Chiều 6/12, phát biểu bế mạc hội nghị toàn quốc quán triệt các nghị quyết hội nghị Trung ương 6 khóa XIII, Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng khẳng định, nội dung các nghị quyết đã cụ thể hóa chủ trương lớn, nhất quán của Đảng, là xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa; đổi mới phương thức lãnh đạo, cầm quyền của Đảng; đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
Thường trực Ban Bí thư lưu ý, trong quá trình thực hiện nghị quyết phải kiên định, vận dụng sáng tạo Chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, thực hiện nghiêm các nguyên tắc tổ chức và hoạt động của Đảng, đặc biệt là nguyên tắc tập trung dân chủ. Đối với những vấn đề thực tiễn đòi hỏi mà đã rõ, được thực tiễn chứng minh, có sự thống nhất cao thì kiên quyết đổi mới, thực hiện. Những vấn đề cần thiết nhưng chưa rõ, còn nhiều ý kiến khác nhau thì tiếp tục nghiên cứu, tổng kết, thực hiện thí điểm. Những chủ trương đã thực hiện nhưng không phù hợp thì nghiên cứu, điều chỉnh, sửa đổi kịp thời.
Thường trực Ban Bí thư cho rằng, thực tế có những vấn đề dù thấy không hợp lý, nhưng bàn nhiều mà chưa sửa được.
“Một thông tư của Bộ Y tế về mua sắm trang thiết bị, vật tư y tế, đấu thầu, đấu giá, nhưng sửa mãi vẫn không được. Chỗ nào cũng nói thiếu thuốc, thiếu vật tư, trang thiết bị y tế, nhưng khi sửa thông tư để đẩy nhanh quá trình mua sắm, đấu thầu này lại làm rất chậm”, ông Võ Văn Thưởng nói.
Thường trực Ban Bí thư cũng lưu ý, không nóng vội nhưng cũng không để chậm, làm ảnh hưởng đến sự phát triển; đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, làm rõ hơn nữa chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của tổ chức, cá nhân trong bộ máy nhà nước; khắc phục cho được tình trạng cấp dưới đi hỏi cấp trên những vấn đề thuộc về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mình; hoặc cấp trên trả lời chung chung khi có vướng mắc.
“Chuyện của mình mà cứ đi hỏi cấp trên là hoàn toàn không đúng rồi. Nhưng khi có vướng mắc, hỏi các bộ, ngành lại để đến 3 tháng, 5 tháng, thậm chí 6 tháng mới trả lời “đề nghị giải quyết theo quy định của pháp luật”, lại càng không đúng”, ông Thưởng nói.
Trong các nghị quyết, Trung ương nêu quyết tâm xây dựng đội ngũ cán bộ đủ phẩm chất, năng lực, uy tín; đề cao tinh thần năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, vì lợi ích chung; đồng thời nhấn mạnh phương châm "có vào, có ra, có lên, có xuống".
"Điều này không phải bây giờ chúng ta mới nói mà trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa hơn 20 năm trước đã đặt ra, nhưng cơ bản là chúng ta chưa thực hiện được", ông Thưởng nói, cho rằng "lên thì khó nhưng xuống cũng không dễ, thậm chí còn khó hơn. Vào thì khó vì có quy trình 5 bước, nhưng ra cũng toát mồ hôi hột".
Sau khi Trung ương ban hành quy định 41 về miễn nhiệm, từ chức với cán bộ, Bộ Chính trị có kết luận 20 về chủ trương bố trí công tác đối với cán bộ thuộc diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý sau khi bị kỷ luật, một số trường hợp đã được giải quyết. Cán bộ được từ chức nếu không đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ, có sai phạm, bị kỷ luật.
Theo ông Thưởng, ở một số nước, cán bộ có sai lầm, dưới sức ép của nội bộ đảng, dư luận xã hội sẽ phải từ chức. Do đó, Việt Nam cũng cần đặt ra sức ép trong đảng, xã hội, tổ chức để cán bộ từ chức khi có khuyết điểm, sai phạm.
“Người ta cứ phê bình chúng ta là không có văn hoá từ chức. Nhưng cũng chẳng có ở đâu từ chức lại nâng lên thành văn hoá cả. Các thể chế chính trị khác, việc từ chức thường rơi vào hai trường hợp: Người ta có sai lầm trong công tác và có sức ép trong nội bộ đảng của họ. Như Thủ tướng Anh, ban đầu nói không từ chức, nhưng do sức ép trong nội bộ đảng là phải từ chức, đồng thời sức ép của dư luận xã hội, như vậy người ta mới từ chức. Chúng ta cũng phải đặt ra một sức ép trong đảng, trong xã hội, trong tổ chức, để cán bộ từ chức khi có khuyết điểm, sai phạm”, ông Võ Văn Thưởng nêu.
Thường trực Ban Bí thư cũng đề cập các trường hợp Ủy viên Trung ương bị kỷ luật cảnh cáo. Các nhiệm kỳ trước bị cảnh cáo vẫn làm, nhưng vừa qua đã cho những trường hợp bị cảnh cáo nghỉ. Đó cũng là một cách theo văn hoá của Việt Nam.
“Nó là sức ép từ tổ chức, từ dư luận xã hội để cho công việc tốt hơn. Tôi tin rằng, với xu hướng này sắp tới cũng sẽ tốt hơn”, ông Thưởng nói và cho biết, tới đây cũng sẽ có chủ tịch UBND tỉnh từ chức để đảm nhận nhiệm vụ tốt hơn, theo tinh thần ngã chỗ nào thì đứng dậy chỗ đó.
Ngoài ra, có trường hợp cán bộ không bị kỷ luật, nhưng cảm thấy bị sức ép công việc nặng nề, không đảm đương tốt nhiệm vụ cũng có thể xin chuyển qua công việc khác ít sức ép hơn.
"Nghị quyết đã nêu rất rõ là chúng ta phải kịp thời bố trí lại cán bộ bị kỷ luật, năng lực hạn chế, uy tín giảm sút mà không cần phải chờ hết nhiệm kỳ. Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nói, chọn người, thay người cũng là một vấn đề quan trọng trong lãnh đạo", ông Thưởng nhấn mạnh.