Thủ tướng Đức vào ngày 13-14/11/2022 đã có chuyến thăm chính thức Việt Nam, bắt đầu chuyến công du châu Á 4 ngày. Tăng cường hợp tác kinh tế và thương mại là chủ đề ưu tiên số một của cuộc hội đàm song phương giữa Thủ tướng Olaf Scholz và Thủ tướng Phạm Minh Chính. Tuy nhiên, ông Olaf Scholz đã không thể bỏ qua đề tài Ukraina. Thủ tướng Đức kêu gọi chính quyền Việt Nam thể hiện quan điểm rõ ràng về các sự kiện diễn ra tại Ucraina.
Thủ tướng Đức mong muốn Việt Nam có “quan điểm rõ ràng” về vấn đề xung đột ở Ukraina mà theo ông là vi phạm luật pháp quốc tế, tiềm ẩn nguy cơ dẫn đến “những hậu quả tiền lệ”, khi “các quốc gia nhỏ không còn có thể an toàn trước hành động của các nước láng giềng lớn hơn và hùng mạnh hơn”.
Trong cuộc trả lời phỏng vấn của Sputnik diễn ra ngay sau khi chuyến thăm Việt Nam của ông Olaf Scholz kết thúc, chuyên gia quan hệ quốc tế Nguyễn Minh Hoàng đã bình luận về “lời kêu gọi” của Thủ tướng Đức như sau:
Thực ra thì vấn đề mà ông Olaf Scholz đề xuất không phải là vấn đề mới đối với Việt Nam. Ngày 12/5/2022, trước thềm
Hội nghị Mỹ-ASEAN diễn ra vào trung tuần tháng 5/2022, phía Mỹ có tổ chức cuộc tiếp xúc giữa Thủ tướng Việt Nam và các học giả Mỹ tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) ở Washington, một trong những cơ quan nghiên cứu hàng đầu của Mỹ về chiến lược, chính sách đối ngoại và các vấn đề quốc tế. Tại cuộc đối thoại này Thủ tướng Phạm Minh Chính đã lấy thực tế phát triển của Cộng đồng ASEAN làm ví dụ để đi đến kết luận rằng: “Chỉ có đầy đủ sự chân thành, lòng tin và trách nhiệm, các nước mới có thể cùng nhau giải quyết các vấn đề đặt ra một cách thực chất, hiệu quả” và “không để phương thức chủ đạo này bị phá vỡ vì bất cứ lý do gì”.
Về thái độ của Việt Nam trước những biến động trên thế giới, trong đó có cuộc xung đột Nga-Ukraina, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã khẳng định: “Giữa độc lập và phụ thuộc, chúng tôi luôn chọn độc lập với tinh thần “không có gì quý hơn độc lập tự do” của Chủ tịch Hồ Chí Minh; giữa thương lượng và đối đầu, chúng tôi chọn thương lượng; giữa đối thoại và xung đột, chúng tôi chọn đối thoại; giữa hòa bình và chiến tranh, chúng tôi chọn hòa bình; giữa hợp tác và cạnh tranh, chúng tôi chọn hợp tác, còn cạnh tranh phải lành mạnh, bình đẳng, tôn trọng quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhau”.
“Người đứng đầu Chính phủ Việt Nam đã chốt lại, phát biểu tại CSIS ở Washington hồi tháng Năm như sau: “Việt Nam không chọn bên mà chọn chính nghĩa, sự công bằng, công lý và lẽ phải trên cơ sở các nguyên tắc của luật pháp quốc tế, Hiến chương Liên Hợp Quốc, bình đẳng, tất cả cùng có lợi, cùng thắng”. Cho đến nay và cả sau này, lập trường đó của Việt Nam vẫn không hề thay đổi. Phải chăng quan điểm đó có gì là không rõ ràng?”, - Chuyên gia quan hệ quốc tế Nguyễn Minh Hoàng nhấn mạnh.
Liên quan tới vấn đề Ukraina cũng vậy. Thủ tướng Việt Nam đã nêu rõ quan điểm Việt Nam ủng hộ và sẵn sàng tham gia vào các nỗ lực, sáng kiến của cộng đồng quốc tế trong việc tạo điều kiện để các bên đối thoại, tìm kiếm giải pháp lâu dài, bền vững. Điều này cũng khẳng định phương châm ngoại giao bền vững của Việt Nam là đa phương hóa, đa dạng hóa quan hệ và tuân thủ lập trường độc lập, tự chủ cũng như chính sách “bốn không” trong quan hệ quốc tế. Phải chăng quan điểm đó có gì là không rõ ràng?
“Tục ngữ Việt Nam có câu “Lo bò trắng răng”. Nỗi lo lắng của ông Olaf Scholz khi ông nói bóng gió rằng “các quốc gia nhỏ không còn có thể an toàn trước hành động của các nước láng giềng lớn hơn và hùng mạnh hơn” (ám chỉ Trung Quốc) cho thấy ông đã không đánh giá đúng truyền thống yêu nước, tiềm năng, thực lực và bản lĩnh của Việt Nam trong công cuộc bảo vệ nền độc lập tự chủ của mình”, - Nhà phân tích Nguyễn Minh Tâm bình luận về “lời kêu gọi” của ông Olaf Scholz trong trả lời phỏng vấn cho Sputnik sáng ngày 14/11.
Nguyên tắc nào quan trọng hơn đối với Việt Nam? Đường lối độc lập, tự chủ, thịnh vượng kinh tế; duy trì quan hệ đối tác truyền thống lâu dài với Nga?
“Theo tôi thì xét về hình thức, cả hai nguyên tắc đều quan trọng. Nhưng xét về thứ bậc thì nguyên tắc độc lập, tự chủ vẫn là nguyên tắc tối cao. Nguyên tắc duy trì và bảo vệ nền độc lập, tự chủ để phát triển thịnh vượng về mọi mặt chính trị, kinh tế, xã hội, quốc phòng, an ninh là nguyên tắc cao nhất và bất di bất dịch của Việt Nam kể từ khi giành được độc lập dân tộc ngày 2/9/1945”, - Chuyên gia quan hệ quốc tế Nguyễn Minh Hoàng phát biểu với Sputnik.
Nguyên tắc quan hệ đối tác truyền thống với Liên bang Nga cũng là một nguyên tắc quan trọng
trong quan hệ đối ngoại của Việt Nam. Theo đó, Nga là một trong số ít các quốc gia có quan hệ đối tác chiến lược toàn diện với Việt Nam. Đây là cấp quan hệ quốc tế cao nhất theo thứ bậc xếp hạng của Việt Nam. Việt Nam sẽ làm mọi cách, sẽ hóa giải thành công nhiều trở ngại, xử lý tốt những mối quan hệ song phương và đa phương có liên quan để duy trì và phát triển quan hệ truyền thống lâu đời ấy.
Tuy nhiên, cũng như các mối quan hệ giữa Việt Nam với các đối tác khác như Trung Quốc, Ấn Độ, Anh, Pháp, Đức, Nhật Bản, Mỹ Australia.v.v… nguyên tắc bảo đảm quyền độc lập, tự chủ và quyền tự quyết của Việt Nam luôn là nguyên tắc tối cao. Việt Nam nhận thức rất rõ rằng sự phát triển các quan hệ với các quốc gia trên thế giới, trong đó có Liên bang Nga vừa là điều kiện để bảo đảm hòa bình, ổn định để phát triển, vừa là điều kiện để bảo đảm lợi ích quốc gia-dân tộc, bảo đảm cho nền độc lập, tự chủ và quyền tự quyết dân tộc.
“Đối với các vấn đề cạnh tranh địa chiến lược, địa chính trị giữa các cường quốc, Việt Nam luôn đề cao Công pháp quốc tế và vận dụng linh hoạt các Công ước quốc tế để để tỏ thái độ và xử lý các vấn đề, kể cả những vấn đề sâu xa, gai góc do lịch sử để lại; đồng thời luôn tuân thủ nguyên tắc không chọn bên, không chọn phe và nhất là không bao giờ can thiệp vào công việc nội bộ của nước khác cũng như không can thiệp vào quan hệ song phương của các nước khác trong tất cả các trường hợp không có liên quan trực tiếp đến mình”, - Chuyên gia quan hệ quốc tế Nguyễn Minh Hoàng nhấn mạnh.