Đây là bằng chứng kế tiếp cho thấy Hoa Kỳ muốn quân sự hóa biển Hoa Nam (Biển Đông), ông Điền Tuấn Lệ đại diện chính thức của Bộ Tư lệnh Tác chiến phía Nam thuộc Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc tuyên bố hôm thứ Ba.
Tuần dương hạm Hoa Kỳ đi vào vùng Biển Đông
“Tuần dương hạm tên lửa USS Chancellorsville của Hoa Kỳ đã xâm nhập bất hợp pháp vào vùng nước quần đảo Nam Sa của Trung Quốc vào ngày 29 tháng 11 mà không có sự cho phép của Chính phủ Trung Quốc”, - ông Điền Tuấn Lệ Tian tố cáo trong tuyên bố đăng trên tài khoản mạng xã hội WeChat chính thức của Bộ Tư lệnh Tác chiến phía Nam thuộc QGPND Trung Quốc.
Theo lời ông, «hành động của quân đội Mỹ đã xâm phạm nghiêm trọng vào chủ quyền và an ninh của Trung Quốc, là thêm một bằng chứng không thể chối cãi khác về việc Hoa Kỳ muốn thống trị lưu thông vận tải biển và quân sự hóa biển Hoa Nam, đồng thời cũng chứng minh đầy đủ rằng Hoa Kỳ là nguồn gốc thực sự của những mối đe dọa trong lĩnh vực an ninh ở biển Hoa Nam».
Ông lưu ý rằng nhóm Hải quân thuộc Bộ Tư lệnh Tác chiến phía Nam của Trung Quốc đã hộ tống chiến hạm Mỹ và phát tín hiệu cảnh báo đòi tàu Mỹ rời khỏi khu vực.
“Trung Quốc sở hữu chủ quyền không thể phủ nhận đối với các đảo ởbiển Hoa Nam và các vùng biển lân cận, lực lượng của Bộ Tư lệnh Tác chiến phía Nam luôn duy trì trạng thái cảnh giác cao độ và kiên quyết bảo vệ chủ quyền, an ninh quốc gia cũng như hòa bình và ổn định ở biển Hoa Nam», - ông Điền tuyên bố.
Hải quân Hoa Kỳ bác bỏ tuyên bố của Trung Quốc
Hạm đội 7 thuộc Hải quân Hoa Kỳ nhấn mạnh rằng phía Trung Quốc đã dối trá khi tố cáo tuần dương hạm tên lửa USS Chancellorsville của Hoa Kỳ xâm nhập bất hợp pháp vào vùng biển thuộc Trung Quốc.
"Tuyên bố của Trung Quốc về sứ mệnh này là sai trái", - tuyên bố của Hạm đội 7 thuộc Hải quân Hoa Kỳ cho biết .
Theo khẳng định của phía Hoa Kỳ, tuần dương hạm tên lửa USS Chancellorsville tiến hành chiến dịch đảm bảo tự do lưu thông hàng hải "hoàn toàn phù hợp với luật pháp quốc tế", sau đó sẽ tiếp tục hoạt động ở vùng biển tuân theo nguyên tắc tự do của vùng biển mở.
Tranh chấp Biển Đông
Căng thẳng trên Biển Đông vẫn tiếp diễn trong nhiều năm do yêu sách của một số nước trong khu vực đối với quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa. Các quốc gia liên quan đến tranh chấp quyền sở hữu vùng lãnh thổ này là Việt Nam và Trung Quốc. Ngoài ra, Brunei, Malaysia, Đài Loan và Philippines cũng tuyên bố chủ quyền một phần hoặc toàn bộ quần đảo. Ngoài vị trí chiến lược nằm ở ngã tư của Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương, quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa còn được các chuyên gia đánh giá là nơi tập trung trữ lượng dầu và khoáng sản lớn.
Tại các Hội nghị, họp báo quốc tế, Bộ Ngoại giao Việt Nam luôn thể hiện rõ lập trường của Đảng, Nhà nước, Chính phủ về vấn đề tranh chấp ở Biển Đông, Hà Nội nhiều lần tái khẳng định chủ quyền đối với hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa.
Theo đó, Việt Nam có đầy đủ bằng chứng lịch sử và cơ sở pháp lý để khẳng định chủ quyền đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, phù hợp với luật pháp quốc tế, cũng như chủ quyền, quyền chủ quyền, và quyền tài phán đối với các vùng biển liên quan ở Biển Đông, vốn đã được xác lập phù hợp với Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật biển 1982 (UNCLOS 1982) cũng như Bộ Quy tắc ứng xử giữa các bên COC.