Ngày 6/12, kết luận phiên họp Thường trực Chính phủ về điều hành chính sách tài khóa, chính sách tiền tệ, kinh tế vĩ mô cuối năm 2022 và đầu năm 2023, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính ghi nhận ý kiến của các đại biểu; đồng thời phân tích tình hình, trong đó nêu rõ, dự báo thời gian tới có cả thời cơ, thuận lợi, khó khăn thách thức đan xen, song khó khăn, thách thức nhiều hơn. Do đó, không thỏa mãn với những kết quả đạt được, không chạy theo thành tích, không chủ quan, lơ là; đồng thời phải kiên trì, kiên định với mục tiêu, giải pháp; bình tĩnh, bản lĩnh trong quá trình chỉ đạo, điều hành.
“Đã nỗ lực rồi, nỗ lực hơn nữa; đã tập trung trọng tâm, trọng điểm rồi, cần tập trung trọng tâm, trọng điểm hơn nữa; đã hiệu quả rồi, hiệu quả hơn nữa,” Thủ tướng nhấn mạnh.
Thủ tướng yêu cầu các Bộ, ngành phải chủ động nắm chắc tình hình cả trong nước và quốc tế, nhất là nắm chắc diễn biến thị trường tính dụng, trái phiếu doanh nghiệp, bất động sản; lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm; dự báo chính xác tình hình để chỉ đạo, điều hành linh hoạt, phù hợp; dứt khoát không điều hành giật cục, chuyển đổi trạng thái đột ngột; không điều hành lúc thì quá lỏng lẻo, lúc lại quá chặt chẽ; không cầu toàn, không nóng vội; tiếp tục thực hiện các chính sách đang thực hiện có hiệu quả và có hiệu ứng tích cực đối với nền kinh tế, người dân, doanh nghiệp; tập trung cho sản xuất kinh doanh, mở rộng thị trường, tháo gỡ khó khăn cho người dân, doanh nghiệp.
Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các Tổ công tác của Chính phủ tiếp tục hoạt động tích cực, hiệu quả hơn nữa; phát huy những kết quả đạt được, tiếp tục tháo gỡ khó khăn cho người dân, doanh nghiệp theo thẩm quyền và đề xuất các cơ chế xử lý các vấn đề vượt thẩm quyền.
Ngân hàng Nhà nước phải bảo đảm thanh khoản, ổn định hệ thống ngân hàng an toàn; thực hiện tăng hạn mức tín dụng hợp lý, hiệu quả cho các doanh nghiệp hoạt động đúng pháp luật, đúng mục tiêu, tập trung vào 3 đột phá chiến lược và tập trung vào 3 động lực tăng trưởng gồm đầu tư, tiêu dùng, xuất khẩu; tăng cường giám sát, kiểm tra, “đúng, trúng” mục tiêu, tránh tiêu cực, đầu cơ chính sách; kiểm soát các hoạt động tín dụng nhân dân; bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người dân, doanh nghiệp và các chủ thể liên quan bằng bất cứ hoàn cảnh nào.
Ngân hàng Nhà nước xây dựng các giải pháp điều hành chính sách tiền tệ hợp lý theo tinh thần chủ động, chắc chắn, linh hoạt, hiệu quả. Bảo đảm thanh khoản, ổn định hệ thống ngân hàng một cách an toàn; tìm điểm cân bằng giữa tỉ giá và lãi suất, giữa kiểm soát lạm phát và thúc đẩy tăng trưởng.
Về các giải pháp chính sách tài khóa, cần phải đẩy mạnh hơn nữa giải ngân đầu tư công, các cơ quan, đơn vị, địa phương rà soát lại hằng tuần, hằng tháng tiến độ giải ngân, điều chỉnh kịp thời theo hướng dẫn của bộ, ngành và chỉ đạo của Chính phủ.
“Phải tuân thủ quy luật thị trường, quy luật cung cầu, quy luật cạnh tranh; nhưng khi nảy sinh các vấn đề phải có sự điều tiết của Nhà nước để thị trường hoạt động bình thường trở lại,” Thủ tướng chỉ rõ.
Các bộ, ngành, chủ động cung cấp thông tin để các cơ quan báo chí, truyền thông đẩy mạnh truyền thông chính sách; làm cho người dân, doanh nghiệp hiểu, hưởng ứng, tổ chức thực hiện và củng cố niềm tin vào thị trường. Cùng với đó, phải thực hiện nghiêm túc các chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ một cách hiệu quả; phải phối hợp chặt chẽ, hiệu quả với nhau để thực hiện các chính sách đã đề ra, có trách nhiệm bảo đảm thực hiện thành công; các Bộ trưởng phải phối hợp chặt chẽ với nhau; phát huy tối đa vai trò của Bộ trưởng; giao Phó Thủ tướng Lê Minh Khái thành lập 1 tổ công tác để ban hành 1 Nghị định sửa nhiều Nghị định liên quan.
Thủ tướng Phạm Minh Chính lưu ý dịp cuối năm, sắp tới Tết Nguyên đán, nên phải đảm bảo cung ứng đầy đủ mặt hàng thiết yếu, giữ ổn định mặt bằng giá cả, phù hợp với thu nhập của người dân và chi phí của doanh nghiệp.
Người đứng đầu Chính phủ yêu cầu có chính sách hỗ trợ người dân mua nhà ở xã hội; rà soát các dự án bất động sản để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp; sửa quy định về chính sách hỗ trợ lãi suất, rà soát đánh giá lại tác động của chính sách này, vừa phải đề xuất phương án chuyển nguồn này cho mục tiêu khác; có giải pháp hạn chế rủi ro về đầu tư nước ngoài; có giải pháp cho thị trường trái phiếu phát triển công khai, minh bạch, có giải pháp chi trả cho người dân dịp Tết; chống sở hữu chéo ngân hàng; xây dựng các giải pháp về chính sách tiền tệ hợp lý, bảo đảm chính sách tiền tệ hoạt động theo đúng chỉ đạo của Chính phủ là chủ động, chắc chắn, linh hoạt, hiệu quả.
Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành phối hợp giải quyết các vướng mắc trong thủ tục đầu tư; thúc đẩy xây dựng, quản lý quy hoạch; xử lý dứt điểm các dự án đang bị ách tắc; dứt khoát không để đứt gãy chuỗi cung ứng lao động; khắc phục những hạn chế, bất cập trong cơ cấu lao động; nghiên cứu hỗ trợ người thất nghiệp, nhất là trong dịp Tết.
Với thị trường bất động sản cần tập hợp, đề xuất giải quyết các vướng mắc về thủ tục đầu tư; phối hợp với các địa phương, hướng dẫn các doanh nghiệp cơ cấu lại các dự án; đề xuất sửa đổi các nghị định liên quan Luật đất đai, nghị định 49, nghị định 100 về nhà ở xã hội…, thúc đẩy chương trình 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội.
“Tất cả các chính sách, việc thi hành chính sách đều nhằm nâng cao đời sống vật chất, tin thần cho nhân dân; góp phần xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ, chủ động, tích cực hội nhập sâu rộng, hiệu quả; xây dựng đất nước hùng cường, thịnh vượng, người dân ngày càng ấm no, hạnh phúc,” Thủ tướng nhấn mạnh.