Viettel làm chip thiết bị 5G, radar, vệ tinh: Ngành vi mạch bán dẫn Việt Nam đang ở đâu?
21:01 23.10.2022 (Đã cập nhật: 02:22 24.10.2022)
Đăng ký
Tại Việt Nam, kể từ sau nhà máy Z181 từng sản xuất chất bán dẫn, đến nay đối với thiết kế vi mạch, các doanh nghiệp Việt Nam chủ yếu mới có các công ty VHT (Viettel) và FPT Semiconductor tham gia, trong đó, Viettel đang phát triển chip cho các thiết bị 5G, radar, vệ tinh…
Với chương trình Z181 của Giáo sư Trần Đại Nghĩa, rõ ràng, nền công nghiệp bán dẫn, vi mạch Việt Nam đã bắt đầu sớm tương đương như Hàn Quốc và Đài Loan, nhưng vì sao đến nay Việt Nam vẫn chưa có một cơ sở chế tạo chip, chất bán dẫn vi mạch nào?
Nhà máy Z181 từng sản xuất chất bán dẫn ở Việt Nam
Như Sputnik đã thông tin, Cục Công nghiệp công nghệ thông tin và Truyền thông (Bộ Thông tin và Truyền thông) vừa qua đã phối hợp Ban Quản lý Khu Công nghệ cao TP.HCM tổ chức Hội thảo “Giải pháp và cơ chế chính sách phát triển công nghiệp vi mạch bán dẫn Việt Nam”.
Tại Hội thảo, các chuyên gia, doanh nghiệp công nghệ thông tin cũng đưa ra một số định hướng phát triển ngành công nghiệp vi mạch bán dẫn Việt Nam, đề xuất một số chính sách, giải pháp để nâng cao vị trí của Việt Nam trong chuỗi giá trị công nghiệp vi mạch bán dẫn thế giới.
Đại diện Cục Công nghiệp công nghệ thông tin và Truyền thông, nghiên cứu phát triển (R&D) của ngành sản xuất chip (vi mạch) là một trong những hoạt động tốn kém nhất trong các ngành công nghệ hiện đại. Chi phí R&D trung bình ngành này chiếm tới 14,2% doanh thu. Trong bối cảnh tất cả các nền kinh tế lớn nhất thế giới như Mỹ, Nga, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, EU đều phân bổ hàng chục tỷ đô la cho ngành sản xuất chip, chất bán dẫn, Việt Nam cũng cần có chiến lược tự chủ chuỗi cung ứng sản xuất chip của riêng mình, phù hợp với điều kiện đất nước.
Tại Việt Nam, tháng 9/1979, Nhà máy bán dẫn Z181 được thành lập, sản xuất, xuất khẩu diode, transistor. Năm 2005, Trung tâm Nghiên cứu và đào tạo thiết kế vi mạch (ICDREC) ra đời và đào tạo được đội ngũ hàng trăm kỹ sư thiết kế chip, thiết kế thành công một số vi mạch mang thương hiệu Việt. Tuy nhiên, kể từ khi Nhà máy Z181 dừng việc sản xuất bán dẫn (đầu những năm 90 thế kỷ trước), đến nay, ở Việt Nam vẫn chưa xuất hiện thêm nhà máy sản xuất bán dẫn, chỉ có nhà máy của Intel và một số công ty FDI làm công đoạn máy lắp ráp, gia công, đóng gói.
Đại diện Cục Công nghiệp công nghệ thông tin và Truyền thông nhắc lại, hiện nay, các động nghiên cứu, thiết kế, sản xuất vi mạch, bán dẫn hiện đã được hưởng các ưu đãi cao nhất trong hệ thống chính sách ưu đãi đầu tư, thuế, tín dụng, thuê đất, thuê mặt nước từ Chính phủ. Nhưng Việt Nam vẫn thiếu “giải pháp đặc biệt và kế hoạch đầu tư từ Nhà nước” để phát triển ngành công nghiệp vi mạch bán dẫn.
Mới chỉ có Viettel và FPT tham gia với công đoạn thiết kế chip
Thực tế là, Việt Nam vẫn chưa có kế hoạch phát triển công nghiệp chip bán dẫn tầm cỡ quốc gia, được lên kế hoạch và đầu tư bài bản. Chính phủ chưa có mục tiêu hỗ trợ tài chính để phát triển công nghiệp chip bán dẫn.
“Ngoài ra, chúng ta đang phụ thuộc 100% nguồn cung chip bán dẫn từ nước ngoài như: Broadcom, Hitachi, Qualcomm, Samsung, SK Hylix. Trong khi các công ty trong nước chỉ có Viettel và FPT tham gia với công đoạn thiết kế chip”, đại diện Cục Công nghiệp công nghệ thông tin và Truyền thông nói.
Phát biểu tại hội thảo, GS.TS Đặng Lương Mô (cố vấn Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh), một chuyên gia đầu ngành, người có nhiều bằng sáng chế khoa học nước ngoài về ngành vi mạch bán dẫn cho rằng, chương trình Z181 của Giáo sư Trần Đại Nghĩa thật ra là rất sáng suốt.
“Chúng ta biết rằng, tháng 1/1975, Hàn Quốc cũng như Đài Loan, họ vẫn còn gia công lắp ráp. Cho nên có thể nói rằng, thời điểm đó, Việt Nam chúng ta đã bắt đầu làm vi mạch, có thể ít nhất là tương đương sớm như Hàn Quốc và Đài Loan”, GS.TS Đặng Lương Mô.
Theo GS. TS Đặng Lương Mô, đặc trưng của công nghiệp vi mạch bán dẫn là đầu tư ban đầu lớn, sản phẩm có tính thị trường toàn cầu, thế hệ công nghệ ngắn, cải tiến liên tục. Dù nỗ lực xây dựng nền công nghiệp bán dẫn vi mạch Việt Nam đã bắt đầu sớm, nhưng đến nay Việt Nam vẫn chưa có một cơ sở chế tạo bán dẫn vi mạch nào. Cũng theo ông Mô, sản xuất vi mạch đối với Việt Nam ngày nay không còn là vấn đề chỉ để bàn luận trên giấy tờ, mà phải làm ‘gấp, làm tới nơi tới chốn, làm cho thành công’.
“Một nhà máy sản xuất vi mạch bán dẫn gọi là thành công thì phải là thành công 100%, bởi đây là một khoản đầu tư lớn, không thể để cho lãng phí được”, chuyên gia lưu ý.
Cần có doanh nghiệp thiết kế vi mạch của người Việt Nam
TS. Huỳnh Phú Minh Cường, Phó Trưởng khoa Điện - Điện tử (Trường Đại học Bách khoa Thành phố Hồ Chí Minh) đồng tình với ý kiến của GS.TS Đặng Lương Mô và cho rằng, muốn phát triển công nghiệp vi mạch bán dẫn cần có doanh nghiệp thiết kế vi mạch của người Việt Nam.
“Việt Nam cần phát triển ngành vi mạch ở công đoạn thiết kế với lợi thế nguồn nhân lực trẻ, năng động sáng tạo”, ông Cường cho hay.
Ngành vi mạch hiện có ba loại hình kinh doanh gồm phần mềm thiết kế, sản xuất và đóng gói, thiết kế vi mạch. Trong đó, thiết kế vi mạch là công đoạn mang lại giá trị gia tăng cao nhất (khoảng 50%) và có doanh thu lớn nhất. Công đoạn lắp ráp, đóng gói chiếm giá trị thấp nhất, khoảng 6%.
Cùng với đó, một doanh nghiệp khởi nghiệp muốn thiết kế con chip phải mất từ 2-3 năm, chi phí cho các kỹ sư lên tới vài triệu USD, trong khi thị trường đầu ra chưa biết thế nào. Rất khó kêu gọi doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực này. Nhà nước phải có cơ chế, chính sách để kêu gọi đầu tư, đơn cử như nhà nước góp vốn 50-70% vào doanh nghiệp.
Chuyên gia cũng đề xuất hai hướng phát triển, một là thiết kế các loại chip phổ biến mà các doanh nghiệp trong nước đang sử dụng, vì đây là nhu cầu có sẵn, nhưng doanh nghiệp chỉ chọn chip có chất lượng cao, giá thành rẻ, đồng thời, nhà nước cần tham gia bảo hộ cho các chip được thiết kế trong nước, đảm bảo đầu ra khi thương mại hóa. Trong khi đó, ở thị trường ngách cũng có thể phát triển các dòng chip mới phục vụ một lĩnh vực để tạo lợi thế cạnh tranh.
“Để làm được, cần có đội ngũ nhân lực không chỉ biết sử dụng phần mềm thiết kế, kiểm tra chip mà cần cả kiến thức trong nhiều ngành khoa học và kinh nghiệm thực tế để hiểu được tính năng của chip khi vận hành”, TS. Huỳnh Phú Minh Cường nhấn mạnh.
Viettel đang phát triển chip thiết bị 5G, radar, vệ tinh
Đối với thiết kế vi mạch hiện nay, các doanh nghiệp Việt Nam chủ yếu có các công ty VHT (Viettel) và FPT Semiconductor tham gia với khoảng 200 nhân viên.
Trong khi đó, có khoảng 30 công ty nước ngoài đến từ Nhật, Mỹ, Đài Loan, Trung Quốc, Hàn Quốc đã đầu tư tại Việt Nam cùng với với đội ngũ nhân lực ước tính khoảng 5.000 kỹ sư, có thể đảm nhận công việc ở tất cả các mảng việc trong khâu thiết kế. Đã có nhiều công ty lớn của thế giới về IC design đã mở chi nhánh ở Việt Nam để tận dụng các kỹ sư Việt Nam có trình độ chuyên môn tốt và chi phí lương thấp. Vi dụ như: Synopsys, Qorvo, Renesas, Mircrochip tạo ra hàng ngàn kỹ sư thiết kế chip tại Việt Nam.
Hồi tháng 9 vừa qua, Khu công nghệ cao TP.HCM cùng công ty Synopsys, Mỹ đã phối hợp tổ chức đào tạo nhân lực thiết kế vi mạch do sinh viên, giảng viên ba đại học thuộc Đại học Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh. Synopsys sẽ cung cấp phần mềm thiết kế phục vụ hoạt động đào tạo với mục tiêu tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, theo nhu cầu doanh nghiệp về thiết kế vi mạch.
Với kinh nghiệm thực hiện các dự án vi mạch, nhân lực rất quan trọng, ông Nguyễn Mạnh Hải, Trưởng ban Nghiên cứu phát triển Viettel cho biết, lúc đầu đơn vị chỉ có 5 nhân sự làm lĩnh vực này. Tuy nhiên sau nhiều năm thu hút chuyên gia người Việt trong và ngoài nước số lượng đã lên đến hơn 60 người. Theo đại diện Viettel, doanh nghiệp cần xác định thị trường ngách để thiết kế chip, phục vụ cho nhu cầu một ngành, lĩnh vực cụ thể.
“Hiện chúng tôi phát triển chip cho các thiết bị 5G, radar, vệ tinh... đang thử nghiệm và sẽ trở thành sản phẩm thương mại trong một đến hai năm tới”, ông Nguyễn Mạnh Hải thông tin.
Nhiều chuyên gia cùng đồng thuận cho rằng, Việt Nam vẫn nên tập trung đầu tư nhà máy sản xuất, tham khảo công nghệ đóng gói hệ thống SIP 2.5D. Có thể tập trung vào các dòng sản phẩm cụ thể, như chip quản lý IC nguồn, chiếm giá trị cao, có ứng dụng, thị trường lớn, phù hợp với nguồn lực của Việt Nam.