Ở chiều ngược lại, thu từ dầu thô đóng góp gần 4,5% tổng thu ngân sách Nhà nước 10 thángcủa Việt Nam.
Nhập khẩu lượng lớn dầu thô
Dầu khí là nguồn tài nguyên vô cùng quý giá đối với bất kỳ quốc gia nào trên thế giới.
Dầu mỏ là nguồn cung cấp năng lượng vô cùng quan trọng phục vụ cho các hoạt động kinh tế trong nền kinh tế quốc dân.
Việt Nam xếp thứ 28 thế giới về trữ lượng dầu thô, với khoảng 4.400 triệu thùng, xếp sau Ai Cập nhưng xếp trước Australia. Tuy nhiên, hiện Việt Nam vẫn đang phải nhập lượng lớn dầu thô về để lọc.
Tổng cục Thống kê cho biết, Việt Nam đã nhập khẩu gần 10 triệu tấn dầu thô trong vòng 10 tháng qua. Lượng dầu thô này có trị giá gần 6,5 tỷ USD, tăng 20,3% về lượng và tăng 60,5% về trị giá so với cùng kỳ năm ngoài.
Việt Nam cũng nhập về hơn 7,1 triệu tấn xăng dầu, trị giá 7,34 tỷ USD, tăng lần lượt 22,8% và 123,8% so với cùng kỳ. Tổng cộng, chi ngoại tệ nhập khẩu dầu thô và xăng dầu 10 tháng đã tiêu tốn gần 14 tỷ USD.
Tại cuộc họp mới nhất giữa Bộ Công thương với các đầu mối doanh nghiệp nhà nước sản xuất và kinh doanh xăng dầu, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cho biết, Việt Nam đang nhập khẩu hơn 20% nguồn cung xăng dầu thành phẩm.
Tuy vậy, còn một lượng lớn dầu thô (50%) được nhập về để làm nguyên liệu để phục vụ sản xuất ở 2 nhà máy lọc dầu Dung Quất và Nghi Sơn.
“Do Việt Nam nhập dầu thô, nên vẫn đang phải lệ thuộc vào thị trường thế giới. Như vậy, tính ra, Việt Nam vẫn đang phải nhập trên dưới 70% xăng dầu nguyên liệu và xăng dầu thành phẩm”, Bộ trưởng Bộ Công thương cho biết.
Năm ngoái, Việt Nam xuất khẩu 3,1 triệu tấn dầu thô, nhưng cũng nhập về 9,938 triệu tấn để lọc dầu, trị giá gần 5,2 tỷ USD. Lượng dầu thô nhập về chủ yếu sử dụng cho hai nhà máy lọc dầu Nghi Sơn và Dung Quất.
Hiện nay, Nhà máy Lọc dầu Nghi Sơn đang sử dụng đến 100% dầu thô nhập khẩu. Đây là nguyên nhân dẫn đến việc, từ năm 2018 đến nay, lượng dầu thô nhập khẩu của Việt Nam đều tăng hơn gấp đôi qua mỗi năm.
Nhập dầu thô về để lọc có hợp lý?
Dù là quốc gia khai thác dầu thô, có hoạt động xuất khẩu, Việt Nam vẫn phải nhập một lượng lớn dầu thô về để lọc. Các chuyên gia cho biết, điều này là do chủng loại dầu thô trong nước không hoàn toàn phù hợp với các nhà máy hiện có.
Theo đó, có nhiều loại dầu thô với đặc tính khác nhau, như dầu ngọt, dầu nhẹ, dầu nặng... Mỗi loại dầu sẽ dùng để sản xuất ra sản phẩm thành phẩm khác nhau, như xăng, dầu diesel, dầu hỏa, mazut... và các sản phẩm hóa dầu khác.
Mỗi nhà máy lọc dầu thường chỉ lọc một số loại dầu thô nhất định, không phải loại dầu thô nào đưa vào sản xuất cũng được, cũng như không phải loại dầu thô nào cũng cho hiệu quả tối ưu khi sản xuất.
Hiện nay, Việt Nam có 2 nhà máy lọc dầu với khả năng lọc các loại dầu thô khác nhau. Trong đó, Nhà máy Lọc dầu Nghi Sơn sử dụng 100% dầu thô nhập khẩu từ vùng vịnh. Đây là loại dầu khai thác trên sa mạc, đá phiến.
Nhà máy Lọc dầu Dung Quất chuyên lọc dầu từ mỏ Bạch Hổ. Tuy nhiên, khi sản lượng dầu thô khai thác từ mỏ Bạch Hổ ngày càng ít những năm gần đây, đã có một số mỏ có dầu thô khác với công nghệ được thiết kế cho Nhà máy Lọc dầu Dung Quất.
Như vậy, dù có khai thác được dầu trong nước, không phải dầu thô nào cũng phù hợp với công nghệ lọc của hai nhà máy tại Việt Nam.
Cũng vì lẽ đó mà Việt Nam vẫn phải xuất dầu thô không phù hợp với công nghệ lọc trong nước, đồng thời nhập khẩu loại dầu thô thích hợp về để lọc, sản xuất xăng dầu phục vụ tiêu dùng.
Trong điều kiện thị trường thuận lợi, việc phải nhập một lượng lớn dầu thô phục vụ các nhà máy lọc dầu trong nước là việc bình thường, thậm chí còn mang lại lợi ích về kinh tế.
Tuy nhiên, khi nguồn cung bị khủng hoảng, giá dầu thế giới leo thang, các nhà máy lọc dầu không phải cứ muốn nhập khẩu là nhập được.
Hiện nay, thị trường dầu mỏ và các sản phẩm dầu mỏ đang bị tác động rất mạnh. Điều này đến từ những bất ổn do xung đột địa chính trị và kinh tế đang xảy ra tại nhiều khu vực.
Trong tình trạng thiếu hụt nguồn cung, việc tiếp cận các nguồn cung dầu thô nhập khẩu khác gặp khó khăn. Đó là chưa kể đến phụ phí dầu thô đang ở mức khá cao so với cuối năm 2021.
Theo Công ty cổ phần Lọc hóa dầu Bình Sơn (đơn vị vận hành Nhà máy Lọc dầu Dung Quất), trong bối cảnh hiện nay, việc tiếp cận các nguồn dầu thô nhập khẩu không được đa dạng như trước.
Đồng thời, phụ phí cho mỗi lô dầu vẫn ở mức cao, gây trở ngại cho việc vận hành các nhà máy lọc dầu tại Việt Nam.
Bội thu ngân sách nhờ xuất khẩu dầu thô
Mới đây, thông tin về tình hình thực hiện dự toán ngân sách Nhà nước và công tác quản lý, điều hành thu, chi ngân sách, Bộ Tài chính cho biết, trong tháng 10/2022, thu ngân sách Nhà nước ước đạt 130,3 nghìn tỷ đồng, lũy kế 10 tháng thu ngân sách Nhà nước ước đạt 1.464,3 nghìn tỷ đồng, bằng 103,7% dự toán.
Đáng chú ý trong đó, thu nội địa 10 tháng đầu năm 2022 ước đạt 1.157,7 nghìn tỷ đồng, bằng 98,4% dự toán, tăng 12,1% so cùng kỳ năm 2021; thu từ hoạt động xuất nhập khẩu 10 tháng đầu năm 2022 ước đạt gần 236,1 nghìn tỷ đồng, bằng 118,6% dự toán, tăng 21,9% so cùng kỳ năm 2021, trên cơ sở: tổng số thu thuế ước đạt 362 nghìn tỷ đồng, bằng 102,8% dự toán; hoàn thuế giá trị gia tăng theo chế độ 125,9 nghìn tỷ đồng, bằng 82,3% dự toán.
Đặc biệt, thu từ dầu thô của Việt Nam 10 tháng đầu năm 2022 ước đạt 65,5 nghìn tỷ đồng, vượt 132,4% dự toán, chiếm khoảng 4,47% tổng thu ngân sách Nhà nước 10 tháng và tăng 95% so cùng kỳ năm 2021.
Có được kết quả trên, theo Bộ Tài chính, chủ yếu do nền kinh tế duy trì được đà phục hồi và tăng trưởng khả quan (GDP 9 tháng tăng 8,83%, là mức tăng cao nhất từ năm 2011 đến nay), chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP), kim ngạch xuất khẩu, giá trị xuất siêu đều tăng.
Cùng với đó, cơ quan thuế cũng tăng cường quản lý thuế, xây dựng cơ sở dữ liệu lớn từ hóa đơn điện tử để truy dấu gian lận, rà soát những nguồn thu có tiềm năng nhưng còn thất thu để đưa vào quản lý, quyết liệt quản lý, chống thất thu, khai thác tăng thu từ hoạt động thương mại điện tử, từ hoạt động chuyển nhượng bất động sản, từ khai thác tài nguyên.
Về chi ngân sách Nhà nước, tổng chi cân đối NSNN tháng 10 ước đạt 136,9 nghìn tỷ đồng. Luỹ kế chi 10 tháng ước đạt 1.219,2 nghìn tỷ đồng, bằng 68,3% dự toán, tăng 6% so cùng kỳ năm 2021.