Lý do Hà Nội hoả tốc xin lùi quy định nhà thuê 20 m2 mới được thường trú

Sau khi nhận nhiều ý kiến trái chiều, đặc biệt là chỉ trích về việc phân biệt đối xử, Hà Nội vừa phải có văn bản hoả tốc xin lùi quy định nhà thuê 20 m2 mới được thường trú với lý do “để đảm bảo đúng trình tự ban hành văn bản”.
Sputnik
Theo các chuyên gia, dự thảo quy định mà TP.Hà Nội đang xây dựng có nhiều điểm mẫu thuẫn với Luật Cư trú 2020, đặc biệt, việc đề xuất chỉ cấp đăng ký thường trú cho công dân đi thuê, mượn, ở nhờ nhà có diện tích từ 20 m2 trở lên của Hà Nội là phân biệt đối xử.

Hoả tốc xin lùi quy định nhà thuê 20 m2 mới được thường trú

Chiều 23/11, Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố Hà Nội Lê Hồng Sơn đã ký văn bản hoả tốc gửi Thường trực HĐND thành phố Hà Nội đề nghị lùi thời gian trình ban hành Nghị quyết của HĐND thành phố quy định diện tích nhà ở tối thiểu đối với nhà thuê, mượn, ở nhờ để công dân được đăng ký thường trú trên địa bàn.
Lý do xin lùi thời gian ban hành Nghị quyết gây tranh cãi này được UBND TP Hà Nội đưa ra là “để đảm bảo đúng trình tự ban hành văn bản”.
Theo văn bản hoả tốc mà ông Lê Hồng Sơn ký, ngày 17/10, UBND thành phố Hà Nội đã xây dựng tờ trình số 353/TTr-UBND gửi Thường trực HĐND thành phố về việc phê duyệt đề nghị xây dựng Nghị quyết quy định về diện tích nhà ở tối thiểu để đăng ký thường trú tại chỗ ở hợp pháp do thuê, mượn, ở.
Ngày 26/10, Thường trực HĐND thành phố đã có công văn số 244 đồng ý chủ trương xây dựng quy định này.
Theo đó, UBND thành phố Hà Nội đã khẩn trương chỉ đạo, giao các Sở, ban, ngành có liên quan phối hợp xây dựng hoàn thiện bộ hồ sơ đề nghị ban hành Nghị quyết quy phạm pháp luật.
Dù vậy, UBND thành phố Hà Nội cho rằng, theo quy định tại Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015 (sửa đổi bổ sung năm 2020), việc hoàn thiện hồ sơ xây dựng quy định phải đảm bảo đầy đủ các bước: chuẩn bị hồ sơ đề nghị xây dựng, thời hạn đăng tải, thời hạn thẩm định, thời hạn thẩm tra, thời hạn gửi hồ sơ đến các đại biểu HĐND thành phố.
Theo UBND thành phố Hà Nội, để thực hiện đủ các bước như trên thì không đảm bảo thời gian để trình HĐND thành phố nội dung này vào kỳ họp cuối năm 2022, dự kiến khai mạc vào ngày 5/12 tới.
“UBND thành phố Hà Nội kính đề nghị Thường trực HĐND thành phố xem xét lùi thời gian trình ban hành Nghị quyết quy định về diện tích nhà ở bình quân để đăng ký thường trú vào chỗ ở hợp pháp do thuê, mượn, ở nhờ trên địa bàn thành phố tại kỳ họp HĐND thành phố năm 2023 để đảm bảo thời gian về trình tự ban hành văn bản quy phạm pháp luật”, văn bản hoả tốc trình bày.

Mâu thuẫn với quy định của Luật Cư trú năm 2020

Trước khi phải ban hành văn bản hoả tốc xin lùi việc phê duyệt đề nghị xây dựng Nghị quyết quy định về diện tích nhà ở tối thiểu để đăng ký thường trú tại chỗ ở hợp pháp do thuê, mượn, ở, thành phố cũng đã tiến hành lấy ý kiến rộng rãi về vấn đề này.
Theo đó, dự thảo quy định đối với nhóm nhà ở có nguồn gốc sở hữu nhà nước thì hạn mức diện tích bình quân tối thiểu là 8 m2. Đây là nhà do các cơ quan, đơn vị bố trí phân phối, cho thuê trước đây hoặc có hợp đồng thuê nhà ở cũ do Công ty TNHH MTV Quản lý và Phát triển nhà Hà Nội quản lý.
Đối với nhóm nhà ở còn lại (không có nguồn gốc sở hữu nhà nước), diện tích bình quân tối thiểu là 20 m2, tính theo m2 sàn nhà cho một người thuê, mượn, ở nhờ.
Nêu ý kiến góp ý với thành phố về dự thảo quy định này, một số chuyên gia cho rằng quy định của Hà Nội rõ ràng có sự mâu thuẫn với quy định của Luật Cư trú năm 2020 (có hiệu lực từ ngày 1/7/2021) là gỡ bỏ các “rào cản” riêng khi nhập hộ khẩu vào các thành phố trực thuộc trung ương như Hà Nội.
Đồng thời, việc Hà Nội đưa ra điều kiện về “diện tích tối thiểu là 20 m2 sàn/người” là cao hơn khá nhiều so với mức quy định chung là “không thấp hơn 8 m2 sàn/người” tại khoản 3 Điều 20 Luật Cư trú.
Báo Tiền phong dẫn quan điểm của chuyên gia cho rằng, hiện nay dân số của Hà Nội quá đông rồi, đường phố thường xuyên ùn tắc, hạ tầng đô thị quá tải. Bởi vậy, Hà Nội xây dựng chính sách hạn chế di dân tự phát vào nội thành là cần thiết.
“Tuy nhiên, Hà Nội cũng cần phải đánh giá kỹ tác động của quy định là như thế nào, tránh gây khó khăn cho người dân có nhu cầu đăng ký thường trú mà vẫn đảm bảo phù hợp với quy định về cư trú”, vị chuyên gia nói.
TP.HCM chạy đua với 'deadline' giải ngân gói hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động

“Phân biệt đối xử”

Điều đáng nói hơn, dự thảo quy định này của Hà Nội bị chỉ trích là phân biệt đối xử.
Theo báo Tuổi trẻ dẫn quan điểm của luật sư Nguyễn Tiến Lập, Văn phòng luật sư NHQuang & cộng sự, nói thẳng, đề xuất chỉ cấp đăng ký thường trú cho công dân đi thuê, mượn, ở nhờ nhà có diện tích từ 20 m2 trở lên của Hà Nội là phân biệt đối xử.
Luật sư cho biết, theo điều 22 và 23 Hiến pháp 2013, mọi công dân có quyền có nơi ở hợp pháp và được tự do cư trú. Ông Lập chỉ rõ, quy định được hiểu rằng Nhà nước có trách nhiệm tạo mọi điều kiện pháp lý và vật chất để bảo đảm thực thi quyền này, và việc có nơi ở hợp pháp chính là được ở nhà thuộc sở hữu, thuê, mượn hay ở nhờ người khác và được đăng ký tạm trú hoặc thường trú tùy yêu cầu và điều kiện riêng của mỗi cá nhân.

“Quy định diện tích ở tối thiểu tới 20 m2/người đối với nhà thuê, mượn, ở nhờ mới được đăng ký thường trú sẽ tạo ra "hàng rào kỹ thuật" gián tiếp hạn chế quyền hiến định của người dân, đặc biệt nhóm đối tượng có thu nhập thấp”, luật sư nhấn mạnh.

Thứ hai, theo luật sư, chính sách này của thành phố Hà Nội “hàm chứa sự phân biệt đối xử” giữa nhà thuộc sở hữu nhà nước chỉ cần 8 m2/người và nhà tư nhân phải cần tới 20 m2/người cho mục đích đăng ký thường trú.
Thứ ba, yêu cầu diện tích ở tối thiểu 20 m2/người là quá cao, phi thực tế với điều kiện nhà ở tại Hà Nội hiện nay.
Luật sư Lập cho biết, thực tế việc mỗi người dân có thể sở hữu nhà không dễ dàng nên rất nhiều người đã và đang phải thuê nhà ở.
“Chính sách này, do đó, sẽ gây khó khăn cho nhiều người dân trong việc tạo lập chỗ ở ổn định khi sinh sống và làm việc dài hạn ở thủ đô”, theo quan điểm của luật sư.
Thứ tư, cũng như phần lớn ý kiến đã nêu trước đó khi đọc dự thảo của thành phố Hà Nội - đề xuất mới mâu thuẫn với quy định diện tích đất tối thiểu được cấp sổ đỏ tại nội thành Hà Nội là 30m2.
“Bởi với diện tích đất nhỏ này, nếu là nhà một tầng thì một gia đình thuê nhà có từ hai người trở lên sẽ không được đăng ký thường trú. Nói cách khác, đó là một hình thức hạn chế quyền sử dụng, định đoạt tài sản của chủ sở hữu đất, ép buộc họ phải xây nhà nhiều tầng mới có thể cho thuê”, chuyên gia pháp lý nhấn mạnh.
Thứ năm, phát triển nhà ở là một chính sách bảo đảm xã hội lớn, quy định mới sẽ gây tổn hại và ngăn cản việc đầu tư xây nhà ở cho thuê của người dân (ví dụ xây các chung cư mini), đồng thời ảnh hưởng tiêu cực đến việc kinh doanh, thu nhập của người dân có nhà cho thuê hiện nay.
Thứ sáu, theo luật sư Lập, Luật cư trú 2020 quy định diện tích tối thiểu cho nhà ở hợp pháp (để được đăng ký thường trú) là 8 m2 với sự cân nhắc cẩn thận từ nhiều góc độ, theo đó rất nhiều tỉnh, thành đang áp dụng tiêu chuẩn này.
“Tại sao Hà Nội lại làm khác đi và quy định sự khác biệt lớn đến vậy?”, luật sư đặt vấn đề.
Thứ bảy, nếu quy định này được ban hành chính thức, theo ông Lập, nó cũng sẽ không có tính khả thi và bị bóp méo bởi Luật cư trú không có định nghĩa cụ thể, rõ ràng một cách định lượng về đăng ký tạm trú và thường trú.
Theo đó, người phải sống lâu dài và ổn định trong nhà thuê dưới 20 m2 sẽ buộc phải kê khai tạm trú rồi định kỳ gia hạn, gây phát sinh tăng thủ tục hành chính và khó khăn cho việc kiểm soát dân cư.

“Tóm lại, chính sách này hoàn hoàn không có cơ sở khoa học và lý do khách quan, phi thực tế và gây thiệt hại về quyền và lợi ích cho nhóm dân cư có thu nhập thấp, đang chiếm đa số. Đồng thời tác động làm tăng giá nhà thuê, làm lợi cho các dự án nhà chung cư của chủ đầu tư bất động sản lớn, làm phát sinh chi phí sinh hoạt của số đông dân cư”, luật sư bày tỏ.

Điểm tên 10 tỉnh trong kế hoạch thanh tra quy hoạch và mua bán bất động sản của Bộ Xây dựng
Luật sư Nguyễn Tiến Lập cho rằng, cần tổ chức đánh giá tác động độc lập đối với dự thảo chính sách này theo đúng yêu cầu của Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật trước khi ban hành.
Thảo luận