Chỉ trong mấy ngày, từ ngày 10 tới 13/11/2022, Thủ tướng Việt Nam Phạm Minh Chính đã dự hàng loạt sự kiện quan trọng tại Phnom Penh, thủ đô Campuchia. Đó là Hội nghị thượng đỉnh Kinh doanh và Đầu tư ASEAN 2022, Hội nghị cấp cao ASEAN 40 và 41 và nhiều hội nghị cấp cao liên quan. Việt Nam đã thể hiện vai trò của mình như thế nào tại những đối thoại quốc tế và khu vực quan trọng này? Sputnik đã phỏng vấn nhà nghiên cứu quan hệ quốc tế Nguyễn Hồng Long về chủ đề trên.
5 đề xuất của Việt Nam tại Hội nghị thượng đỉnh Kinh doanh và Đầu tư ASEAN 2022
Ngày 10/11, tại Hội nghị thượng đỉnh Kinh doanh và Đầu tư ASEAN 2022 (nằm trong khuôn khổ Hội nghị cấp cao ASEAN 40 và 41, Thủ tướng Việt Nam Phạm Minh Chính đã đề cập tới nhu cầu xây dựng một ASEAN đoàn kết, thống nhất, phục hồi nhanh và ứng phó thách thức hiệu quả trong giai đoạn biến động. Và ông đã đưa ra 5 sáng kiến, theo đánh giá chung, là rất có giá trị. Bình luận về 5 sáng kiến nói trên, nhà nghiên cứu quan hệ quốc tế Nguyễn Hồng Long nhấn mạnh:
Đó là những kiến nghị rất có giá trị. Hợp tác kinh tế là một trong ba trụ cột của ASEAN đồng thời là vấn đề có tính nền tảng cơ bản, có sức chi phối mạnh mẽ đến hai trụ cột còn lại là an ninh-chính trị và văn hóa-xã hội cũng như các lĩnh vực khác có liên quan. Do đó, các kiến nghị này đã góp phần làm sáng tỏ các định hướng phục hồi và phát triển kinh tế của khối ASEAN sau khi kiểm soát được Đại dịch COVID-19 cũng như trong bối cảnh quốc tế đang diễn biến rất phức tạp do cuộc cạnh tranh chiến lược toàn cầu của các cường quốc.
Trước hết, với tư cách là chủ tịch luân phiên ASEAN 37, Việt Nam đã đề xuất “Khuôn khổ phục hồi toàn diện ASEAN (ACRF)” vào tháng 11/2020. Khi đó Đại dịch COVID-19 vẫn còn diễn biến phức tạp ở Việt Nam, ở ASEAN và trên thế giới. Nhưng với “Chiến lược vaccine” được triển khai một cách quyết liệt, Việt Nam đã nhìn thấy trước lối thoát không chỉ cho mình mà còn cho các khối ASEAN trong năm tiếp theo. Đây là tầm nhìn có tính chiến lược rất quan trọng nhằm “đi trước một bước” để chuẩn bị cho quá trình phục hồi kinh tế mạnh mẽ và bền vững của ASEAN.
Đến nay, “Khuôn khổ phục hồi toàn diện ASEAN (ACRF)” cần được các nước thành viên ASEAN triển khai một cách khẩn trương. Tại Kinh doanh và Đầu tư ASEAN 2022, Việt Nam đã đề nghị đặt trọng tâm vào 3 mục tiêu chiến lược gồm phục hồi, số hóa, và bền vững.
Đối với bất cứ một quốc gia nào, một cộng đồng nào thì doanh nghiệp luôn giữ vai trò là “tế bào kinh tế” của nền kinh tế quốc gia đó, của cộng đồng đó. Đối với ASEAN cũng vậy. Vì thế, việc Việt Nam đề xuất cộng đồng các doanh nghiệp ở các quốc gia cần nắm chắc thời cơ từ RCEP, hiệp định thương mại tự do để thúc đẩy mở rộng liên kết thị trường, phát triển chuỗi sản xuất, chuỗi giá trị, hài hòa hóa các quy định về xuất xứ, thủ tục thuế quan, hải quan, kiểm dịch, tiêu chuẩn kỹ thuật lần cần thiết và cấp bách. Điều này không chỉ nhằm đạt các mục tiêu phục hồi kinh tế trong ngắn hạn mà còn tạo ra một mặt bằng mới cả về kinh doanh và pháp lý, bảo đảm duy trì lâu dài đà phục hồi và phát triển của toàn khối.
Đề xuất thứ ba của phía Việt Nam về triển khai hiệu quả Chiến lược Tổng thể ASEAN về Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, cũng như Hiệp định ASEAN về Thương mại điện tử cũng là một chủ trương phù hợp với xu thế của thời đại về phát triển công nghệ số, phát triển kinh tế số cũng như chuyển đổi số và đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng kỹ thuật số. Nếu không khẩn trương và quyết liệt triển khai chiến lược này một cách đồng bộ ở tất cả các quốc gia thành viên, ASEAN sẽ có nguy cơ tụt hậu về chuyển đổi số và phát triển nền kinh tế số so với các khu vực khác trên thế giới.
Để có thể thực hiện được Chiến lược tổng thể này thì việc tăng cường sáng tạo, hợp tác, chuyển giao công nghệ trong Cộng đồng các doanh nghiệp ASEAN là điều kiện tiên quyết và quan trọng nhất. Điều này sẽ tạo nên một sức bật mới cho Cộng đồng các doanh nghiệp ASEAN cũng như sự phát triển chung của toàn Cộng đồng ASEAN.
Và cuối cùng, vấn đề bảo vệ môi trường vẫn là đề tài thường trực không chỉ ở các Hội nghị thượng đỉnh ASEAN mà là vấn đề của toàn cầu. Với đề xuất chuyển dịch sang mô hình kinh tế tuần hoàn nhằm tiết kiệm tài nguyên, bảo vệ môi trường, Việt Nam đã làm rõ phương châm cơ bản đã theo đuổi từ chục năm nay là “không vì lợi ích kinh tế mà hy sinh hoặc coi nhẹ vấn đề bảo vệ môi trường”.
Thủ tướng Phạm Minh Chính và Thủ tướng Campuchia Hun Sen chứng kiến lễ ký các văn kiện hợp tác
© Ảnh : Dương Giang-TTXVN
Việt Nam thể hiện sự cởi mở, chủ động, sáng tạo, mềm dẻo, thái độ tích cực và tinh thần trách nhiệm
Nói về vai trò và vị thế của Việt Nam tại Thượng đỉnh ASEAN 40 và 41 tại Campuchia trong trả lời phỏng vấn của Sputnik, nhà nghiên cứu quan hệ quốc tế Nguyễn Hồng Long lưu ý:
Phát huy những thành công trong vai trò Chủ tịch luân phiên ASEAN năm 2020, trong Hội nghị cấp cao tiếp theo sau đó tại Brunei và Hội nghị cấp cao 2022 tại Phnompenh, Việt Nam đã luôn thể hiện vai trò dẫn dắt đối với ASEAN bằng nhiều sáng kiến vừa có tính xây dựng cao, vừa có tính đột phá và vừa hợp tình, hợp lý; đạt được sự đồng thuận cao trong Cộng đồng ASEAN cũng như thu hút sự quan tâm và ủng hộ của dư luận quốc tế.
Tại phiên họp toàn thể cấp cao ASEAN 40, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã nêu lên một phương châm tối ưu để ứng xử của ASEAN trong bối cảnh phức tạp, khó lường của tình hình khu vực và quốc tế. Đó là “Tư duy cộng đồng, Hành động cộng đồng” của ASEAN khi phải đối mặt với hàng loạt các khó khăn và thách thức chưa từng có trong tiền lệ. Điều này hoàn toàn phù hợp với chủ đề của Hội nghị cấp cao ASEAN 2022 là “ASEAN cùng nhau ứng phó thách thức”.
Trên cơ sở đó, Thủ tướng Việt Nam đề xuất sáng kiến tổ chức “Diễn đàn Cấp cao thúc đẩy quan hệ đối tác về phục hồi đồng đều và tăng trưởng bền vững ở ASEAN”, dự kiến trong nửa đầu năm 2023. Đây là sáng kiến đặc biệt quan trọng, không chỉ nhằm thúc đẩy nhanh hơn sự phục hồi kinh tế của các quốc gia thành viên mà còn là cơ sở để tăng cường gắn kết và thích ứng vốn là phương châm đã được ghi nhận tại Hội nghị cấp cao ASEAN 2020. Sự phục hồi đồng đều sẽ làm cơ sở cho sự phát triển bền vững của ASEAN, tránh được sự bất bình đẳng và thiếu đoàn kết có thể dẫn đến sự phân tán nguồn lực, làm suy yếu tiềm lực của Cộng đồng.
Về phần mình, Thủ tướng Việt Nam đã có nhiều cuộc gặp song phương với các quốc gia ASEAN và và một số quốc gia đối tác của ASEAN. Ngoài chuyến thăm chính thức do Thủ tướng nước chủ nhà Campuchia mời, Thủ tướng Việt Nam đã có cuộc tiếp xúc với Tổng thống Indonesia (nước chủ nhà Hội nghị cấp cao ASEAN 2023), với Thủ tướng Hàn Quốc (đối tác chiến lược của ASEAN do Việt Nam được giao nhiệm vụ điều phối), với Thủ tướng Trung Quốc (đối tác chiến lược toàn diện của Việt Nam và của ASEAN) và lãnh đạo, đại diện lãnh đạo một số quốc gia khác.
Các cuộc tiếp xúc đó đã biểu hiện nhiều cố gắng của Việt Nam trong việc kết nối và tăng cường các mối quan hệ giữa ASEAN với các đối tác cũng như giữa Việt Nam với các đối tác. Chủ đề của các cuộc tiếp xúc đó cũng được lựa chọn vừa để phù hợp với quan hệ của ASEAN với các đối tác, vừa phù hợp với quan hệ song phương của Việt Nam. Đó đều là những vấn đề vừa có tính cấp thiết trước mắt, vừa có tính chiến lược lâu dài mà các bên cùng quan tâm thảo luận trên tinh thần xây dựng và hữu nghị.
Việc Thủ tướng Việt Nam tham gia hàng loạt sự kiện tại các Hội nghị cấp cao ASEAN 2022 cho thấy sự cởi mở, chủ động, sáng tạo, mềm dẻo cũng như thái độ tích cực và tinh thần trách nhiệm của Việt Nam đối với Cộng đồng ASEAN nói riêng và cộng đồng quốc tế nói chung.
Thủ tướng Phạm Minh Chính dự Gala Dinner do Thủ tướng Campuchia chủ trì
© Ảnh : Dương Giang-TTXVN
Việt Nam và Campuchia đã ký số lượng văn kiện hợp tác lớn nhất từ trước tới nay
Một chủ đề rất đáng lưu ý nữa trong chuyến công du Campuchia lần này của Thủ tướng Việt Nam là quan hệ hợp tác Việt Nam và Campuchia.
Đánh giá về chuyến thăm Phnompenh trước thềm các Hội nghị ASEAN 2022, nhà nghiên cứu quan hệ quốc tế Nguyễn Hồng Long nói rằng, chuyến thăm đã đánh dấu một bước tiến bộ quan trọng trong quan hệ bạn bè giữa hai nước láng giềng. Những dấu ấn tiến bộ đó thể hiện qua bản Tuyên bố chung gồm 16 đề mục đề cập toàn diện các lĩnh vực phát triển hợp tác giữa hai nước như chính trị-hành chính, ngoại giao, kinh tế, văn hóa và tôn giáo, giao thông vận tải, công nghệ thông tin viễn thông và chuyển đối số, tài chính ngân hàng, phát thanh truyền hình. Bản Tuyên bố chung thứ 10 của hai nước (kể từ năm 1999) có những điểm mới rất đáng chú ý:
Một là hai bên cam kết thúc đẩy để sớm hoàn thành bản Quy hoạch tổng thể kết nối hai nền kinh tế Việt Nam-Campuchia đến năm 2030 (mục 8 – Tuyên bố chung). Đây là vấn đề có tính chiến lược đặc biệt quan trọng trong quan hệ giữa hai nước về kinh tế, bảo đảm nền tảng cho sự phát triển lâu dài của các mối quan hệ khác.
Hai là Việt Nam cam kết hỗ trợ Campuchia và Lào tăng cường hợp tác Tam giác phát triển Campuchia-Lào-Việt Nam (CLV DTA) và đẩy mạnh triển khai Kế hoạch hành động kết nối ba nền kinh tế đến năm 2030 nhằm cùng nhau xây dựng các nền kinh tế CLV gắn kết, bền vững và thịnh vượng, đóng góp vào Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN 2025. Trước đó, “Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế xã hội khu vực TGPT CLV giai đoạn 2021 – 2030” và “Kế hoạch kết nối ba nền kinh tế Campuchia – Lào – Việt Nam đến 2030” đã được thủ tướng chính phủ ba nước Campuchia-Lào-Việt Nam khởi tạo tại Hội nghị Cấp cao Khu vực Tam giác phát triển Campuchia – Lào – Việt Nam lần thứ 11, tổ chức ngày 9/12/2020.
Cùng với Tuyên bố chung là 11 văn kiện hợp tác về nhiều lĩnh vực quan trọng đã được hai bên ký kết dưới sự chứng kiến của Thủ tướng Samdech Techo Hun Sen và Thủ tướng Phạm Minh Chính. Đây là số lượng văn kiện hợp tác lớn nhất từ trước tới nay giữa hai bên, trong đó có những lĩnh vực hợp tác hoàn toàn mới hoặc được nâng cấp đáng kể như lao động và nhân lực, phát thanh truyền hình, bưu chính viễn thông, chuyển đổi số.v.v…