COP26, cam kết của Việt Nam và thể diện của Thủ tướng Phạm Minh Chính
© Ảnh : Dương Giang-TTXVNThủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì cuộc họp
© Ảnh : Dương Giang-TTXVN
Đăng ký
Cam kết của Việt Nam tại COP26 đưa mức phát thải ròng về 0 vào giữa năm 2050 phát đi tín hiệu mạnh mẽ, thể hiện quyết tâm cao ứng phó với biến đổi khí hậu toàn cầu của chính quyền Hà Nội.
Việc thực hiện cam kết này cũng là cách để Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định quyết tâm của Việt Nam thông qua những chính sách hiệu quả thiết thực cắt giảm khí thải nhà kính, giảm điện than, tăng năng lượng sạch vì các mục tiêu phát triển bền vững.
“Nói đi đôi với làm chính” và “đã làm phải làm cho thật cẩn thận, làm đến cùng” như quan điểm của Thủ tướng Phạm Minh Chính là cách tốt nhất để giữ uy tín, thể diện của một quốc gia cũng như lãnh đạo đất nước.
Cam kết của Việt Nam
Như Sputnik đã thông tin, tại sự kiện COP26 hồi tháng 11/2021, nhà lãnh đạo Việt Nam Phạm Minh Chính đã để lại ấn tượng sâu sắc với cộng đồng quốc tế khi đưa ra cam kết mạnh mẽ về việc chống biến đổi khí hậu toàn cầu, đảm bảo các mục tiêu phát triển bền vững.
Việt Nam tham gia nhiều sáng kiến rất quan trọng tại COP26, như cam kết không xây dựng mới điện than, cam kết về bảo vệ rừng và sử dụng đất hợp lý, tham gia liên minh thích ứng với biến đổi khí hậu toàn cầu...
Đồng thời, một trong những phát biểu được đánh giá cao tại COP26 chính là tuyên bố của Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định Việt Nam cam kết mạnh mẽ đạt mức phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050.
“Đây là những cam kết có trách nhiệm của Việt Nam được cộng đồng quốc tế đánh giá cao, hòa cùng với xu thế chung của nhân loại và xu thế hành động mạnh mẽ về phát triển ít phát thải”, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà tái khẳng định tại Hội thảo công bố kết quả Hội nghị lần thứ 26 các Bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về Biến đổi Khí hậu (COP26) vào chiều 7/12/2021.
© Ảnh : Dương Giang-TTXVNBộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà phát biểu
Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà phát biểu
© Ảnh : Dương Giang-TTXVN
Tại Hội nghị COP26 việc Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đưa ra tuyên bố mạnh mẽ về đạt mức phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050 thể hiện quyết tâm và cam kết chính trị của Đảng, Nhà nước trong việc đẩy mạnh chuyển đổi kinh tế nhằm góp phần giải quyết khủng hoảng khí hậu.
Đồng thời, cam kết của Việt Nam được chủ tịch COP26 và các nước trên thế giới đánh giá rất cao về sự quyết tâm mạnh mẽ nhưng hết sức thực tiễn.
Việt Nam đã đề nghị đưa ứng phó với biến đổi khí hậu toàn cầu, phục hồi tự nhiên phải trở thành ưu tiên cao nhất trong mọi quyết sách phát triển, là tiêu chuẩn đạo đức cao nhất của mọi cấp, mọi ngành, mọi doanh nghiệp và người dân.
Điều này thể hiện tầm nhìn của người đứng đầu Chính phủ về phát triển kinh tế xã hội đất nước ta trong giai đoạn tới đây, định hướng các hoạt động đầu tư phát triển trong giai đoạn tới nhằm hiện thực hoá mục tiêu đưa Việt Nam trở thành nước phát triển có thu nhập cao vào năm 2045 như Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII đã đề ra. Con đường đến mục tiêu đó phải là con đường “xanh”, phù hợp xu thế phát triển chung toàn cầu.
Thủ tướng Việt Nam Phạm Minh Chính cũng đã sử dụng lời kêu gọi đoàn kết của Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại đó là “Đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết. Thành công, thành công, đại thành công” để khẳng định với thế rằng, việc giải quyết vấn đề ứng phó với BĐKH mà không một quốc gia, dân tộc nào có thể làm riêng lẻ được, tất cả phải đoàn kết lại và cùng thực hiện mục tiêu chung.
Việt Nam như một điển hình cam kết mạnh mẽ
Chiều 13/1, Thủ tướng Phạm Minh Chính, Trưởng Ban Chỉ đạo quốc gia triển khai thực hiện cam kết của Việt Nam tại Hội nghị lần thứ 26 các bên tham gia Công ước khung của Liên Hợp Quốc về biến đổi khí hậu (COP26) đã chủ trì cuộc họp lần thứ nhất của Ban Chỉ đạo.
Dự cuộc họp này còn có Phó Thủ tướng Lê Văn Thành, Phó Trưởng Ban Chỉ đạo; Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà; Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn; Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thể; Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan; Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị; Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng; Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp Nguyễn Hoàng Anh, lãnh đạo các bộ, ngành, cơ quan Trung ương.
© Ảnh : Dương Giang-TTXVNThủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì cuộc họp
Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì cuộc họp
© Ảnh : Dương Giang-TTXVN
Cuộc họp nhắc lại việc Việt Nam đã cùng gần 150 quốc gia cam kết đưa mức phát thải ròng về “0” vào năm 2050, cùng với hơn 100 quốc gia đã tham gia Cam kết giảm phát thải metan toàn cầu vào năm 2030; cùng 140 quốc gia tham gia Tuyên bố Glasgow của các nhà lãnh đạo về rừng và sử dụng đất; cùng 48 quốc gia tham gia Tuyên bố toàn cầu về chuyển đổi điện than sang năng lượng sạch; cùng 150 quốc gia tham gia Liên minh hành động thích ứng toàn cầu.
Các ý kiến tại cuộc họp đều thống nhất rằng, cam kết của Việt Nam tại COP26 đã phát đi tín hiệu mạnh mẽ về quyết tâm cao trong ứng phó với biến đổi khí hậu, ngay lập tức nhận được sự đánh giá cao và sự ủng hộ mạnh mẽ của cộng đồng quốc tế, mở ra cơ hội tận dụng sự dịch chuyển của nguồn tài chính toàn cầu cho phát triển ít phát thải vào Việt Nam.
Bên cạnh đó, cam kết mà Thủ tướng Phạm Minh Chính đưa ra cũng đồng thời mở ra nhiều cơ hội hợp tác về tăng trưởng ít phát thải, thúc đẩy phát triển kinh tế tuần hoàn, thích ứng với biến đổi khí hậu.
“Nhiều tổ chức quốc tế, đối tác phát triển, tập đoàn lớn, đặc biệt là các định chế tài chính, tập đoàn lớn về năng lượng tái tạo đã cam kết, ký kết hợp tác với Việt Nam”, các đại biểu lưu ý.
Tuy nhiên, điều này cũng đòi hỏi Việt Nam phải thay đổi mô hình phát triển gắn với xu thế phát triển toàn cầu, tăng cường hợp tác giữa các quốc gia, huy động sự tham gia của các tổ chức quốc tế, các định chế tài chính, doanh nghiệp trong và ngoài nước, tạo sự gắn kết và tham gia của toàn dân trong ứng phó với biến đổi khí hậu.
Kể từ sau COP26, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã quyết liệt chỉ đạo và thành lập ngay Ban Chỉ đạo quốc gia triển khai thực hiện cam kết của Việt Nam tại Hội nghị COP26, ban hành Quy chế hoạt động của Ban Chỉ đạo.
Về phần mình, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường thành lập Tổ công tác giúp việc Ban Chỉ đạo cùng với quy chế làm việc của Tổ công tác.
Báo cáo về vấn đề này, Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho biết, thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành xây dựng đề cương đề án triển khai thực hiện cam kết của Việt Nam tại Hội nghị COP26, trong đó đã đề xuất các nhóm nhiệm vụ trọng tâm triển khai kết quả Hội nghị COP26.
Tại cuộc họp ngày 13/1, hầu hết các ý kiến đều thống nhất về chương trình công tác năm 2022 của Ban Chỉ đạo; đề cương đề án triển khai thực hiện cam kết của Việt Nam tại Hội nghị COP26, bao gồm các nhóm nhiệm vụ trọng tâm triển khai kết quả COP26, xác định các nhiệm vụ cụ thể cần ưu tiên triển khai ngay nhằm tạo đột phá trong thể chế, chính sách và đầu tư thực hiện ứng phó với biến đổi khí hậu và chuyển đổi năng lượng; việc tổ chức hội nghị với các tổ chức phát triển.
Bên cạnh đó, cũng cần đẩy mạnh truyền thông, đặc biệt là truyền thông tại cơ sở để nâng cao nhận thức, phát huy khối đại đoàn kết toàn dân để ứng phó hiệu quả với biến đổi khí hậu, thực hiện cam kết của Việt Nam tại Hội nghị COP26.
Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn cho biết, các cam kết tuyên bố của Thủ tướng Phạm Minh Chính tại COP26 mang lại hiệu quả rất cụ thể.
“Ban Thư ký Liên Hợp Quốc cho biết Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc trong các cuộc tiếp xúc với các đối tác liên quan ngay sau COP26 đã nhiều lần nhắc đến Việt Nam như một điển hình cam kết mạnh mẽ và đề nghị các thể chế tài chính quốc tế, quỹ tư nhân hỗ trợ việc làm để thực hiện cam kết”, Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn nói.
“Không nói không, không nói khó, nói có mà không làm”
Kết luận cuộc họp, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhắc lại, vấn đề ứng phó biến đổi khí hậu, giảm phát thải carbon, phát triển bền vững là xu thế không thể đảo ngược với quyết tâm cao và mục tiêu lớn của cộng đồng quốc tế.
“Đây cũng là vấn đề quan trọng với Việt Nam - một nước đang phát triển, một trong những quốc gia bị ảnh hưởng lớn nhất của biến đổi khí hậu, nhận được sự quan tâm rất lớn của các nhà lãnh đạo, nhà quản lý, nhà khoa học, cộng đồng doanh nghiệp và người dân”, người đứng đầu Chính phủ bày tỏ.
Thủ tướng cơ bản đồng tình với các ý kiến tại cuộc họp và giao Bộ Tài nguyên và Môi trường, cơ quan thường trực của Ban Chỉ đạo - tiếp thu trong quá trình xây dựng, hoàn thiện các chương trình, kế hoạch, đề án.
Thủ tướng lưu ý, đây là chương trình lớn, quan trọng để góp phần thực hiện, cụ thể hóa Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, kế hoạch 5 năm, chiến lược 10 năm về phát triển nhanh và bền vững, đạt được hai mục tiêu 100 năm vào năm 2030 (100 năm thành lập Đảng) và năm 2045 (100 năm thành lập nước).
Chương trình này cũng phù hợp với chương trình tái cơ cấu nền kinh tế giai đoạn 2021-2025 đã được thông qua; phù hợp với xu thế của thế giới về phát triển kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế số.
“Việc thực hiện chương trình có những thuận lợi nhưng khó khăn nhiều hơn, song đã cam kết thì phải thực hiện quyết liệt, hiệu quả, thực chất và chúng ta có lợi ích rất lớn nếu thực hiện được cam kết này”, người đứng đầu Chính phủ nhấn mạnh.
Theo Thủ tướng, nhiều quốc gia, đối tác, tổ chức tài chính quốc tế rất quan tâm, ủng hộ Việt Nam.
“Họ muốn Việt Nam trở thành hình mẫu ứng phó biến đổi khí hậu trong các nước đang phát triển”, Thủ tướng khẳng định.
Do đó, lãnh đạo Chính phủ yêu cầu, Việt Nam phải tận dụng, tranh thủ tốt nhất cơ hội này, huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực trong và ngoài nước, truyền tải được tinh thần chuyển đổi xanh tới các bộ, ngành, địa phương và người dân
“Không nói không, không nói khó, không nói có mà không làm. Đã cam kết thì phải làm, đã làm thì phải có hiệu quả, thực chất, hết sức tránh hình thức”, Thủ tướng Phạm Minh Chính nói.
“Thiện chiến”, trí tuệ và bản lĩnh
Người đứng đầu Chính phủ Việt Nam nêu rõ, đây là vấn đề toàn cầu nên phải có cách tiếp cận toàn cầu, cần sự tham gia của tất cả các quốc gia, sự ủng hộ và hỗ trợ quốc tế.
Ông Chính nêu rõ, đây là vấn đề ảnh hưởng đến mọi người dân nên phải có cách tiếp cận toàn dân, cần lấy người dân và doanh nghiệp là mục tiêu, là động lực, là trung tâm, là chủ thể để thực hiện. Đây là vấn đề tác động tới tất cả các bộ, ngành, phương nên phải có cách tiếp cận toàn diện, tổng thể, song lấy cấp cơ sở là nền tảng để triển khai chương trình.
Đồng thời, phải kết hợp hài hòa, hợp lý, hiệu quả giữa chuyển đổi xanh với chuyển đổi số và các chuyển đổi khác; huy động sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, nguồn lực trong nước và ngoài nước, nguồn lực nhà nước và tư nhân.
Bàn về trách nhiệm của Ban Chỉ đạo, các bộ, ngành địa phương, Thủ tướng nbày tỏ, trước hết, nhận thức phải thống nhất, tư tưởng phải thông, quyết tâm phải cao, nỗ lực phải lớn, hành động quyết liệt, hiệu quả, xác định trọng tâm trọng điểm, làm việc nào dứt việc đó.
Ông Phạm Minh Chính yêu cầu rà soát, bổ sung, hoàn thiện thể chế, xây dựng chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, cơ chế, chính sách để thu hút nguồn lực tài chính, công nghệ cao, nhân lực chất lượng cao, kinh nghiệm quản trị và tổ chức thực hiện thật hiệu quả các giải pháp đề ra.
Thủ tướng Việt Nam cũng lưu ý các cơ quan nghiên cứu, đưa ra được nhu cầu, các đề xuất hợp tác về ứng phó biến đổi khí hậu phù hợp với khả năng, chiến lược phát triển của đất nước và khả năng đáp ứng của các đối tác.
Về lộ trình thực hiện, Thủ tướng nêu rõ, chương trình vừa giải quyết các vấn đề chiến lược, lâu dài, đồng thời vừa giải quyết các vấn đề trước mắt nên phải hoàn thành nhanh việc xây dựng kế hoạch năm 2022 của Ban Chỉ đạo.
Trong quý I năm 2022, các bộ ngành phải chủ động xây dựng chương trình, kế hoạch trong lĩnh vực quản lý để ứng phó biến đổi khí hậu, với các nhiệm vụ chủ yếu tập trung xử lý 8 vấn đề.
Trong đó có chuyển đổi năng lượng xanh, năng lượng sạch; giảm phát thải khí nhà kính; giảm phát thải khí methan; phát triển ô tô chạy điện; trồng rừng để hấp thụ CO2; vật liệu xây dựng và phát triển đô thị phù hợp phát triển xanh, bền vững; truyền thông để toàn dân và cộng đồng doanh nghiệp cùng vào cuộc; đẩy mạnh chuyển đổi số.
Đặc biệt, Thủ tướng lưu ý việc lập quy hoạch điện VIII cũng phải hướng tới các mục tiêu ứng phó biến đổi khí hậu, chuyển đổi xanh, phát triển bền vững.
“Trong quý II, trên cơ sở tổng hợp, đề xuất của Bộ Tài nguyên và Môi trường, Ban Chỉ đạo sẽ xem xét, thống nhất và trình các cấp có thẩm quyền chương trình tổng thể thực hiện cam kết của Việt Nam tại COP26, tổ chức triển khai bài bản, quyết liệt, hiệu quả sau khi được thông qua”, Thủ tướng nói.
Lãnh đạo Chính phủ cũng lưu ý, Tổ công tác giúp việc Ban Chỉ đạo phải rất “thiện chiến”, được bảo đảm về nguồn lực, con người, cơ sở vật chất, phương tiện làm việc, gồm các cán bộ có trí tuệ, bản lĩnh, quyết tâm, ý chí và cả cảm xúc, nhiệt huyết làm việc.
“Đã cam kết rồi thì phải làm mà đã làm rồi phải có hiệu quả mang lại cho nhân dân, cho đất nước. Làm việc với tinh thần, khí thế như vậy thì chúng ta mới có thể thành công được”, Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định.
Ông phân tích thêm, nếu nhận thức không đúng, làm hời hợt hoặc là làm mang tính chất hình thức thì không làm được. Đây là vấn đề khó, còn có cả những vấn đề nhạy cảm.
“Chúng ta không quyết tâm, không có sự lãnh đạo, chỉ đạo xuyên suốt, không làm bằng tất cả tấm lòng, bằng trái tim, cảm xúc của mình thì cũng không thành công”, người đứng đầu Chính phủ nhấn mạnh.