Phát sinh thêm 10 điểm ùn tắc: Lối đi nào cho Hà Nội?

HÀ NỘI (Sputnik) - Ngày 28/11, Sở Giao thông Vận tải gửi báo cáo UBND TP Hà Nội về tình hình ùn tắc giao thông. Theo đánh giá của lãnh đạo Sở Giao thông Vận tải, hiện nay, tình trạng ùn tắc giao thông trên địa bàn thành phố Hà Nội diễn biến hết sức phức tạp khi vừa xử lý được điểm ùn tắc này thì lại phát sinh thêm điểm mới.
Sputnik
Sở Giao thông Vận tải Hà Nội thống kê đến tháng 11/2022, thành phố có 7,7 triệu phương tiện giao thông. Trong đó ôtô hơn 1 triệu, xe máy trên 6,5 triệu, xe máy điện khoảng 180.000, chưa kể khoảng 1,2 triệu phương tiện từ các tỉnh thành. Trung bình những năm gần đây, số phương tiện tăng 4-5%/năm.
Trong khi đó, mạng lưới vận tải khách công cộng bằng xe buýt gồm 154 tuyến, mạng lưới xe buýt tiếp cận đến 30/30 quận, huyện, thị xã đạt 100%, tỷ lệ vận tải khách công cộng hiện nay đạt được khoảng 17,8%.
Bộ trưởng Thắng "gắt": Các đồng chí viết sẵn đơn đi
Theo quy hoạch phát triển giao thông vận tải TP Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, để đảm bảo giao thông vận tải thủ đô đáp ứng được các yêu cầu, tỷ lệ diện tích đất dành cho giao thông phải đạt 20-26%; diện tích đất dành cho giao thông tĩnh đạt 3-4%, tỷ lệ vận tải hành khách công cộng đạt 50-55%.
Nhưng hiện nay tỷ lệ diện tích đất dành cho giao thông trên diện tích đất xây dựng đô thị mới đạt được khoảng 10,07%; diện tích đất dành cho giao thông tĩnh dưới 1%; tỷ lệ vận tải hành khách công cộng đạt khoảng 17,8%.
“Trong khi đó, hàng năm các phương tiện giao thông gia tăng từ 4-5%/năm, vì vậy tình trạng ùn tắc giao thông trên địa bàn thành phố là không thể tránh khỏi và diễn biến ngày càng phức tạp, đòi hỏi cần phải có các giải phát đột phá để giải quyết tình trạng ùn tắc giao thông,” ông Thường đánh giá.
Đến hết tháng 11/2022, số điểm thường xuyên ùn tắc giao thông trong giờ cao điểm là 35 điểm, các điểm ùn tắc tập trung chủ yếu trong khu vực nội thành từ Vành đai 3 trở vào.
Bên cạnh đó, cau khi theo dõi, đánh giá tiến độ triển khai các dự án, Sở dự kiến phát sinh 10 điểm thường xuyên ùn tắc trong giờ cao điểm.
10 điểm đó là: Đường Nguyễn Xiển đoạn từ đường Nguyễn Trãi đến đường bao quanh khu tưởng niệm Chu Văn An; đường Nguyễn Trãi (đoạn từ ngõ 495 đến đường Nguyễn Xiển); ngã ba Kim Đồng - Giải Phóng; cầu Kim Đồng trên đường Kim Đồng; ngã tư Hồ Tùng Mậu - Mai Dịch; ngã tư Trần Phú - Phùng Hưng (Hà Đông); ngã tư Phùng Hưng - Tô Hiệu (Hà Đông); ngã tư Châu Văn Liêm - Lê Quang Đạo; khu vực cống Trung Văn; nút giao Lê Quang Đạo - đường gom đại lộ Thăng Long.
“Siêu” dự án đường sắt tốc độ cao – cuộc cách mạng đối với giao thông, kinh tế Việt Nam
Sở Giao thông Vận tải Hà Nội cho rằng ùn tắc do lưu lượng phương tiện rất lớn vào giờ cao điểm, mặt cắt đường bị thu hẹp để thi công và ý thức chấp hành Luật Giao thông đường bộ của một bộ phận người dân chưa cao.
Để giải quyết, Sở đưa ra những biện pháp trước mắt và lâu dài với từng điểm như tập trung đầu tư hoàn chỉnh các tuyến đường Vành đai; các tuyến trục chính có tính kết nối và các cầu khác qua sông để tăng tính kết nối; tăng cường phát triển vận tải hành khách công cộng để hạn chế phương tiện giao thông cá nhân nhằm giảm ùn tắc giao thông và ô nhiễm môi trường; nâng cao ý thức chấp hành pháp luật giao thông; tăng cường công tác kiểm tra, xử lý vi phạm trong lĩnh vực giao thông, vận tải…
Thảo luận