Xu hướng này, dưới góc nhìn của Forbes, phản ánh tính năng động của nền kinh tế Việt Nam và sự phát triển vượt bậc của quốc gia này trong những vừa năm qua.
Việt Nam vượt qua cú sốc kinh tế từ đại dịch khá tốt
Nhà nghiên cứu Andrew DePietro vừa mang đến một phân tích tổng hoà về GDP bình quân đầu người của Việt Nam trên tạp chí Forbes.
Nền kinh tế thế giới đã trải qua thời kỳ vô cùng khó khăn nhiều biến động kể từ khi đại dịch Covid-19 bùng phát.
Tuy nhiên, giai đoạn từ 2020 đến năm 2021, trong bối cảnh kinh tế toàn cầu bị gián đoạn, nhiều nền kinh tế vẫn cố gắng phục hồi, vươn lên và ghi nhận mức tăng trưởng GDP bình quân đầu người hết sức tích cực.
Việt Nam là một minh chứng điển hình. Căn cứ vào dữ liệu của World Bank - Ngân hàng Thế giới, Forbes đã phân tích GDP bình quân đầu người của nhiều quốc gia (tính theo giá trị đồng đô la Mỹ hiện tại) và sự thay đổi qua các năm.
“Đối với khuôn khổ nghiên cứu này, chúng tôi quyết định tập trung vào Việt Nam và mức tăng trưởng GDP bình quân đầu người của quốc gia này”, theo Andrew DePietro của Forbes.
Theo số liệu mới nhất từ Ngân hàng Thế giới, GDP bình quân đầu người của Việt Nam là 3.694,02 USD (tính đến năm 2021).
“Việt Nam là một trong số ít quốc gia vượt qua được tác động kinh tế từ đại dịch khá tốt”, Forbes nhận định khả năng chống chọi tốt của nền kinh tế đất nước trước cú sốc từ đại dịch Covid-19.
Năm 2019, trước khi đại dịch bùng phát, GDP bình quân đầu người của Việt Nam là 3.425,09 USD, rồi tăng lên mức 3.526,27 USD vào năm 2020, và đến cuối năm 2021 đã đạt 3.694,02 USD.
Forbes lưu ý, trên thực tế, GDP bình quân đầu người của Việt Nam đã tăng mạnh kể từ khoảng năm 2005 trở lại đây.
Tổng hợp về GDP bình quân đầu người của Việt Nam tính bằng đồng đô la Mỹ trong 15 năm qua, Forbes cho biết: Năm 2006, GDP bình quân đầu người của Việt Nam chỉ là 784.37 USD, thì đến năm 2015 đã tăng lên 2.581,62 USD và năm 2021 đạt 3.694,02 USD. Dựa vào số liệu của WB, có thể thấy, từ năm 2006 đến 2021, GDP bình quân đầu người của Việt Nam đã tăng gần 371%.
“Giai đoạn từ năm 2006 đến 2021, GDP bình quân đầu người của Việt Nam đã tăng gần 371%, tương ứng tăng gần gấp 5 lần”, Forbes nhận định, GDP bình quân đầu người của Việt Nam đã tăng trưởng vô cùng ấn tượng.
Cũng theo ấn bản Mỹ, từ năm 2020 đến 2021, tốc độ tăng trưởng GDP bình quân đầu người của Việt Nam là 1,72% (tính theo tỷ giá đồng USD thời điểm hiện tại).
Nhìn lại kinh tế Việt Nam qua các thời kỳ
Số liệu từ Đài quan sát phức hợp kinh tế (OEC), Forbes đã phân tích mức độ thay đổi của nền kinh tế Việt Nam trong 15 năm qua.
Trở lại năm 2006, sản phẩm xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam là dầu thô, chiếm 16,9% tổng kim ngạch xuất khẩu của nước này năm ấy và tương đương 7,72 tỷ USD.
Đến năm 2020, dầu thô hiện chỉ còn chiếm 0,54% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam, tương đương 1,64 tỷ USD. Thay thế dầu mỏ là các thiết bị điện tử phát sóng, linh kiện, trở thành mặt hàng xuất khẩu hàng đầu của Việt Nam, chiếm 14% kim ngạch xuất khẩu, với giá trị 42 tỷ USD.
Đứng thứ hai là mặt hàng điện thoại, linh kiện chiếm 7,14% tổng trị giá xuất khẩu và tương đương 21,4 tỷ USD. Xuất khẩu bảng mạch tích hợp đứng vị trí thứ ba, chiếm 6,48% tổng giá trị xuất khẩu và tương đương 19,4 tỷ USD về giá trị.
Cả ba mặt hàng xuất khẩu hàng đầu này của Việt Nam đều thuộc danh mục máy móc, linh kiện, thiết bị và hiện đã trở thành lĩnh vực chiếm tỷ trọng lớn nhất trong tổng giá trị xuất khẩu của Việt Nam.
“Thế tương phản chỉ số xuất khẩu của Việt Nam năm 2020 và 2006 là rất rõ ràng”, Forbes chỉ rõ.
Nếu năm 2006, thiết bị điện tử chỉ chiếm 0,09% tổng kim ngạch xuất khẩu, trị giá vỏn vẹn có 41 triệu USD thì đến năm 2020, con số này đã tăng lên 42 tỷ USD.
Các quốc gia, thị trường xuất khẩu của Việt Nam cũng phát triển rõ rệt kể từ năm 2006.
Khi đó, top đầu thị trường xuất khẩu của Việt Nam là Hoa Kỳ, chiếm 19,8% (9,02 tỷ USD) tổng giá trị xuất khẩu. Đến năm 2020, dù Mỹ vẫn là thị trường xuất khẩu hàng đầu của Việt Nam, nhưng đã chiếm 25,6% (77 tỷ USD) tổng giá trị xuất khẩu của quốc gia Đông Nam Á này.
Một quốc gia đối tác cần lưu tâm khác là Trung Quốc. Năm 2006, xuất khẩu của Việt Nam sang Trung Quốc chiếm 5,74% (2,62 tỷ USD) tổng giá trị xuất khẩu. Đến năm 2020, Trung Quốc vươn lên vị trí thứ hai trong số các thị trường xuất khẩu hàng đầu của Việt Nam, chiếm 16,5% (49,4 tỷ USD) tổng giá trị xuất khẩu.
Trong khi đó, xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản năm 2006 chiếm 12,4% (5,68 tỷ USD) tổng giá trị xuất khẩu thì đến năm 2020, xuất khẩu của Việt Nam sang Nhật Bản giảm xuống, chỉ còn chiếm 6,79%.
Xuất khẩu của Việt Nam sang Australia cũng sụt giảm mạnh từ năm 2006 đến 2020. Năm 2006, Australia chiếm 8,32% tổng giá trị xuất khẩu của Việt Nam nhưng đến năm 2020 Australia chỉ chiếm 1,35% tổng hàng hoá giao thương của đất nước.
Trong 10 năm qua, từ 2010 đến 2020, thị trường xuất khẩu tăng trưởng nhanh nhất của Việt Nam vẫn là Hoa Kỳ, trong đó giá trị xuất khẩu tăng 62,3 tỷ USD, tương ứng với tỷ lệ tăng trưởng 424%.
Thị trường xuất khẩu tăng trưởng nhanh thứ hai của Việt Nam là Trung Quốc, với giá trị xuất khẩu tăng 42,7 tỷ USD (tăng 631%).
Thị trường xuất khẩu tăng trưởng nhanh thứ ba của Việt Nam là Hàn Quốc, với giá trị xuất khẩu tăng 16,4 tỷ USD (tăng 503%), vượt xa tốc độ tăng trưởng xuất khẩu giữa Việt Nam và Mỹ.
Nền kinh tế ngày càng năng động
Tăng trưởng GDP bình quân đầu người ở Việt Nam chủ yếu là nhờ nền kinh tế ngày càng đa dạng hóa, hức hợp và năng động hơn.
Theo OEC, trong 20 năm qua, nền kinh tế Việt Nam đã gia tăng mức độ hội nhập, phức hợp, tăng thứ hạng các Chỉ số Phức hợp Kinh tế (ECI) từ thứ 83 lên thứ 61 thế giới.
Xếp hạng mức độ phức hợp về kinh tế của Việt Nam cũng tốt hơn nhiều so với các nước láng giềng, chẳng hạn như Campuchia (xếp hạng ECI là 102) hay Lào (xếp hạng ECI là 104).
Năm 2017, mức độ phức hợp về kinh tế của Việt Nam đã vượt qua Indonesia và duy trì thế vượt trội kể từ đó.
Ngay cả khi Forbes phân tích GDP bình quân đầu người của Việt Nam theo tỷ giá, giá trị đồng đô la Mỹ cố định năm 2015 (khác với biến động đồng USD hiện tại), tốc độ tăng trưởng GDP bình quân đầu người của Việt Nam vẫn rất ấn tượng.
Tính theo đồng đô la Mỹ (tỷ giá không đổi năm 2015), GDP bình quân đầu người của Việt Nam năm 2006 là 1.650,63 USD, và vọt lên mốc 3.373,08 USD vào năm 2021.
Con số ấn tượng này tương đương với tốc độ tăng trưởng GDP bình quân đầu người của Việt Nam trong 15 năm là 104,4%.
“Tựu chung, GDP bình quân đầu người của Việt Nam đã thể hiện mức tăng trưởng ấn tượng nhất trong số tất cả các quốc gia trên thế giới”, Forbes khẳng định.
Theo Forbes, xu hướng đáng khích lệ này phản ánh sự năng động của nền kinh tế Việt Nam và sự phát triển vượt bậc của quốc gia Đông Nam Á trong những năm qua.