Những người Việt chống phát xít Đức bảo vệ Matxcơva
22:43, 5 Tháng Mười Hai 2022
Ngày 5 tháng 12 là một trong những ngày vinh quang quân sự của nước Nga. Vào ngày này năm 1941, Hồng quân Liên Xô đã mở đầu cuộc phản công ở ngoại ô Matxcơva - bước ngoặt đầu tiên trong cuộc Chiến tranh Vệ quốc vĩ đại chống lại quân xâm lược Đức Quốc xã.
SputnikHitler định biến Matxcơva thành một hồ chứa nước khổng lồ
Ngày 22 tháng 6 năm 1941,
nước Đức phát xít bất ngờ tấn công Liên Xô mà không hề tuyên chiến. Vào đầu tháng 10, phát xít Đức mở đợt tấn công lớn thẳng vào Matxcơva chỉ còn cách thủ đô Liên Xô khoảng 20km. Nếu ai có dịp chạy xe theo xa lộ cao tốc từ sân bay Sheremetyevo vào thành phố Matxcơva, hẳn cũng nhận thấy ở ven đường (quãng giữa cung đường mất nửa giờ xe) có những cọc bê tông “lông nhím” khổng lồ dựng tua tủa. Đó là biểu tượng hàng rào chống tăng, được kiến thiết để ghi nhớ rằng vào mùa thu năm 1941, chính nơi đây đã là tuyến mặt trận tiền tiêu.
Gần Matxcơva, Hồng quân phải đối đầu với hai triệu quân địch được hơn 14.000 pháo, 1.700 xe tăng và 1.500 máy bay chi viện.
Hitler cổ vũ quân đội của y với những lời lẽ ngạo mạn như sau: "Toàn bộ các thủ đô châu Âu đã cúi đầu trước chúng ta. Chỉ còn lại một Matxcơva. Hãy cho nó thấy sức mạnh của vũ khí Đức!".
Hitler vênh vang hứa rằng vào ngày 7 tháng 11 năm 1941 y sẽ thân chinh duyệt
cuộc diễu binh của quân đội Đức trên Quảng trường Đỏ, rồi sau đó sẽ ra lệnh nhấn chìm thành phố, biến nơi đây thành một cái hồ khổng lồ.
Matxcơva xây dựng tuyến phòng thủ
Cả binh lính và người dân đều quyết tâm bảo vệ Matxcơva. Các sư đoàn tinh nhuệ hơn cả và các kỹ thuật quân sự được điều về Matxcơva. Đến trung tuần tháng 11 trong thành phố và trên các cửa ngõ tiếp giáp đã lập ra 600 km công sự chống bộ binh và chướng ngại vật chống xe tăng, trang bị 3.700 ụ hỏa lực, dựng 37.000 hàng rào "con nhím" chống tăng - chính là những con nhím như tượng đài bê tông được dựng lên trên con đường từ Sheremetyevo. Đã lập ra các đội dân phòng, có hàng trăm nghìn người dân Matxcơva xung phong ghi tên tham gia. Chỉ đến ngày thứ tư của cuộc chiến đã bắt đầu hình thành Lữ đoàn cơ giới đặc biệt, đi vào lịch sử với tên gọi viết tắt là OMSBON.
Những người Việt trong đội ngũ OMSBON
Lữ đoàn OMSBON bao gồm khoảng 20 nghìn chiến sĩ, được thành lập chủ yếu để thực hiện các nhiệm vụ phá hoại trong hậu phương địch. Vì những chiến công và lòng dũng cảm trong những năm chiến tranh, hơn năm nghìn chiến sĩ OMSBON đã được trao tặng các huân chương, huy chương. 23 người trong số họ đã được trao tặng danh hiệu cao quý nhất "Anh hùng Liên Xô". Trong thành phần OMSBON, ngoài các đơn vị riêng biệt cho các hoạt động ở hậu phương địch, còn có hai trung đoàn súng trường cơ giới. Một trung đoàn bao gồm những vận động viên Liên Xô giỏi nhất thời bấy giờ.
Và trung đoàn thứ hai, theo đề xuất của Ban chấp hành Quốc tế Cộng sản, đã được thành lập từ những người di cư chính trị, chủ yếu là những người cộng sản nước ngoài khi ấy đang ở Matxcơva.
Trung đoàn quốc tế bao gồm hai nghìn người. Trong số đó có khoảng ba trăm người cộng sản Tây Ban Nha đã rời bỏ quê hương sau thất bại của nền cộng hòa, hơn một trăm người Bulgaria. Trong thành phần trung đoàn có cả những người Đức, người Séc, người Ba Lan, người Hungary, người Ý, người Hy Lạp, người Pháp. Ông Ivan Vinarov đảng viên Cộng sản Bulgaria được bổ nhiệm làm chính ủy trung đoàn. Năm 1968, tại Bulgaria ấn hành cuốn hồi ký của ông Ivan Vinarov, và đến năm 1971 cuốn sách này được xuất bản ở Matxcơva. Trên trang thứ 356 của cuốn hồi ký, Ivan Vinarov viết rằng, trong đội ngũ trung đoàn quốc tế của OMSBON có 6 người Việt Nam.
Các chiến sĩ người Việt tham gia cuộc duyệt binh huyền thoại trên Quảng trường Đỏ
Ngày 6 tháng 11 năm 1941 Đức Quốc xã ném vào Matxcơva 250 máy bay. Các chiến sĩ bảo vệ thủ đô đã không cho bất kỳ phi cơ nào lọt vào bầu trời thành phố. Trong buổi tối cùng ngày, theo thông lệ lâu năm, đã diễn ra các cuộc họp trang trọng dành kỷ niệm Cách mạng tháng Mười, chỉ không tổ chức ở Nhà hát Bolshoi như trước đây mà là trong tiền sảnh dưới lòng đất của ga tàu điện ngầm "Mayakovskaya". Theo truyền thống, vào sáng ngày 7 tháng 11 thường có diễu hành lễ hội trên Quảng trường Đỏ. Nhưng vào tháng 11 của năm 1941 đầy biến cố, ít ai nghĩ rằng vẫn có duyệt binh, bởi từ Quảng trường Đỏ đến tuyến phòng thủ phía trước chỉ vẻn vẹn 20-25 km.
Thế nhưng, sáng sớm hôm đó ban chỉ huy OMSBON nhận được lệnh ngay lập tức phân công một số đơn vị có sự chuẩn bị tốt nhất để tham gia cuộc diễu binh trên Quảng trường Đỏ, rồi sau đó lại trở về vị trí chiến đấu.
Ba đại đội của OMSBON được rút khỏi vị trí trực chiến cùng với đầy đủ vũ khí, và đồng loạt với các đơn vị khác, họ đến Quảng trường Đỏ. Đi đều bước trong hàng ngũ của OMSBON có 6 người Việt.
Ông Ivan Vinarov Chính ủy OMSBON viết trong hồi ký: "Vào ngày đó, Matxcơva giá buốt, tuyết lạnh bao phủ mọi thứ, hơi thở cũng biến thành đám mây nhỏ dày đặc. Tôi dõi nhìn khuôn mặt các chiến sĩ đều bước ngang qua… Đó là gương mặt của những con người sẵn sàng lấy thân mình chặn đứng dòng tấn công sắt thép hung hãn của bọn xâm lược. Đó là gương mặt của những con người đã gắn kết với nhau bởi ý chí thống nhất - quyết giành chiến thắng. Đó là các tráng sĩ! Bao nhiêu người đã ngã xuống để bảo vệ Matxcơva, họ đã hoàn thành nhiệm vụ của mình một cách đầy phẩm giá…".
Ngay sau cuộc duyệt binh, các quân nhân vừa đều bước trên Quảng trường Đỏ lập tức trở về vị trí chiến đấu. Và chẳng bao lâu sau đó, quân đội Liên Xô chuyển sang thế phản công, đánh bật bọn Đức Quốc xã khỏi cửa ngõ Matxcơva. Trong hàng ngũ Hồng quân xông lên kháng địch có cả những chiến sĩ tình nguyện người Việt.
Người đồng đội hồi tưởng lại
Trả lời phỏng vấn của Đài phát thanh Matxcơva, tức Sputnik ngày nay, ông Alexandr Kazitsky, cựu chiến binh OMSBON đã nhớ lại như sau:
"Tôi không giữ các chức vụ chỉ huy, và tôi không có nhiều cơ hội giao tiếp với các đồng chí Việt Nam. Tôi đã mấy lần gặp những chiến sĩ người Việt khi đang hành quân hay ở trận địa tiền tiêu. Tôi được chứng kiến họ nhắm bắn chính xác vào quân thù. Các đồng ngũ cùng trung đoàn đều nói rằng đó là những con người dũng cảm. Đôi lần tôi chuyện trò cùng họ và tin chắc rằng các chiến sĩ người Việt này nói tiếng Nga thạo, thích hát những bài ca Nga.
Trong chiến tranh, ngay cả trong những ngày khó khăn nhất, bài hát là nguồn động viên. Những chiến sĩ tình nguyện người Việt này đã cùng đồng đội Nga chia sẻ mọi khó khăn gian khổ ngoài mặt trận. Mặc dù, tất nhiên, đối với họ điều đó khó khăn hơn so với người Nga chúng tôi: dù họ thích nghi phần nào với cái lạnh, nhưng, sương giá vào mùa đông năm đó rất khắc nghiệt..."
Danh tính các anh hùng người Việt trong trái tim chúng ta
Vào Ngày Vinh quang Quân sự của nước Nga, chúng tôi đặc biệt tưởng nhớ những người Việt đã đứng lên bảo vệ Matxcơva. Chúng ta biết gì về họ?
Sáu người trong số người Việt hiện diện ở Mátxcơva vào lúc bắt đầu chiến tranh đã tình nguyện gia nhập OMSBON. Điều này được nhắc đến trong hồi ký của ông Ivan Vinarov, chính ủy trung đoàn quốc tế OMSBON, nhà lãnh đạo quân sự lừng danh của Liên Xô, Tướng Shtemenko đã lãnh đạo Bộ Tổng Tham Mưu Xô Viết trong những năm chiến tranh, và người lãnh đạo Ủy ban An ninh Nhà nước Liên Xô (KGB), Trung tướng Pavel Sudoplatov.
Danh tính của 4 chiến sĩ Việt Nam tham gia OMSBON đã được xác minh.
Đó là Lý Nam Thanh, Lý Thúc Chất và Lý Anh Tạo. Ba người Việt này là nhóm thanh niên ưu tú do Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi sang Nga từ Quảng Đông vào năm 1926. Hành trình từ miền nam Trung Quốc đến Nga rất khó khăn và nguy hiểm. Vì vậy, đồng hành cùng các bạn trẻ trên chặng đường xa này đã có một người trưởng thành nhiều kinh nghiệm hơn. Tên ông là Vương Thúc Tình. Vào năm 1985, nhân dịp kỷ niệm 40 năm Ngày chiến thắng phát xít, các liệt sĩ Hồng quân người Việt này đã được Nhà nước Xô-viết truy tặng Huân chương Chiến tranh Vệ quốc hạng Nhất. 40 năm trước Sputnik Việt Nam đã bắt đầu tìm kiếm thông tin về những người Việt Nam tham gia bảo vệ Matxcơva.
Trong quá trình tìm hiểu xác minh số phận của họ đã xác định được rằng, Lý Nam Thanh, Lý Anh Tạo và Lý Thúc Chất đã hy sinh như những người lính gan dạ trong các trận giao tranh ác liệt ở ngoại ô Matxcơva vào đầu năm 1942. Về cái chết của Vương Thúc Tình có giả định rằng, sau khi phát xít Đức bị đánh tan ở cửa ngõ Matxcơva, ông cũng như những nhà cách mạng đến Matxcơva từ một số nước châu Á khác khi đó bị quân Nhật chiếm, đã được ban lãnh đạo Liên Xô phái về quê hương. Nhiệm vụ của họ như sau: thông qua hoạt động đẩy mạnh phong trào cách mạng trong nước để làm lực lượng quân phiệt Nhật Bản suy yếu. Nhưng trên đường về quê hương, khi đang ở lãnh thổ Trung Quốc, vào cuối năm 1942, ông Vương Thúc Tình đã bị lính Tưởng Giới Thạch bắt giữ và bắn chết. Tên tuổi hai chiến sĩ Hồng quân người Việt còn lại có thể là Lý Văn Minh và Lý Chí Thông cũng được Hồ Chí Minh gửi từ Quảng Châu.
Sau khi ba người đồng đội hy sinh trong các trận đánh ở ngoại ô Matxcơva vào mùa hè năm 1942, họ tiếp tục chiến đấu chống phát xít, thực hiện công tác giáo dục chính trị tại trường dành cho các chỉ huy lữ đoàn cấp dưới. Một người trong số họ vào cuối năm 1942 là nhân viên điện đài của OMSBON. Nhưng hai cái tên này chỉ là phỏng đoán. Hiện chưa có nhiều tài liệu về hai người này.
Một chiến sĩ người Việt khác cũng từng tham gia chiến đấu bảo vệ Matxcơva là ông Lý Phú San. Tên thật của ông là Lê Tư Lạc. Tên gọi Lý Phú San do Chủ tịch Hồ Chí Minh đặt. Kể từ năm 1937, ông Lý Phú San sống ở Matxcơva, làm việc trong một viện quân y thủ đô. Năm 1941, khi quân phát xít tấn công Liên Xô, ông Lý Phú San nộp đơn xin nhập ngũ. Nhưng do tình trạng sức khỏe, ông được cử về hậu phương. Làm công tác chăm sóc thương binh, bệnh binh trong quân y viện, ông Lý Phú San nhiều lần hiến máu cứu người. Ông cũng tham gia xây dựng các hầm hào phòng thủ ở ngoại ô Matxcơva.
Ông cùng các đồng đội hàng đêm luân phiên túc trực ở trạm phòng không, cảnh báo khi máy địch xuất hiện, dập tắt những đám cháy do bom phát xít gây ra. Vào năm 1942, ông cùng bệnh viện sơ tán đến vùng Ural. Ông đã được trao tặng huy chương "Vì Lao động dũng cảm trong Chiến tranh Vệ quốc vĩ đại". Sau chiến thắng, năm 1956, ông trở về quê hương, nơi ông qua đời vào năm 1980. Năm 1985, ông được truy tặng Huân chương Chiến tranh Vệ quốc hạng nhất.
Vào ngày vinh quang quân sự của nước Nga, chúng tôi tưởng nhớ và tri ân các anh hùng liệt sĩ đã hy sinh trong cuộc chiến tranh chống lại chủ nghĩa phát xít Đức và chủ nghĩa quân phiệt Nhật Bản. Chúng tôi tôn vinh ký ức của tất cả những người tham gia Chiến tranh Vệ quốc vĩ đại của nhân dân Liên Xô. Và trong số đó có những người Việt Nam đã kề vai sát cánh với nhân dân Nga chống lại kẻ thù chung của tất cả nhân loại.