên tục tăng trưởng từ năm 2017 đến nay. Việt Nam hiện trở thành đối tác thương mại lớn nhất của Canada trong ASEAN và là một trong những thị trường đầu tư quan trọng của Canada, trong khi Canada là đối tác thương mại lớn thứ hai của Việt Nam ở khu vực châu Mỹ”, - ông Vũ Hải Hà bày tỏ.

Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội tin tưởng, việc Việt Nam và Canada đều là thành viên của CPTPP sẽ thúc đẩy giao thương song phương phát triển mạnh mẽ hơn nữa.
Bên cạnh đó, hợp tác quốc phòng cũng là điểm sáng của quan hệ Việt Nam – Canada với chuyến thăm của các Bộ trưởng Quốc phòng năm 2018 và 2019, cơ chế Đối thoại chiến lược luân phiên thường niên và Đối thoại chính sách Quốc phòng cấp Thứ trưởng Bộ Quốc phòng được thiết lập, hợp tác giáo dục - đào tạo, giao lưu nhân dân cũng phát triển ấn tượng suốt thời gian qua.
Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội cũng mong Canada sẽ tiếp tục hỗ trợ Việt Nam nâng cao năng lực hàng hải, năng lực thực thi Hiệp định CPTPP cũng như thúc đẩy các doanh nghiệp Canada mở rộng, nâng cao hiệu quả hợp tác xúc tiến thương mại - đầu tư tại Việt Nam.
Việt Nam nêu đề xuất gì trong hội thảo kết nối Canada-ASEAN?
Ông Hà đặc biệt kỳ vọng Canada tiếp tục tăng cường hợp tác công tư trong phát triển cơ sở hạ tầng, an toàn thực phẩm, biến đổi khí hậu, năng lượng sạch, công nghiệp chế tạo, xử lý rác thải nhựa, khai khoáng, thông tin và truyền thông, đặc biệt trong bối cảnh phục hồi sau đại dịch Covid-19, duy trì ưu tiên hỗ trợ Việt Nam, tập trung cho các lĩnh vực y tế, khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo.
Tại lễ kỷ niệm ông Vũ Hải Hà, Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Quốc hội và Đại sứ Shawn Perry Steil trồng cây phong tại Đại sứ quán Canada như một biểu tượng tuyệt vời của tình hữu nghị giữa hai nước.
Thảo luận