Nóng xăng dầu, tiền tệ, trái phiếu, Chính phủ ra chỉ đạo đặc biệt
Đăng ký
Hành động khẩn, Chính phủ vừa có chỉ đạo đặc biệt với Ngân hàng Nhà nước và hàng loạt Bộ: Công Thương, Tài Chính, Kế hoạch và Đầu tư, Thông tin và Truyền thông, Công an.
Chính phủ yêu cầu NHNN có giải pháp hạn chế tình trạng găm giữ ngoại tệ, chuyển tài sản bằng tiền đồng sang ngoại tệ, ngăn chặn tình trạng đô la hoá và vàng hoá trong nền kinh tế.
Thủ tướng cũng huy động nhiều Bộ, ngành cùng giải quyết tình trạng thiếu hụt xăng dầu, tránh gây bức xúc trong dư luận và nhân dân, đảm bảo duy trì an ninh năng lượng quốc gia trong mọi tình huống.
NHNN chặn tình trạng đô la hoá và vàng hoá trong nền kinh tế
Chính phủ vừa ban hành Nghị quyết 143/NQ-CP phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 10/2022. Trong đó, Chính phủ Việt Nam yêu cầu Ngân hàng Nhà nước (NHNN) điều hành lãi suất, tỷ giá, tín dụng linh hoạt, phù hợp với diễn biến tình hình.
Chính phủ cũng cho phép NHNN có biện pháp can thiệp thị trường ngoại hối khi cần thiết theo quy định, bảo đảm ổn định thị trường tiền tệ và hệ thống các tổ chức tín dụng.
“Đồng thời có giải pháp hạn chế tình trạng găm giữ ngoại tệ, chuyển tài sản bằng tiền đồng sang ngoại tệ, ngăn chặn tình trạng đô la hoá và vàng hoá trong nền kinh tế”, Nghị quyết 43 nêu rõ.
Nghị quyết 43 của Chính phủ cho biết, thời gian tới, dự báo tình hình thế giới tiếp tục diễn biến nhanh, phức tạp, khó lường cả về chính trị, an ninh, kinh tế, xã hội; xung đột Nga - Ukraina kéo dài, tăng trưởng kinh tế thế giới chậm lại.
“Nguy cơ suy thoái kinh tế và rủi ro về tài chính, tiền tệ, an ninh năng lượng, lương thực gia tăng”, Chính phủ nêu và lưu ý, ở trong nước, khó khăn, thách thức nhiều hơn thời cơ và thuận lợi.
Sức ép lạm phát, tỷ giá, lãi suất tăng; dịch bệnh, biến đổi khí hậu, thiên tai, hạn hán, bão lũ tiếp tục diễn biến bất thường, ảnh hưởng đến đời sống và sản xuất, kinh doanh.
Theo đó, Chính phủ yêu cầu NHNN chủ trì, phối hợp với các cơ quan, địa phương điều hành chính sách tiền tệ “thận trọng, chắc chắn, chủ động, linh hoạt, hiệu quả”, phối hợp chặt chẽ, đồng bộ với chính sách tài khóa mở rộng hợp lý, có trọng tâm, trọng điểm và các chính sách khác.
Cung cấp đủ vốn tín dụng cho nền kinh tế
Chính phủ nhấn mạnh NHNN đảm bảo cung cấp đủ vốn tín dụng cho nền kinh tế, tập trung vào sản xuất kinh doanh, các lĩnh vực ưu tiên và các động lực tăng trưởng; kiểm soát chặt chẽ tín dụng vào các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro.
“Kịp thời nắm tình hình, có giải pháp phù hợp hỗ trợ, chỉ đạo các ngân hàng thương mại đáp ứng nhu cầu vốn cho thương nhân nhập khẩu xăng dầu, than, góp phần tháo gỡ khó khăn, bảo đảm an ninh năng lượng”, Chính phủ chỉ đạo rõ.
Nghị quyết cũng đề cập việc tăng cường công tác thông tin, truyền thông, góp phần ổn định thị trường tiền tệ, củng cố niềm tin thị trường, tâm lý của nhà đầu tư, người dân và doanh nghiệp.
Chính phủ yêu cầu NHNN sớm tổng hợp các khó khăn, vướng mắc trong triển khai thực hiện Nghị định số 31/2022/NĐ-CP về hỗ trợ lãi suất 2% từ ngân sách nhà nước đối với khoản vay của doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh, báo cáo, đề xuất Thủ tướng Chính phủ. Trường hợp cần thiết, kịp thời đề xuất cấp có thẩm quyền phương án điều chỉnh nguồn vốn sang chương trình khác để nâng cao hiệu quả chính sách hỗ trợ.
Bộ Tài chính tháo gỡ khó khăn về trái phiếu doanh nghiệp
Tại Nghị quyết 43 vừa ban hành, Chính phủ yêu cầu Bộ Tài chính kịp thời tháo gỡ khó khăn cho thị trường trái phiếu doanh nghiệp đang biến động hết sức phức tạp.
Cụ thể, Chính phủ yêu cầu Bộ Tài chính phối hợp với các cơ quan, địa phương tập trung triển khai thực hiện Nghị định số 65/2022 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 153/2020 quy định về chào bán, giao dịch trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) riêng lẻ tại thị trường trong nước và chào bán trái phiếu doanh nghiệp ra thị trường quốc tế.
Bộ Tài chính phải rà soát, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện, ổn định thị trường trái phiếu doanh nghiệp, báo cáo Chính phủ để sửa đổi (nếu cần thiết). Nghị quyết của Chính phủ cũng yêu cầu Bộ Tài chính phải có giải pháp xử lý kịp thời các khó khăn trong ngắn hạn liên quan đến trái phiếu doanh nghiệp và thúc đẩy thị trường phát triển lành mạnh, hiệu quả, bền vững trong trung hạn, dài hạn.
“Sớm báo cáo đánh giá từng loại trái phiếu, việc đáo hạn trái phiếu doanh nghiệp phát hành riêng lẻ trong quý IV/2022 và năm 2023, đề xuất giải pháp xử lý chủ động, phù hợp, hiệu quả với diễn biến tình hình”, Chính phủ lưu ý.
Đối với vấn đề xăng dầu đang đặc biệt nóng, Chính phủ đề nghị Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp chặt chẽ với Bộ Công Thương trong việc điều chỉnh ngay các chi phí liên quan trong công thức tính giá cơ sở xăng dầu (chi phí đưa xăng dầu từ nước ngoài về cảng Việt Nam, chi phí bảo hiểm, chi phí kinh doanh định mức…) cho phù hợp và sát với tình hình thực tế.
Chỉ đạo khẩn về tình hình xăng dầu đang gây bức xúc trong nhân dân
Trong bối cảnh tình hình cung cấp nhiên liệu, thị trường xăng dầu trong nước diễn biến căng thẳng, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái đã ký Công điện số 1085/CĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc quản lý, điều hành mặt hàng xăng dầu tối qua 11/11 và có hiệu lực ngay từ hôm nay 12/11.
Theo Chính phủ, thời gian vừa qua, thị trường xăng dầu trong nước có hiện tượng một số doanh nghiệp kinh doanh bán lẻ xăng dầu đóng cửa, tạm ngừng kinh doanh hoặc bán với số lượng hạn chế.
“Tình trạng này tập trung tại một số tỉnh, thành phố phía Nam, sau đó đã lan ra các địa phương phía Bắc, gây ảnh hưởng đến tâm lý xã hội và đời sống sinh hoạt của nhân dân”, Chính phủ lưu ý.
Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã có nhiều văn bản chỉ đạo, giao nhiệm vụ cụ thể cho các Bộ, cơ quan liên quan. Qua theo dõi, Thủ tướng đánh giá các Bộ, ngành liên quan cũng đã có nhiều nỗ lực để bảo đảm nguồn cung cho thị trường trong nước.
“Tuy nhiên, kết quả xử lý chưa có chuyển biến rõ nét, tình trạng thiếu hụt xăng dầu cục bộ vẫn tiếp tục diễn ra, gây bức xúc trong dư luận và nhân dân”, Chính phủ thẳng thắn.
Do vậy, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ trưởng Công Thương chỉ đạo ngay các thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu cung cấp đầy đủ xăng dầu cho thị trường trong nước, bảo đảm tuyệt đối không để thiếu hụt, đứt gãy nguồn cung xăng dầu trong mọi tình huống, đáp ứng nhu cầu của nền kinh tế và tiêu dùng của xã hội.
Bộ Công Thương cần tăng cường kiểm tra, giám sát việc bảo đảm tổng nguồn xăng dầu tối thiểu của các thương nhân theo đúng quy định, triển khai quyết liệt các giải pháp theo thẩm quyền để khắc phục tình trạng thiếu hụt xăng dầu cục bộ ngay từ ngày 12/11.
Khẩn trương rà soát, đề xuất sửa đổi bổ sung Nghị định số 95/2021/NĐ-CP và Nghị định số 83/2014/NĐ-CP về kinh doanh xăng dầu theo trình tự, thủ tục rút gọn. Chính phủ lưu ý, việc sửa đổi, bổ sung các Nghị định này phải bảo đảm khoa học, hợp lý, hiệu quả, khả thi, đáp ứng yêu cầu thực tiễn và công tác quản lý nhà nước, hài hòa lợi ích của nhà nước, người dân và doanh nghiệp, báo cáo Chính phủ trong tháng 11/2022.
Cấp đủ vốn, rà soát điều chỉnh chi phí xăng dầu
Chỉ đạo khẩn của Thủ tướng, Chính phủ được đưa ra trong bối cảnh thị trường Việt Nam những ngày qua vẫn thiếu hụt, khan hiếm nguồn hàng xăng dầu, gián đoạn vì nhiều lý do.
Nhiều cửa hàng bán lẻ đóng cửa, tạm ngừng kinh doanh hoặc bán nhỏ giọt tại một số tỉnh, thành phố phía Nam, sau đó lan ra các địa phương phía Bắc, thậm chí lan lên tận Lào Cai, Sơn La. Người dân phải xếp hàng dài, chờ đợi tới đêm để mua xăng, dầu vô cùng khổ sở.
Nói về trách nhiệm của Bộ Tài chính, Thủ tướng yêu cầu Bộ trưởng Tài chính cần chủ trì, phối hợp với Bộ trưởng Công Thương và các doanh nghiệp đầu mối định kỳ trước ngày 20 hàng tháng rà soát, tổng hợp, thống kê các chi phí liên quan đến kinh doanh xăng dầu.
Bộ Tài chính chủ động xem xét việc điều chỉnh theo quy định, bảo đảm sát với thực tiễn của thị trường và hoạt động của doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu, thực hiện ngay nhiệm vụ này để phục vụ kỳ điều hành giá ngày 21/11 tới. Các doanh nghiệp đầu mối kinh doanh xăng dầu có trách nhiệm báo cáo kịp thời, trung thực, chính xác các thông tin theo yêu cầu của Bộ Tài chính.
Thủ tướng cũng giao Bộ trưởng các Bộ Công Thương, Tài chính, Bộ KH&ĐT xử lý những khó khăn, vướng mắc trong công tác quản lý xăng dầu dự trữ quốc gia; hoàn thiện phương án nâng mức dự trữ quốc gia xăng dầu theo chỉ đạo của lãnh đạo Chính phủ và quy định của Luật Dự trữ quốc gia và các văn bản hướng dẫn liên quan.
Riêng Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Chính phủ yêu cầu phối hợp chặt chẽ với Bộ trưởng Công Thương chỉ đạo các ngân hàng thương mại rà soát cụ thể vướng mắc của từng doanh nghiệp đầu mối kinh doanh xăng dầu để xử lý, hỗ trợ tháo gỡ kịp thời và tạo điều kiện tối đa bảo đảm nguồn vốn tín dụng cho doanh nghiệp theo đúng quy định của pháp luật.
Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông hợp chặt chẽ với Bộ trưởng các Bộ Công Thương, Tài chính chỉ đạo các cơ quan báo chí để thông tin tuyên truyền có định hướng, phản ánh khách quan, trung thực, toàn diện về tổng thể thị trường xăng dầu trong nước và thế giới trong bối cảnh có nhiều khó khăn như hiện nay, ổn định tâm lý xã hội và người dân, tránh gây hoang mang trong dư luận.
Bộ trưởng Công Thương, Chủ tịch HĐTV Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam chỉ đạo Nhà máy lọc dầu Nghi Sơn, Công ty CP Lọc Hóa dầu Bình Sơn có phương án phân phối xăng dầu hợp lý, ưu tiên nhu cầu mua hàng của doanh nghiệp đã và đang nhập khẩu xăng dầu để hỗ trợ bù đắp chi phí.
Bộ trưởng các Bộ Công Thương, Công an, Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố và Thủ trưởng các cơ quan chức năng tăng cường kiểm tra, giám sát, kịp thời ngăn chặn, xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật đối với hành vi đầu cơ găm hàng, buôn lậu xăng dầu qua biên giới và các hành vi vi phạm khác trong kinh doanh xăng dầu. Bên cạnh đó cũng tạo điều kiện để các doanh nghiệp duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh, bảo đảm nguồn cung xăng dầu và an ninh năng lượng quốc gia.