Phát biểu tại cuộc toạ đàm với chủ đề “Các kênh dẫn vốn cho doanh nghiệp Việt Nam” của VNDirect chiều ngày 15/11 ở TP.HCM, Tiến sĩ Lê Xuân Nghĩa - Thành viên Hội đồng Tư vấn Chính sách Tài chính tiền tệ Quốc gia, thuộc Tổ tư vấn của Thủ tướng, cho biết, nhiều doanh nghiệp đang “khô máu”, nhu cầu tín dụng hiện nay rất lớn.
“NHNN đang làm” - sẽ có thay đổi lớn về room tín dụng
Trả lời nhà đầu tư về câu hỏi liệu Ngân hàng Nhà nước còn tăng lãi suất nữa không, theo quan điểm cá nhân của TS. Lê Xuân Nghĩa, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ Fed nếu tăng cũng chỉ mở mức 0,5%, còn Việt Nam thì không tăng nữa.
Tuy nhiên, theo chuyên gia, ở Việt Nam, không loại trừ khả năng ‘từ nay tới cuối năm sẽ có thay đổi lớn về room tín dụng’.
“Từ nay tới cuối năm sẽ có thay đổi lớn về room tín dụng. Bởi nếu không chuẩn bị sớm thì rất khó cho bối cảnh hiện nay, NHNN 2 tuần nay đang làm và sắp tới sẽ làm mạnh hơn”, TS. Lê Xuân Nghĩa bày tỏ.
Đánh giá lạc quan hơn, ông Nghĩa cho rằng thế khó của nền kinh tế thế giới hiện nay chỉ là ‘một tai nạn’ do Covid-19 và xung đột gây nên. Vì tai nạn lớn nên kéo dài, dẫn đến sẽ có khó khăn nhất định, song không nền tài chính nào trên thế giới bị khủng hoảng.
Cũng theo vị chuyên gia, vì là tai nạn nên không biểu hiện cho dài hạn, thực tế khảo sát cho thấy Mỹ đang hồi phục rất tốt.
“Thực tế sẽ không quá bi đát như những định chế dự báo hiện nay, và Việt Nam chúng ta cũng đang phản ứng thái quá do tâm lý”, TS. Lê Xuân Nghĩa nêu ý kiến.
Doanh nghiệp đang “khô máu”: Nhu cầu tín dụng rất lớn
Tại toạ đàm, TS. Lê Xuân Nghĩa cũng đề cập đến tình trạng doanh nghiệp đang kinh doanh trong bối cảnh chênh lệch “lãi suất – lạm phát” rất cao.
“Doanh nghiệp Việt Nam đang kinh doanh với lãi suất cao nhất thế giới ở quốc gia lạm phát thấp nhất thế giới, nên công cụ điều hành vĩ mô có vấn đề. Bởi thế, cần cấp thiết khắc phục tình trạng này bằng các công cụ có sẵn, tiền có sẵn. Vấn đề quan trọng là làm thế nào để cho thấy rõ chúng ta đang kẹt ở đâu”, chuyên gia thẳng thắn.
TS. Nghĩa dùng từ “khô máu” để mô tả tình trạng hiện nay của nhiều doanh nghiệp và phân tích nguyên nhân của tình trạng này là tiền không có trong lưu thông.
Dẫn chứng, ông Nghĩa cho hay, từ đầu năm đến tháng 10, tăng trưởng GDP vào khoảng 8%, lạm phát khoảng 3%. Như vậy, GDP danh nghĩa tăng khoảng 11%. Hay nói cách khác, GDP tính theo giá hiện hành tăng 11%. Trong khi đó, cung tiền M2 chỉ tăng được 3%.
“Giả định, vòng quay tiền không đổi, thì nền kinh tế thiếu tiền cung ứng để lưu thông hàng hoá theo giá hiện hành một cách bình thường”, chuyên gia lý giải.
Theo thống kê, cung tiền năm 2021 tăng 11%, trong khi GDP danh nghĩa chỉ tăng khoảng 4,6%. Như vậy, có khoảng 6,4% tiền dư thừa từ năm 2021 được tiếp tục lưu hành trong các quý đầu năm 2022. Dù vậy, đến nay thanh khoản của nền kinh tế bắt đầu suy kiệt.
Cũng vì lý do đó, theo TS. Lê Xuân Nghĩa, nhu cầu tín dụng của nền kinh tế đang rất lớn dẫn tới lãi suất cho vay của ngân hàng thương mại tăng rất nhanh. Ví dụ, lãi suất cho vay kỳ hạn 1 năm khoảng 10%, lạm phát 3%. Ngược lại, ở châu Âu lãi suất cho vay kỳ hạn 1 năm là 3%, trong khi lạm phát 10%. Lãi suất thực âm gấp đôi lạm phát. Mỹ cũng tương tự, lạm phát Mỹ khoảng 8,5-9%, trong khi lãi suất cho vay khoảng 2,5% - 3%.
“Nhìn chung, tỷ lệ lạm phát thuộc nhóm thấp nhất thế giới nhưng lãi suất tiền gửi và cho vay cao dẫn đến vấn đề thanh khoản hiện tại của doanh nghiệp Việt Nam”, theo chuyên gia.
Mặt khác, Ngân hàng Nhà nước bán ra 26,5 tỷ USD, tức hút vào 600.000 tỷ đồng dẫn tới tiền hạn chế trong lưu thông.
Đồng thời, 900.000 tỷ đồng đầu tư công do phát hành trái phiếu Chính phủ đang bị đóng băng. Do đó, cần phải tìm cách giải phóng 900.000 tỷ đầu tư công đang bị “nhốt” tại hệ thống ngân hàng.
Cứu doanh nghiệp BĐS
Bàn về giải pháp “giải cứu” doanh nghiệp bất động sản, TS Lê Xuân Nghĩa khuyến nghị doanh nghiệp nên tái cấu trúc như một ngân hàng thương mại và Việt Nam vẫn nên duy trì chủ trương “không hình sự hoá án kinh tế”.
Trả lời cho câu hỏi làm sao để giải cứu tình trạng thị trường bất động sản hiện nay, theo ông Nghĩa, đó chính là đẩy nhanh dòng tiền ra ngoài.
Nêu quan điểm thị trường tài sản “buộc phải cứu”, ông Nghĩa cho hay, một đề án đang được làm khẩn trương, từng ngày, trực tiếp Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo. Mục tiêu là để thị trường đỡ căng thẳng sau đó xử lý dần.
Cụ thể, ban tư vấn đã và đang khẩn trương làm đề án giải pháp do trực tiếp Thủ tướng chỉ đạo, có 4 kiến nghị giải pháp chính.
“Khối lượng tiền bơm ra từ đầu năm ra không nhiều, nếu bơm ra nhiều thì Ngân hàng Nhà nước đã không tăng lãi suất dồn dập như thế”, TS. Lê Xuân Nghĩa phân tích và lưu ý, hiện chúng tôi đề nghị sử dụng 300.000 tỷ đồng gửi tại 4 ngân hàng quốc doanh, cho phép ngân hàng cho vay ra, ngắn hạn 1 năm.
Chuyên gia nhấn mạnh, đây là cách ngân hàng không lo mất thanh khoản. Thứ hai, trích một phần trong số tiền này thành lập khẩn trương quỹ bảo lãnh trái phiếu doanh nghiệp như Chính phủ Trung Quốc và Hàn Quốc đang làm. Quỹ sẽ mua lại trái phiếu, bảo lãnh, tái bảo lãnh trái phiếu rồi từ từ xử lý tài sản trong tương lai.
“Chính phủ cũng có thể xem xét kéo dài điều kiện nhà đầu tư chuyên nghiệp của nghị định trước đó thêm một năm. Như vậy sẽ có thêm 1 năm để nhà đầu tư không chuyên tiếp tục đầu tư trái phiếu, sau đó, từ từ thu hẹp lại”, ông Nghĩa nói.
Quỹ này, theo ông Nghĩa, được sử dụng để hỗ trợ tất cả doanh nghiệp nào còn có khả năng đứng vững, đồng thời có tài sản đưa vào bảo lãnh, đang phát hành hoặc đã phát hành, sắp tới sẽ phát hành. Các trái phiếu đáo hạn không có khả năng xử lý, quỹ này mua lại.
“Chúng tôi kiến nghị rất rõ ràng: mua lại, bảo lãnh hoặc tái bảo lãnh”, chuyên gia nhấn mạnh.
Thứ ba, không hình sự hóa các vụ án, vì nếu như thế thì tài sản sẽ bị phong tỏa không xử lý được nữa.
“Để cho tài sản nằm ở dân sự mới có thể bán, xử lý, khất nợ, không hình sự nên có thể cho phép doanh nghiệp tái cấu trúc lại nợ như ngân hàng thương mại. Họ cần lập đề án, gửi các bên liên quan đưa ra kế hoạch tái cấu trúc lại, từ đó có thể giải quyết dần dần”, TS. Lê Xuân Nghĩa nói.
Cuối cùng, thứ tư, ông kiến nghị, cho phép các doanh nghiệp tái cấu trúc nợ như một ngân hàng thương mại, làm đề án tái cấu trúc nợ và công khai ra thị trường. Đồng thời, kéo dài Điều 8 của Nghị định 65, để các nhà đầu tư có khả năng vẫn có thể tiếp tục đầu tư bình thường.
Với gói các biện pháp này, TS. Lê Xuân Nghĩa hy vọng có thể dần dần giải quyết các vấn đề của nền kinh tế trong vòng 1 - 2 năm để dứt điểm các vấn đề về trái phiếu.
“Trong vòng 2 năm thì chứng khoán sẽ hồi phục. Tiền sẽ được bơm ra từ các kênh, mặt khác, rủi ro từ kênh trái phiếu không còn nữa theo đó lãi suất sẽ đi xuống và tỷ giá hối đoái sẽ đi xuống”, theo vị chuyên gia.
Trong trường hợp ngược lại, tăng cung tiền, bơm tiền lên M2 thì lãi suất sẽ giảm xuống, nhưng tỷ giá hối đoái có thể lên, đồng VND mất giá thêm, theo ông Nghĩa “chúng ta phải chấp nhận”.
“Tôi đã bắt đầu mua vào cổ phiếu”
Chia sẻ tại tạo đàm, TS. Lê Xuân Nghĩa đánh giá, đây cũng là cơ hội đầu tư mới.
Ông tâm sự bản thân từng là một trong những người đầu tiên tham gia thị trường chứng khoán Việt Nam (giai đoạn đầu chỉ có 2 mã là REE và SAM), đồng thời là một trong những người Việt đầu tiên nghĩ đến việc mua bất động sản bên Trung Quốc.
Với kinh nghiệm đó, ông Nghĩa cho rằng: “Tôi đã bắt đầu mua vào cổ phiếu, nếu không mua 4 – 5 tháng sau có lẽ sẽ hối hận”.
Thực tế, chuyên gia nhắc, khối ngoại cũng có dấu hiệu trở lại thị trường chứng khoán Việt Nam.
“Nhà đầu tư nước ngoài khác Việt Nam ở chỗ, họ chạy nhưng ngoảnh lại, Việt Nam mình chạy là chạy luôn”, ông Nghĩa nói vui.
Mặc dù vậy, theo ông, để việc đẩy tiền ra hiệu quả (tức phải đúng chỗ), thì Việt Nam cần tái cấu trúc lại hệ thống bất động sản. Theo Nhịp sống thị trường dẫn lời ông Nghĩa, trong đó, bất động sản cao cấp được đẩy mạnh quá đà, nhằm phục vụ đối tượng đầu tư đầu cơ; trong khi nhu cầu ở thực của người dân thu nhập vừa rất cao.
“Bài học cho chúng ta chính là cuộc khủng hoảng của Trung Quốc, nguyên nhân nhìn thấy là sự dư thừa quá mức của dự án siêu sang”, ông Nghĩa chỉ rõ.
Đồng quan điểm, Chủ tịch VNDirect hạm Minh Hương, Chủ tịch HĐQT CTCP Chứng khoán VNDirect cho rằng cuộc khủng hoảng niềm tin sẽ dẫn đến sự tháo chạy của nhà đầu tư khỏi thị trường. Cách tốt nhất để vượt qua khủng hoảng là cần có lăng kính quan sát đúng đắn để đối diện với vấn đề. Bà Hương cũng nhấn mạnh để xử lý tình trạng này cần thời gian bằng năm.
Điểm tích cực thấy được là chính quyền đã nắm được vấn đề và đang ráo riết lên phương án.
“Để thị trường chứng khoán quay lại cần có niềm tin chung, điều này đòi hỏi mỗi cá nhân trên thị trường cùng hành động, và quan trọng phải có hiểu biết”, Chủ tịch VNDirect nhấn mạnh.