Trước đó, hồi tháng 6 năm nay, TAND TP Hà Nội đã mở phiên tòa xét xử sơ thẩm, tuyên phạt 24 tháng tù giam đối với bà Ngụy Thị Khanh.
Toà phúc thẩm ghi nhận, bị cáo Khanh đã thành khẩn khai báo và ăn năn hối cải, cộng thêm có xuất trình tài liệu mới, nên HĐXX quyết định giảm án cho Giám đốc Trung tâm Phát triển Sáng tạo Xanh – GreenID.
Xét xử phúc thẩm bị cáo Ngụy Thị Khanh
Ngày 21/11, TAND Cấp cao tại Hà Nội đã mở phiên toà xét xử phúc thẩm đối với bị cáo Ngụy Thị Khanh (Giám đốc Trung tâm Phát triển Sáng tạo Xanh - GreenID) về tội “Trốn thuế” theo Điều 200, Bộ luật Hình sự.
Cáo trạng vụ án cho thấy, từ năm 2011, bà Ngụy Thị Khanh giữ chức vụ Giám đốc Trung tâm Phát triển Sáng tạo Xanh (tên viết tắt GreenID) và Giám đốc Công ty cổ phần Sáng tạo Xanh Việt Nam (tên viết tắt GREEN IN).
Cả GreenID và GREEN IN đều hoạt động trong lĩnh vực môi trường, chuyên nghiên cứu, đưa ra các giải pháp về môi trường trong các lĩnh vực nước sạch, năng lượng sạch và không khí sạch.
Bị cáo Khanh và Công ty đã có những sáng kiến, giải pháp để người dân tộc thiểu số tiếp cận với nước sạch, có đóng góp trong việc nêu ra các tác động của ô nhiễm môi trường ở Hà Nội.
Vào tháng 3/2018, bà Ngụy Thị Khanh được thông báo nhận giải thưởng Goldman Environmental Prize của Quỹ môi trường Goldman.
Ngày 1/6/2018, Ngụy Thị Khanh nhận được 200.000 USD (tương đương hơn 4,5 tỷ đồng) từ giải thưởng Goldman Environmental Prize của Quỹ Goldman chuyển vào tài khoản của Khanh.
Sau khi nhận được tiền, Khanh đã rút số tiền này để sử dụng cá nhân, mua nhà làm trụ sở Trung tâm GreenID mà không kê khai để nộp thuế thu nhập cá nhân tại cơ quan thuế theo quy định của pháp luật Việt Nam.
Theo HĐXX, giải thưởng không thuộc diện miễn thuế thu nhập cá nhân theo quy định tại Luật Quản lý thuế năm 2006.
“Sau khi nhận được số tiền trên, Ngụy Thị Khanh đã không kê khai, không nộp thuế thu nhập cá nhân, số tiền trốn thuế là hơn 456 triệu đồng”, hồ sơ vụ án thể hiện.
Tòa cấp cao Hà Nội nhận định, bị cáo Ngụy Thị Khanh là người có trình độ học vấn, là Giám đốc của Công ty GREEN IN và Giám đốc Trung tâm GreenID, nhưng vì động cơ tư lợi, đã không thực hiện nghĩa vụ kê khai, nộp thuế theo quy định của pháp luật.
“Hành vi phạm tội của bị cáo là nguy hiểm cho xã hội, đã xâm phạm trực tiếp đến chế độ quản lý thuế của nhà nước, làm thất thu ngân sách và gây thiệt hại tiền thuế của nhà nước, xâm hại đến đường lối phát triển kinh tế - xã hội, chính sách thuế”, Toà nêu rõ.
Xét xử phúc thẩm bị cáo Nguỵ Thị Khanh về tội "Trốn thuế"
© Ảnh : Phạm Kiên - TTXVN
Bà Ngụy Thị Khanh được giảm án
Hồi tháng 6/2022, tại phiên tòa sơ thẩm, Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội đã tuyên phạt bị cáo Ngụy Thị Khanh 24 tháng tù về tội "Trốn thuế". Sau phiên tòa sơ thẩm, bị cáo Khanh kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt.
Tại phiên phúc thẩm hôm nay, bị cáo Ngụy Thị Khanh thừa nhận hành vi phạm tội của mình, công nhận các cơ quan chức năng đã truy tố, xét xử là đúng tội, không oan.
Bị cáo Khanh cho biết cũng đã tham khảo ý kiến mọi người về nghĩa vụ đóng thuế, nhưng nghĩ là không phải đóng thuế do đây là giải thưởng vì đóng góp cho hoạt động cộng đồng chứ không phải lợi nhuận từ kinh doanh.
Bà Khanh cũng khẳng định đã có nhiều đóng góp cho xã hội, được tặng thưởng giấy khen, bằng khen. Bị cáo có bố, mẹ được tặng thưởng huân, huy chương nên đề nghị Hội đồng xét xử xem xét để giảm nhẹ hình phạt cho bị cáo.
Luật sư bào chữa cho bị cáo Khanh cũng đề nghị Tòa phúc thẩm xem xét áp dụng các tình tiết giảm nhẹ cho bị cáo.
Trong đó, sau khi phạm tội bị cáo đã tự nguyện khắc phục hậu quả; quá trình điều tra, truy tố và tại phiên tòa, bị cáo thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải, nhận thức được hành vi của mình là vi phạm pháp luật.
“Bị cáo có nhân thân tốt, lần đầu phạm tội. Bản thân bị cáo có nhiều đóng góp cho xã hội, cộng đồng”, luật sư dẫn ra các cơ sở để giúp bà Khanh được giảm nhẹ hình phạt.
Tiến hành tuyên án phúc thẩm, Hội đồng xét xử nhận định, bị cáo bị truy tố về hành vi trốn thuế là đúng người, đúng tội, “không oan”.
Tại phiên phúc thẩm, bị cáo xuất trình tài liệu mới về những đóng góp cho xã hội trong phòng, chống dịch COVID-19 và hoàn cảnh khó khăn về gia đình.
Đồng thời, Tòa phúc thẩm ghi nhận bị cáo tiếp tục thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải.
Từ đó, Tòa phúc thẩm quyết định giảm nhẹ hình phạt cho bị cáo, tuyên phạt Ngụy Thị Khanh 21 tháng tù về tội "Trốn thuế" (giảm 3 tháng tù so với án sơ thẩm hồi tháng 6).
Đồng thời, với việc giảm án cho bà Ngụy Thị Khanh, Việt Nam dẹp bỏ luận điệu “đàn áp nhà hoạt động môi trường” mà truyền thông phương Tây cùng thế lực thù địch, phản động, cơ hội chính trị xuyên tạc thời gian qua.
Vì sao bà Nguỵ Thị Khanh bị bắt?
Như Sputnik đã thông tin, bà Ngụy Thị Khanh, sinh năm 1976, Giám đốc Trung tâm phát triển sáng tạo xanh GreenID, bị công an khởi tố, bắt tạm giam vì hành vi trốn thuế hồi tháng 2/2022.
Trước khi bị bắt và xét xử, bà Khanh là người sáng lập kiêm giám đốc điều hành Trung tâm phát triển sáng tạo xanh (GreenID). Điểm đáng chú ý nhất là 2018 bà Khanh nhận được Giải thưởng Môi trường Goldman, là người phụ nữ Việt Nam đầu tiên được trao giải này.
Sau phiên xét xử sơ thẩm bị cáo Nguỵ Thị Khanh, đã xuất hiện nhiều luận điệu xuyên tạc từ các thế lực thù địch, phản động suy diễn cho rằng, ‘Việt Nam bỏ tù các nhà hoạt động môi trường’. Theo người phát ngôn Lê Thị Thu Hằng khẳng định ngày 23/6 tại cuộc họp báo thường kỳ Bộ Ngoại giao, bà Ngụy Thị Khanh không bị xử lý hình sự vì các ý kiến về biến đổi khí hậu mà vì tội trốn thuế và bị cáo đã nhận tội.
Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao nêu rõ, quá trình điều tra, xét xử bà Khanh được tiến hành theo đúng quy định của pháp luật. Phiên tòa được diễn ra công khai, bị cáo được bảo đảm đầy đủ các quyền theo quy định của pháp luật.
“Việt Nam kiên quyết đấu tranh và xử lý nghiêm minh các hành vi vi phạm pháp luật theo đúng quy định của pháp luật, bảo đảm thượng tôn pháp luật và mọi công dân đều bình đẳng trước pháp luật”, bà Lê Thị Thu Hằng nhấn mạnh.
Đại diện Bộ Ngoại giao Việt Nam cũng kêu gọi ngừng suy diễn, xuyên tạc về việc xét xử bà Nguỵ Thị Khanh.
“Ngụy Thị Khanh bị điều tra, truy tố về tội danh kinh tế, cụ thể là vi phạm quy định của pháp luật về quản lý thuế và đã thừa nhận hành vi này. Một số ý kiến suy diễn cho rằng Ngụy Thị Khanh bị xử lý hình sự vì những hoạt động và ý kiến liên quan đến biến đổi khí hậu là không có cơ sở và không đúng với bản chất của vụ việc”, bà Hằng khẳng định.
Người phát ngôn nhắc lại, Việt Nam luôn cam kết nghiêm túc và mạnh mẽ trong bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu, phát triển xanh và bền vững. Đồng thời, điều này đã được nêu rõ trong nhiều văn bản pháp luật, chủ trương và chính sách của Việt Nam, gần đây nhất là cam kết của Thủ tướng Phạm Minh Chính tại COP26 về phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050, tham gia Tuyên bố toàn cầu về chuyển đổi điện than sang điện sạch và Tuyên bố các nhà lãnh đạo về rừng và sử dụng đất.
“Chính phủ Việt Nam tiến hành thường xuyên và rộng rãi việc tham vấn, lấy ý kiến đóng góp của các nhà khoa học, các tổ chức phi chính phủ và các đối tác quốc tế trong việc xây dựng chính sách, pháp luật về vấn đề môi trường và biến đổi khí hậu”, đại diện Bộ Ngoại giao cho biết.