Hé mở câu chuyện về cách một doanh nhân Việt - người Việt đầu tiên từng làm dậy sóng giới công nghệ quốc tế khi xuất khẩu máy bay không người lái (drone) sang Mỹ với giá bán thuộc hàng top thế giới nhờ vào chính tài năng và trí tuệ của người Việt.
TS. Lương Việt Quốc cũng là người đầu tiên nhận được giấy phép đầu tư vào khu công nghệ cao TP.HCM mở nhà máy sản xuất drone tại Việt Nam.
Người Việt đầu tiên xuất khẩu drone sang Mỹ
CEO RealTime Robotics Inc (RtR) Lương Việt Quốc đã chia sẻ những câu chuyện truyền cảm hứng, kinh nghiệm “xương máu” từ thất bại để đạt được thành quả trở thành người Việt đầu tiên xuất khẩu drone sang Mỹ.
Về ý tưởng để trở thành một start-up về phương tiện bay không người lái, ông Lương Việt Quốc trao đổi với tạp chí Đầu tư Tài chínhVietnamfinance cho biết, năm 2014, dự đoán drone sẽ trở thành xu hướng phát triển chung trên thế giới, được ứng dụng rộng rãi trong nhiều lĩnh vực nên ông đã quyết định khởi nghiệp về drone tại San Francisco (Mỹ).
Ba năm sau ông mở công ty RealTime Robotics Inc (RtR) ở Việt Nam, trở thành startup đầu tiên được cấp phép sản xuất drone tại khu công nghệ cao TP.HCM.
Đến năm 2022, ông Quốc đã đưa drone HERA đi dự 2 cuộc triển lãm tại Mỹ là Xponential 2022 (tại Orlando, Florida) và SOFIC 2022 (tại Tampa, Florida).
Ông Lương Việt Quốc, CEO Realtime Robotics bên chiếc drone quadcopter Hera
© Ảnh : Realtime Robotics
Drone HERA – “đứa con cưng” của TS. Quốc và RealTime Robotics Inc đã nhanh chóng nhận được sự tán dương của chuyên gia trong ngành với nhận định đạt chuẩn NDAA của chính phủ Mỹ.
Sự khác biệt của năng lực và bản lĩnh Việt Nam
Sản phẩm drone HERA có nhiều tính năng vượt trội, như: nhỏ gọn và cơ động, sức nâng tối đa lớn nhất (gấp 10 lần so với máy bay cùng cỡ), số lượng thiết bị có thể gắn cùng lúc nhiều gấp 4 lần, khả năng xử lý dữ liệu mạnh hơn nhiều drone cùng loại.
Theo vị doanh nhân, cũng chính nhờ vào sự khác biệt này, vượt qua cạnh tranh khốc liệt và khắt khe trong giới công nghệ Mỹ, tháng 8/2022, RtR hoàn tất hợp đồng đầu tiên xuất khẩu 3 chiếc drone HERA cho đại học Michigan (Mỹ).
Đáng mừng hơn, sau đó, công ty đã ký được hợp đồng với một nhà phân phối lớn drone ở Mỹ và Canada.
Được biết, đối tác RtR là công ty RMUS đặt mua HERA để phân phối cho 2 nhu cầu là thị trường dầu khí (dùng để phát hiện, dò tìm rò rỉ khí ga do HERA có OGI camera) và thị trường an toàn nơi công cộng (do HARA có mang cùng lúc camera màu và camera nhiệt, hệ thống thả vật dụng cứu hộ và có loa công suất lớn).
Ngoài ra, các lực lượng thực thi pháp luật ở California và Texas cũng đặt mua HERA để huấn luyện, theo ông Quốc.
Theo thông tin trên ấn phẩm Việt Nam, hiện giá của HERA hiện tại là 25.000 - 30.000 USD/chiếc, cao hơn 20% - 30% so với thị trường chung, nhưng sản phẩm của ông Quốc lại có được sự nhỏ gọn (bỏ vừa gọn ba lô đeo vai) và khả năng mang tải khá tốt.
Đội ngũ kỹ sư người Việt tài năng
Điểm đáng nói nhất chính là, sự khác biệt tạo nên năng lực và bản lĩnh Việt ở đây chính là 80% nhân viên RtR đến từ Đại học Bách Khoa TP. HCM và 20% còn lại là từ trường Sư phạm kỹ thuật TP. HCM.
Có thể nói, RtR đã phát triển được đội ngũ kỹ sư người Việt, từ thiết kế thân máy bay đến vật liệu, điện tử, lập trình điều khiển.
“Hiện toàn bộ đội ngũ nhân sự người Việt của RtR có thể chủ động chế tạo mọi bộ phận và phần mềm của drone”, - theo chia sẻ của TS. Lương Việt Quốc.
Nhìn lại chặng đường 7 năm startup với 3 lần đứng trước “lằn ranh sinh tử”, suýt phải đóng cửa công ty, ông Quốc hiểu rất rõ việc vì sao có ít, thậm chí rất ít nhà đầu tư chọn đi cùng với đơn vị khởi nghiệp trong ngành công nghệ cao, dù cho với xu hướng của toàn cầu, sự thành công của các ngành công nghệ cao có thể mang lại lợi nhuận gấp cả trăm lần vốn đầu tư ban đầu.
Ông Quốc cho biết, các nhà đầu tư thường hay hỏi các startup: khách hàng là ai, có doanh thu chưa, có thị trường tiêu thụ chưa, dự kiến sắp tới sẽ thế nào. Do đó, rất hiếm nhà đầu tư dám chấp nhận rủi ro, chi tiền vào công nghệ, vì chưa biết dự án sẽ phát triển như thế nào, ngắn hạn sau 2-3 năm chưa thể có kết quả mà dài hạn 5- 10 năm cũng chưa chắc có thành công hay không.
Tuy nhiên, mấu chốt thành công của startup công nghệ theo chia sẻ của ông Quốc chính là sự khác biệt.
“Cạnh tranh bằng khác biệt là con đường chông gai nhiều rủi ro. Không chỉ ở Việt Nam, trên thế giới có ít người thực hiện vì khó và rất ít người thành công”, - ông Quốc nhấn mạnh.
“Bán được cái khác biệt với giá cao mới là thành công”
Theo nhà sáng lập của RealTime Robotics, đầu tư kinh doanh trong ngành công nghệ cao là giải những bài toán hóc búa.
“Bài toán càng khó, rủi ro càng cao”, - theo TS. Lương Việt Quốc.
Thống kê cho thấy các startup công nghệ có tỷ lệ thất bại khá cao, lên tới 90% - 95% trong năm đầu.
Nguyên nhân được ông Quốc chỉ ra, là vì các kỹ sư khi sáng tạo luôn nghĩ ra cái độc đáo, cảm thấy hào hứng và hưng phấn với các ý tưởng mà chưa quan tâm đến yếu tố người dùng có cần, có sẵn sàng móc ví trả tiền hay không.
Trong khi đó, ở chiều ngược lại, những người có đầu óc kinh doanh có thể nhìn thấy nhu cầu thị trường, nhìn ra cái người tiêu dùng đang cần, nhưng họ lại không biết làm sao để thực hiện công nghệ cho nhu cầu này.
Kết nối được công nghệ - kinh doanh để đạt được thành công chính là thách thức trong đầu tư công nghệ. Với các ngành công nghệ cao sự kết nối lại càng ít và càng hiếm thành công.
Từ kinh nghiệm của chính mình với RtR, ông Lương Việt Quốc cho rằng, để đầu tư cho công nghệ cao đạt hiệu quả, cần có sự kết hợp nhuần nhuyễn giữa kiến thức công nghệ của chuyên gia lĩnh vực chuyên ngành với kiến thức kinh doanh của chuyên gia am hiểu thị trường, am hiểu cách kinh doanh, am hiểu người dùng.
“Sáng tạo ra cái khác biệt chỉ mới thành công về nghiên cứu, chỉ khi bán được cái khác biệt với giá cao mới là thành công”, - doanh nhân khẳng định.
Từ câu chuyện của RtR cũng cho thấy, giới công nghệ Việt Nam hiện nay đang rất cần có nhà đầu tư “đủ liều”, chấp nhận các rủi ro đi cùng họ.
Ở thời điểm hiện nay, việc nhà đầu tư “cắt vốn” giữa chừng là thách thức của giới công nghệ, thiếu tiền thì người có tâm huyết với công nghệ cũng bị dồn vào đường cùng.
Startup công nghệ làm được sản phẩm mang đi bán mới chỉ là khởi sự, để vươn lên thành doanh nghiệp mạnh thì cần chuyển mình từ nghiên cứu sang sản xuất công nghiệp hàng loạt.
Trong khi, bước vào sản xuất số lượng lớn đòi hỏi quy trình “công nghiệp hóa”, phải tính toán kiểm soát chất lượng với số lượng hàng loạt.
Doanh nhân Lương Việt Quốc cho biết, hiện công ty RtR đã nộp bằng bằng sáng chế và bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ toàn cầu cho HERA.
Đặc biệt, sau HERA, RtR đã nộp thêm 2 bằng sáng chế đột phá nữa về ứng dụng drone trong công nghiệp và quân sự cũng như đang chuẩn bị hồ sơ nộp bằng sáng chế thứ 4.
Tất cả những điều này, theo TS. Quốc, là nhằm tránh những “tai nạn” thường gặp như việc nhân viên của RtR bị “rủ” đi thì công ty cũng không bị sao chép sản phẩm, bán ra thị trường thế giới được.
Nhìn từ câu chuyện của ông Lương Việt Quốc, có thể thấy, rõ ràng, Việt Nam không thiếu tài năng, trí óc và năng lực của người Việt không hề thua kém bất kỳ một dân tộc nào, chỉ cần có điều kiện để phát triển và toả sáng. Một người Việt đã không chỉ sản xuất được máy bay không người lái (drone), mà còn xuất khẩu với giá cao sang thị trường Mỹ, nơi công nghệ cạnh tranh khốc liệt nhất.
Được biết, hiện RealTime Robotics sản xuất từ vài trăm đến 1.000 drone/năm. RtR cũng đang nhanh chóng hoàn thành thủ tục xây nhà xưởng trong Khu công nghệ cao TP.HCM vào cuối năm nay. Với nhà xưởng mới, công ty sẽ tăng công suất sản xuất gấp 10 - 20 lần hiện nay.
Dự kiến năm 2023, khi cơ sở sản xuất và các thị trường dần vào guồng, lợi nhuận của RtR sẽ đạt ít nhất 10 triệu USD và tăng trưởng ít nhất 50%/năm.
Chia sẻ với báo chí, ông Quốc cho hay, sau thị trường Mỹ, RtR có kế hoạch mở rộng sang nhiều thị trường quốc tế khác như châu Âu, Nhật Bản, Ấn Độ và sang cả châu Úc đến Australia, New Zealand… để drone của người Việt ngày càng tiếp cận nhiều thị trường quốc tế hơn nữa.