CTO Nokia Việt Nam cũng khẳng định, dù có chậm trễ trong việc triển khai mạng 3G, 4G trước đó, Việt Nam đã rất chủ động và hoàn toàn bắt kịp thế giới ở lĩnh vực phát triển mạng 5G.
Nokia hợp tác với VNPT
Ngày 25/8, tại Phần Lan, Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT) và Tập đoàn Nokia đã ký kết Thỏa thuận hợp tác về mạng vô tuyến dùng riêng (Private Wireless – LTE/5G) và các giải pháp cho cảng thông minh (smart ports), sân bay thông minh (smart airport).
Theo thoả thuận này, hai bên nhất trí chia sẻ tầm nhìn chiến lược về phát triển mạng và các cơ hội kinh doanh từ mạng vô tuyến dùng riêng LTE/5G và giải pháp cho cảng thông minh/sân bay thông minh, các sản phẩm mới ra mắt, những cải tiến, công nghệ, thông tin về các trường hợp ứng dụng mang lại lợi ích cho các nhà khai thác sân bay và cảng biển đã triển khai thành công.
Đồng thời, hai bên cũng thành lập nhóm công tác chung nhằm phối hợp chuẩn bị tham gia vào các dự án tiềm năng tại Việt Nam như sân bay quốc tế.
Chia sẻ về sự hợp tác này, CTO Nokia Việt Nam Hoàng Ngọc Thức cho biết, Nokia có một số chương trình hợp tác với các nhà mạng. Trong đó, có việc hợp tác với VNPT về thúc đẩy ứng dụng công nghệ mạng dùng riêng 4G/5G trong các khu vực sân bay, cảng thông minh trên cả nước.
Nói về những đóng góp của Nokia trong quá trình phát triển hạ tầng viễn thông di động của Việt Nam, ông Thức cho biết, Nokia tự hào là một trong các nhà cung cấp hạ tầng viễn thông cho các nhà mạng viễn thông ở Việt Nam từ rất sớm, vào những năm 1990.
“Hiện nay chúng tôi đang cung cấp các giải pháp và thiết bị cho các công nghệ mạng di động 2G, 3G, 4G và 5G, mạng cố định băng rộng và mạng truyền dẫn cho các nhà mạng viễn thông ở Việt Nam”, ông Thức chia sẻ.
Việt Nam bắt kịp thế giới về mạng 5G
Đối với vấn đề phát triển hạ tầng mạng 5G tại Việt Nam, ông Thức cho rằng, 5G là hạ tầng viễn thông quan trọng trong chiến lược chuyển đổi số của Việt Nam đến năm 2025, tầm nhìn 2030.
Trước đây, có thể nói Việt Nam triển khai khá muộn công nghệ mạng viễn thông, ví dụ như 3G ra đời từ năm 2000 thì phải đến năm 2009 mới được triển khai. Sau đó, mạng 4G có từ 2010 nhưng đến năm 2016 - 2017 mới được thương mại hóa.
Tuy nhiên, đối với mạng 5G, Việt Nam đã có những thay đổi rõ rệt và bắt kịp thế giới. Từ năm 2019, Việt Nam đã thử nghiệm kỹ thuật 5G, và đến cuối năm 2020 thì công bố vùng phủ 5G.
“Theo như công bố tháng 7 vừa rồi thì Việt Nam đã thử nghiệm hơn 40 tỉnh, thành phố và số tỉnh thành phố từ giờ đến cuối năm sẽ tiếp tục tăng lên. Nokia rất vinh dự là một trong các nhà cung cấp hạ tầng mạng di động 5G cho các nhà mạng từ năm 2019 đến nay”, đại diện Nokia Việt Nam cho biết.
Theo ông, với những ưu điểm của mình, mạng 5G có thể đáp ứng hầu hết nhu cầu khách hàng tiêu dùng và khách hàng doanh nghiệp. Các ứng dụng trải nghiệm trên nền tảng băng rộng di động tốc độ cao dành cho khách hàng tiêu dùng như video, OTT, mạng xã hội và web đều đang được sử dụng ở Việt Nam.
Đồng thời, các dịch vụ mới trên nền tảng di động như AR/VR/XR, Metaverse và Web3.0 hứa hẹn sẽ là các ứng dụng tiềm năng dành cho 5G.
Thêm vào đó, mạng không dây di động dùng riêng cho khối doanh nghiệp cũng rất quan trọng. Báo cáo cho thấy, trong năm 2021, Việt Nam đã thu hút được nguồn vốn FDI với tỉ lệ đầu tư vào nhóm sản xuất và chế biến chiếm khoảng hơn 58%.
“Số lượng doanh nghiệp SME ở Việt Nam có khoảng gần 700.000, và số doanh nghiệp này đang chuyển đổi số mạnh mẽ. Do đó Việt Nam cần phát triển cả hạ tầng dành cho doanh nghiệp để giúp họ có thể thích ứng nhanh với thay đổi của thị trường và ứng phó với những tình huống bất ngờ trong tương lai”, CTO Nokia Việt Nam phân tích.
Việt Nam là trung tâm sản xuất quan trọng của Nokia
Trong bối cảnh hiện nay, khi vấn đề an ninh mạng ngày càng đóng vai trò quan trọng, có ý nghĩa sống còn đối với hạ tầng mạng viễn thông một quốc gia, Nokia đặt ra ưu tiên hàng đầu khi triển khai mạng mới là phải đảm bảo tính liên tục, mức độ trải nghiệm của những dịch vụ hiện tại trên mạng mới.
Công ty luôn chú trọng đến chất lượng nguồn nhân lực, cũng như chất lượng triển khai dịch vụ. Nokia tập trung vào phát triển bền vững, an ninh an toàn và bảo mật.
“Các sản phẩm và giải pháp của Nokia đề cao tính an ninh an toàn và bảo mật từ khâu thiết kế, phát triển sản phẩm đến khi chuyển đến khách hàng của mình. Chúng tôi có bộ phận nghiên cứu về an ninh an toàn của Nokia Bell Labs cũng như nhiều chuyên gia khác trong công ty, từ đó cung cấp các sản phẩm mới và giải pháp với tiêu chuẩn an ninh an toàn cao nhất”, đại diện Nokia Việt Nam chia sẻ.
Đánh giá về thị trường viễn thông Việt Nam, ông Thức cho rằng, Việt Nam là một trong các trung tâm sản xuất quan trọng trong chuỗi cung ứng toàn cầu của Nokia. Có thể nói, Việt Nam là thị trường quan trọng của Nokia, không chỉ trong khu vực mà trên phạm vi toàn cầu.
“Hiện tại, chúng tôi cũng đang sản xuất một số thiết bị viễn thông di động tại các nhà máy Việt Nam và đang được sử dụng trên toàn thế giới. Các hoạt động sản xuất này góp phần vào tăng trưởng FDI trong năm qua”, CTO Nokia Việt Nam nhấn mạnh.