Trong khi đó, bất chấp tình hình vĩ mô thế giới có thể làm giảm triển vọng tăng trưởng kinh tế Việt Nam trong những tháng sắp tới của năm 2022, ACBS vẫn duy trì kỳ vọng rằng tốc độ tăng trưởng GDP quý 4 sẽ tiếp tục khả quan và dự báo GDP Việt Nam sẽ tăng trong khoảng 5,4% - 7,6% trong quý 4/2022.
Đáng chú ý, Việt Nam đang nổi lên như một trung tâm sản xuất công nghiệp thay thế nhằm bù đắp sản lượng mất mát, do chiến lược “zero Covid” của Trung Quốc, tiếp tục thúc đẩy phục hồi các hoạt động sản xuất công nghiệp.
Rủi ro đối với nền kinh tế Việt Nam
Trong báo cáo tổng quan vĩ mô, thị trường chứng khoán tháng 10 và nhận định diễn biến tháng 11 phát hành ngày 9/11, Chứng khoán ACB (ACBS) đã chỉ ra một số rủi ro có thể gây ảnh hưởng đến triển vọng tăng trưởng của nền kinh tế Việt Nam trong những tháng sắp tới của năm 2022.
Trong đó, theo khối phân tích của ACBS, việc Fed tiếp tục thắt chặt tiền tệ, khủng hoảng năng lượng toàn cầu, rủi ro suy thoái gia tăng ở hầu khắp các quốc gia trên thế giới là những điểm mấu chốt Việt Nam không thể bỏ qua.
ACBS cho rằng, việc tăng lãi suất dự kiến sẽ tiếp tục trong suốt nửa cuối năm 2022 khi hơn 16 ngân hàng trung ương lớn trên thế giới, đặc biệt là Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) và Ngân hàng Trung ương Anh (BOE) tiếp tục có động thái thắt chặt chính sách tiền tệ.
“Bước sang năm 2023, nếu hành động của các ngân hàng trung ương có tác động như dự kiến và lạm phát được kiểm soát, chính sách tiền tệ có thể được nới lỏng trong nửa cuối năm và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế sẽ lại trở thành ưu tiên của các nhà hoạch định chính sách”, ACBS kỳ vọng.
Việc Fed cùng với BOE và Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) đang ngừng tái đầu tư tài sản đáo hạn và bắt đầu thu hẹp giá trị tài sản trên bảng cân đối kế toán của họ (còn được gọi là chương trình Thắt chặt định lượng) cũng là yếu tố cần lưu ý.
Fed dự kiến sẽ thu hẹp khoảng 400 tỷ USD trong bảng cân đối kế toán của mình vào cuối năm 2022. ECB và BOE cũng có kế hoạch tương tự.
Định chế tài chính Morgan Stanley ước tính rằng bảng cân đối kế toán của các ngân hàng trung ương bị ảnh hưởng nặng nề nhất sẽ giảm khoảng 4 nghìn tỷ USD vào cuối năm tới.
“Những sự kiện này sẽ ảnh hưởng đến giá trị VND trong những tháng tới”, ACBS nhận định.
Bên cạnh đó, rủi ro suy thoái gia tăng, nhất là ở Mỹ và EU, đặc biệt là ở các đối tác thương mại lớn của Việt Nam như Mỹ, EU, Trung Quốc, và có thể làm chậm các hoạt động thương mại vốn vẫn là động lực tăng trưởng chính của nền kinh tế Việt Nam, Chứng khoán ACB cảnh báo.
Khủng hoảng năng lượng toàn cầu vẫn đang gây khó khăn lớn cho nhiều quốc gia như EU, cạnh đó là kế hoạch cắt giảm sản lượng dầu của OPEC+ có thể tiếp tục gia tăng áp lực lên giá giá dầu.
“Giá dầu tăng cao có thể một lần nữa gây áp lực tăng lên lạm phát khi làm gia tăng chi phí vận tải và các nguyên vật liệu sản xuất”, nhóm phân tích chỉ rõ.
Việt Nam cũng được lưu ý không thể ngó lơ trước các động thái của người láng giềng phương Bắc.
Theo Chứng khoán ACB, Trung Quốc vẫn tiếp tục theo đuổi chiến lược “zero Covid” với việc xét nghiệm hàng loạt và phong tỏa khi các trường hợp lây nhiễm tăng đột biến, cũng có thể tác động đến Việt Nam.
Việt Nam - trung tâm sản xuất thay thế nhằm bù đắp cho Trung Quốc
Ngoài các yếu tố rủi ro, báo cáo mới cập nhật của Chứng khoán ACB cũng có nhiều dự báo triển vọng tăng trưởng khả quan của Việt Nam.
Theo đó, mặc dù lo ngại những vấn đề rủi ro như Fed tăng lãi suất, các ngân hàng Trung ương thắt chặt tiền tệ, suy thoái kinh tế toàn cầu, Zero Covid ở Trung Quốc hay khủng hoảng năng lượng có thể làm giảm triển vọng tăng trưởng kinh tế Việt Nam trong những tháng còn lại của năm 2022, nhưng ACBS vẫn duy trì kỳ vọng rằng tốc độ tăng trưởng GDP vẫn sẽ khả quan, với sự hỗ trợ của một số yếu tố.
Thứ nhất, tất cả các hoạt động sản xuất công nghiệp tiếp tục phục hồi và tăng trường (với IIP tăng chậm lại trong tháng 10 nhưng tổng thể 10 tháng đầu năm vẫn tăng 9%), qua đó thúc đẩy các hoạt động từ khu vực FDI về mặt đầu tư và xuất khẩu.
Thứ hai, vị thế đang lên của Việt Nam.
“Việt Nam nổi lên như một trung tâm sản xuất công nghiệp thay thế nhằm bù đắp sản lượng mất mát, do chiến lược “zero Covid” của Trung Quốc, tiếp tục thúc đẩy phục hồi các hoạt động sản xuất công nghiệp”, nhóm phân tích nhận định.
Đồng thời, sự phục hồi mạnh mẽ của các ngành dịch vụ sau khi được phép mở cửa lại các loại hình kinh doanh dịch vụ đến từ cải thiện nhu cầu tiêu dùng nội địa sau khi dịch Covid-19 được kiểm soát, mở cửa các hoạt động du lịch quốc tế và các hoạt động giao thông vận tải trở lại vận hành bình thường.
Đánh giá về thị trường chứng khoán, ACBS cho biết, VN-Index mở đầu tháng 11 với tâm lý giới đầu tư tiếp tục giằng co.
“Áp lực bán tăng cao hướng đến hỗ trợ tại vùng đáy cũ tại 960-980 điểm. Trong trường hợp áp lực bán được hấp thụ hiệu quả quanh hỗ trợ kể trên, VN-Index vẫn có triển vọng quay lại với nhịp hồi phục kỹ thuật đến ngưỡng xa hơn là 1.070 điểm”, Chứng khoán ACB tin tưởng.
Mặt khác, rủi ro lớn hơn là chỉ số có thể tiếp tục suy giảm sâu vượt qua 960 điểm đến hỗ trợ tiếp theo tại vùng 940 điểm.
NHNN vẫn đang làm tốt
Tiếp đó, theo khối phân tích của ACBS, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) đã tăng lãi suất điều hành 2 lần vào các ngày 23/9/2022 và 25/10/2022.
Với các đợt tăng lãi suất mạnh mẽ gần đây của NHNN (tổng cộng 200 điểm phần trăm), ACBS tiếp tục lạc quan về việc kiểm soát lạm phát ở Việt Nam và duy trì kỳ vọng CPI của Việt Nam năm 2022 sẽ tăng trong khoảng 3,2% - 4%, nằm trong mục tiêu của Chính phủ là 4%.
Do đó. Chứng khoán ACB giữ kỳ vọng GDP của Việt Nam sẽ tiếp tục ghi nhận mức tăng trưởng mạnh mẽ và sẽ tăng trong khoảng 5,4% - 7,6% so với cùng kỳ năm ngoái trong quý 4/2022 và 7,8% - 8,4% trong năm 2022 so với 2021.