Như Sputnik đã thông tin, phát biểu trước cử tri, nhân dân vừa qua, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã khẳng định: “Không bắt được thì luật pháp của ta cho phép xử vắng mặt. Trốn cũng không được, trốn đi rồi ta vẫn có quyền xử vắng mặt”.
Xét xử vụ án AIC từ ngày 21/12
Hôm nay, TAND TP Hà Nội vừa thông tin về ngày xét xử vụ án cựu Chủ tịch AIC Nguyễn Thị Thanh Nhàn và đồng phạm.
Theo đó, TAND TP Hà Nội đã ra quyết định ngày 21/12 sẽ mở phiên tòa hình sự sơ thẩm xét xử hai cựu quan chức cấp cao Đồng Nai gồm bị cáo Trần Đình Thành (cựu Bí thư Tỉnh uỷ tỉnh Đồng Nai) và bị cáo Đinh Quốc Thái (cựu Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai) về tội “Nhận hối lộ” trong vụ án xảy ra tại dự án Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai, Công ty cổ phần Tiến bộ Quốc tế (viết tắt là Công ty AIC) và các đơn vị liên quan.
Trong khi đó, bị cáo Nguyễn Thị Thanh Nhàn (Chủ tịch HĐQT, kiêm Tổng Giám đốc Công ty AIC) và bị can Trần Mạnh Hà (Phó Tổng Giám đốc Công ty AIC) bị xét xử về tội “Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng” và “Đưa hối lộ”.
Bị cáo Phan Huy Anh Vũ (cựu Giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh Đồng Nai, cựu Giám đốc Sở Y tế tỉnh Đồng Nai) bị xét xử về tội “Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng” và tội “Nhận hối lộ”. TAND TP Nội cũng xét xử 31 bị cáo khác về các tội: “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ”, “Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng” và “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”.
Phiên tòa dự kiến diễn ra trong 20 ngày, xét xử cả ngày thứ Bảy và Chủ nhật. Theo báo CAND, Hội đồng xét xử gồm 5 người, trong đó có 2 Thẩm phán và 3 Hội thẩm nhân dân.
Đối với phiên toà đặc biệt này, Thẩm phán Mai Văn Quang được phân công làm Chủ tọa phiên tòa. Ba Kiểm sát viên Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao và 2 Kiểm sát viên của Viện Kiểm sát nhân dân TP Hà Nội được phân công thực hành quyền công tố và kiểm sát hoạt động xét xử.
Hội đồng xét xử đã triệu tập 12 cơ quan, đơn vị có quyền và nghĩa vụ liên quan, trong đó có UBND tỉnh Đồng Nai, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Đồng Nai, Công ty AIC, Công ty cổ phần Bất động sản AIC... Ngoài ra, Hội đồng xét xử cũng triệu tập khoảng 70 cá nhân và tổ chức tham gia tố tụng tại phiên tòa.
Có tất cả 8 bị cáo bỏ trốn và bị truy nã như: Nguyễn Thị Thanh Nhàn, Trần Mạnh Hà đều được nhà chức trách Việt Nam chỉ định luật sư tham gia bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp tại phiên tòa. Theo đó, luật sư Dương Văn Nghị tham gia bào chữa cho bị cáo Nguyễn Thị Thanh Nhàn. Cựu bí thư tỉnh Đồng Nai có hai luật sư bào chữa là Nguyễn Văn Tú và Lê Nguyễn Quỳnh Thi. Đến thời điểm này, đã có hơn 30 luật sư đăng ký bào chữa cho các bị cáo tại phiên tòa.
Vụ án AIC của bà Nguyễn Thị Thanh Nhàn
Cáo trạng của Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao cho biết, bị cáo Nguyễn Thị Thanh Nhàn là người thành lập, đại diện theo pháp luật và điều hành hoạt động Công ty AIC, giữ chức danh Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc (từ năm 2005 đến tháng 9/2020).
Bị cáo Nguyễn Thị Thanh Nhàn được xác định có vai trò chủ mưu, cầm đầu, chỉ đạo và trực tiếp thực hiện các hành vi vi phạm quy định về đấu thầu gồm: Thiết lập quan hệ với những người có chức vụ ở tỉnh Đồng Nai ở thời điểm chưa xảy ra vụ án gồm: Trần Đình Thành (Bí thư Tỉnh ủy), Đinh Quốc Thái (Chủ tịch UBND tỉnh), Bồ Ngọc Thu (Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư), Phan Huy Anh Vũ (Giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh Đồng Nai, đại diện chủ đầu tư) để đặt vấn đề, đồng thời trực tiếp hoặc chỉ đạo nhân viên đưa tiền, lợi ích vật chất cho những người này với tổng số tiền 43,8 tỷ đồng để Công ty AIC trúng thầu trái pháp luật.
Bị cáo Nguyễn Thị Thanh Nhàn đã chỉ đạo cấp dưới của mình là Phó Tổng Giám đốc Hoàng Thị Thúy Nga và Phó Tổng Giám đốc Trần Mạnh Hà cùng nhân viên dưới quyền thông đồng, cấu kết với chủ đầu tư, các đơn vị tư vấn để tạo điều kiện cho Công ty AIC trúng thầu, gian lận trong việc lập hồ sơ dự thầu để Công ty AIC trúng 16 gói thầu của Dự án Bệnh viện Đa khoa tỉnh Đồng Nai với tổng giá trị hơn 665 tỷ đồng, gây thiệt hại hơn 152 tỷ đồng.
Cơ quan tố tụng xác định, hành vi gian lận và thông thầu của bị cáo Nguyễn Thị Thanh Nhàn và đồng phạm đã vi phạm quy định tại Luật Đấu thầu, phạm vào tội “Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng”.
Hành vi đưa 43,8 tỷ đồng cho những người có chức vụ của bị cáo Nguyễn Thị Thanh Nhàn để Công ty AIC trúng thầu trái pháp luật đã phạm vào tội “Đưa hối lộ”.
Như Sputnik đã cập nhật, để Công ty AIC được trúng 16 gói thầu cung cấp trang thiết bị y tế tại dự án xây dựng Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai, bà Nhàn đã liên tục liên hệ với cựu Bí thư Trần Đình Thành để được giới thiệu đi gặp các quan chức trong tỉnh.
Cựu Chủ tịch AICtrực tiếp 6 lần đưa tiền cho ông Thành, tổng cộng 14,5 tỷđồng. Những lần đưa tiền đều diễn ra tại trụ sở Công ty AIC hoặc trụ sở Tỉnh ủy, phòng làm việc của cựu Bí thư. Lần nhận hối lộ nhiều nhất lên đến 5 tỷ đồng một lúc, ông Thành đã xếp vào vali cá nhân mang từ Hà Nội vào Đồng Nai.
Cựu Chủ tịch tỉnh Đồng Nai Đinh Quốc Thái cũng được bà Nhàn và nhân viên hối lộ với số tiền 14,5 tỷ đồng. Ông Thái nhận quà chủ yếu ở trụ sở AIC hoặc UBND tỉnh. Cựu giám đốc Sở Y tế Phan Huy Anh Vũ nhận hối lộ sáu lần, tổng cộng 14,8 tỷ đồng từ bà Nhàn và nhân viên AIC.
“Trốn cũng không thoát”
Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao xác định, việc bị cáo Nguyễn Thị Thanh Nhàn bỏ trốn đã gây khó khăn cho việc giải quyết vụ án. Cơ quan điều tra đã ra quyết định truy nã toàn quốc và quyết định truy nã quốc tế nhưng đến nay chưa có kết quả.
Trước đó, Cơ quan CSĐT Bộ Công cũng đã phát thông báo kêu gọi Nguyễn Thị Thanh Nhàn ra trình diện, hoặc đầu thú để hưởng chính sách khoan hồng của Đảng và Nhà nước, thực hiện quyền bào chữa theo quy định.
Trường hợp bị cáo Nguyễn Thị Thanh Nhàn không ra đầu thú, cơ quan tố tụng coi như Nguyễn Thị Thanh Nhàn từ bỏ quyền bào chữa và bị truy tố, xét xử theo quy định của pháp luật.
Về câu hỏi liên quan đến vụ án xảy ra tại Công ty AIC và bị can Nguyễn Thị Thanh Nhàn bỏ trốn ra nước ngoài nhưng vẫn bị đề nghị truy tố thì việc truy tố, xét xử như thế nào, Phó trưởng Ban Nội chính Trung ương Nguyễn Thái Học cho biết hôm 18/11 vừa qua rằng, Tổng Bí thư, Trưởng Ban Chỉ đạo đã nhiều lần nói “dù có trốn ra nước ngoài cũng không thoát được sự trừng trị của luật pháp”.
Theo ông Học, hiện nay Ban Chỉ đạo giao cho các cơ quan tiến hành tố tụng nghiên cứu những quy định của luật pháp để truy tố xét xử các bị can, bị cáo theo đúng quy định của pháp luật.
“Nếu trốn ra nước ngoài mà có quy định của luật pháp có thể xử vắng mặt thì chúng ta vẫn có thể xét xử vắng mặt”, Phó Ban Nội chính Trung ương bày tỏ.
Ông Nguyễn Thái Học chỉ rõ, theo Điều 290 Bộ Luật tố tụng hình sự quy định sự có mặt của bị cáo tại phiên tòa. Trong đó nêu rõ bị cáo trốn và việc truy nã không có kết quả thì toà có thể xét xử vắng mặt.
“Việc xét xử với các bị cáo trong bất kỳ vụ án nào xử vắng mặt thì vẫn phải tuân theo quy định của luật pháp. Do vậy, đối với các đối tượng vi phạm pháp luật bỏ trốn ra nước ngoài chúng ta đã tiến hành khởi tố, điều tra nếu có đầy đủ chứng cứ. Có đầy đủ cơ sở nhưng bỏ trốn ra nước ngoài, việc truy nã không có kết quả thì có có thể vận dụng quy định luật pháp để xem xét xử lý”, đồng chí Nguyễn Thái Học nêu.
Phát biểu tại cuộc tiếp xúc cử tri Hà Nội hôm 19/11 mới đây, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhắc lại chắc nịch rằng, tội phạm có trốn đi nước ngoài như bà Nhàn AIC, cũng khó thoát.
“Bây giờ có những người xảy ra cái là trốn đi nước ngoài. Trốn đi sang nước ngoài thì sang nước ngoài bắt về đây. Không bắt được thì luật pháp của ta cho phép xử vắng mặt. Trốn cũng không được, trốn đi rồi ta vẫn có quyền xử vắng mặt”, người đứng đầu Đảng nêu rõ.
Nói về việc thời gian vừa qua cơ quan chức năng xử lý hàng loạt vụ “tưởng như không làm được, nhưng giờ bắt rồi”, Tổng Bí thư lưu ý, phòng chống tham nhũng không thể không làm vì đã thành xu thế, phong trào. Đây là niềm tin của dân, đòi hỏi của cuộc sống nên không thể không làm.
“Phải làm quyết liệt, không để làm hỏng bộ máy, làm mất chế độ”, Tổng Bí thư khẳng định.