Theo đó, Airlios chào bán 4 mẫu mô tô bay, gồm: Air One, Pegasus, Minotaur và Custom, với giá bán tương đương lần lượt 2 tỷ, 2,2 tỷ, 2,46 tỷ và 2,46 tỷ đồng.
Các mẫu mô tô bay nói trên cũng đã được mang đến trưng bày tại Bến Tre vào cuối tuần qua cho khách tham quan, khám phá.
Việt Nam sẽ là nước đầu tiên ở Đông Nam Á thương mại hoá môtô bay?
Cách đây 10 năm, một nhóm bạn trẻ người Việt đã ấp ủ dự án thiết bị bay cá nhân (môtô bay) với tên gọi Airlios. Đến năm 2017, dự án bắt đầu được triển khai thực hiện.
Anh Mai Thiên Vũ, Giám đốc Công nghệ Airlios, cho biết dự án đang ở giai đoạn hoàn thiện, dự kiến sẽ thương mại hóa ra thị trường vào năm 2024.
một startup Việt Nam là Airlios đã giới thiệu nguyên mẫu môtô bay cá nhân đầu tiên ở Đông Nam Á tại Triển lãm Vietnam Motor Show 2022
© Ảnh : Airlios
Đồng thời, Airlios cũng được liên kết với các công ty du lịch để tổ chức dịch vụ bay tham quan cho du khách, vận chuyển khách bằng taxi bay, vận chuyển hàng hóa, tham gia cứu hộ, cứu nạn.
Nếu kịp đưa ra thị trường sớm như kế hoạch, Airlios có thể trở thành hãng sản xuất mô tô bay đầu tiên ở Đông Nam Á, nằm trong nhóm số ít các công ty sản xuất phương tiện được xem là tương lai ở các đô thị thông minh.
Theo anh Vũ, thị trường vận tải hàng không như môtô bay đang phát triển mạnh tại khu vực Âu - Mỹ. Tuy nhiên, ở Đông Nam Á, phương tiện bay siêu nhẹ vẫn rất mới mẻ, chưa có tổ chức nào thực sự phát triển thành công mô hình môtô bay.
Được biết, thiết bị này đã trải qua hơn 100 giờ thử nghiệm bay và di chuyển 1.000 km.
Đặc biệt
Theo startup Việt, Airlios chuyên về các phương tiện bay siêu nhẹ có thể vận chuyển hành khách, hướng tới cung cấp dịch vụ phương tiện bay cá nhân và hàng không đô thị.
Sản phẩm làm từ hợp kim aluminium alloy và sợi carbon, điều khiển hoàn toàn hoặc tự động, cất cánh theo phương thẳng đứng và chạy bằng 8 động cơ không chổi than.
“Môtô bay của Airlios có thể lập trình bay tự động, ứng dụng trong nhiều lĩnh vực như vận tải, cứu hộ và vận chuyển hành khách”, anh Vũ cho biết.
Về mặt thiết kế, mô tô bay của Airlios có thể điều khiển bằng 2 cách là trực tiếp và tự hành. Thiết bị chỉ có một chỗ ngồi, cho quãng đường bay tối đa 33 km, tốc độ tối đa 100 km/h, thời lượng bay tối đa (tải trọng 100 kg) là 20 phút, độ cao dưới 120 m.
Airlios đã được Bộ Quốc phòng cấp phép để bay thử nghiệm không chở người (chỉ đặt vật có trọng lượng tương đương một người) cho thiết bị nói trên. Hoạt động của và độ an toàn của thiết bị đều đạt yêu câu.
một startup Việt Nam là Airlios đã giới thiệu nguyên mẫu môtô bay cá nhân đầu tiên ở Đông Nam Á tại Triển lãm Vietnam Motor Show 2022
© Ảnh : Airlios
Hiện startup này đang xin phép Bộ Quốc phòng để được thực nghiệm bay chở người.
Có thể sản xuất toàn bộ tại Việt Nam
Anh Mai Anh Tuấn, Trưởng Ban dự án Airlios, cho biết dự án được tài trợ bởi Công ty AGS, đơn vị có hơn 10 năm tham gia phát triển thiết bị bay và công nghệ ứng dụng.
“Dự án mất 1 năm nghiên cứu, sử dụng hơn 20% lợi nhuận của AGS cho chi phí thiết kế, chạy giả lập mô hình khí động học, sản xuất prototype và thử nghiệm. Hiện nay, model đầu tiên vẫn trong quá trình hoàn thiện những bước cuối cùng”, anh Tuấn nói.
Airlios, có trụ sở tại Hà Nội, nhưng cũng phối hợp với nhiều đơn vị nghiên cứu tại Anh và Mỹ nhằm tối ưu hóa mô hình khí động học và chất liệu sản phẩm, bảo đảm toàn bộ thiết bị có thể sản xuất tại Việt Nam, mang tiêu chuẩn và chất lượng Việt Nam.
Tạm thời, Airlios sẽ thử nghiệm các tuyến bay ở những tòa nhà có sẵn sân trực thăng và các khu đô thị rộng rãi, cũng như làm việc với các bên sẽ cung cấp, phân phối trạm sạc nhanh cho xe điện.
Trong năm 2023, Airlios đặt mục tiêu cùng đội nghiên cứu của AGS cho ra đời loại pin sạc được tại điểm sạc xe điện.
Airlios cũng dự định gọi đầu tư vòng series A trong năm sau. Airlios mong muốn tìm được những nhà đầu tư trong và ngoài nước có cùng tầm nhìn, có khả năng hỗ trợ phát triển thị trường trong khu vực và quốc tế.
Trong khoảng 2 năm trở lại đây, thiết bị bay cá nhân đô thị nhận được nhiều sự quan tâm. Rất nhiều các hãng vận tải, hãng sản xuất xe lớn trên thế giới đều có dự án phát triển mô hình này.
Dù các sản phẩm chưa được chào bán rộng rãi, thị trường này vẫn đạt doanh số 3,1 tỷ USD trong năm 2021, dự kiến sẽ tăng lên hơn 30 tỷ USD vào năm 2030.
“Bên cạnh taxi bay, dòng sản phẩm siêu nhẹ môtô bay 1 người điều khiển như Jetson đã được bán tại Mỹ. Mới đây nhất, hãng xe điện Xpeng của Trung Quốc cũng chính thức thử nghiệm ôtô bay với mô hình cánh gập để có thể đi trên đường bộ và cất cánh khi cần”, anh Tuấn chia sẻ với NLĐ.
Giải quyết được nhiều vấn đề
Đại diện Airlios cho rằng, Việt Nam và các nước Đông Nam Á đều đối mặt với vấn đề gia tăng mật độ dân số ở đô thị, giao thông, ô nhiễm môi trường, năng lượng...
Với các thiết bị bay cá nhân sử dụng pin, cất cánh hạ cánh thẳng đứng, tất cả những vấn đề này sẽ được giải quyết một cách đáng kể.
Thiết bị này sử dụng pin lithium sạc nhanh, sạc được nhiều lần, có hiệu năng cao và đặc tính bảo vệ môi trường, giúp tiết kiệm đáng kể chi phí nhiên liệu.
Vấn nạn tắc đường, tai nạn giao thông cũng sẽ cải thiện khi thiết bị bay có thể vận hành tự động, được điều khiển bởi hệ điều hành trung tâm, giúp người sử dụng có thể lựa chọn điểm đến và để thiết bị tự động làm việc.
Thiết bị di chuyển ở tầm cao hơn các tòa nhà, có thể cất - hạ cánh trực tiếp, không tốn nhiều diện tích. Với tốc độ 100-130 km/giờ, thiết bị cũng có thể chuyên chở hành khách đến địa điểm một cách nhanh chóng.
Theo anh Mai Anh Tuấn, công suất hiện tại xưởng có thể lắp ráp 1 tháng 4 chiếc.
“Dự kiến năm 2023, Airlios sẽ xây dựng nhà máy với công suất 300 chiếc 1 năm, dự kiến xây dựng nhà máy sẽ hoàn thành vào cuối năm 2023. Hiện tại Airlios đang tiến hành khảo sát khu vực công nghệ cao Huế để xây dựng nhà xưởng”, startup Việt cho biết.