Chính sách đối nội và đối ngoại, nền kinh tế và ngành du lịch là những chủ đề mà chúng tôi sẽ đề cập trong mục điểm báo truyền thống "Việt Nam trên báo chí nước ngoài".
Hoa Kỳ hay Trung Quốc?
Tờ The Diplomat viết về mối quan hệ của Hà Nội với Washington và Bắc Kinh. Joe Biden đã không đến Việt Nam trong chuyến công du Đông Nam Á tuần này để tham dự hội nghị thượng đỉnh ASEAN – Hoa Kỳ và Thượng đỉnh G20, mặc dù ông đã nhận lời mời thăm Việt Nam. Mùa hè năm ngoái, Ngoại trưởng Antony Blinken cũng hủy chuyến thăm Hà Nội, và tàu sân bay USS Ronald Reagan của Mỹ không cập cảng Đà Nẵng như dự kiến.
Sự trì trệ trong quan hệ Việt-Mỹ năm nay trái ngược với sự hồi sinh của quan hệ Trung-Việt với chuyến thăm gần đây của ông Nguyễn Phú Trọng tới Bắc Kinh. Trong thời gian Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam ở thăm Trung Quốc, Việt Nam và Trung Quốc cam kết "không để bất kỳ ai can thiệp vào bước tiến của chúng ta và không cho phép bất kỳ thế lực nào làm lung lay nền tảng thể chế trong sự phát triển của chúng ta".
Theo các chuyên gia, họ ám chỉ Hoa Kỳ. Nhiều chuyên gia cho rằng, Hà Nội cần sự đảm bảo an ninh từ phía Hoa Kỳ để được bảo vệ khỏi sự hung hăng của Trung Quốc, nhưng, quan điểm như vậy thể hiện sự thiếu hiểu biết về cách thức hoạt động của cán cân quyền lực. Ngược lại, chỉ khi có quan hệ Trung-Việt thân thiện thì Hà Nội mới có thể giải quyết các tranh chấp lãnh thổ với Bắc Kinh một cách hòa bình và tránh xung đột không cần thiết.
Điều đó cũng giải thích tại sao Hà Nội không nâng cấp mối quan hệ với Mỹ lên quan hệ đối tác chiến lược. Việt Nam cho rằng, việc hiện đại hóa quan hệ với Hoa Kỳ mang lại cho họ một mức độ an ninh nào đó, nhưng, điều này khiêu khích Trung Quốc nhiều hơn bảo vệ Việt Nam. Chỉ khi Hà Nội quyết định rằng họ không còn thu được bất kỳ lợi ích nào từ mối quan hệ tốt đẹp Trung-Việt thì họ mới nghiêm túc xem xét mối quan hệ an ninh chặt chẽ hơn với Mỹ. Tác giả bài báo cho rằng, con đường dẫn đến an ninh của Việt Nam đi qua Bắc Kinh. Tờ báo Nga Svobodnaya Pressa đăng tải bài dài về chuyến thăm Hà Nội của Thủ tướng Đức Olaf Scholz.
Đức muốn Việt Nam có “lập trường rõ ràng” về cuộc chiến Ukraina. Các chuyên gia cho rằng, đây là một nỗ lực nhằm kéo các quốc gia Đông Nam Á về phía Hoa Kỳ để giảm thiểu số lượng các quốc gia có lập trường trung lập và cách tiếp cận cân bằng trong quan hệ với Nga. Còn Giáo sư Vladimir Kolotov, Viện trưởng Viện Hồ Chí Minh thuộc trường Đại học Tổng hợp Quốc gia Saint Petersburg, nói với phóng viên của tờ báo này như sau:
“Nét đặc trưng của văn hóa chính trị Việt Nam là họ sẽ làm những gì họ cần. Trong một thời gian dài Việt Nam đã đấu tranh bảo vệ chủ quyền và độc lập, và người dân Việt Nam không cần bất kỳ ý kiến nào từ bên ngoài về những gì họ nên làm”.
Tờ The Star viết về chuyến thăm chính thức đầu tiên trong 24 năm của Chủ tịch nước CHXHCN Việt Nam tới Thái Lan, về việc hai bên ký kết các văn kiện mở ra chương mới của mối quan hệ Đối tác Chiến lược mạnh mẽ hơn nữa vì hòa bình, ổn định và thịnh vượng chung. 1news của New Zealand viết về chuyến thăm Hà Nội của Thủ tướng nước này Jacinda Ardern, cả hai nước đều có ý định mở cửa hơn nữa thị trường cho hàng nông sản của nhau, hướng tới mục tiêu đưa kim ngạch thương mại hai chiều đạt 2 tỷ USD trong năm 2024.
Hệ lụy khôn lường từ “lò lửa” chống tham nhũng
Tờ The Strategist của Australia phân tích vấn đề: Việt Nam nên tập trung bảo vệ điều gì hơn – lãnh thổ đất liền hay vùng biển. Tác giả bài báo cho rằng, Việt Nam nên ưu tiên bảo vệ các vùng biển của mình và đầu tư nhiều hơn vào năng lực hàng hải.
Mối đe dọa trực tiếp nhất đối với Việt Nam là cuộc xung đột quân sự ở Biển Đông sau vụ tấn công phủ đầu tầm xa tiềm tàng và các cuộc tấn công mạng nhằm làm tê liệt cơ sở hạ tầng quan trọng của đất nước. Việt Nam phải trở thành một quốc gia biển “trên đất liền, được khuyến khích và có tổ chức” chứ không phải ngược lại. Việt Nam bắt đầu thực hiện các chính sách ưu tiên đối với vấn để bảo vệ chủ quyền biển.
Tác già rút ra kết luận rằng, việc quay trở lại lối suy nghĩ thuần túy lục địa sẽ là một sai lầm chiến lược. Và cổng thông tin Asia Society viết về hậu quả kinh tế của chiến dịch chống tham nhũng quy mô lớn. Công tác phòng, chống tham nhũng trên diện rộng được chờ đợi từ lâu đang khiến một số quan chức quá lo lắng, suy tư khi phải khởi động những dự án cơ sở hạ tầng, mua sắm thiết bị y tế, v.v. Tác giả viết, họ đang ở chế độ “tự bảo vệ mình” và ngần ngại đưa ra các quyết định quan trọng để tránh trách nhiệm pháp lý nếu mắc sai lầm.
Vinamilk: Hành trình sữa Việt vươn ra toàn cầu
Vietnam Briefing phân tích chi tiết mục tiêu của Việt Nam bảo đảm tổng lượng phát thải khí nhà kính quốc gia đạt mức phát thải ròng bằng "0" đến năm 2050. Mục tiêu này là một loại bài toán khó đối với Việt Nam, vì giảm thiểu biến đổi khí hậu và phát triển kinh tế thường mâu thuẫn với nhau. Trên con đường này, đất nước gặp muôn vàn khó khăn trở ngại. Và cộng đồng quốc tế nên giúp đỡ Việt Nam trong việc này. Bloomberg đưa tin về việc Việt Nam đạt được thỏa thuận với các nước tài trợ do EU và Anh đứng đầu để tài trợ cho Hiệp định Đối tác chuyển đổi năng lượng công bằng (JETP) có thể lên tới 14 tỷ USD và có thể được ký kết tại hội nghị thượng đỉnh EU-ASEAN vào ngày 14/12.
Tờ Tempo của Indonesia cho biết rằng, Việt Nam đang xem xét khả năng điều chỉnh giá xăng theo ngày, rút ngắn kỳ điều hành giá xăng xuống 5 ngày hoặc thậm chí hàng ngày nếu đa số người dân đồng thuận. Kỳ điều hành giá xăng giá 10 ngày như hiện tại dẫn đến tình trạng thiếu nhiên liệu liên tục trên cả nước trong mấy tháng gần đây. Và SP Global lưu ý đến việc giá bán lẻ xăng dầu ở Việt Nam được điều hành theo chu kỳ cố định khiến các nhà nhập khẩu và nhà sản xuất chịu lỗ, gây ra tình trạng thiếu nguồn cung, ở các thành phố lớn có nhiều cửa hàng xăng dầu đóng cửa do hết xăng trong bối cảnh nhu cầu tiêu dùng tăng mạnh. Just Food đưa tin rằng, Vinamilk lên kế hoạch tăng 20% công suất thông qua việc xây dựng hai nhà máy lớn.
Công ty sữa lớn nhất Việt Nam cho biết họ có đủ năng lực đáp ứng mọi nhu cầu thị trường toàn cầu. Fresh Plaza cho biết, trong tháng 10 xuất khẩu rau quả của Việt Nam sang Trung Quốc đã tăng 44% so với cùng kỳ 2021. Tờ The Star thông báo, Việt Nam chính thức khởi động xuất khẩu tổ yến sang Trung Quốc. Prensa Latina cho biết, vào cuối năm nay, xuất khẩu cá ngừ của Việt Nam sẽ lần đầu tiên đạt đỉnh 1 tỷ USD, và tờ báo Nga Krasnaya Vesna viết rằng, trong 10 tháng đầu năm 2022, xuất khẩu cá tra đã mang về hơn 2,2 tỷ USD, lọt vào tốp các mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu cao nhất của ngành nông nghiệp.
Đến Việt Nam tham dự các giải chạy marathon
Khép lại mục điểm báo là thông tin về ngành du lịch. Tờ The Star viết về các giải chạy marathon đang ngày càng trở nên phổ biến ở Việt Nam. Các vận động viên, cả người Việt Nam và người nước ngoài, đều có thể khám phá những điểm hấp dẫn tại khu vực tổ chức các giải chạy marathon.
Tờ báo Krasnaya Vesna cho biết rằng, Việt Nam đang đẩy nhanh quá trình chuyển đổi kỹ thuật số trong lĩnh vực du lịch. Bây giờ khách du lịch làm mọi thứ qua mạng Internet: họ tìm kiếm thông tin, đặt vé và dịch vụ, sau đó chia sẻ ấn tượng về chuyến đi. Và tạp chí địa lý nổi tiếng trên toàn thế giới National Geographic giới thiệu một hành trình thơ mộng qua Hà Nội với những ngôi đền và nhà hát, những khu chợ và cửa hàng, thức ăn đường phố và nhà hàng hiện đại.