Giá USD quốc tế sụt giảm mạnh. Theo Investing, đồng bạc xanh của Mỹ tiếp tục giảm xuống mức thấp nhất trong 16 tuần so với rổ các loại tiền tệ chính trong bối cảnh Fed nỗ lực ổn định thị trường lãi suất.
Giá USD đột ngột giảm mạnh
Tỷ giá USD/VND ngày hôm nay tiếp tục có biến động mạnh khi giá USD liên tục thay đổi trên các bảng điện tử giao dịch tại nhiều ngân hàng thương mại tại Việt Nam.
Tỷ giá USD tại các ngân hàng giảm mạnh từ 330-370 đồng/USD ở cả chiều mua vào và bán ra so với mở cửa phiên sáng nay và so với phiên đầu tuần, giá USD đã giảm từ 540-570 đồng/USD ở cả 2 chiều. Tiếp đó, so với mức giá khảo sát đầu giờ sáng, giá USD tại một số ngân hàng tới cuối giờ chiều đã giảm tới 400 đồng, lùi sâu cận mốc 23.000 VND/ USD.
Sáng nay, tỷ giá trung tâm được Ngân hàng Nhà nước (NHNN) công bố ở mức 23.660 VND/USD, giảm 2 đồng so với mức niêm yết hôm qua. Áp dụng biên độ 5%, hiện tỷ giá USD các ngân hàng thương mại (NHTM) được phép giao dịch là từ 22.477 - 24.843 VND/USD.
Tỷ giá bán tham khảo tại Sở giao dịch NHNN được duy trì ở mức 24.840 VND/USD.
Tuy nhiên, đến chiều nay trước khi đóng phiên, tỷ giá USD tại các ngân hàng giảm mạnh giao dịch quanh mức 23.990-24.300 đồng/USD. Đây được cho là mức giảm sâu nhất trong thời gian gần đây.
Cụ thể, tỷ giá USD tại Vietcombank hiện chỉ còn 23.960-24.300 đồng/USD, giảm 330-360 đồng so với đầu giờ sáng nay. VietinBank giảm mạnh 370-390 đồng ở cả hai chiều mua và bán, hiện ở ngưỡng 23.950 – 24.270 VND/USD. Tại ngân hàng BIDV giảm tới 400 đồng ở mỗi chiều, xuống còn 23.950 – 24.230 VND/USD.
Ngân hàng Eximbank thông báo từ 23.980-24.250 đồng/USD, giảm 370 đồng/USD. ACB giảm 340 đồng ở chiều mua và 320 đồng chiều bán. HDBank niêm yết ở mức 23.970 - 24.270 đồng/USD; Eximbank niêm yết ở 24.000 - 24.250 đồng/USD.
Tỷ giá tại Sacombank mức niêm yết là 24.020– 24.230 VND/USD, giảm 305 đồng ở mỗi chiều. Ở Techcombank giảm 320 đồng chiều mua và 310 đồng chiều bán so với sáng nay, đang niêm yết USD ở mức 23.985– 24.290 VND/USD.
Các ngân hàng thương mại cổ phần tư nhân khác cũng ghi nhận đà giảm của USD như TPBank hiện đang giao dịch quanh mức 24.810-24.300 đồng/USD, MB đang áp dụng tỷ giá từ 23.950-24.300 đồng/USD;
Trên thị trường liên ngân hàng, tỷ giá sụt giảm mạnh khi chốt phiên buổi sáng ở mức 24.385 VND/USD, giảm tiếp 150 đồng, tương đương 0,47% so với chốt phiên 1/12.
Vì saođồng bạc xanh yếu đi?
Thực tế, so với phiên đầu tuần, tỷ giá USD được Ngân hàng Nhà nước điều chỉnh cũng như giao dịch tại các ngân hàng đều ghi nhận đà giảm ở cả hai chiều mua và bán.
Trên thị trường quốc tế, hiện chỉ số US Dollar Index (DXY), đo lường biến động đồng bạc xanh với 6 đồng tiền chủ chốt (EUR, JPY, GBP, CAD, SEK, CHF) tiếp tục giảm, ở mức 104,5 điểm, mức tụt rất sâu so với mức đỉnh quanh 115 điểm thiết lập hồi cuối tháng 9/2022.
Đặc biệt, tỷ giá USD/VND sụt giảm mạnh trong bối đồng bạc xanh liên tục đi xuống kể từ sau tuyên bố của Chủ tịch Fed Jerome Powell liên quan đến nỗ lực củng cố triển vọng nâng lãi suất chậm lạitại Viện Brookings ở Washington D.C vào ngày 30/11 vừa qua.
Trong bài phát biểu mới nhất của Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Hoa Kỳ, ông Powell cho biết, Fed có thể giảm tốc độ tăng lãi suất ngay sau tháng 12, nhưng cũng cảnh báo cuộc chiến chống lạm phát của Mỹ còn kéo dài và mệt mỏi.
Dữ liệu của Trading Economics, chỉ số sức mạnh đồng USD đã rơi từ vùng 107 điểm xuống 104,67 điểm, xuống mức thấp nhất trong vòng 5 tháng qua.
Việt Nam thêm nguồn cung ngoại tệ
Ở Việt Nam, sau giai đoạn tăng mạnh hồi giữa tháng 10 theo xu hướng tăng lãi suất của Fed, tỷ giá trung tâm của Đồng Việt Nam so với USD được Ngân hàng Nhà nước niêm yết cũng nằm trong xu hướng đi ngang và giảm dần trong nửa cuối tháng 11.
Thực tế, giá bán USD tại Sở giao dịch NHNN sau 6 lần điều chỉnh tăng liên tiếp từ đầu năm đã được điều chỉnh giảm trong 3 lần gần nhất, hiện cố định ở 24.840 đồng/USDcùng các nỗ lực bình ổn trên thị trường ngoại hối của Việt Nam.
Về nguồn cungngoại tệ, càng về cuối năm, cận Tết Dương lịch và Tết Nguyên đán, thậm chí chỉ trong khoảng một tháng trở lại đây, nhiều doanh nghiệp Việt Nam lần lượt đón lượng ngoại tệ lớn từ hoạt động vay nước ngoài với quy mô khá lớn.
Trong khi đó, giải ngân vốn FDI tại Việt Nam cũng đang ở vùng tăng trưởng cao nhất 5 năm trở lại đây. Đây là những tín hiệu tích cực giúp củng cố nguồn cung ngoại tệ và bình ổn thị trường ngoại hối của đất nước.