ASEAN nỗ lực giải quyết vấn đề Myanmar

Các nhà lãnh đạo ASEAN tại Hội nghị cấp cao của hiệp hội đã nhất trí về một gói biện pháp gồm 15 điểm nhằm đưa Myanmar thoát khỏi cuộc khủng hoảng chính trị. Bộ trưởng Ngoại giao Indonesia Retno Marsudi cho biết về điều đó tại cuộc gặp với báo giới ở Phnom Penh.
Sputnik
Bà Marsudi lưu ý rằng, việc xây dựng gói biện pháp này là kết quả của hai ngày tham vấn ở cấp bộ trưởng.
Bộ trưởng Retno Marsudi không nói chi tiết về thỏa thuận này mà chỉ cho biết rằng, gói biện pháp là một lời kêu gọi nghiêm khắc hướng tới các nhà chức trách quân sự để họ hành động theo tinh thần của Đồng thuận 5 điểm đã được ASEAN nhất trí vào tháng 4 năm ngoái. Nếu không, các nhà chức trách quân sự sẽ phải đối mặt với những hậu quả nghiêm trọng, bao gồm việc mở rộng lệnh cấm đại diện Myanmar tham gia các cuộc họp của ASEAN. Agence France-Presse trích dẫn tuyên bố này của người đứng đầu Bộ Ngoại giao Indonesia.
Tư cách thành viên ASEAN của Myanmar: chấm dứt hay duy trì?

Myanmar là một trong những chủ đề chính tại hội nghị cấp cao ASEAN

Bên lề hội nghị, Tổng thống Indonesia Joko Widodo, người sẽ chính thức đảm nhận ghế chủ tịch ASEAN 2023 từ Campuchia tại hội nghị thượng đỉnh ASEAN lần thứ 40 và 41 sắp tới, đã nói với các phóng viên rằng, Indonesia vô cùng thất vọng trước tình hình ngày càng xấu đi ở Myanmar. Theo ông, tình hình Myanmar không nên bắt giữ ASEAN làm con tin.
Sự thất vọng của ASEAN về việc Myanmar không có tiến bộ đáng kể trong việc thực hiện Đồng thuận 5 điểm đang ngày càng gia tăng, do đó, việc các nhà lãnh đạo ASEAN có ý định gia tăng sức ép lên chính quyền quân sự là một kết quả đã được chờ đợi từ các cuộc thảo luận về chủ đề này, chuyên gia Elena Fomicheva từ Trung tâm Nghiên cứu Đông Nam Á, Australia và Châu Đại Dương thuộc Viện phương Đông (Viện Hàn lâm Khoa học Nga), cho biết trong cuộc phỏng vấn của Sputnik.

“Hiện nay, áp lực lên Myanmar có xu hướng gia tăng, nhưng, không có nhiều khả năng để làm như vậy. Các biện pháp mới để gây áp lực lên Myanmar có thể được áp dụng, nhưng không nhất thiết các biện pháp này sẽ quá khắc nghiệt. Mục tiêu chính là giải quyết cuộc khủng hoảng này, và áp lực gia tăng đối với Myanmar ở một giai đoạn nào đó có thể gây tác dụng ngược. Trong bối cảnh tình hình quốc tế hết sức phức tạp, ASEAN đã trở thành một tổ chức hạt nhân, đóng vai trò trung tâm của chính trị thế giới, tổ chức các hội nghị cấp cao ASEAN, G20 và APEC. Nhiệm vụ chính của các nhà lãnh đạo ASEAN tại các diễn đàn này là nâng cao vai trò và tầm quan trọng của ASEAN trong nền chính trị thế giới, vì vậy về mặt chính trị, họ không nên tập trung vào những khác biệt đang tồn tại. Nhiệm vụ chính của Hiệp hội là thể hiện sự thống nhất và nâng cao vai trò trung tâm của ASEAN trong việc giải quyết các vấn đề khu vực, để trở thành một nền tảng đáng tin cậy giúp giải quyết các vấn đề cấp bách toàn cầu”, - chuyên gia Elena Fomicheva lưu ý.

Nỗ lực mới của ASEAN nhằm thiết lập đối thoại với Myanmar dẫn đến kết quả gì?
Hôm thứ Sáu, các nhà lãnh đạo ASEAN đã thông qua tuyên bố về việc kết nạp nước ĐôngTimor. Tuyên bố cho biết chấp thuận về nguyên tắc Đông Timor là thành viên thứ 11 của ASEAN; trao quy chế quan sát viên cho Đông Timor và cho phép nước này tham gia tất cả các hội nghị của ASEAN. Hiệp hội sẽ xây dựng Lộ trình dựa trên tiêu chí khách quan để Đông Timor đáp ứng tư cách thành viên đầy đủ của ASEAN.
Thảo luận