Phát biểu tại sự kiện, GS.TS. Nguyễn Thị Doan, Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam, nguyên Phó Chủ tịch nước, Chủ tịch danh dự Hội đồng Trường, cho biết, cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư với ba trụ cột đang tác động mạnh mẽ vào mọi mặt của cuộc sống, của từng người, từng gia đình và đất nước.
Ba trụ cột đó là: Sự phát triển của công nghệ thông tin; sự phát triển của công nghệ sinh học và sự phát triển của trí tuệ nhân tạo, mà nền tảng là tự động hóa.
Chính vì vậy, nhà trường ra đời với sứ mệnh đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao về khoa học công nghệ, để đổi mới và sáng tạo cho đất nước, tạo môi trường học tập suốt đời thông qua nguồn tài nguyên giáo dục mở, với các thiết bị thông minh, phục vụ cho mọi người, giúp sinh viên có cơ hội học ở mọi nơi, mọi thời điểm.
Từ đó, giúp sinh viên trau dồi, nâng cao tri thức, hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình.
Mô hình "công dân học tập"
Nhắn nhủ tới thế hệ sinh viên khóa đầu tiên của nhà trường, nguyên Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan cho rằng, nhiều nước trên thế giới, trong đó có Việt Nam đã và đang thực hiện mô hình "công dân học tập" trong cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư.
Theo đó, các em cần có 3 năng lực: Tự học, học tập suốt đời; sử dụng các công cụ tương tác và năng lực xây dựng, thực hiện các mối quan hệ xã hội.
Lợi thế trong việc thực hiện năng lực này của sinh viên là khả năng tự học và sáng tạo nhiều nội dung tốt, luôn tạo xu hướng mới, đam mê học tập và giải trí, thích nghi với môi trường, thay đổi và di chuyển, dám nghĩ dám làm và chấp nhận rủi ro, không thích cuộc sống quá an nhàn và sắp đặt sẵn, có nhu cầu kết nối mạnh mẽ và luôn muốn thể hiện mình.
Các lợi thế này giúp sinh viên rất nhiều trong việc thực hiện các năng lực cần có của "công dân học tập" trong cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư.
Phát biểu tại buổi lễ, Thứ trưởng Bộ Thông tin - Truyền thông Phan Tâm cho rằng mô hình đại học số là lời giải cho bài toán về nhân lực số mà Việt Nam đang rất cần.
"Bộ Thông tin - Truyền thông rất tin rằng Đại học CMC sẽ có một cách tiếp cận riêng của mình về chuyển đổi số, sẽ có một đại học số phiên bản CMC. Đại học CMC sẽ đào tạo cho đất nước những cử nhân số, kỹ sư số, lãnh đạo số", ông Phan Tâm nói.
Sự khác biệt của "mô hình đại học số"
Trước đó, trả lời câu hỏi của Tuổi Trẻ về sự khác biệt giữa "mô hình đại học số" và mô hình đại học truyền thống, TS Nguyễn Kim Cương, trưởng ban đại học số - Trường đại học CMC, cho biết đây không phải mô hình đại học ảo, mà ứng dụng công nghệ mới để tạo ra sản phẩm đào tạo mới với chương trình hành động:
Xây dựng quá trình quản trị số đối với hoạt động đào tạo, nghiên cứu;
Tạo nguồn học liệu số phục vụ dạy học, nghiên cứu;
Xây dựng mô hình sinh viên số, giáo viên số, tương tác trong môi trường số hóa…
Mặc dù hướng tới mô hình đại học nghiên cứu, nhưng từ nay tới năm 2033, trường xác định sẽ chú trọng đào tạo ứng dụng, theo sát nhu cầu thị trường, đồng thời tích lũy năng lực để chuyển hướng dần sang nghiên cứu.
Giai đoạn 2022 - 2025, trường này đặt mục tiêu tuyển sinh và đào tạo 8 ngành trình độ đại học, với hơn 30 chuyên ngành.
Theo thông tin từ PGS.TS Nguyễn Ngọc Bình, Hiệu trưởng nhà trường, năm 2022 trường này dành Quỹ học bổng "Vì bạn xứng đáng" trị giá 69 tỉ đồng trao tặng cho những thí sinh có thành tích học tập xuất sắc nhập học năm 2022.