Việt Nam: Công nhân mất việc ồ ạt rút BHXH

Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cho biết, tình hình rút bảo hiểm xã hội (BHXH) có thể gia tăng.
Sputnik
Bày tỏ lo ngại về làn sóng rút bảo hiểm xã hội một lần, lãnh đạo Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam lưu ý, hiện đã có hơn 42.000 lao động mất việc, dự báo sau Tết còn có thể có thêm trên 15.000 người.

Việt Nam: Làn sóng ồ ạt rút BHXH một lần

Tại Việt Nam, theo quy định, sau một năm nghỉ việc, người lao động không tìm được việc làm mới, không phát sinh đóng bảo hiểm xã hội, sẽ đủ điều kiện làm thủ tục nhận trợ cấp một lần nhưng về già sẽ không có lương hưu.
Người lao động sẽ nhận được tiền qua tài khoản đăng ký với cơ quan BHXH sau 7 ngày hoàn thành hồ sơ.
Những tháng cuối năm, do tình trạng đơn hàng sụt giảm, hoạt động kinh doanh sản xuất của nhiều doanh nghiệp bị đình trệ, sa sút, hoặc phải cắt giảm công suất, cho công nhân nghỉ việc luân phiên, tình trạng nộp hồ sơ ồ ạt xin rút BHXH 1 lần tăng đột biến.
Việt Nam không cần quá giàu, nhưng có cuộc sống an toàn và nhiều tình yêu thương
Số liệu từ Tổng Liên đoàn Lao động thống kê từ 44 địa phương cho thấy, đã có trên 472 ngàn công nhân bị ảnh hưởng, ít nhất trên 41,5 ngàn người mất việc. Do đó, làn sóng rút bảo hiểm xã hội một lần được dự báo sẽ gia tăng.
Sáng nay 7/12, chia sẻ tại cuộc họp báo chăm lo Tết cho người lao động, ông Phan Văn Anh, Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cho hay, trong các giai đoạn khó khăn, làn sóng rút bảo hiểm xã hội (BHXH) một lần đã xảy ra dù “các cơ quan quản lý không hề muốn”, công đoàn cũng tích cực tuyên truyền công nhân gắn bó với sản xuất.
Ông Phan Văn Anh cho biết: “Với tình trạng thiếu đơn hàng, sản xuất tiếp tục khó khăn từ nay đến giữa năm sau, làn sóng này có thể gia tăng. Hiện ngoài 42.000 công nhân mất việc, còn có hơn 500.000 người thiếu việc làm tại 1.500 doanh nghiệp trên cả nước”.
Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam nhấn mạnh, trong bối cảnh hiện nay, rất cần chính sách hỗ trợ kịp thời lẫn những thay đổi mang tính căn cơ, lâu dài trong chính sách lương hưu, BHXH tại Việt Nam.
Công đoàn cũng mong muốn rằng, BHXH Việt Nam, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội sẽ sớm báo cáo lên cấp có thẩm quyền xem xét trích Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp, giãn đóng BHXH để hỗ trợ doanh nghiệp cho đến khi tình hình sản xuất trong nước ổn định trở lại.
Lãnh đạo Tổng Liên đoàn cho hay, những chính sách này đều đã được luật định, thẩm quyền quyết định là ở Quốc hội.

Giúp công nhân mất việc thế nào?

Về kinh phí công đoàn (trích 2% quỹ lương đóng BHXH) mà doanh nghiệp đóng hàng tháng, ông Phan Văn Anh cho hay, tới đây, khi sửa Luật Công đoàn sẽ tính toán để sửa đổi theo hướng trực tiếp báo cáo Thường vụ Quốc hội trong trường hợp bất khả kháng để “sớm xử lý”.
Nóng xăng dầu, tiền tệ, trái phiếu, Chính phủ ra chỉ đạo đặc biệt
Đối với phí công đoàn (người lao động đóng 1% tiền lương đóng BHXH), thuộc thẩm quyền của Tổng Liên đoàn, ông Anh cho biết sẽ nghiên cứu cho lùi đóng với những người lao động bị cắt giảm việc trong những doanh nghiệp bị ảnh hưởng đơn hàng.
Trở lại với đề xuất gia hạn một số chính sách hỗ trợ của gói 26 ngàn tỷ đồng (Nghị quyết 68), lãnh đạo Tổng Liên đoàn đánh giá, việc này là “hoàn toàn hợp lý”. Do ban hành gói mới vào cuối năm sẽ mất thời gian, trong khi ngày càng nhiều doanh nghiệp lẫn lao động bị ảnh hưởng bởi các biến động bên ngoài.
Theo Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Tổng Liên đoàn trích kinh phí hỗ trợ công nhân bị cắt giảm việc làm, có hoàn cảnh khó khăn mỗi người một suất 500.000 đồng, dự kiến khoảng 1 triệu lao động sẽ được thụ hưởng nguồn hỗ trợ này.
Có 22 tỉnh thành sẽ tổ chức các phiên chợ Tết để công nhân mua sắm đồ dùng thiết yếu, giá cả các mặt hàng sẽ thấp hơn thị trường từ 15-50%.
Trước thềm Tết Quý Mão, Công đoàn, trung ương Đoàn huy động doanh nghiệp hỗ trợ trên 5.000 phần quà Tết cho người lao động khó khăn ở 11 tỉnh/thành phố. Mỗi suất trị giá 700.000 đồng gồm 300.000 đồng tiền mặt và nhu yếu phẩm.
Công đoàn cơ sở cũng sẽ lập danh sách từng hoàn cảnh, lấy ý kiến người lao động – không để phát sinh thủ tục rườm rà.
Lượng người rút bảo hiểm xã hội một lần tăng cao gây ra hệ lụy gì?

Khó khăn gia tăng

Đáng chú ý, Công đoàn dự báo rằng, từ nay đến hết Quý II/2023, có thể các doanh nghiệp sẽ còn tiếp tục cắt giảm thêm 15 ngàn lao động, 271.700 người sẽ bị giảm giờ làm.
Cá biệt, có thể có tình trạng chủ doanh nghiệp bỏ trốn, nợ lương, nợ BHXH, cũng như các chế độ khác, hay lợi dụng tình hình để thanh lọc lao động trên 35 tuổi nhằm tuyển dụng người trẻ hơn, chi phí thấp hơn.
Thời gian qua, tình hình kinh doanh sản xuất khó khăn cũng khiến tình trạng ngừng việc tập thể tăng lên ở Việt Nam. Theo VnExpress, tính tới cuối tháng 11, đã có 144 cuộc ngừng việc tại các khu công nghiệp, khu chế xuất, khu kinh tế khắp đất nước, tăng 53 cuộc so với cùng kỳ năm ngoái 2021.
Nguyên nhân của các cuộc đình việc tập thể chủ yếu vẫn liên quan đến vấn đề lương, phúc lợi bị cắt giảm hoặc chưa được điều chỉnh trong khi lao động bị giảm thu nhập, bớt giờ làm, nguồn tích lũy sau hai năm dịch bệnh đã cạn mà giá cả đời sống sinh hoạt tăng cao, kéo theo nhiều khó khăn, dồn nén.

Hệ thống hưu trí đa tầng

Báo cáo của Tổng cục Thống kê về tình hình thất nghiệp trong độ tuổi lao động quý 3/2022 và 9 tháng đầu năm nay cho biết, tỷ lệ thất nghiệp trong độ tuổi lao động quý III năm 2022 là 2,28%, giảm 0,04 điểm phần trăm so với quý trước và giảm 1,70 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm trước.
Sự kiện ‘thiên nga đen’ và tâm lý đám đông kéo chứng khoán Việt Nam suy giảm kỷ lục
Tuy nhiên, Tỷ lệ thất nghiệp của thanh niên 15-24 tuổi quý III năm 2022 là 8,02%, tăng 0,39 điểm phần trăm so với quý trước và giảm 0,87 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm trước. Tỷ lệ thất nghiệp của thanh niên khu vực thành thị là 10,54%, cao hơn 3,84 điểm phần trăm so với khu vực nông thôn.
Tổng cục Thống kê cũng lưu ý, trong bối cảnh thị trường lao động ngày càng đòi hỏi, yêu cầu tay nghề cao, kỹ năng cũng như mở cửa nền kinh tế sau đại dịch, cơ hội của nhóm lao động làm công việc tự sản tự tiêu trên thị trường lao động là “rất khó khăn”.
Số người thất nghiệp trong độ tuổi lao động 9 tháng năm 2022 là gần 1,08 triệu người, giảm 251 nghìn người so với cùng kỳ năm trước. Tỷ lệ thất nghiệp trong độ tuổi lao động 9 tháng năm 2022 là 2,35%, giảm 0,64 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm trước.
Tại Việt Nam, việc nhận BHXH một lần gia tăng trong thời gian qua, đặc biệt là do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, đây được coi là thách thức không nhỏ trong quá trình hoàn thiện và tổ chức thực hiện chính sách an sinh xã hội.
Thống kê cho thấy, hiện ở Việt Nam mới chỉ có gần 34% lực lượng lao động tham gia BHXH, nếu số người rút BHXH nhiều hơn số người đóng, sẽ gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến hệ thống an sinh sau này.
Năm nay nhiều doanh nghiệp tại TP.HCM không có tiền thưởng Tết
Đồng thời, tình trạng rút BHXH gia tăng trong bối cảnh độ bao phủ của bảo hiểm xã hội còn chậm dễ dẫn đến nguy cơ mất an ninh thu nhập tuổi già, làm gia tăng gánh nặng ngân sách, chi phí trợ cấp hỗ trợ lương hưu cho người cao tuổi sau này.
Nhiều chuyên gia đã kiến nghị các nhà làm chính sách rằng, Việt Nam nên thiết kế hệ thống hưu trí đa tầng, linh hoạt độ tuổi hưởng lương hưu để giải quyết vấn đề rút BHXH một lần và già hóa dân số.
Hiện Bộ Lao động Thương binh và Xã hội đang nghiên cứu sửa Luật BHXH hướng đến việc xây dựng hệ thống BHXH đa tầng, linh hoạt. Theo đó, sẽ bổ sung quy định trợ cấp hưu trí xã hội, BHXH cơ bản (gồm BHXH bắt buộc và BHXH tự nguyện), bảo hiểm hưu trí bổ sung.
Trong đó, tầng hưu trí xã hội sẽ được điều chỉnh theo hướng người lao động đã tham gia BHXH nhưng không đủ điều kiện hưởng lương hưu hàng tháng, không nhận BHXH một lần sẽ được hưởng trợ cấp hưu trí xã hội sớm hơn và mức trợ cấp hàng tháng cao hơn.
Thảo luận